Quỹ Hy vọng - Hope Foundation

  • Giới thiệu
    • Tổng quan
    • Mục tiêu
    • Hội đồng quản lý
    • Ban cố vấn
    • Quyết định
    • Báo cáo kiểm toán
  • Chương trình
    • Ánh sáng học đường
    • Nâng bước em tới trường
    • Vệ sinh học đường
    • Mặt trời Hy vọng
    • Thư viện điện tử
    • Cùng đồng bào vượt lũ
    • Tết hy vọng
  • Danh sách đóng góp
  • Tin tức
  • Trang chủ
  • Hoạt động
  • Ánh sáng học đường
  • Tin tức
Thứ ba, 17/10/2023 | 08:42 GMT+7

Học trò chen chúc trong những lớp học tạm

LAI CHÂU- Lớp học trong lán xe bị dột vì cơn mưa rào, làm sách vở của Lý Thị Lang, ướt; cô giáo phải kê bàn vào trong và đặt một chậu hứng nước bên cạnh.

Lang, 9 tuổi, dân tộc Dao, là học sinh lớp 4A5, trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Xe, huyện Phong Thổ. Từ đầu năm nay, lớp của Lang chuyển xuống học tại lán xe, nằm ở góc trong cùng, phía sau dãy phòng học.

Do lớp chật, khoảng cách từ chỗ ngồi bàn đầu của Lang tới bảng chỉ khoảng một mét. Những ngày trời mưa, nước nhỏ xuống sàn và góc tường, bắn lên sách và làm nhòe vở viết của Lang, nên cô giáo phải kê lùi bàn của em vào phía trong để tránh dột. Bên cạnh chỗ ngồi của Lang, chậu đựng màu xanh được cô giáo đặt dưới sàn để hứng nước mưa. Chậu đầy nước, cô trò lại thay nhau mang đổ đi, hứng tiếp.

Lớp dột, Lý Thị Lang được cô giáo kê lùi bàn vào để tránh mưa. Ảnh: Thanh Hằng
Vở viết của Lang bị mưa tạt, ướt nhòe chữ. Ảnh: Thanh Hằng

Học cùng lớp 4A5 trong lán xe là lớp 3A2. Tận dụng được ánh sáng từ cửa vào, gần 30 học sinh lớp này nhìn bảng “rõ hơn một chút”, nhưng không gian lớp tạm vẫn hạn chế, khiến các bàn phải kê sát nhau.

Không tường hay vách ngăn, “ranh giới nhân tạo” giữa hai lớp là chiếc bảng được kê lên mặt bàn, cũng là thiết bị dạy học của cô trò lớp 3A2. Lối đi được chừa lại chỉ đủ cho một người đi qua, nên học sinh lớp 4A5, lớp ở bên trong, thường phải nối đuôi nhau mỗi giờ vào lớp hay tan học.

Tổng sĩ số của hai lớp gần 60, trong khi không gian của lán xe khoảng 40 m2. Trong khi theo Thông tư 13 năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường học, diện tích phòng dành cho học sinh tiểu học không được dưới 40 m2.

Chưa kể, phòng học còn phải được trang bị đầy đủ bàn, ghế đúng quy cách, đủ chỗ ngồi, hệ thống đèn và quạt, tủ đựng hồ sơ và thiết bị dạy học. So với những tiêu chuẩn này, những lớp học tạm với vài ba bóng điện, tiếng mưa rơi trên mái tôn át cả tiếng giảng bài của cô giáo tại Nậm Xe chưa đạt về mọi mặt.

Cách lán xe 30 m là văn phòng của các thầy cô (phòng hội đồng), giờ là lớp học tạm của thầy trò lớp 3A1. Với sĩ số 32, các học sinh chia thành 10 bàn, mỗi bàn ba em. Hai học sinh còn lại sẽ ngồi ở chỗ bàn máy tính, vuông góc với bảng nên khó nhìn hơn.

Thầy Trần Thế Công, giáo viên chủ nhiệm lớp 3A1, cho biết năm ngoái, học sinh ở điểm trường lẻ gần bản, mới về điểm trường trung tâm đầu năm nay. Học ở trung tâm sẽ giúp các em tham gia các hoạt động của trường dễ dàng hơn, thiết bị đầy đủ hơn, nhưng do đang học lớp tạm, học sinh gặp nhiều thiệt thòi.

Bàn trong phòng hội đồng không phải loại chuyên dùng cho học sinh, cao so với hầu hết học trò. Các em phải vươn người lên mới viết được. Về lâu dài, tư thế ngồi học của các em sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, do đây cũng là phòng Tin học, nên mỗi khi lớp nào có giờ môn này, thầy Công và học trò phải di chuyển ngược lên lớp đó để học.

“Các giờ học mà cần tổ chức trò chơi cũng khó. Tôi chủ yếu để các em vận động tại chỗ, cùng lắm đứng lên”, thầy Công nói.

Học sinh lớp 3A1 phải vươn người mới có thể viết được bài do thân hình thấp bé hơn bàn học. Ảnh: Thanh Hằng
Học sinh lớp 3A1 phải vươn người mới có thể viết được bài do thân hình thấp bé hơn bàn học. Ảnh: Thanh Hằng

Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thiếu phòng học ở Nậm Xe là do chính sách đưa học sinh lớp 3-5 từ các điểm xa về trường trung tâm, theo ông Nguyễn Vương Hùng, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Thổ.

Học sinh về trung tâm sẽ được chăm sóc bán trú, điều kiện ăn, ở được đảm bảo, giúp nâng cao tỷ lệ học sinh đến trường. Song, khi số học sinh tăng nhanh chóng, trường Nậm Xe bị quá tải, buộc phải lấy thêm lớp học làm phòng ở bán trú.

Cô Bùi Thị Khuyên, Phó hiệu trưởng trường Nậm Xe, cho biết điểm trường trung tâm hiện có 518 học sinh, trong đó 363 em thuộc diện ăn, ở bán trú tại trường. Lượng học sinh bán trú lớn, song trường Nậm Xe chỉ có bốn phòng ở.

“Cơ sở vật chất phục vụ bán trú của trường rất thiếu. Phòng thì chật, mỗi giường phải nằm ba học sinh, mùa đông lạnh, mùa hè lại nóng. Từng có Hội Chữ thập Đỏ tài trợ giường, nhưng chúng tôi không có chỗ mà kê”, cô Khuyên nói.

Tình trạng chắp vá của các lớp học ảnh hưởng đến chất lượng và hoạt động dạy học của trường Nậm Xe.

Cô Khuyên cho biết ngoài hai lớp học trong lán xe, một lớp ở phòng hội đồng, trường còn lớp đang học nhờ tại nhà dân, nhà văn hóa xã. Các lớp học tạm đều không đáp ứng được các tiêu chuẩn về diện tích, cơ sở vật chất theo yêu cầu của Bộ, ảnh hưởng tới tư thế ngồi học, thị lực và việc nghe giảng của học sinh.

Chưa kể, do đã sử dụng lán xe làm lớp học, giáo viên Nậm Xe phải để xe ngoài trời, dọc cổng vào trường, một số thầy cô gửi ở nhà người dân, mỗi tháng 130.000 đồng. Vào giờ ra chơi, do không có phòng, giáo viên sẽ ngồi nghỉ “ké” học sinh tại khu vực mượn sách của thư viện. Hôm nào có lớp sinh hoạt thư viện thì thầy cô lại “mỗi người một chỗ” trong lúc đợi hết giờ ra chơi.

Ông Nguyễn Vương Hùng cho biết huyện đã chi ngân sách 9 tỷ đồng, xây một dãy nhà ba tầng, gồm 12 phòng cho trường Nậm Xe. Trường mới cách trường hiện tại khoảng một km, dự kiến năm học tới đi vào hoạt động. Tuy nhiên, ngay cả khi có thêm 12 phòng học này, trường Nậm Xe vẫn thiếu 18 phòng, gồm cả các phòng chức năng theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Lớp học chưa đủ nên phòng dành cho bán trú cũng thiếu.

“Thời gian này, Phòng chỉ đạo trường ưu tiên những em đủ điều kiện ở bán trú, những em có người nhà, họ hàng quanh trường thì cho ở đó nhưng vẫn hưởng chính sách bán trú theo quy định”, ông Hùng nói.

Lớp học tại lán xe của học sinh lớp 3A2. Phía đằng sau tấm bảng là lớp 4A5, bên phải có lối đi nhỏ, chỉ vừa cho một người đi. Ảnh: Thanh Hằng
Lớp học tại lán xe của học sinh lớp 3A2. Phía đằng sau tấm bảng là lớp 4A5, bên phải có lối đi nhỏ, chỉ vừa cho một người đi. Ảnh: Thanh Hằng

Lò Thị Cúc, lớp 3A2, không biết khi nào được chuyển đến trường mới và ở trong một phòng bán trú rộng rãi hơn. Mới từ điểm bản về trường trung tâm đầu năm nay, Cúc nhỏ nhất lớp, được ngồi bàn đầu trong lớp học ở lán xe, cách bảng chưa tới 1 m.

Trong ngày mưa tầm tã cuối tháng 9, Cúc và các bạn học tới bài Cánh rừng trong nắng. Giáo viên thì sốt ruột nhưng Cúc không mảy may bận tâm. Em nói được đi học là thích.

Quỹ Hy vọng – báo VnExpress đặt mục tiêu xây thêm phòng bán trú cho học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Xe, Lai Châu. Quý độc giả có thể đồng hành cùng quỹ trong chương trình Ánh sáng học đường.

Thanh Hằng

Chia sẻ Copy link thành công

Danh mục

  • Ánh sáng học đường
  • Nâng bước em tới trường
  • Mặt trời hy vọng
  • Tết Hy vọng
  • Vệ sinh học đường
  • Thư viện điện tử
  • Tiếp sức cho tâm dịch
  • Chung tay vì miền Trung
  • Cùng đồng bào vượt lũ
  • Trường Hy Vọng

Tin liên quan

Giấc mơ của người mẹ có con chưa từng được đi học

Mặt trời Hy vọng

Giấc mơ của người mẹ có con chưa từng được đi học

Tháng 9 tới, bé Minh Thiện sẽ tròn 6 tuổi và mẹ em, người làm nghề cạo gừng đã quyết tâm sẽ cho con lần đầu được tới lớp. Dọc theo dòng kênh Chợ Gạo ở ấp Bình Thọ Đông, xã Bình Phan, người dân…

‘Chiến binh’ 5 tuổi chống chọi với ung thư

Mặt trời Hy vọng

‘Chiến binh’ 5 tuổi chống chọi với ung thư

Ngô Bảo Anh, 5 tuổi, ung thư nguyên bào thần kinh giai đoạn 4 di căn, dù đã ghép tế bào gốc song ung thư tái phát, hàng tháng phải truyền hóa chất giảm nhẹ. Sau ca ghép tế bào gốc hồi tháng 8/2024, bé…

Tình yêu dành cho mẹ của cậu bé ung thư

Mặt trời Hy vọng

Tình yêu dành cho mẹ của cậu bé ung thư

Ngày biết mình mắc ung thư, Tuấn Khôi, 13 tuổi, ở huyện Cai Lậy, ôm mẹ khóc nức nở, nói mình có lỗi vì chưa kịp báo hiếu đã đổ bệnh. “Mồ côi cha từ bé, nhà lại nghèo, thằng nhỏ luôn suy nghĩ như…

Nỗi đau người mẹ M’nông chăm con ung thư

Mặt trời Hy vọng

Nỗi đau người mẹ M’nông chăm con ung thư

13h, H Đinh Hdruê ăn vội bữa cơm trưa rồi đón xe ôm đi 30 km đến Bệnh viện Nhi đồng 2 để kịp giờ con trai truyền thuốc. Ở tháng thứ 7 thai kỳ, thắt lưng H Đinh đau và tê cứng nhưng cứ…

Hành trình cứu con của vợ chồng nghèo Thái Bình

Mặt trời Hy vọng

Hành trình cứu con của vợ chồng nghèo Thái Bình

Gần bốn năm vợ chồng chị Lan tìm người hiến gan cứu con gái 5 tuổi, ca phẫu thuật hồi tháng 3/2024 chỉ thành hiện thực nhờ tấm lòng của người chú họ. “Từ lúc biết con cần ghép gan đến khi tìm được người…

‘Mặt trời Hy vọng’ hướng tới hỗ trợ điều trị cho 1.000 bệnh nhi

Mặt trời Hy vọng

‘Mặt trời Hy vọng’ hướng tới hỗ trợ điều trị cho 1.000 bệnh nhi

Mở rộng loại bệnh hỗ trợ và nâng độ tuổi nhận tài trợ, chương trình Mặt trời Hy vọng mong muốn giảm gánh nặng tài chính điều trị cho 1.000 bệnh nhân. Lê Ngọc Vân, 13 tuổi, quê Bắc Giang, 7 năm bị suy thận,…

Địa chỉ liên hệ

Trụ sở: Tầng 9, Toà nhà FPT, số 10 Phạm Văn Bạch, Cầu Giấy, Hà Nội

Hotline:
0972 776 776
Email:
hope@quyhyvong.com
Facebook:
Được vận hành bởi
VnExpress FPT Online
Hoạt động theo quyết định số
883/QĐ-BNV
Báo cáo tài chính được kiểm toán bởi
© 2018-2024. Toàn bộ bản quyền thuộc Quỹ Hy vọng.
Chính sách bảo mật