HÀ NỘI- Ở tuổi 17, Phạm Khôi Nguyên lần đầu biết thế nào là cảm giác của một người sắp chết khi biết bị ung thư máu và chỉ còn bốn tháng để sống.
Đó là tháng 10/2020, Nguyên, nam sinh lớp 12 ở quận Hà Đông thấy chân tay xuất hiện những vết bầm tím. Vì hay chơi thể thao nên cậu nghĩ do va chạm, vài ngày sẽ tan. Tuy nhiên, các vết bầm xuất hiện ngày càng dày đặc.
Khi tới bệnh viện kiểm tra, Nguyên lập tức được đưa vào phòng cấp cứu. Bác sĩ nói tiểu cầu thấp tới mức “không thể tin được”, chỉ còn 11 trong khi người bình thường là 150-400. Sau những xét nghiệm, Nguyên bị chẩn đoán ung thư máu.
Thấy mẹ khóc, cậu động viên vì nghĩ mới phát hiện bệnh nên chắc ở giai đoạn đầu, có thể chữa trị. Nhưng nghe bác sĩ nói chỉ còn tối đa 4 tháng để sống, Nguyên sững người, gục xuống, trái tim đau thắt không ngờ mình có thể chết trẻ như thế này.
Nhưng khi những choáng váng ban đầu lắng xuống, Nguyên lập tức nghĩ đến những việc cần phải làm, những người muốn gặp và quyết tâm thực hiện hết trong khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại của đời mình.
May mắn đã đến khi kết quả xét nghiệm chuyên sâu hơn cho thấy Nguyên mắc ung thư máu thể M3- thể duy nhất có thuốc chữa. Chàng trai lập tức bảo lưu việc học, ở lại viện điều trị.
Những ngày đầu tiên chiến đấu với ung thư, dù đang ở tuổi bẻ gãy sừng trâu, có thể lực tốt vì thường xuyên thể thao, nhưng chàng trai cũng thừa nhận, lần đầu hóa chất vào người “đau đến tan chảy xương cốt”.
“Hành trình này giống như chuyến tàu lượn siêu tốc không có điểm dừng, sợ hãi thường trực vì không biết phía trước phải trải qua những nguy hiểm gì”, Nguyên kể.
Hóa chất truyền vào người giống như một loại axit gặm nhấm nội tạng, khiến chàng thanh niên mệt lả, thậm chí không còn sức để kêu. Rồi những cơn đau thắt dữ dội khiến Nguyên phải quỳ rạp xuống sàn nhà, nằm mãi không thể nhấc người lên. Dù vậy cậu vẫn phải ăn kể cả khi buồn nôn, thậm chí bịt mũi vừa ăn vừa khóc để có sức.
Đã có lúc, Nguyên ngồi thất thần bên cửa sổ phòng bệnh, mồ hôi toát ra nhễ nhại sau một ngày vật lộn. Thuốc giảm đau trong tay, cậu định ném đi bởi chỉ muốn được giải thoát. Nhưng Nguyên nhớ tới lời khuyên của mẹ: “Khi có điều khó chịu xảy ra, đừng dành nhiều thời gian lo lắng vì không giải quyết được vấn đề. Nên chọn làm những thứ khiến bản thân hạnh phúc nhất”.
Ý thức về cái chết giúp chàng trai thay đổi cách sống. “Tôi tự an ủi bản thân không gì có thể đánh bại được mình, ngoại trừ chính tôi”, Nguyên nói.
Trước đây, cậu không gắn kết nhiều với bố mẹ và em trai mà cuốn theo những thú vui của giới trẻ. Trên hành trình chiến đấu với bệnh, Nguyên hiểu thế nào là tình thân và cảm thấy may mắn khi có một gia đình luôn yêu thương nhau. Sợ mọi người lo lắng, cậu tự chiến đấu trong im lặng với những cơn đau mỗi khi vào thuốc. Nguyên cũng thường động viên ngược người nhà, sợ rằng nếu bản thân suy sụp khiến mọi người mất tinh thần. Đây cũng là lần đầu cậu biết nghĩ cho người khác.
Trước khi bị bệnh, cậu cho rằng phòng điều trị cho bệnh nhân ung thư là nơi u ám nhất. Nhưng khi vào đó, Nguyên mới hiểu, nơi gần cửa tử nhất là nơi mọi người sống lạc quan nhất có thể.
“Một bệnh nhân cùng phòng khuyên tôi, nếu chưa bao giờ từ cửa địa ngục nhìn lên sẽ không hiểu vẻ đẹp của từng bông hoa, chiếc lá và hương thơm của mùi gạo, cơm canh ngày thường”. Nguyên nói. “Sống ở phòng bệnh mới hiểu, còn được thức dậy và thấy mình vẫn thở, đó đã là hạnh phúc”.
Sau bốn tháng điều trị, Nguyên được xuất viện khi không còn xuất hiện tế bào ung thư trong tủy sống. Lúc đó cậu nghĩ mình đã chiến thắng căn bệnh, chỉ cần uống thuốc đầy đủ và giữ lối sống lành mạnh, tế bào ung thư sẽ được khống chế.
Ra viện, Nguyên còn bốn tháng để học lại toàn bộ chương trình lớp 12 và chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp và đại học. Trước kỳ thi trung học phổ thông, cậu nhận được kết quả trúng tuyển và được học bổng năm đầu của một trường đại học nhờ xét tuyển học bạ.
Từng một lần vượt qua cửa tử nên khi quay lại cuộc sống thường nhật, Nguyên lao vào đời sống sinh viên với tất cả năng lượng sẵn có. Ngoài thời gian học trên lớp, cậu đi làm thêm rồi trở thành người dẫn chương trình, đại sứ truyền thông nhằm lan tỏa năng lượng tích cực.
Nhưng lần thứ hai Nguyên lại bị đẩy đến cửa tử khi bác sĩ phát hiện các tế bào ung thư mới hồi tháng 10/2022. Không bị sốc như lần đầu, chàng trai bắt đầu học cách chấp nhận.
“Bản thân tôi không thể kiểm soát được điều gì sẽ đến nhưng có thể lựa chọn thái độ tiếp nhận và cách mình phản ứng với điều đó”, chàng trai chia sẻ.
Nguyên bước vào đợt điều trị thứ hai với tâm thế lạc quan và thoải mái. Nhưng khi thủ tục hoàn thành, bệnh viện lại thông báo hết thuốc. Sau khi được tư vấn, gia đình quyết định đưa cậu sang Singapore chữa trị. Tuy nhiên số tiền lên tới hàng tỷ đồng nên chàng trai từ chối vì biết hoàn cảnh gia đình không thể đáp ứng.
“Lần đầu tiên sau khi phát hiện ung thư, Nguyên đã khóc trước mặt mẹ. Đó là tiếng khóc của sự bất lực”, bà Nguyễn Linh Hiếu, mẹ Nguyên kể lại.
Dù vậy, gia đình vẫn quyết tâm chữa trị cho con trai. Bà Hiếu cùng chồng vay mượn khắp nơi, từ anh em họ hàng cho tới bạn bè, có người thân còn bán đất để gom tiền chữa bệnh cho Nguyên. Trước chuyến đi, chàng trai viết một tâm thư với tiêu đề: “Chuyến đi của sự hy vọng” lên trang cá nhân, nhằm cảm ơn tình cảm mọi người dành cho mình.
Đúng như tên gọi, Nguyên và gia đình mang theo hy vọng về sự sống trong chuyến chữa bệnh tại Singapore. Lần điều trị này cũng không mệt mỏi như lần đầu nên chàng trai tranh thủ học thêm. Cậu học các chứng chỉ liên quan đến ngành học quản trị nhân sự, cùng với marketing và truyền thông. Thời gian rảnh, Nguyên lại tự khám phá đảo quốc và chia sẻ hành trình chữa bệnh bằng video tự quay rồi đăng tải lên trang cá nhân.
“Với bệnh nhân ung thư, thuốc cứu chỉ là phần nhỏ, còn lại là tinh thần lạc quan” là thông điệp chính chàng trai gửi gắm trong những video của mình.
“Khi bạn không coi bệnh tật là một vật kiểm soát, nó sẽ không thể kiểm soát được bạn. Điều quan trọng là cố gắng sống sao cho hạnh phúc”, Nguyên nói trong video gần nhất.
Sau 6 tháng điều trị, sức khỏe Nguyên đã ổn định và trở về nước tiếp tục việc học cũng như tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa tại trường. Trước đây, chàng trai này có nhiều ước mơ, hoài bão nhưng chủ yếu liên quan tới danh vọng, tiền bạc. Sau khi mắc bệnh và nghe được nhiều câu chuyện từ những người cùng hoàn cảnh, cậu nhận ra được giá trị thật của hạnh phúc, đó là trân trọng những gì mình đang có.
“Đó có thể là nói những lời yêu thương tới người thân, nấu cho bố mẹ một bữa ăn thật ngon. Với tôi của hiện tại, dù đó là hành động nhỏ nhặt nhưng lại ẩn chứa nhiều niềm vui và hạnh phúc”, Nguyên chia sẻ.
Hải Hiền
Điểm trường làng Hrách và Lơ Pơ, huyện Kông Chro được Quỹ Hy vọng và các đơn vị tài trợ xây mới thay thế cho những lớp học đã xuống cấp, thấm dột. Ngày 14/11, gần 100 học sinh, giáo viên Điểm trường Hrách thuộc…
Học sinh trường TH & THCS Quang Minh tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng và ăn liên hoan trong ngày hội do Quỹ Hy vọng và De Heus tổ chức. Ngày hội dinh dưỡng học đường chủ đề “Vững bụng đến trường” được tổ…
Jomoo Việt Nam và trường Hy Vọng đã ký biên bản tài trợ thiết bị trị giá 2 tỷ đồng cho 138 phòng vệ sinh trong ngôi trường mới dành cho 300 trẻ mồ côi vì Covid-19, chiều 14/11. Phát biểu tại buổi ký kết,…
Men vi sinh chứa các vi sinh vật có lợi, hỗ trợ cải thiện cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cải thiện sức khỏe cơ thể song cần tránh lạm dụng. Nội dung: Văn HàThiết kế: Ngân Hà
Dự án Vệ sinh học đường giúp sức khỏe của 98% học sinh được cải thiện nhờ thay đổi thói quen sinh hoạt như rửa tay thường xuyên, không phóng uế bừa bãi, dọn dẹp định kỳ. Đỗ Nam – Kim Anh
Công ty De Heus Việt Nam tài trợ 1,2 tỷ đồng cho dự án “Dinh dưỡng học đường” của Quỹ Hy vọng, cải thiện bữa ăn của học sinh ở ba trường ở Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An. Ba trường được dự án hỗ…