THỪA THIÊN – HUẾ- Từng hứa lớn lên sẽ thay cha chăm sóc mẹ nhưng khi căn bệnh ung thư ập tới, Thiện không biết mình còn giữ được lời hứa hay không.
Tháng 10/2023, cậu bé Huỳnh Văn Thiện, 12 tuổi, được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu cấp dòng lympho (ung thư máu) giai đoạn 4. Theo phác đồ, cậu phải trải qua 6 đợt hóa trị, mỗi đợt kéo dài 5-7 ngày.
“Bác sĩ khuyên dù thế nào cũng phải chữa trị cho cháu, còn nước còn tát”, mẹ của Thiện, chị Phan Thị Điệp, 44 tuổi ở xã Bình Tiến, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế nói.
Gia đình Thiện vốn có 5 người, nhưng khi cậu bé vừa qua sinh nhật 4 tuổi, cha em đột ngột qua đời vì bị tai biến. Người mẹ vốn là thợ làm tóc dắt díu ba con rời quê vào Long Khánh, Đồng Nai làm ăn với hy vọng có cuộc sống đỡ hơn. Tại đây chị Điệp làm cấp dưỡng cho một trường mầm non, con gái cả chưa xong lớp 10 cũng phải nghỉ học, đi bán hàng thuê giúp mẹ nuôi các em. Với thu nhập chưa đến 5 triệu mỗi tháng, mẹ con họ tằn tiện sống qua ngày.
Cuộc sống còn nhiều vất vả nhưng gia đình bốn người vẫn vui vẻ, hạnh phúc. Chị Điệp dự tính cố gắng bươn chải, gom chút tiền rồi trở về quê làm ăn nhưng căn bệnh bất ngờ của cậu con trai duy nhất đã phá tan kế hoạch của chị.
“Tôi luôn dằn vặt và nghĩ nếu không quá bận rộn có thể phát hiện bệnh tình của Thiện sớm hơn, hy vọng chữa trị cũng nhiều hơn”, chị Điệp nói.
Trước đây, Thiện cũng có những biểu hiện sút cân, mệt mỏi nhưng nghĩ do trái gió trở trời nên người mẹ không chú ý. Tháng 9/2023, khi một bên má của cậu bé sưng to, kèm sốt cao, chị Điệp vẫn nghĩ đó là bệnh quai bị nên dùng nước vôi bôi vào theo chữa mẹo dân gian. Nhưng sang tuần thứ ba, cả hai má Thiện đều sưng phồng, đưa đến khám tại một bệnh viện ở Đồng Nai, bác sĩ tìm ra tên chính xác của căn bệnh. Nhận kết quả, người mẹ chỉ biết khóc nấc.
Nhà vốn không có tiền, họ hàng người quen góp được 30 triệu đồng cho Thiện trở về Huế nhập viện.
Để điều trị bệnh, Thiện phải bảo lưu kết quả học khi vừa vào lớp 6. Dù người mẹ đã chuẩn bị mọi lý lẽ giải thích vì sao không thể tiếp tục đến trường, nhưng cậu bé vẫn không ngừng hỏi. Thấy mẹ nói “khi nào má hết sưng thì khỏi bệnh”, Thiện tin như vậy và vẫn sờ nắn khuôn mặt mỗi ngày.
Hơn ba tháng nằm viện, Thiện luôn nhớ trường nhớ lớp. Nằm trên giường bệnh, cậu vẫn hay giở những trang sách giáo khoa mang theo trong hành lý. Mỗi khi giảm đau sốt, cậu bé lại lôi sách ra đọc, phần tránh buồn chán, phần khác để cho đỡ quên kiến thức.
Thấy tinh thần ham học của cậu bé cùng một số bệnh nhi khác, Thiện được các bác sĩ thực tập tại Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Trung ương Huế dạy học, tuần 3-4 buổi. Theo người mẹ, Thiện thường được các cô chú khen sáng dạ, đặc biệt là môn Toán.
Con trai tìm thấy niềm vui trong học tập khiến người mẹ khấp khởi mừng nhưng nỗi sợ hãi cậu bé không đáp ứng được phác đồ điều trị ám ảnh trong giấc ngủ của chị Điệp. Mỗi lần con phản ứng thuốc miệng lở loét nôn trớ liên tục, cả ngày nằm trên giường rên rỉ vì đau đớn khiến người mẹ chỉ biết áp đôi bàn tay chi chít vết châm chọc của Thiện vào má mình, thổn thức: “Hãy vì mẹ mà cố gắng”. Ba tháng nằm viện, cả mẹ và con đều sút 10 kg.
Dù đã dần quen với cơm bệnh viện nhưng Thiện không nguôi nỗi nhớ gia đình, bạn bè. Nhiều lần cậu ôm mẹ hỏi dò khi nào được về nhà, được đi học. Chị Điệp không biết đáp lại như thế nào, chỉ biết nuốt nước mắt vào trong và nghĩ “Giá như mẹ có được câu trả lời”.
Hồi nhỏ, Thiện luôn tin rằng bố đi làm ăn xa, bởi mẹ bảo vậy. Lớn lên, hiểu chuyện hơn cậu bé ít nhắc tới bố vì sợ mẹ buồn. Nhưng khi nhập viện, thấy bạn bè có cả bố cả mẹ chăm sóc, đưa đón, cậu mới thấu hiểu sự cô đơn của một đứa trẻ mồ côi. Những lúc quá đau đớn, trong vô thức, Thiện lại gọi tên bố với hy vọng ở một nơi nào đó nếu nghe được, bố sẽ đến giúp mình.
Mỗi lần được về nhà sau khi hết đợt điều trị, Thiện thường đến bên bàn thờ bố, cầu xin bệnh nhanh khỏi về đoàn tụ với hai chị. Trong những lời thì thầm bên bàn thờ, cậu hứa khi khỏi bệnh sẽ ăn thật khỏe để lớn thật nhanh, thay bố chăm sóc mẹ.
Bệnh ung thư không chỉ lấy mất của gia đình này niềm vui của sự đoàn tụ mà còn cả kinh phí chữa trị. Thời gian trông con ở viện, có lúc hết sạch tiền, chị Điệp chỉ dám mua cơm cho con còn mình xin suất từ thiện. Những hôm truyền hóa chất, chị nhịn cơm, để dành tiền mua món ăn con thích. Dù không còn phải chịu đau đớn vì phản ứng với những đợt hóa trị, nhưng gần đây, các bác sĩ chẩn đoán căn bệnh của cậu bé đã di căn sang thận.
“Chắc chắn phía trước sẽ còn nhiều khó khăn nhưng tôi phải cố gắng tới cùng để con được ở bên mẹ lâu nhất”, chị Điệp nói.
Còn với Thiện, dù bản thân không biết có thể thực hiện được lời hứa với mẹ hay không nhưng có một điều cậu bé 12 tuổi chắc chắn, trên hành trình chiến đấu với bệnh ung thư cậu không chỉ có một mình.
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước.
Hải Hiền
Điểm trường làng Hrách và Lơ Pơ, huyện Kông Chro được Quỹ Hy vọng và các đơn vị tài trợ xây mới thay thế cho những lớp học đã xuống cấp, thấm dột. Ngày 14/11, gần 100 học sinh, giáo viên Điểm trường Hrách thuộc…
Học sinh trường TH & THCS Quang Minh tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng và ăn liên hoan trong ngày hội do Quỹ Hy vọng và De Heus tổ chức. Ngày hội dinh dưỡng học đường chủ đề “Vững bụng đến trường” được tổ…
Jomoo Việt Nam và trường Hy Vọng đã ký biên bản tài trợ thiết bị trị giá 2 tỷ đồng cho 138 phòng vệ sinh trong ngôi trường mới dành cho 300 trẻ mồ côi vì Covid-19, chiều 14/11. Phát biểu tại buổi ký kết,…
Men vi sinh chứa các vi sinh vật có lợi, hỗ trợ cải thiện cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cải thiện sức khỏe cơ thể song cần tránh lạm dụng. Nội dung: Văn HàThiết kế: Ngân Hà
Dự án Vệ sinh học đường giúp sức khỏe của 98% học sinh được cải thiện nhờ thay đổi thói quen sinh hoạt như rửa tay thường xuyên, không phóng uế bừa bãi, dọn dẹp định kỳ. Đỗ Nam – Kim Anh
Công ty De Heus Việt Nam tài trợ 1,2 tỷ đồng cho dự án “Dinh dưỡng học đường” của Quỹ Hy vọng, cải thiện bữa ăn của học sinh ở ba trường ở Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An. Ba trường được dự án hỗ…