Năm 2017, Súa theo bố mẹ từ Sơn La vào Bình Dương mưu sinh. Bố mẹ cậu – anh Sồng A Chua (29 tuổi) và chị Giàng Thị Xông (30 tuổi) – là công nhân tại TP Tân Uyên. Họ thường làm việc từ sáng sớm đến tối muộn, khó có thời gian chăm sóc con. Nhà trẻ tư thục – khái niệm mới với phụ huynh người Mông – trở thành lựa chọn phù hợp nhất khi đó. Nhưng với Súa, mọi thứ đều xa lạ.
“Con không muốn đi học nữa”, Súa khóc, nằng nặc đòi mẹ cho về nhà sau hai tháng đi nhà trẻ. Súa chưa từng học tiếng Kinh. Trên lớp, thầy cô không ai nói tiếng Mông. Rào cản ngôn ngữ khiến Súa lạc lõng, không thể hòa nhập.
Cùng lúc, kinh tế gia đình ngày càng khó khăn. Tổng lương tháng của hai vợ chồng chỉ hơn 10 triệu, vừa phải trang trải chi phí sinh hoạt, vừa gửi về quê cho con trai lớn Sồng A Thái (14 tuổi) và trả món nợ 20 triệu đồng.
“Mình không đóng nổi tiền trọ, tiền đâu cho nó đi học tiếp”, anh Chua kể lại cuộc bàn thảo với vợ ngày đó.
Họ quyết định dùng phép thử “để con ở nhà vài hôm”. Vợ chồng anh Chua mua cho con chiếc điện thoại thông minh, nấu sẵn cơm rồi đi làm. Từ đó, Súa không còn khóc, ngoan ngoãn chờ bố mẹ tan ca. Chị Xông kết luận: “Để con ở nhà tốt hơn, còn đỡ tốn tiền”.
Trách nhiệm trông nom Súa được chuyển từ trường lớp sang những bà mẹ công nhân trong dãy trọ đang nghỉ thai sản. Cậu bé Súa bị đẩy vào “cuộc du hành” ở thế giới mới mà chưa được chuẩn bị bất kỳ hành trang nào.
Năm 2018, ở quê nhà, trận lũ bất ngờ từ vách đá cuốn trôi bà nội của Súa trên đường lên nương. Anh trai Súa – Sồng A Thái – may mắn thoát chết, bất lực nhìn bà bị con lũ cuốn đi. Cả gia đình Súa tức tốc bay về trong đêm. Chuyến đoàn tụ đầu tiên kể từ khi vợ chồng Chua xuống Bình Dương lại trở thành cuộc ly biệt.
Một tháng sau khi mẹ mất, vợ chồng Chua trở lại công ty, Thái và Súa ở lại với ông nội. Nhưng ông lớn tuổi, việc bếp núc không thạo như ngày bà còn sống nên hai anh em lúc đói, lúc no. Hơn nữa, ở nhà mưa lũ thường xuyên, nỗi sợ mất con thúc đẩy Chua đưa ra quyết định khác: đón hai con vào ở cùng.
“Ở đây mình ăn cái gì con ăn cái nấy, vẫn tốt hơn ở quê, không sợ nước to”, Chua giải thích.
Thái và Súa bắt đầu cuộc sống trong căn phòng trọ hơn 12 m². Giống như Súa, Thái cũng không đến trường. Hai anh em quanh quẩn trong khu trọ, cô lập với thế giới bên ngoài, dành phần lớn thời gian chơi game, xem video và nghe những bản nhạc Mông trên điện thoại.
Năm Súa 11 tuổi, những đứa trẻ cùng lứa đã đi hết chặng đường tiểu học, cậu vẫn lạ lẫm tiếng nói và chữ viết phổ thông. Rào cản ngôn ngữ khiến Súa chỉ quanh quẩn chơi cùng đám con nít đồng hương đang bập bẹ nói.
Năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát, lần nữa tách đôi gia đình. Chua bám trụ nhà máy, vợ và hai con quay ngược về Sơn La. Tại quê nhà, con đường đi học của Thái được nối lại, còn Súa vẫn ở nhà vì không còn theo kịp bạn bè cùng lứa vốn đã biết đọc, biết viết.
Giữa năm 2022, hết dịch, mẹ cậu lần nữa xuống núi, đưa hai con vào lại Bình Dương với dự định “ở vài tháng tới lúc học sẽ về”. Nhưng mấy tháng đó kéo dài thành hai năm.
A Súa không phải ngoại lệ. Nhiều đứa trẻ Mông nhập cư ở cùng khu trọ, từ 3-15 tuổi, cũng được bố mẹ cho ở nhà một mình, hoặc đứa lớn chăm đứa nhỏ. Đến trường là điều xa xỉ.
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, trẻ em di cư ngoại tỉnh là nhóm thiệt thòi nhất trong tiếp cận giáo dục ở tất cả các cấp. Chỉ có 55,7% trẻ em di cư trong độ tuổi 11-18 được đi học, trong khi tỷ lệ này ở trẻ không di cư là 83,9%.
Bà Kim Ngọc Thế Ngân, Phó chủ tịch UBND phường Uyên Hưng (TP Tân Uyên, Bình Dương) cho biết, trẻ em thường đến ở cùng bố mẹ vào dịp hè và về quê khi bắt đầu năm học. Nhóm ở lại sẽ được địa phương vận động, triển khai chính sách hỗ trợ, cũng như linh hoạt trong thủ tục cư trú để tiếp cận giáo dục, đặc biệt với trẻ dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, nhiều em vẫn không đến trường vì rào cản kinh tế, nhu cầu học tập của cá nhân và gia đình. Bà Ngân đưa ra ví dụ, gia đình lao động di cư thường gửi con tại trường tư thục để phù hợp với lịch tăng ca của công nhân, nhưng sau đó rơi vào khó khăn tài chính. Một số trẻ dừng việc học khi biết đọc, viết cơ bản, không muốn học lên cao.
Thầy Sồng A Chiến, giáo viên tại trường Tiểu học và THCS Kim Bon, đã dành 9 năm kiên trì “cứu chữ” cho những đứa trẻ bị gián đoạn việc học.
Mỗi mùa khai giảng, thầy lại thấy lớp vắng đi 1-2 học sinh, đã theo bố mẹ vào các khu công nghiệp và không quay về bản. Lo lắng các em “đánh rơi” con chữ, thầy Chiến tìm đủ cách để thuyết phục gia đình đưa con trở lại trường.
Ngày nghỉ, thầy cùng trưởng bản tới tận nhà vận động phụ huynh cho con về lớp. Nhiều lần, thầy gọi điện trực tiếp khuyên bố mẹ đừng để con mất chữ.
“Hôm nay gọi phụ huynh không được, mai mình gọi lại, không bao giờ bỏ cuộc”, thầy Chiến nói. Tới bây giờ, danh bạ của thầy vẫn còn lưu số điện thoại của phụ huynh học sinh các khóa trước.
Là một trong những người Mông đầu tiên ở Kim Bon tốt nghiệp cấp 3, sau đó là đại học và trở về quê, thầy Chiến hiểu rõ giá trị của giáo dục. Thầy thường lấy bản thân làm dẫn chứng trong những dịp đi chiêu sinh, nhưng không phải lúc nào cũng thành công.
Trong số các học sinh quay về sau khi gián đoạn việc học, có em đang học tiểu học rồi bỏ giữa chừng. Khi các em trở lại, thầy Chiến và đồng nghiệp phải ôn tập cấp tốc để giúp học trò nhanh chóng bắt kịp chương trình.
Sợ học sinh ngại ngùng, rụt rè khi lâu ngày không đến lớp, thầy thường đến tận nhà đón các em mỗi sáng sớm, và tranh thủ thời gian đầu giờ để củng cố kiến thức. Với những em sáng dạ, đủ điều kiện lên lớp, thầy còn hỗ trợ hoàn thiện thủ tục nhập học vì bố mẹ đi làm xa, ông bà không biết cách xử lý giấy tờ.
Dù thầy cô nỗ lực, con đường đi học của lũ trẻ trường Tiểu học và THCS Kim Bon vẫn khúc khuỷu với nhiều lối rẽ, chỉ 30% học tiếp lên cấp 3.
“Chỉ cần tụi nhỏ nuôi ý định theo học đường dài đã là một thành công khó diễn tả bằng lời”, thầy Chiến tâm sự.
TS Đoàn Kim Thắng, nguyên Trưởng phòng An sinh xã hội và Công tác xã hội, Viện Xã hội học nhận xét, việc gia đình di cư “tiếp tục cho con đi học ở đô thị lớn là cả một thách thức”.
Theo ông, có ít nhất hai yếu tố chi phối khả năng đi học tại đô thị của trẻ em là số lượng trường lớp và điều kiện kinh tế gia đình.
Thực tế cơ sở hạ tầng giáo dục tại nhiều địa phương không đủ đáp ứng nhu cầu, đặc biệt là bậc mầm non, nơi mà chỉ có 45% trẻ em con công nhân di cư có cơ hội học tập.
Như thực tế ở phường Uyên Hưng, nơi có hơn 100 doanh nghiệp và 35.000 người tạm trú, con số học sinh mỗi lớp thường vượt quá quy định của ngành giáo dục. Ông Nguyễn Thanh Lâm, Chủ tịch UBND phường Uyên Hưng, dẫn chứng một lớp học theo chuẩn chỉ có tối đa 35 học sinh, nhưng ở đây có thể lên đến 40-42 em. Khi các trường quá tải, phường phải điều tiết học sinh sang các khu vực lân cận.
TS Thắng phân tích thêm, áp lực về trường lớp và quy định ưu tiên trẻ thường trú càng khiến con em lao động di cư khó có cơ hội học tập trong hệ thống giáo dục công lập. Phụ huynh buộc phải gửi con vào các cơ sở mầm non tư thục với học phí gấp 4-5 lần so với trường công. Nhiều gia đình thu nhập thấp không kham nổi chi phí này, nên cho con nghỉ học hoặc gửi con về quê.
“Khi trẻ em không thể tiếp cận được hệ thống giáo dục phù hợp, chúng dễ bị bỏ lại phía sau, và con đường học vấn càng thêm gập ghềnh”, ông Thắng nói. “Đó là một trong những cái giá phải trả của di cư để tìm cơ hội kinh tế tốt hơn”.
GS.TS Đặng Nguyên Anh, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học, nhận định Việt Nam vẫn chưa có chính sách riêng cho người di cư, dù đây là lực lượng đóng góp lớn cho sự phát triển ở nhiều địa phương. Ông cho biết, qua nhiều nghiên cứu từ năm 1990 đến nay, mặt trái của di cư không những không được giải quyết mà còn trầm trọng hơn, trở thành vấn đề cấu trúc như an sinh xã hội.
“Nhiều chính sách cuối cùng vẫn phân biệt người thường trú và tạm trú. Nếu không được công nhận, người di cư sẽ không được bảo vệ bằng an sinh xã hội, việc làm. Hệ quả là nhóm này càng khó ổn định, hoà nhập”, ông nói.
Đồng quan điểm, TS Phan Văn Hùng, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc, cho rằngngười di cư đang bị đối xử “không công bằng”. Chính sách hiện nay vẫn còn nhiều rào cản hạn chế họ tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội, nhà ở, giáo dục.
“Đó là sự bất công”, ông nói, nhấn mạnh rằng người di cư đang giải quyết phần lớn các vấn đề về lao động và việc làm tại đô thị.
Chuyên gia cho rằng cần có cách nhìn nhận công bằng về chính sách. Doanh nghiệp nên hỗ trợ lao động di cư không chỉ nhu cầu cơ bản như ăn, mặc, ở, mà cả tương lai của con cái họ.
Theo TS Đoàn Kim Thắng, để đảm bảo tương lai của trẻ di cư phải hội tụ được cả yếu tố cần về chính sách, và đủ về tầm nhìn của phụ huynh. Trong đó, đòi hỏi người lao động di cư phải có công việc ổn định, với thu nhập đủ trang trải cuộc sống và đảm bảo việc học hành của con cái.
Mặt khác, địa phương cần có chính sách hỗ trợ con em lao động di cư, đặc biệt là trẻ dân tộc thiểu số, dễ dàng tiếp cận với giáo dục như mở lớp học phổ cập để trẻ làm quen với môi trường mới.
TS Đỗ Thị Ngọc Quyên, nguyên Giám đốc Trung tâm Đảm bảo Chất lượng Giáo dục, Viện Đảm bảo Chất lượng Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, rào cản ngôn ngữ là thách thức lớn nhất với trẻ dân tộc thiểu số, dù ở nông thôn hay thành thị. Các em cùng lúc phải học ba ngôn ngữ: tiếng Kinh, tiếng Anh, và tiếng của dân tộc mình.
“Ngay cả việc học ở bản làng đã cần phải hỗ trợ rất nhiều, chưa nói đến di cư. Chuyện nhóm này bỏ học ở đô thị là điều dễ hiểu”, bà Quyên nói.
Để xóa bỏ khoảng cách giáo dục với trẻ di cư, TS Quyên cho rằng cần sự phối hợp liên tỉnh. Cán bộ công tác xã hội tại địa phương cần chủ động nắm rõ số lượng trẻ di cư đến các tỉnh thành, kịp thời phối hợp với chính quyền sở tại để hỗ trợ các em tiếp cận giáo dục.
Những ngày cuối tháng 10/2024, căn phòng trọ 12 m2 ở Bình Dương chỉ còn mỗi anh Chua. Sau một cuộc cãi vã to, chị Xông dắt Súa và Thái về Sơn La trong đêm. Lần này, chị quyết định để con ở hẳn quê để Súa bắt đầu học lớp 1, và Thái cũng được tiếp tục đến trường.
“Phải cho nó đi học chứ”, người mẹ nói, nhận ra rằng dù các con sống xa bố mẹ, “biết con chữ vẫn tốt hơn”. Sau khi lo xong chuyện trường lớp cho hai con, chị trở lại Bình Dương, chấp nhận bỏ lại hai đứa trẻ nơi bản làng.
Nội dung: Phùng Tiên – Mây Trinh
Ảnh: Phùng Tiên
Sợ con trai không thể tỉnh lại sau hôn mê, chị Cẩm ngày nào cũng nắm tay trò chuyện, cố kéo con trai vượt cõi chết trở về. “Minh tỉnh dậy tập thở, khỏe rồi hai mẹ con mua bánh sinh nhật nha”, chị Nguyễn…
Bốn tháng sau cuộc phẫu thuật hiến tặng gan, Huỳnh Thị Thu Tuyền trở lại công việc bán hàng, trong khi con gái chuẩn bị đi học mẫu giáo. “Đây là cuộc sống tôi mơ ước suốt ba năm qua”, Tuyền, 22 tuổi, ở xã…
Quỹ Hy vọng khánh thành 14 cầu bê tông mới, trong đó có ba công trình do Roche Việt Nam tài trợ ở huyện Lai Vung và Châu Thành, ngày 1/12. Ba công trình khánh thành đợt này gồm cầu Hy Vọng 382, 383, 384,…
Ở bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, bác sĩ, người nhà bệnh nhi lúc nào cũng thấy ông Chung cười đùa với đám trẻ, dù ông là người lớn tuổi nhất chăm trẻ ung thư. Chiều cuối tháng 11, sau một ngày trôngcháu…
Nam Định_Bé Cao Văn Bắc 3 tuổi xơ gan giai đoạn cuối nguy cơ tử vong, được bố hiến gan và chương trình Mặt trời Hy vọng của VnExpress hỗ trợ chi phí ghép gan thành công. Ba tháng sau ca phẫu thuật ghép gan,…
TP HCM_Sau hơn một tháng xạ trị, mắt phải bị liệt, sức khỏe yếu dần nhưng Nguyễn Trần Phú Danh chưa một lần khóc, thậm chí còn động viên mẹ đừng buồn. Chiều cuối tháng 11, từ huyện Cái Nước, Cà Mau, Phú Danh cùng…