6h một buổi sáng đầu tháng 9, tranh thủ trước giờ lên nhà máy, vợ chồng Dê chụm đầu vào màn hình điện thoại trong cuộc gọi chớp nhoáng về quê nhà Sơn La – cách đó 1.800 km. Đầu dây bên kia, ba đứa trẻ – hai trai, một gái – cùng ló đầu trước camera, hào hứng kể với bố mẹ chuyện được nghỉ học vì bão to, lũ quét, sạt lở khắp nơi.
Trong khi tụi nhỏ tận hưởng niềm vui, đầu Dê nghĩ không dứt về những con đường nham nhở dọc bản Trung Thành (xã Kim Bon, huyện Phù Yên, Sơn La) mỗi mùa mưa lũ. Sau bão Yagi, dân bản truyền tay nhau hình ảnh những quả đồi sạt, con đường bị ngoạm một góc to…, anh càng thêm nóng ruột.
“Thương quá. Nếu mưa lâu, đất nó sập, sợ lắm”, Dê nói, giọng chùng xuống, nhìn sang vợ mắt đỏ hoe. “Mình ở xa như này, chẳng biết làm sao”.
7 năm trước, vợ chồng Dê lần đầu bỏ núi rừng Sơn La, dứt áo xa con, “xuống” Bình Dương làm công nhân. Khi ấy là tháng 9/2017, cũng vào mùa mưa, nước tuôn trắng xóa, anh nghĩ đó lần đầu cũng là lần cuối, đi một chuyến rồi về. Nào ngờ, thêm ba “lần cuối” nữa, vợ chồng vẫn xa quê.
Năm mở đầu hành trình “xuống núi” của vợ chồng Dê cũng là lúc tỷ suất xuất cư ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc tăng mạnh, và lần đầu lên vị trí thứ hai cả nước vào năm 2021, sau gần hai thập kỷ. Trong khi, giai đoạn 2006 – 2008 vùng này từng có tỷ suất xuất cư thấp nhất nước.
Theo khảo sát năm 2020 của Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam, giai đoạn 2017-2019, số người rời quê tăng vọt lên 200% ở nhiều nhóm dân tộc. Trong đó, lao động đi làm ăn xa là xu hướng mới nổi trong cộng đồng dân tộc Mông, Vân Kiều, Xơ Đăng. Hai lựa chọn phổ biến là làm công nhân nhà máy (68,7%) và việc làm phi chính thức hoặc thời vụ (18,3%).
Điểm đến và thời gian di cư của nhóm này cũng dần thay đổi. Ban đầu, họ chỉ có ý định di cư vài tháng “nông nhàn”. Nhưng thiên tai, những món nợ “ám ảnh truyền đời” và sức hút của đô thị ngày càng kéo họ đi xa hơn. Những chuyến di cư trở thành dài hạn, chưa tính ngày về.https://flo.uri.sh/visualisation/20089681/embed?auto=1
Năm 2017, khi Sồng Páo Dê 20 tuổi, anh đã cưới vợ được 7 năm và gánh vác trọng trách chăm lo gia đình 7 người, thay cha. Như mọi năm, Dê xuống giống sớm 30 kg ngô, không trồng lúa. Nhà chỉ có hai vợ chồng là lao động chính, “hai tay làm là hết sức” nên không xuể việc. Cái ăn cho gia đình 7 người chờ hết vào vụ ngô duy nhất trong năm.
Năm đó, ngô được mùa – năng suất cao nhất 5 năm, nhưng giá lại rớt mạnh, chỉ còn 40 nghìn đồng mỗi yến, “mất hẳn 10 giá so với trước”. Cục tiền 50 triệu đồng mới cứng chỉ sau hai ngày đã vơi một nửa vì phải trả nợ giống, phân bón, nợ vay gạo ăn trước đó. Số dư còn lại không đủ đổ đầy hũ gạo tới mùa thu hoạch năm sau, cũng như trang trải hàng ngày.
Đến cuối năm, dù phơi mình ngoài trời từ sáng tới tối mịt, bất kể mưa nắng, vợ chồng Dê vẫn hai bàn tay trắng.
“Cảm thấy rất chi là khổ. Rất chi là đau cái đầu, không thể làm gì được nữa”, Dê kể lại suy nghĩ lúc đó.
Những mùa vụ trồi sụt, trong khi con gái lớn bắt đầu học bán trú, con trai thứ hai còn chưa cai sữa, bố mẹ ngày một thêm tuổi, Dê càng thấy bất an.
Giá ngô tiếp tục xuống. Những vụ lúa cũng giảm sản lượng do đất đai cằn cỗi. Vùng Trung du và miền núi phía Bắc có diện tích đất bị thoái hoá trung bình và nặng lớn nhất cả nước, theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường khi ấy.
Ngồi trong căn nhà dột lỗ chỗ, có chỗ to bằng bàn tay người lớn, Dê nhớ lại chuyện đi làm công ty mà anh họ Sồng A Thái (32 tuổi) kể bên bát rượu ngô dịp Tết.
Thái là một trong 6 người đầu tiên rời bản vào Bình Dương năm 2015, sau khi được người quen của bố mẹ giới thiệu làm công nhân xưởng gỗ. Công việc không cần biết chữ, lương 6-7 triệu đồng mỗi tháng, đều đặn, không phải phơi nắng, đội mưa, cũng không cần chờ cuối năm mới có tiền như làm nông.
Qua Tết 2015, Thái cùng em trai “mở đường” cho thế hệ người Mông đầu tiên ở bản đi làm ăn xa. Họ rời nhà lúc trời rét tối mịt, men theo con đường một bên núi, một bên vực để xuống thị trấn. Từ đây, họ đổi hai chặng xe, đi gần 3 ngày 3 đêm mới chạm đất Bình Dương.
Thông tin làm việc dưới thành phố “kiếm được đồng tiền kha khá” lan truyền qua những cuộc gọi giữa người đi và người ở lại. “Đi miền Nam làm công ty” dần phổ biến trong vốn từ vựng của dân bản.
Dê không biết miền Nam ở đâu, cũng chưa hình dung đi công ty là làm gì, nhưng anh tin người họ hàng. “Làm ngày nào là của mình hết, không cần chi cho chủ nợ”, “thời tiết lại mát mẻ, không lạnh” – những mô tả về vùng đất mới càng khiến Dê củng cố quyết tâm rời quê hương.
Tháng 9/2017, Dê lặp lại hành trình của Thái, say xe tới độ “chỉ muốn nhảy ra ngoài”. Và cũng đến lúc đó, Dê mới nhận ra “mình ở trên đầu bản đồ, còn miền Nam thì ở dưới chân”.
“Bắt buộc phải đi”, anh giải thích cho lựa chọn khi đó. “Ở nhà không làm ra đồng tiền nào”.
Một tháng sau khi Dê rời đi, huyện Phù Yên hứng chịu trận lũ lịch sử. Nhiều xã, bản, trong đó có Kim Bon, bị cô lập do sạt lở, giao thông chia cắt. Thiên tai và khó khăn của nghề nông khiến những người trẻ càng muốn đi tìm sinh kế mới.
Tháng 11/2017, vợ Dê – Giàng Thị Dở (31 tuổi) – cũng nối gót chồng, hoà vào làn sóng di cư khỏi bản làng.
Hơn 30 năm nghiên cứu về di cư, GS Đặng Nguyên Anh, nguyên Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cho biết cuộc chuyển cư giai đoạn 2017-2019 đánh dấu lần thứ hai người dân tộc thiểu số Trung du và miền núi phía Bắc “bứt rễ” khỏi quê hương trong gần hai thập kỷ.
Giai đoạn 2009-2012, hình thái di cư phổ biến là nông thôn đến nông thôn – vào Tây Nguyên khai hoang. Còn lần này, luồng di cư đến đô thị tìm việc là chủ đạo, với những cuộc “xuống núi” dài hơi và xa hơn. Trước đây, Đồng bằng sông Hồng – trung tâm kinh tế gần nhất – thường là điểm đến chính của người dân tộc thiểu số phía Bắc. Nhưng giờ đây, họ không ngại hành trình về phương Nam.
Tác động của biến đổi khí hậu và môi trường đang gián tiếp đánh vào sinh kế người dân, trở thành “lực đẩy” khiến nhiều thanh niên vùng cao ra đi. Họ không còn sống được bằng nghề nông như cha ông mình.
“Mô hình di cư chuyển sang dài hạn, thay vì thời vụ. Giống như cái cây bén rễ, khi đã bám chắc rồi thì ít về”, GS Đặng Nguyên Anh ví von.
Giờ lên nương thay bằng giờ vào công xưởng. Con gái thay váy hoa, con trai đổi chiếc quần thụng, họ khoác lên mình đồng phục công nhân. Từ những nông dân, họ chính thức tham gia vào mắt xích cuối trong chuỗi sản xuất công nghiệp. Những “bản làng” mới – xóm trọ cùng dân tộc – được thành hình ngay cạnh ống khói nhà máy.
“Áp lực quá”, Dê nói với vợ chỉ sau ít tuần bước chân vào nhà máy.
Cuộc sống mới ở phố thị không giống cả hai mong đợi. Bao thế hệ người Mông ở Trung Thành chưa bao giờ đi làm thuê dưới miền xuôi. Dê cũng không ngoại lệ. Bàn tay từng quen với việc bẻ ngô nay phải chuyển sang đóng tủ, mài đá. Bàn chân từng rảo bước trên đường núi giờ đứng lặng bên máy móc. Sau một thời gian, hai vợ chồng vẫn thấy “làm chưa quen tay, nghe không quen tiếng”.
“Nếu làm như vậy cả năm sao làm được” là suy nghĩ thường trực của Dê giai đoạn đó.
Lần đầu vào vùng đất lạ, sợ bị lừa nên ngoài công xưởng, đa phần Dê “chôn chân” trong bốn bức tường phòng trọ lợp mái tôn, san sát nhau. Đứng dưới đất chỉ có thể nhìn lên trời, không thể tự do phóng mắt ra xung quanh như khi sống trên núi.
Dê bắt đầu nhớ bữa cơm nhà, nhớ món rau cải mèo tự trồng thơm giòn ở bản, không cứng như rau cải dưới xuôi. Cảm giác muốn trở về càng thôi thúc sau những đêm dài thấy vợ khóc vì nhớ con, nhất là khi nhận tin cô con gái lớn va vào xe máy bị ngã lúc sang đường đi học.
“Sợ nó bị nặng, bố mẹ xa không biết làm sao”, Dê kể lại nỗi lo lắng các con không có ai chăm sóc. Hai vợ chồng bảo nhau “không thể làm công ty nữa, phải về”.
Chuyến xuống núi đầu tiên kết thúc sau năm tháng. Bình Dương trở thành ký ức đóng kín, không muốn trở lại của Dê.
Nhưng cuộc sống ở quê không thay đổi. Chỉ sau vài ngày Tết, số tiền tích lũy vơi dần. Tháng 3, bắt đầu vụ ngô, chỉ còn hai bàn tay trắng, Dê lại phải mượn 20 triệu đồng để mua giống và phân bón, tái diễn vòng luẩn quẩn của nợ nần.
“Mình ăn ít thật nhưng phải trả lãi nhiều. Người ta đòi nợ rất chi là khổ”, Dê nói.
Nợ như “con ma” ám ảnh truyền đời của người Mông ở Trung Thành.Sinh ra từ bản, hơn 20 năm làm cán bộ thôn, Trưởng bản Sồng A Sử (47 tuổi) nhớ lại thời dân bản ai cũng đi vay chủ nợ dưới xuôi. Lãi vay nặng, 1 triệu phải trả tới 500-600 nghìn. Nợ nần cứ chất chồng qua từng mùa vụ thất bát. Bữa ăn thiếu thốn, toàn phải “mượn ăn trước”, đến cơm trắng cũng hiếm hoi, phải thay bằng củ mài, củ sắn.
“Nghĩ đến cái nợ, đêm ngủ giật mình luôn”, ông Sử nhớ lại thời kỳ khó khăn của gia đình.
Dê không muốn quay lại vòng lặp của thế hệ trước, bị bó chặt trong nợ và cái bụng rỗng. Đi công ty là lựa chọn duy nhất.
Tháng 3/2019, lần thứ hai vợ chồng Dê xuống núi.
Cả hai đi khỏi nhà lúc 4h sáng, trốn các con đang say ngủ. Trượt theo con dốc tối om, lởm chởm đá dăm lẫn đất bùn, họ đổi hai chặng ôtô mới tới Bình Dương.
Lần này, vợ chồng chuyển sang xưởng mới, làm trong nhà, có điều hòa, đỡ vất vả hơn trước. Cái tay dần quen với nhà máy. Số tiền dư mỗi tháng đủ để gom góp sắm điện thoại, xe máy đi làm, không còn phải đi bộ nửa tiếng mỗi ngày.
Ở lâu dần, Dê nhận thấy mình hợp với thời tiết miền Nam, nắng ráo, không mưa lạnh và bết bùn như ở quê.
Nhưng khi cuộc sống bắt đầu ổn định, dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 10/2021, làm gián đoạn hành trình di cư của họ. Nỗi nhớ gia đình và ám ảnh về cái chết và tương lai bất định thôi thúc họ trở về. Hơn 50% trong số 110.000 lao động di cư của Sơn La đã về bản làng trong giai đoạn này, theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh.
Chuyến hồi hương hơn 3 ngày 3 đêm bằng xe máy khiến Dê, Thái và nhiều người khác trong bản quyết tâm “cả đời chắc không xuống lại miền Nam”.
Theo TS Ngô Thị Thanh Hương, chuyên viên nghiên cứu chính sách của Tổ chức CARE tại Việt Nam, một trong những “lực đẩy” khiến người dân tộc thiểu số ly hương là yếu tố kinh tế. Việc làm phi nông nghiệp ngày càng hạn chế, thiếu vốn làm ăn, thiếu đất đai sản xuất buộc họ phải đi tìm sinh kế mới. Những tác động về biến đổi khí hậu cũng khiến điều kiện sản xuất khó khăn hơn trước, thu nhập giảm sút.
“Thông tin việc làm tại các đô thị mở ra cơ hội ‘đổi đời’, nên họ chấp nhận mạo hiểm”, chuyên gia nhận định.
Sau 1,5 năm bôn ba ở đồng bằng, Dê ngỡ ngàng khi trở về bản.Vài nóc nhà bê tông lợp tôn xanh, đỏ đã mọc trên đỉnh núi, thay thế những căn nhà gỗ lợp mái fibro xi măng.
Trưởng bản Sồng A Sử giải thích, đa phần chủ nhân của chúng đều từng xuống Bình Dương hoặc có con đi làm công ty, như con trai ông. Xây nhà kiên cố giờ trở thành mục tiêu phấn đấu mới của những người miền núi di cư.
Vợ chồng Dê không phải ngoại lệ. Họ dồn hết tiền tích góp hai năm bám nhà máy và vay mượn thêm để xây nhà mới. “Bánh quay” nợ nần lần nữa khởi động – số tiền lớn hơn và chu kỳ trả nợ cũng dài hơn.
Số nợ được gán bằng một chuyến xuống núi khác, dự tính lâu hơn.
Ông Sử nói bản làng đã thay đổi kể từ khi người Mông đi làm công ty. 90% dân bản hiện đủ ăn, không còn cảnh vay gạo như trước. Ý niệm “đi công ty” – trước đây gắn với nghèo khổ – nay đã thay đổi.
“Xưa chỉ ai nghèo mới đi, bây giờ người giàu, người nghèo đi tất. Bản không còn người”, ông Sử nói.
Trong hơn 1.000 nhân khẩu của bản, 21% trong độ tuổi lao động chọn đi làm ăn xa. Huyện Phù Yên cũng là nơi có lượng người di cư lớn nhất Sơn La, chiếm khoảng 30% toàn tỉnh với hơn 22.000 người, theo báo cáo năm 2023 của UBND. Điểm đến chủ yếu là các thủ phủ công nghiệp như Hưng Yên, Hải Dương và Bình Dương.
Người trẻ lũ lượt xuống núi, lứa cũ dẫn theo lứa mới. Có nơi, cán bộ bản cũng đi. Hấp lực của guồng quay công nghiệp khiến những chuyến di cư dài hơn, hiếm ai trở về vào vụ mùa như trước mà chỉ sum họp ngày Tết. Nhiều người ở lại vài năm, tích lũy một khoản đủ lớn – bằng cả mấy mùa ngô – mới trở về.
Trải qua 7 năm làm công nhân, Dê thấy một tương lai hứa hẹn hơn. Anh dần nới rộng vòng tròn người Mông ở đô thị. Xóm trọ của anh có gần 100 phòng, một nửa trong đó cùng huyện, chủ yếu là vợ chồng trẻ. Cuối tuần, họ sum tụ trong một phòng trọ chừng 15 m2, hay bãi đất trống trước nhà. Bia thay bằng rượu ngô, măng ớt từ quê gửi xuống. Trên dây phơi dãy trọ, lẫn trong mớ áo phông, quần ngố, đồng phục công ty là những chiếc váy hoa sặc sỡ.
“Cuộc sống quá là thoải mái, quá là sướng”, Dê cười nói khi ngồi trên bãi đất trống, ngắm nhìn diều lượn bay trên đầu. “Ở đây mình thấy hạnh phúc”.
Theo TS Ngô Thị Thanh Hương, lao động di cư người dân tộc thiểu số thường xây dựng mạng lưới dựa trên các đặc điểm: cùng quê, cùng nhóm dân tộc, cùng chỗ làm. Họ lập nên những “xóm” cùng dân tộc để hỗ trợ nhau, cùng thực hành nghi lễ văn hóa, nói cùng ngôn ngữ.
“Đây cũng là cách để họ duy trì cảm giác an toàn ở vùng đất xa lạ”, bà Hương bình luận.
Khảo sát của CARE nêu, 79,15% lao động dân tộc thiểu số quyết định đi làm ăn xa do có người quen giới thiệu và rủ đi cùng; chỉ 20,9% tự tìm thông tin trên mạng, do công ty về tuyển trực tiếp hoặc cán bộ xã tư vấn, giới thiệu.
Di cư mở ra tầm nhìn khác không chỉ với người ra đi mà cả gia đình – những người chưa bao giờ rời khỏi đỉnh núi sương mù. Ở nhà, người già, trẻ nhỏ giờ đều biết gọi người đi xa bằng điện thoại thông minh.
Sồng Thị Pàng Nha (12 tuổi), con gái lớn của Dê, mỗi tuần xuống trường bán trú với vài chục nghìn đồng dắt túi. Bữa ăn của dân bản nay có thêm thịt, mèn mén không còn thay cơm.
Vợ chồng Dê đặt mục tiêu ở lại thêm hai năm, trả hết khoản nợ 150 triệu đồng xây nhà và tích lũy vốn để các con đi học. Mỗi lần gọi về, anh đều dặn con đừng vội lấy chồng sớm, cố gắng chăm học, lớn lên nếu không thích học chữ thì đi học nghề, để “cuộc sống sau này vui hơn”.
Dê không muốn con bé đi lại hành trình khắc nghiệt của bố mẹ – lấy nhau ở tuổi 14, 15, làm hùng hục sáng tối trên nương vẫn hai bàn tay trắng, rồi phải ngược xuôi, đắp đổi tuổi xuân nơi nhà máy.
Nhưng Pàng Nha có kế hoạch khác. Đang học lớp 7, con bé bắt đầu nuôi ý định sau này “xuống Bình Dương làm công nhân” như người lớn. Nó không biết Bình Dương ở đâu, cũng không hiểu việc công ty là gì, nhưng thấy đó là con đường để rời khỏi đỉnh núi mưa giăng với sương mù.
Nội dung: Mây Trinh – Phùng Tiên
Ảnh: Phùng Tiên
Lần thứ hai vợ bỏ đi, con trai anh Toàn mới hơn một tuổi, không lâu sau con gái mắc ung thư, chỉ một “thân gà trống” gồng gánh. Ở khu I, thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa), mỗi khi nhắc đến hoàn cảnh anh…
Jomoo Việt Nam và trường Hy Vọng đã ký biên bản tài trợ thiết bị trị giá 2 tỷ đồng cho 138 phòng vệ sinh trong ngôi trường mới dành cho 300 trẻ mồ côi vì Covid-19, chiều 14/11. Phát biểu tại buổi ký kết,…
Men vi sinh chứa các vi sinh vật có lợi, hỗ trợ cải thiện cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cải thiện sức khỏe cơ thể song cần tránh lạm dụng. Nội dung: Văn HàThiết kế: Ngân Hà
Dự án Vệ sinh học đường giúp sức khỏe của 98% học sinh được cải thiện nhờ thay đổi thói quen sinh hoạt như rửa tay thường xuyên, không phóng uế bừa bãi, dọn dẹp định kỳ. Đỗ Nam – Kim Anh
Giống nhiều đứa trẻ 7 tuổi, Tâm thích đến trường để có bạn nhưng bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) thể nặng khiến hành trình của cậu bé bị ngắt quãng. Mỗi tháng một lần, Trần Lê Đức Tâm sống tại thôn Bảng Sơn, xã…
Trong gần hai năm, Vuihoc cùng Quỹ Hy vọng mang thư viện điện tử cho hàng chục nghìn học sinh vùng cao, giúp các em tiếp cận kiến thức mới. Năm nay là năm thứ 2 Vuihoc đồng hành cùng Quỹ Hy vọng trong dự…