Gửi 100 triệu đồng nhưng thấy “vẫn chưa đủ”, Trung Hiếu từ Đà Lạt đi ra Bắc Giang. Trong khi Minh Trí cũng chạy xe cấp cứu từ Quảng Bình ra, tình nguyện chống dịch.
Ngay từ lúc Tỉnh đoàn Bắc Giang ra thư ngỏ kêu gọi thanh niên xung phong tình nguyện tham gia chống dịch, ngày 16/5, Nguyễn Vũ Trung Hiếu ở phường 5, TP Đà Lạt đã gửi đơn đăng ký. Người phụ trách chiến dịch bày tỏ lo ngại anh Hiếu ở xa, đi lại sẽ không đảm bảo an toàn, người đàn ông nói “vậy mình sẽ ủng hộ bằng tiền”.
Chị Phạm Thị Thủy, trưởng ban tuyên giáo Tỉnh đoàn Bắc Giang kể: “Anh ấy bảo sẽ tặng cho 50 triệu đồng chống dịch, nhưng lúc đến ngân hàng chuyển tiền, anh Hiếu lại gửi 100 triệu đồng. Tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy ảnh chụp giấy chuyển tiền đặt trên một yên xe máy cũ”.
Cũng lúc đó anh Hiếu thông báo đã đặt vé máy bay ra Bắc, kèm lời nhắn: “Giúp xong Bắc Giang mình định lên xóa mấy điểm trường tranh tre trên Điện Biên”.
Chị Thủy hẹn sẽ đón anh ở sân bay. Nhưng 7h tối ngày 19/5, anh Hiếu thông báo đã đặt chân đến Bắc Giang. “Trước lúc gặp, tôi nghĩ chắc anh ấy phải nhiều tiền, hoặc một chủ doanh nghiệp nào đó, nhưng thực tế ngoài đời anh ấy là một người lao động bình thường”, chị Thủy kể thêm.
Trung Hiếu được sắp xếp ở tạm một khách sạn trong thời gian chờ xét nghiệm Covid-19. Hai ngày nhốt mình trong bốn bức tường, người đàn ông tứ tuần đứng ngồi không yên. “Mình là người lao động, giờ ăn không ngồi rồi rất cuồng chân, cuồng tay”, anh Hiếu nói với hy vọng “sớm được tham gia chiến đấu”.
Tối 21/5, nhận kết quả xét nghiệm âm tính, anh Hiếu vô cùng vui mừng và nhắn Thủy: “Anh đã ra đây thì không sợ dịch hay nề hà việc gì. Mọi tình nguyện viên sao anh vậy. Ăn ở làm việc như nhau. Mọi người đồng lòng”.
Bắt đầu từ sáng ngày 22, công dân Đà Lạt này tham gia vào đội vận chuyển quà tặng các nhà tài trợ đến điểm tập kết và hỗ trợ vận chuyển trên xe. Anh được sắp xếp ăn ngủ cùng đội tình nguyện viên đang hỗ trợ cho đoàn y tế trường Đại học Y Hải Dương. Qua những câu chuyện lúc chờ xe, mọi người mới biết anh Hiếu chỉ là một công nhân nhôm kính ở Đà Lạt và số tiền 100 triệu ủng hộ là khoản tiết kiệm của anh.
“Anh Hiếu là người có vóc dáng nhỏ con nhưng rất khỏe. Một thùng hàng cần hai người vác thì một mình anh ấy cũng xong. Xe hàng chưa dừng, các bạn khác vẫn đang ngồi nghỉ mà anh ấy đã đứng dậy sẵn sàng”, anh Tô Văn Đức (Tỉnh đoàn Bắc Giang) chia sẻ.
Sau 20 ngày bùng dịch, Bắc Giang ghi nhận hơn 1.000 ca dương tính. Người dân cả nước đang hướng về chia sẻ khó khăn với vùng đất vải thiều. Đặng Minh Trí, 24 tuổi, đã lái một chiếc xe cấp cứu từ quê Đồng Hới, Quảng Bình đến đây chống dịch.
Kết thúc công việc lúc 21h ngày 23/5, Trí mệt tới mức không còn sức nên chỉ nói chuyện qua loa với người nhà để đi ngủ. Từ 7h sáng tới tối muộn, chàng thanh niên tham gia bốc hàng và lái 8 chuyến xe. “Tôi không hình dung nổi công việc chống dịch lại vất vả tới như vậy”, Minh Trí nói về ngày đầu tiên chống dịch tại Bắc Giang.
Trước đó chỉ hơn một ngày, Trí xem được thông tin tuyển tình nguyện viên của tỉnh đoàn. Chàng trai trẻ hình dung được cuộc chiến cam go đang diễn ra ở vùng đất cách mình hơn 500 km. “Mình còn trẻ, mình có sức khỏe, mình đã lái xe cấp cứu 6 năm, sẽ có ích cho tâm dịch”, Trí nảy ra ý định tối 21/5.
Cậu gọi cho cấp trên trình bày nguyện vọng. “Có thật sự em muốn đi không?”, sếp hỏi lại. “Vâng, Bắc Giang đang cần và em giúp được”, Trí quả quyết. Công ty điều cho Trí một chiếc xe, cũng như trang bị bảo hộ, găng tay đủ cho 30 ngày. Bố mẹ Trí lúc đầu cũng không đồng ý, nhưng khi biết con sẽ vào tâm dịch để góp sức thì họ ủng hộ.
3h sáng hôm sau, Đặng Minh Trí một mình lên đường, chỉ với 3 bộ quần áo. Chạy xe tới thành phố Vinh, cậu dừng lại bảo dưỡng xe cẩn thận, trước khi tiếp tục hành trình đến thành phố Bắc Giang, lúc 16h30.
Cảm động trước hành động của Trí, ông Nguyễn Xuân Tình, Chánh văn phòng Sở Y tế đã gặp gỡ, cảm ơn và điều Trí vào đội vận chuyển vật tư y tế của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC). Một công ty trên địa bàn đã tài trợ một phòng khách sạn để chàng trai Quảng Bình yên tâm đồng hành cùng nhân dân Bắc Giang.
Hôm đầu tiên chống dịch Minh Trí chưa quen với guồng công việc cao. Cậu cùng với các chị em tại kho vật tư của CDC bốc hàng lên xuống. Được vài lượt, cậu mệt. Ngược lại các chị vẫn rất dai sức. “Mình ấn tượng trước sức bốc vác của các chị ấy. Đang từ những nhân viên văn phòng, nhưng khi có dịch các chị ấy nhanh chóng làm quen, trở thành những ‘cửu vạn’ hết cả”, Trí nói.
Chị Phạm Thị Duyên, phó phòng vật tư y tế của CDC Bắc Giang cho biết, ngay ngày đầu đến, Trí đã xông pha cùng cả nhóm từ sáng tới đêm. Sang ngày thứ hai, Trí bắt đầu làm việc từ 4h sáng, chở thiết bị xét nghiệm và vật tư đến khu công nghiệp Vân Trung. Cậu khoe “sau một giấc ngủ đã hồi lại sức chiến đấu tiếp”.
Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, phòng vật tư của chị luôn trong tình trạng thiếu nhân lực và xe cộ. “Thật là may mắn và thấy biết ơn khi có bạn Trí đến đồng hành cùng chúng tôi cho tới ngày khải hoàn”, chị Duyên nói.
Từ khi tỉnh đoàn kêu gọi chi viện đến nay đã có hơn 2.000 lá đơn từ khắp mọi miền gửi về. Bước đầu, 50 người sẽ được chọn về tham gia chống dịch trong vài ngày tới. Anh Khâu Văn Đức cho biết, tỉnh đoàn sẽ thành lập 10 đội, dự kiến mỗi đội khoảng 100 người. Hiện tại đã có 7 đội đi vào hoạt động, số lượng thành viên cũng mới chỉ từ 10 tới vài chục người, đa số là người trong tỉnh.
Khi anh Nguyễn Vũ Trung Hiếu được một số tình nguyện viên cho xem bài viết về mình trên mạng xã hội, anh nói: “Mình không quan tâm ai nói gì. Mình chỉ làm việc của mình thôi”. Tương tự, chàng trai trẻ Đặng Minh Trí cũng chỉ nói một câu đơn giản: “Lúc nào Bắc Giang hết dịch em mới về”.
Các thành trì chống Covid-19 trở thành tâm dịch. Quỹ Hy vọng Báo VnExpress kết nối các cá nhân và doanh nghiệp cùng tiếp sức cho tuyến đầu.Xem chi tiết tại đây.
Phan Dương
Bệnh nhân 47 tuổi chết não, 4 tạng của ông được chuyển từ Bình Dương đến các bệnh viện ở TP HCM và Hà Nội để ghép cho người khác. Rạng sáng 20/12, xe chuyên dụng của lực lượng CSGT Công an tỉnh Bình Dương…
Tính đến ngày 16/12/2024, sau 3 tháng phát động với sự hỗ trợ từ hàng chục ngàn mạnh thường quân, chiến dịch “Xây lớp học mới – Mở lối tương lai” đã chính thức cán mốc số tiền quyên góp ấn tượng 234 triệu đồng…
Sau 7 ngày liên tục truyền hóa chất, nói không thành tiếng, nôn liên tục nhưng Nguyễn Mạnh Dũng vẫn cố ăn để có sức chống chọi với ung thư. Cậu bé 15 tuổi ở huyện Phúc Yên cho biết từ đầu năm nay bệnh…
Sợ con trai không thể tỉnh lại sau hôn mê, chị Cẩm ngày nào cũng nắm tay trò chuyện, cố kéo con trai vượt cõi chết trở về. “Minh tỉnh dậy tập thở, khỏe rồi hai mẹ con mua bánh sinh nhật nha”, chị Nguyễn…
Mỗi runner đăng ký giải chạy “Tết Hy Vọng 2025” sẽ góp một viên gạch xây nhà tắm giúp mùa đông của học sinh vùng cao ấm áp hơn. Giải chạy do Quỹ Hy vọng và vRace phối hợp tổ chức, bắt đầu từ ngày…
Bốn tháng sau cuộc phẫu thuật hiến tặng gan, Huỳnh Thị Thu Tuyền trở lại công việc bán hàng, trong khi con gái chuẩn bị đi học mẫu giáo. “Đây là cuộc sống tôi mơ ước suốt ba năm qua”, Tuyền, 22 tuổi, ở xã…