Mang trong mình bệnh tràn mủ màng tim và phổi nhưng Đăng Khôi, 10 tuổi, vẫn nằng nặc đòi về, không phẫu thuật vì sợ “nhà mình lại phải trả nợ”.
Thuyết phục con đủ cách không được, anh Nguyễn Văn Tệt, 36 tuổi, đành phải phải cầu cứu các bác sĩ, nhờ mọi người nói dối để cậu bé chịu lên bàn mổ.
“Bác sĩ bảo với thằng bé là đã có nhà hảo tâm tài trợ chi phí ca mổ. Nhiều cô bác trong phòng bệnh cũng nói góp để trấn an, thằng bé mới đồng ý”, anh Tệt kể.
Đã qua hơn một tháng, đến giờ gương mặt người đàn ông nhà ở xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long vẫn chưa hết ngơ ngác vì căn bệnh hiểm nghèo ập xuống đầu con trai mình quá đột ngột. Nửa đêm 15/12/2021, cậu bé Nguyễn Đăng Khôi ôm ngực xuống nhà dưới gọi cha dậy, bảo rằng không thở nổi. Anh Tệt hối hả chở con đến bệnh viện huyện Phước Long cách nhà gần 10 km. Đến nơi đã gần 2 giờ sáng, bác sĩ chẩn đoán Khôi bị tụt canxi, theo dõi đến sáng thì cho về.
Nhưng đến tối hôm sau, cậu bé vẫn không khá lên mà còn có chiều hướng trầm trọng hơn, không chỉ khó thở, người bắt đầu tím ngắt, vùng ngực bên trái sưng to. Anh Tệt lại chở con lên bệnh viện tỉnh Bạc Liêu. 3 giờ sáng, hai cha con anh đến viện. Bác sĩ chẩn đoán Khôi bị tràn mủ màng tim và phổi cần chuyển lên bệnh viện Nhi Đồng 1 ở Sài Gòn gấp.
Nghe tin phải lên Sài Gòn, ông bố giật mình, móc hết tiền trong túi ra đếm được 1,4 triệu đồng rồi ấp úng hỏi bác sĩ: “Em phải cần thêm bao nhiêu tiền nữa?”. Vị bác sĩ trả lời, ít nhất cũng hơn 10 triệu. Anh Tệt chỉ còn cách gọi điện về cho vợ bảo đi vay mượn mang tiền lên. Tờ mờ sáng ngày 17/12, chị Đẹp, 31 tuổi vợ anh gõ cửa hết nhà bà con lối xóm được gần 13 triệu rồi vơ vài bộ quần áo vội chạy lên viện đưa chồng.
Lúc ngồi trên xe cấp cứu, anh Tệt mới nhớ ra đây là lần thứ hai mình được lên Sài Gòn nhưng trớ trêu là cả hai lần đều có đích đến là bệnh viện. Anh có bệnh viêm tai giữa từ nhỏ nhưng không có tiền điều trị dứt điểm nên 5 năm trước, bệnh trở nặng phải lên thành phố phẫu thuật.
Lần đó về, anh điếc một bên tai, thường hay bị nhức đầu, không thể làm việc nặng. Vốn không có ruộng đất, vợ chồng anh làm phụ hồ nuôi ba con. Căn nhà của gia đình anh đang ở gần 10 năm nay cũng nhờ nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí.
Sức khỏe yếu, có tháng anh Tệt chỉ làm được vài ngày công. Nửa năm nay, vì dịch Covid nên vợ chồng anh gần như không có thu nhập. Đầu năm học mới này, vì không có tiền đóng học phí nên đứa con gái đầu chuẩn bị lên lớp 6 phải nghỉ học.
“Nhà tôi ngày thường tiền triệu còn chẳng có, huống gì là chục triệu nhưng tôi phải đưa con đi. Mạng con là quan trọng nhất, nợ thì về làm rồi trả”, anh nói, dù vẫn biết câu đó để tự động viên mình là chính.
Tới Sài Gòn, 13 triệu lộ phí vay được, sau khi trả tiền xe, tiền làm xét nghiệm Covid-19, bố con anh chỉ còn lại gần 5 triệu.
Vừa nhập viện cậu bé Khôi được bác sĩ cho thở oxi và đưa vào phòng cấp cứu. Bên ngoài, anh Tệt nghe thông báo phải đóng tạm ứng viện phí và chi phí mổ có thể lên đến hơn chục triệu đồng. Nhìn vẻ bối rối của ông bố, một bác sĩ hỏi thăm và cho biết anh chỉ cần đóng tạm 2 triệu đồng, số còn thiếu bệnh viện sẽ xin nhà hảo tâm hỗ trợ.
“Tôi nghe nói Sài Gòn có nhiều nhà từ thiện hay giúp người khó khăn, không ngờ đó là sự thật”, anh Tệt xúc động nói.
Trong khi người cha thở phào vì tạm trút được gánh nặng thì cậu bé Khôi một mực không chịu phẫu thuật vì biết cha mẹ phải vay nợ. Suốt hai ngày trước ca mổ, Khôi một mực đòi về nhà, đến khi được bác sĩ trấn an cậu bé mới chịu lên bàn mổ.
Ca phẫu thuật thành công, sức khỏe Khôi ổn định trong hai ngày đầu. Sang hôm thứ ba, cậu bỗng dưng ôm chặt đầu la hét, vùng vẫy giựt phăng dây truyền nước, ống thở oxi. Anh Tệt chạy đi gọi bác sĩ. Đứng từ xa nhìn con giãy giụa trong khi bốn bác sĩ vật lộn với cậu bé để cấp cứu, anh Tệt bần thần dựa vào tường ngồi thụp xuống. “Lúc đó tôi không biết gì nữa, tôi nghĩ con có thể bỏ mình vì bác sĩ bảo dịch mủ tràn khiến tim không đập được”, anh Tệt kể.
30 phút sau Khôi mới chịu nằm yên, lịm đi với chiếc áo ướt đẫm mồ hôi. Chiếc áo người cha cũng ướt sũng.
Khôi nằm lại bệnh viện gần một tháng. Suốt thời gian nằm viện, mỗi lần thấy cha đi mua cơm, cậu bé lại bảo: “Cha mua làm chi nhiều, về nhà mình lại trả nợ”. Thấy cậu bé hiểu chuyện, nhiều phụ huynh chung phòng không khỏi mủi lòng. Thi thoảng mọi người lại dúi cho cái bánh, hộp sữa.
“Tôi thấy nhiều người khổ lắm, con họ bệnh nặng hơn con tôi nhưng vẫn động viên. Nhờ thế mà tinh thần thằng bé thoải mái hơn, không lo nghĩ nhiều như lúc đầu”, anh Tệt nói.
Chăm con hơn nửa tháng, anh Tệt gọi điện cho vợ lên Sài Gòn thay bởi cứ thêm một ngày thất nghiệp, lòng anh lại như thiêu đốt, nghĩ về khoản tiền hơn 10 triệu đồng vay hôm lên Sài Gòn. Anh muốn về quê tìm việc làm.
Dịch bệnh vẫn còn phức tạp, chưa có công trình nào khởi công để anh xin làm phụ hồ. Cứ vài hôm, anh lại được người trong ấp gọi đi làm cỏ ruộng, công mỗi ngày được 250.000 đồng. “Nếu là vợ tôi làm thì chỉ được trả 200.000 thôi”, anh Tệt phân trần.
Mẹ con Khôi ở lại viện được thêm một tuần nữa thì xuất viện. Ngày về, anh Tệt liên tục gọi điện, dặn tới dặn lui vợ con phải tìm bác sĩ, nhà hảo tâm và đặc biệt là những phụ huynh ở chung phòng để cám ơn. Hôm đó, mọi người trong phòng góp nhau lại được 500.000 đồng, đủ hai mẹ con mua vé xe đò về quê.
“Gia đình tôi may mắn vì lên Sài Gòn được nhiều người giúp đỡ, nếu không tôi chỉ có nước khổ chồng khổ”, anh Tệt nói.
Dù vậy, đến giờ anh cũng chưa biết làm cách nào để trả khoản nợ hơn 10 triệu đồng đã vay.
Ca mổ của Đăng Khôi được thực hiện với sự hỗ trợ chi phí từ chương trình thiện nguyện “Bé tô màu, bé sẻ chia”, do Công ty cổ phần Con Cưng và Quỹ Hy vọng đồng hành. Đến nay, chương trình đã hỗ trợ điều trị, phẫu thuật cho gần 30 bệnh nhi khó khăn tại bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM).
Diệp Phan
Ba phòng học xây mới, ba thư viện điện tử được Quỹ Hy vọng và các đơn vị đồng hành bàn giao cho 4 trường ở huyện Quế Phong. Ba phòng học mới thuộc điểm trường Mường Piệt, trường Tiểu học Thông Thụ 1, xã…
Quỹ Hy vọng và Tập đoàn FPT tài trợ 225 triệu đồng thực hiện dự án “Trường em thay áo mới” sơn sửa 5 trường học ở huyện Bố Trạch. Ngày 24/12, các công trình sửa chữa, sơn mới đã hoàn thiện sau hơn một…
Tính đến ngày 16/12/2024, sau 3 tháng phát động với sự hỗ trợ từ hàng chục ngàn mạnh thường quân, chiến dịch “Xây lớp học mới – Mở lối tương lai” đã chính thức cán mốc số tiền quyên góp ấn tượng 234 triệu đồng…
Mỗi runner đăng ký giải chạy “Tết Hy Vọng 2025” sẽ góp một viên gạch xây nhà tắm giúp mùa đông của học sinh vùng cao ấm áp hơn. Giải chạy do Quỹ Hy vọng và vRace phối hợp tổ chức, bắt đầu từ ngày…
Quỹ Hy vọng khánh thành 14 cầu bê tông mới, trong đó có ba công trình do Roche Việt Nam tài trợ ở huyện Lai Vung và Châu Thành, ngày 1/12. Ba công trình khánh thành đợt này gồm cầu Hy Vọng 382, 383, 384,…
Sau 2 tháng, dự án gây quỹ xây mới phòng học do Đông Tây Barbershop phối hợp cùng MoMo và Quỹ Hy vọng thực hiện đã cán mốc 100 triệu đồng. Từ ngày 16/9, Đông Tây Barbershop trích 5.000 đồng với mỗi giao dịch thanh…