Vợ mất, anh Lợi bán nhà trả nợ, cùng con ôm bát hương và di ảnh ra thuê trọ nhưng mọi chuyện còn tồi tệ hơn khi bé Tài phát hiện ung thư.
Từ đầu năm nay, anh Trần Tấn Lợi, 38 tuổi, cứ đi lại giữa quê nhà ở Vĩnh Lộc, An Phú, An Giang và Campuchia. Hồi tháng 5, khi mới sang đất bạn làm nghề sơn tường được ba tuần, anh Lợi lại nhận được cuộc gọi của mẹ và chị hai giục về gấp.
Bé Tài, 7 tuổi, con trai anh cứ sốt liên tục, phải nhập viện Nhi đồng 1, TP HCM. Khi người cha về, bé nằm điều trị thêm 10 ngày thì được chỉ định chuyển đến bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Lúc này, các bác sĩ kết luận bé Tài bị bệnh ung thư hạch bạch huyết. Theo ghi nhận của Tổ chức ung thư toàn cầu GLOBOCAN 2020, thế giới có khoảng 545.000 người mắc mới và gần 260.000 ca tử vong do ung thư hạch bạch huyết. ”Đàn ông mấy khi rơi nước mắt, mà bữa đó tui khóc. Tui không hiểu sao sống không gây lỗi gì mà số phận lại thế”, anh nói.
Ba năm trước, chị Trần Thị Hiền, vợ anh qua đời vì ung thư phổi. Từ lúc trở bệnh đến khi mất, chị vẫn không biết tình trạng của mình. ”Bác sĩ dặn nếu biết ung thư cô ấy sẽ suy sụp, bệnh nặng thêm nên tui không nói”, anh kể.
Vợ chồng anh Lợi quen nhau 13 năm trước, khi buôn bán ở biên giới Việt Nam – Campuchia. Là vợ chồng 12 năm, bôn ba khắp nơi kiếm sống, họ lúc nào cũng hạnh phúc như còn son.
Tích góp mỗi ngày, hơn ba năm trước, vợ chồng anh cất được căn nhà cấp bốn trên nền đất nhà ngoại cho. Nhưng ở nhà mới được vài tháng thì chị Hiền phát hiện mắc bệnh hiểm nghèo. Anh Lợi nghỉ làm chăm vợ, vay mượn khắp nơi lấy tiền chữa trị. Nhưng nỗ lực của anh không đổi được sự sống cho chị.
Sau khi vợ mất, anh cũng phải bán ngôi nhà trả nợ. Hai cha con ôm bát nhang chị Hiền ra nhà trọ sống. ”Hai tháng liền tôi cứ thơ thẩn như kẻ mất hồn. Nhưng có tiếc nuối, đau khổ vợ cũng không sống lại”, anh nói. Lý trí đàn ông giúp anh trấn tĩnh lại sau sóng gió. Nhưng là người cha, anh là không biết phải làm gì để vỗ về đứa con khi đó mới hơn ba tuổi.
Đêm đêm trong phòng trọ, hai cha con nằm cạnh nhau, bé Lợi không ngủ mà cứ ỉ ôi vì nhớ mẹ. ”Lòng tui nó đau dữ lắm. Cố nén mà nước mắt cứ tràn ra”, anh nói. Khẽ vỗ về con, anh dỗ: “Ráng lên con, rồi hôm nào được nghỉ ba chở về thăm mộ mẹ thắp hương”.
Người cha từng nhiều lần nghĩ đến việc tìm cho con một người mẹ, để vỗ về khát khao được ôm ấp của Tài. Nhưng anh cũng rất sợ ”người ta không thương con mình”. Người cha gửi con cho bà nội nhờ chăm sóc, để sang Campuchia kiếm kế mưu sinh, tính đợi con hiểu chuyện, lớn chút nữa hẵng hay.
Nhưng bệnh Tài như vậy, anh Lợi càng không dám nghĩ đến tái hôn. ”Giờ chỉ nghĩ lấy đâu tiền để chữa bệnh cho con”, anh nói.
Trong tóm tắt bệnh án của Tài, cậu bé sẽ phải hóa trị trong hai năm, với chi phí dự kiến 30 triệu đồng. Hiện tại, anh Lợi không có đồng nào trong túi, toàn bộ chi phí đang nhờ cả vào lòng tốt của bệnh viện, các nhóm thiện nguyện và các mạnh thường quân.
Chi phí điều trị và sinh hoạt của hai cha con ở bệnh viện đã khó, chăm sóc Tài những ngày hóa trị với anh Lợi lại càng gian nan hơn.
Ở phòng bệnh, cha con anh luôn gây chú ý với những người xung quanh. Bởi các gia đình khác bé nào cũng có bố mẹ thay nhau chăm sóc, duy nhất cu Lợi chỉ có bố túc trực suốt ngày đêm.
Mẹ anh Tài tuổi đã cao, lại mắc hàng loạt bệnh tuổi già nên không thể phụ chăm cháu. Các anh chị em mỗi người một phận, lại đang vật lộn với cuộc sống vì cảnh nghèo.
Chị Hồng Sen, 36 tuổi, ở Long An, một người nhà bệnh nhân cùng phòng thấy thương nhất những lần cậu bé Tài hóa trị xong, thường mệt rũ đi, ăn gì vào cũng ói. Anh Lợi cứ tất tả đi mua hết thứ này tới thứ khác về bón, mà cứ cho vào miệng, con lại nôn ra.
”Đêm con ốm sốt người ta có người phụ, chứ anh ấy phải trực 24/24, triền miên mấy ngày liền”, chị Hoa Sen kể.
Sóng gió đã trải nhiều, nên với anh Lợi, chăm con có cực nhọc bao nhiêu cũng được, miễn bệnh bé được kiểm soát. Giờ anh chỉ cầu mong cho con khỏe lại, để có thể đi làm kiếm tiền nuôi bé ăn học, phụng dưỡng mẹ già ốm đau.
”Với nhiều người, đó là gánh nặng phải làm, còn với tui, đó lại là một điều ước”, anh nói.
Phạm Nga
Điểm trường làng Hrách và Lơ Pơ, huyện Kông Chro được Quỹ Hy vọng và các đơn vị tài trợ xây mới thay thế cho những lớp học đã xuống cấp, thấm dột. Ngày 14/11, gần 100 học sinh, giáo viên Điểm trường Hrách thuộc…
Học sinh trường TH & THCS Quang Minh tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng và ăn liên hoan trong ngày hội do Quỹ Hy vọng và De Heus tổ chức. Ngày hội dinh dưỡng học đường chủ đề “Vững bụng đến trường” được tổ…
Jomoo Việt Nam và trường Hy Vọng đã ký biên bản tài trợ thiết bị trị giá 2 tỷ đồng cho 138 phòng vệ sinh trong ngôi trường mới dành cho 300 trẻ mồ côi vì Covid-19, chiều 14/11. Phát biểu tại buổi ký kết,…
Men vi sinh chứa các vi sinh vật có lợi, hỗ trợ cải thiện cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cải thiện sức khỏe cơ thể song cần tránh lạm dụng. Nội dung: Văn HàThiết kế: Ngân Hà
Dự án Vệ sinh học đường giúp sức khỏe của 98% học sinh được cải thiện nhờ thay đổi thói quen sinh hoạt như rửa tay thường xuyên, không phóng uế bừa bãi, dọn dẹp định kỳ. Đỗ Nam – Kim Anh
Công ty De Heus Việt Nam tài trợ 1,2 tỷ đồng cho dự án “Dinh dưỡng học đường” của Quỹ Hy vọng, cải thiện bữa ăn của học sinh ở ba trường ở Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An. Ba trường được dự án hỗ…