Lần đầu đến một công ty lấy mẫu xét nghiệm, Bá Kiệt choáng ngợp khi thấy hàng nghìn công nhân túa ra, trong đầu cậu nghĩ: “Làm sao để bắt đầu?”
Sau vài phút “đứng hình”, Phạm Xuân Bá Kiệt, 24 tuổi, sinh viên năm cuối khoa Điều dưỡng ĐH Y Dược cầm loa, nói bằng giọng lớn hết cỡ hướng dẫn công nhân. Chàng sinh viên chạy ngược chạy xuôi, mồ hôi ướt đẫm, thở dốc sau lớp khẩu trang.
“Lấy mẫu vào giờ tan ca nên các anh chị công nhân ai cũng nóng lòng làm nhanh để sớm về nhà. Mất gần một tiếng, hơn 7.000 công nhân bắt đầu ổn định, đội lấy mẫu mới có thể vào việc”, Kiệt nhớ lại.
Vì lấy mẫu gộp 10 người, có lúc mọi người tự ý rời hàng, di chuyển đi chỗ khác Kiệt phải xách loa đi vòng quanh để tìm họ trở lại hàng đợi để bổ sung thông tin. Đêm đó, cả đội phải làm đến gần 22 giờ mới xong. Về đến nhà cũng nửa đêm, Kiệt nói không ra hơi. Ngày hôm sau, trường lại thông báo cần tình nguyện viên, Kiệt vội vàng đăng ký tiếp, sợ nếu chậm thì “hết phần”.
“Em không nghĩ đây là một công việc tình nguyện, mà xem đó là trách nhiệm phải làm để hỗ trợ các anh chị y bác sĩ tuyến đầu”, Kiệt chia sẻ lý do tham gia chống dịch suốt bốn tháng qua.
Không riêng Bá Kiệt, trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 ở thành phố cuối tháng 5, gần một nghìn sinh viên, học viên trường Đại học Y Dược TPHCM đã tham gia hỗ trợ công tác chống dịch. Ngoài đội lấy mẫu, trường còn có sinh viên tham gia đội tiêm vaccine, đội tư vấn điều trị F0 tại nhà và nhiều bạn sinh viên trực tiếp công tác tại bệnh viện dã chiến.
Bác sĩ Hồ Ngọc Lợi, Phó bí thư chi đoàn trường ĐH Y Dược cho biết, Bá Kiệt là sinh viên có lòng nhiệt huyết, tận tụy trong công tác điều phối đội sinh viên lấy mẫu. “Những ngày đầu tuy còn bỡ, Kiệt không ngại mưa nắng hay những lần lấy mẫu xuyên đêm, luôn sát cánh cùng động đội”, bác sĩ Lợi chia sẻ.
Những ngày đầu tháng 6, quận Gò Vấp tập trung lực lượng lấy mẫu cho toàn quận. Có lần, nhóm bốn người của Kiệt, trong đó có 3 nữ, làm việc xong cũng nửa đêm. Kiệt nhận nhiệm vụ đưa một bạn nữ về vì đi đêm nguy hiểm. Được hơn nửa đường, Kiệt quay lại không thấy bạn đâu, gọi điện không bắt máy. Sài Gòn những ngày giãn cách xã hội rất vắng, Kiệt quay lại đoạn đường vừa qua để tìm bạn nhưng cũng không thấy đâu. Trong lúc đang hoang mang, lo lắng, cô bạn về đến nhà và gọi điện báo. Lúc đó chàng trai mới thở phào, an tâm về nhà.
Sau hơn một tháng Kiệt đã trở thành người điều phối nhóm lấy mẫu của trường. Nhóm của Kiệt được phân công bám địa bàn Bình Tân, một trong những quận vùng đỏ của thành phố với nhiều ca nhiễm lúc bấy giờ. Quận này cách xa trung tâm với 10 phường và có dân số đông nhất thành phố.
Trong những đợt thành phố mở rộng lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng để tìm F0. Có những ngày Kiệt phải điều phối cho nhóm lấy mẫu đến gần 300 điểm là các hẻm, tổ dân phố… trong quận.
“Hầu hết quận này đều thuộc vùng đỏ, vùng cam nên việc lấy mẫu cộng đồng gần như liên tục. Cứ ba ngày một lần, bọn em phải xuống địa bàn. Đôi lúc chưa kịp lấy hết mẫu đợt một ở phường này, đã đến ngày lấy mẫu đợt 2 ở phường khác”, Kiệt hồi tưởng.
Tuy có những hôm chỉ ở nhà trực điện thoại, điều phối thành viên đi lấy mẫu, nhưng Kiệt thường nhận được lời cầu cứu bất thình lình từ các sinh viên khác bởi nhóm vừa xuống địa bàn đã bị người dân ở đó phản ứng dữ dội, không hợp tác. Nguyên nhân là lực lượng địa phương đã báo giờ sớm hơn, trong khi đội lấy mẫu lại không thể đến kịp do chưa xong việc ở điểm khác.
Khi đó, Kiệt phải tức tốc chạy xe máy đến tận nơi, phân giải cho người dân hiểu mong họ thông cảm. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng nhận được sự thông cảm của người dân.
“Cũng có lúc bọn em đã xuống tới nơi nhưng không biết bắt đầu từ đâu, vì không có tổ trưởng dân phố để gọi người dân trong tổ ra. Gọi điện đến thì có người bảo hôm nay nhà có người bệnh, hôm nay vợ sinh con không thể ra ngoài được”, Kiệt nói.
Theo Kiệt, việc lấy mẫu không khó, nhưng cái khó là làm sao để kết nối với lực lượng địa phương phối hợp ăn ý. Nếu như những bạn sinh viên hỗ trợ điều trị F0 hay làm việc trong bệnh viện dã chiến sẽ học hỏi nhiều kiến thức chuyên môn từ bác sĩ, thì những người làm công tác vòng ngoài như Kiệt lại thấy mình trưởng thành hơn trong việc xử lý các vấn đề, tình huống này sinh.
Tuy nhiên, không phải lúc nào đội lấy mẫu cũng gặp những rắc rối. Nhóm của Kiệt thường nhận được những yêu thương từ nhiều người dân khác. Có hôm đi làm nhiệm vụ về, cả đội được tặng đồ ăn, rau hay trái cây ăn không xuể. Có bạn còn được tặng cả chú chó con mang về nhà nuôi từ một chủ nhà thân thiện.
“Làm bất cứ việc gì cũng đều có mệt mỏi và áp lực, nhưng đổi lại chúng em có nhiều niềm vui. Động lực để bọn em tiếp tục làm là mong thành phố sớm đẩy lùi được dịch bệnh”, Kiệt nói.
Diệp Phan
Bệnh nhân 47 tuổi chết não, 4 tạng của ông được chuyển từ Bình Dương đến các bệnh viện ở TP HCM và Hà Nội để ghép cho người khác. Rạng sáng 20/12, xe chuyên dụng của lực lượng CSGT Công an tỉnh Bình Dương…
Tính đến ngày 16/12/2024, sau 3 tháng phát động với sự hỗ trợ từ hàng chục ngàn mạnh thường quân, chiến dịch “Xây lớp học mới – Mở lối tương lai” đã chính thức cán mốc số tiền quyên góp ấn tượng 234 triệu đồng…
Sau 7 ngày liên tục truyền hóa chất, nói không thành tiếng, nôn liên tục nhưng Nguyễn Mạnh Dũng vẫn cố ăn để có sức chống chọi với ung thư. Cậu bé 15 tuổi ở huyện Phúc Yên cho biết từ đầu năm nay bệnh…
Sợ con trai không thể tỉnh lại sau hôn mê, chị Cẩm ngày nào cũng nắm tay trò chuyện, cố kéo con trai vượt cõi chết trở về. “Minh tỉnh dậy tập thở, khỏe rồi hai mẹ con mua bánh sinh nhật nha”, chị Nguyễn…
Mỗi runner đăng ký giải chạy “Tết Hy Vọng 2025” sẽ góp một viên gạch xây nhà tắm giúp mùa đông của học sinh vùng cao ấm áp hơn. Giải chạy do Quỹ Hy vọng và vRace phối hợp tổ chức, bắt đầu từ ngày…
Bốn tháng sau cuộc phẫu thuật hiến tặng gan, Huỳnh Thị Thu Tuyền trở lại công việc bán hàng, trong khi con gái chuẩn bị đi học mẫu giáo. “Đây là cuộc sống tôi mơ ước suốt ba năm qua”, Tuyền, 22 tuổi, ở xã…