BÀ RỊA – VŨNG TÀU- Chồng mất vì tai nạn giao thông được 20 ngày, con gái út hai tuổi phát hiện bị ung thư máu khiến chị Hiệp suy sụp tưởng không gượng dậy nổi.
Mới bốn tháng trước, cuộc sống của gia đình chị Trần Thị Hiệp (33 tuổi) ở ấp Phước Tân, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền vẫn được coi là mơ ước của nhiều người. Chồng là bộ đội đóng quân ở Bình Phước, vợ làm kế toán, thu nhập không cao nhưng đủ trang trải cuộc sống và nuôi hai con gái (7 tuổi và 2 tuổi).
Đặc thù công việc buộc chồng đi làm xa, mỗi tháng tranh thủ một, hai ngày phép về thăm vợ con khiến chị Hiệp phải cân bằng công việc và quán xuyến gia đình. Vất vả nhưng người phụ nữ 33 tuổi tâm niệm, vợ chồng phải biết san sẻ khó khăn, cùng vun vén hạnh phúc.
Đầu tháng 4, bất ngờ nhận tin chồng qua đời sau tai nạn giao thông khi đi làm, chị Hiệp vội bắt xe lên Bình Phước đón anh về. “Mấy ngày trước anh vừa về với ba mẹ con, cả gia đình vẫn ngồi ăn cơm, bàn tính những dự định sắp tới”, chị Hiệp nhớ lại.
Từ lúc đó, chị xin cơ quan cho nghỉ phép về chịu tang chồng, chăm sóc hai con. Đứa út 2 tuổi quá nhỏ, con lớn 7 tuổi chưa cảm nhận nỗi đau nhưng thi thoảng vẫn hỏi “bố đi làm bao giờ mới về? sao mẹ lại khóc? con gọi bố về dỗ mẹ nhé” khiến chị trực trào nước mắt.
Nỗi đau chưa kịp nguôi ngoai thì ngày 21/4, chị phát hiện con gái út Trần Ngọc Bích đột nhiên hâm hấp sốt, liên tục đổ mồ hôi. Theo dõi 3-4 ngày thấy tình hình không cải thiện, chị Hiệp đưa con đến phòng khám gần nhà và được chỉ định uống bổ sung sắt.
Sau 10 ngày điều trị không đỡ, chị chuyển con xuống bệnh viện tỉnh kiểm tra. Tại đây bác sĩ chẩn đoán Ngọc Bích bị hạ 3 dòng (bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu), cần truyền máu theo dõi thêm.
Không an tâm, người phụ nữ 33 tuổi tiếp tục đưa con đến bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM) để thăm khám. Bác sĩ lấy máu xét nghiệm rất nhanh xác định bé gái 2 tuổi bị bạch cầu cấp dòng lympho (một dạng của ung thư máu), buộc phải nhập viện gấp.
Nghe thông báo, chị đứng không vững, chưa thể tin lời bác sĩ bởi chưa đầy một tháng đã phải chịu hai cú sốc lớn. “Cứ nghĩ đến cảnh đứa trẻ mới bập bẹ tập nói, gương mặt ngây thơ chuẩn bị phải tiếp nhận các đợt hóa trị mà lòng tôi đau như lửa cắt”, chị kể.
Những ngày đầu nhập viện không dễ dàng với hai mẹ con. Trong phòng bệnh, Ngọc Bích là bệnh nhi nhỏ tuổi nhất, chưa biết nói hay thể hiện cảm xúc buộc người thân và các bác sĩ phải theo dõi sát sao.
Chưa quen thuốc nên con mệt, chỉ nằm li bì một chỗ, không chịu ăn uống, hay quấy khóc suốt đêm. Mỗi lúc nhìn con gái nhỏ nằm lọt thỏm trong vòng tay cựa người vì đau đớn, chị lại đỏ hoe mắt. Không ít lần chị nói chạnh lòng khi thấy các giường bên đều có vợ chồng luân phiên chăm sóc con.
“Tôi cũng thèm cảm giác được chồng ở bên phụ đỡ chăm con, cần có người an ủi, động viên, nhưng thực tại không cho phép. Giờ đây tôi phải mạnh mẽ để trở thành chỗ dựa tinh thần cho cả gia đình, cùng con chiến đấu với bạo bệnh”, người phụ nữ 33 tuổi tâm sự.
Thương con gái vất vả, mẹ chị Hiệp đã ngoài 70 tuổi cũng từ Vũng Tàu xuống TP HCM mỗi đợt cháu vào thuốc, bởi biết cần có người trúc tực bên giường bệnh.
Từ ngày chồng mất, bản thân nghỉ làm khiến toàn bộ chi phí chạy chữa cho con phụ thuộc vào khoản tiền tích góp ít ỏi của hai vợ chồng. Muốn tiết kiệm chi phí, cơm ngày hai bữa chị đều trông chờ vào các đoàn từ thiện, con ăn thừa bao nhiêu mẹ sẽ ăn nốt. Thi thoảng, chị cũng mua sữa bột để con bổ sung chất, tăng sức đề kháng.
Thừa nhận sẽ gặp khó khăn về kinh tế khi thời gian điều trị kéo dài nhưng chị Hiệp nói sẽ dồn toàn sức lực, thậm chí phải đi vay mượn để cứu con.
“Chỉ khi Ngọc Bích khỏe mạnh trở lại tôi mới an tâm đi làm, ba mẹ con mới có cơ hội đoàn tụ thay vì cảnh mỗi người một nơi. Bên cạnh đó, tôi phải thay chồng nhận trách nhiệm làm bố, làm mẹ, nuôi dạy hai con khỏe mạnh, sống tốt để anh ở suối vàng cũng an lòng”, chị Hiệp bộc bạch.
Chị Nguyễn Thị Cô Tốp, trưởng ấp Phước Tân, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, cho biết hoàn cảnh của gia đình chị Hiệp vô cùng éo le khi chồng mới mất, bố mẹ đẻ già yếu, gia đình chồng ở Quy Nhơn không thể phụ đỡ. Nay chị Hiệp đang đưa con nhỏ đi điều trị ung thư tại TP HCM, riêng con gái lớn 7 tuổi đang nhờ cậu mợ chăm sóc.
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước.
Quỳnh Nguyễn
Điểm trường làng Hrách và Lơ Pơ, huyện Kông Chro được Quỹ Hy vọng và các đơn vị tài trợ xây mới thay thế cho những lớp học đã xuống cấp, thấm dột. Ngày 14/11, gần 100 học sinh, giáo viên Điểm trường Hrách thuộc…
Học sinh trường TH & THCS Quang Minh tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng và ăn liên hoan trong ngày hội do Quỹ Hy vọng và De Heus tổ chức. Ngày hội dinh dưỡng học đường chủ đề “Vững bụng đến trường” được tổ…
Jomoo Việt Nam và trường Hy Vọng đã ký biên bản tài trợ thiết bị trị giá 2 tỷ đồng cho 138 phòng vệ sinh trong ngôi trường mới dành cho 300 trẻ mồ côi vì Covid-19, chiều 14/11. Phát biểu tại buổi ký kết,…
Men vi sinh chứa các vi sinh vật có lợi, hỗ trợ cải thiện cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cải thiện sức khỏe cơ thể song cần tránh lạm dụng. Nội dung: Văn HàThiết kế: Ngân Hà
Dự án Vệ sinh học đường giúp sức khỏe của 98% học sinh được cải thiện nhờ thay đổi thói quen sinh hoạt như rửa tay thường xuyên, không phóng uế bừa bãi, dọn dẹp định kỳ. Đỗ Nam – Kim Anh
Công ty De Heus Việt Nam tài trợ 1,2 tỷ đồng cho dự án “Dinh dưỡng học đường” của Quỹ Hy vọng, cải thiện bữa ăn của học sinh ở ba trường ở Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An. Ba trường được dự án hỗ…