Khi cơm canh vừa chín, anh Thụ – nhân viên y tế, bắt đầu công việc kiêm nhiệm: chở đồ ăn lên điểm trường phục vụ bữa trưa bán trú.
7h sáng, anh Trương Văn Thụ, 35 tuổi, chạy chiếc xe máy cũ treo đầy thực phẩm sống đến trường Mầm non xã Hữu Kiên (huyện Chi Lăng, Lạng Sơn) cách nhà 25 km. Trận lũ bất ngờ kéo đến một tuần trước đó làm những đoạn đường vào trường bị nước xối cắt, xẻ ngang dọc. Những “ổ trâu” xuất hiện dày đặc trên mặt đường khiến anh Thụ – người đàn ông dân tộc Tày – vốn quen đường sá cũng chệch choạc tay lái. Cây cầu Củ Na, là nút giao thông huyết mạch của xã Hữu Kiên, bị lũ dữ tràn lên đứt gãy làm đôi, cô lập hoàn toàn xã Hữu Kiên. Người dân tập trung làm tạm cây cầu tre để lưu thông, ôtô không thể di chuyển vào trong.
Mất khoảng 50 phút chạy xe, trường Mầm non xã Hữu Kiên nhỏ bé nằm giữa núi rừng dần hiện ra sau những ngọn đồi. Với tác phong nhanh nhẹn, anh mang thực phẩm vào khu sơ chế – nơi các cô nhân viên nấu ăn đang chờ. Đó là cách anh Thụ, một nhân viên y tế của trường bắt đầu mỗi buổi sáng bằng việc kiêm nhiệm – “đưa cơm”.
Nhà ở thị trấn Đồng Mỏ nhưng anh Thụ được điều động tới xã Hữu Kiên công tác đã bảy năm. Đây là xã đặc biệt khó khăn của huyện Chi Lăng, cơ sở vật chất thiếu thốn, đường sá cách trở, sóng điện thoại lúc có lúc không, mạng Internet chưa phủ hết, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào chăn nuôi, trồng trọt. Hàng ngày, 6h, anh dậy đi chợ mua thực phẩm theo thực đơn tuần của nhà trường rồi chạy xe vào trường.
Trong gian bếp của trường, chị Hà Thị Thoa cùng ba cô khác có nhiệm vụ chế biến thức ăn, thường được gọi bằng cái tên thân mật “cô nuôi cơm”. Trong đó, chị Thoa là người bản địa, dân tộc Tày, 27 tuổi, làm tại trường sau khi học xong trung cấp nấu ăn.
Ở nhiều trường khác, các món sau khi nấu chín sẽ dọn lên bàn nóng hổi chờ học sinh tan lớp. Nhưng ở đây, canh, rau, trứng, thịt… lại tiếp tục hành trình dài để đến các điểm trường, mà người chở không ai khác là anh Thụ, chị Thoa…
Cứ 10h15 hàng ngày, bất kể mưa, nắng họ lại chằng, buộc những thùng cơm, canh, thức ăn vào xe máy rồi cẩn thận di chuyển đến từng điểm trường để đưa cơm cho các em học sinh đang chờ, mỗi điểm trường cách nhau trung bình 4 – 15 km.
“Mấy năm trước mình chưa có nhiều kinh nghiệm vượt đường, mỗi lần lên dốc cao thùng canh đổ dồn ướt hết người”, chị Thoa nhớ lại. Còn anh Thụ thấy cực nhất là vào ngày mưa, đường dốc, sát bên vực trơn trượt, lầy lội, đất bên đồi sạt lở xuống, anh phải dùng xích xe buộc vào lốp để đi khỏi trượt ngã, thời gian di chuyển lên đến cả tiếng. Có những hôm mưa, anh chỉ lo thùng cơm, canh của học sinh bị đổ, không có thức ăn bổ sung kịp cho các con.
“Nhiều người mới vào phải bỏ tay lái vì đường đèo trên này. Năm năm trước nhiều điểm đường chưa đổ bê-tông đường mưa không đi được, nên giáo viên đã vào là phải ở trong đấy, khi nào đường khô mới ra được”, nam nhân viên y tế kiêm “anh đưa cơm” kể.
Chia sẻ về việc chuẩn bị bữa trưa cho học sinh, cô Long Thị Vinh – Hiệu trưởng trường Mầm non xã Hữu Kiên – kể hồi mới nhận công tác 4 năm trước, cô đi đến các điểm trường, thấy cứ đến trưa các con phải đi về hết. Nhà nào xa, bố mẹ không đến đón, các con phải chơi ở xung quanh cổng trường, ăn nhờ nhà người quen ngay gần trường. “Các con không được ăn uống đủ chất nên trông rất thương, gầy, đen, tỉ lệ suy dinh dưỡng cao”, cô Vinh nhớ về động lực triển khai bữa ăn bán trú.
Với mong muốn tất cả học sinh đến trường đều được ăn cơm bán trú, được cô giáo chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ, cô Vinh trình UBND xã Hữu Kiên việc triển khai việc bán trú cho các điểm trường lẻ.
Trường Mầm non Hữu Kiên có đến 7 điểm trường cần cung cấp cơm bán trú nhưng trước kia chỉ có ba cô nuôi, nên thiếu nhân lực vận chuyển cơm. Nhằm rút gọn thời gian và nhân lực, cô Vinh đã kết hợp với hai trường tiểu học trên địa bàn xã để cùng nhau hỗ trợ đưa cơm đến học sinh. Một người sẽ cùng lúc đưa cơm đến cả trường mầm non và tiểu học trên cùng tuyến đường.
Kết quả, năm 2019, học sinh ở điểm trường chính của trường Mầm non xã Hữu Kiên được ăn bán trú. Từ năm học 2019-2020, mô hình này được nhân rộng để tổ chức cho 100% học sinh tại các điểm trường lẻ. Các suất cơm được nấu ở trường chính và điểm trường Co Hương.
Hiệu trưởng Long Thị Vinh cho biết, ở đây tỷ lệ phụ huynh thuộc hộ nghèo cao. Trường có tổng 211 học sinh thì 141 thuộc hộ nghèo, 14 thuộc diện hộ cận nghèo. “Điều kiện kinh tế khó khăn nhưng khi được chia sẻ để hiểu rõ mục tiêu, ý nghĩa của hoạt động, phụ huynh cũng sẵn lòng đóng góp tiền ăn cho các con. Có những gia đình chưa có, hẹn nộp muộn hơn, nhà trường sẽ tạo điều kiện”, cô Vinh nói.
Năm 2021-2022, áp dụng Nghị định 105/2020 của Chính phủ về phát triển giáo dục mầm non tại các xã đặc biệt khó khăn, học sinh của trường đã được hỗ trợ tiền ăn trưa.
Theo cô Vinh, tại trường, mức ăn đối với trẻ 0-2 tuổi là 16.000 đồng/cháu/ngày, mức ăn của trẻ 3-5 tuổi là 17.000 đồng/cháu/ ngày. Sáng 8h, trẻ uống một hộp sữa (theo chương trình Sữa học đường), đến 10h trẻ ăn bữa chính gồm cơm, canh, thức ăn mặn (thịt, đậu, cá, trứng…). Chiều ngủ dậy, các cháu ăn bữa phụ với bún, bánh ngọt, chè, xôi và chút hoa quả. Để cải thiện bữa ăn, cô Vinh còn phát động nuôi chim bồ câu, gà, thỏ.
Cô Vinh cho hay, tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trường trước khi thực hiện mô hình ăn bán trú khoảng 12-15%, nay còn dưới 5%. Cũng nhờ mô hình này, nhà trường đạt tiêu chí phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Tuy nhiên, làm sao để động viên, khích lệ các cô nuôi, anh nuôi bám việc, bám trường vẫn là nỗi trăn trở với cô hiệu trưởng và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện. Bởi ngoài tiền lương cho công việc chính, những người như anh Thụ, chị Thoa hiện được hỗ trợ thêm 500 nghìn đồng mỗi tháng để đổ xăng xe, trong khi quãng đường di chuyển đưa cơm khoảng 460 km (mỗi ngày 20 km cả đi lẫn về), tương đương mỗi km được hỗ trợ hơn 1.000 đồng tiền xăng.
“Bọn chị đi đưa cơm một lần vào bữa trưa thôi, tốn nhiều tiền xăng lắm. Âm tiền đó”, cô nuôi Tô Thị Dinh (30 tuổi) cười nói. Nhiều lúc chị Dinh cũng định nghỉ để đổi nghề nhưng rồi lại thôi. “Nhìn các bé đỡ thấp còi, suy dinh dưỡng là bọn chị vui”, chị Dinh tâm sự.
Huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn là điểm đến tiếp theo trong Chương trình Ánh sáng học đường do Quỹ Hy vọng – báo VnExpress thực hiện, với mong muốn thay thế những phòng học tạm, thiếu an toàn cho thầy cô, học sinh nơi đây. Sự đóng góp của độc giả sẽ tiếp thêm động lực và tạo điều kiện cho thầy trò có điều kiện dạy, học tốt hơn. Độc giả có thể đồng hành cùng chương trình tại đây.
Lệ Thu
Sau 7 ngày liên tục truyền hóa chất, nói không thành tiếng, nôn liên tục nhưng Nguyễn Mạnh Dũng vẫn cố ăn để có sức chống chọi với ung thư. Cậu bé 15 tuổi ở huyện Phúc Yên cho biết từ đầu năm nay bệnh…
Sợ con trai không thể tỉnh lại sau hôn mê, chị Cẩm ngày nào cũng nắm tay trò chuyện, cố kéo con trai vượt cõi chết trở về. “Minh tỉnh dậy tập thở, khỏe rồi hai mẹ con mua bánh sinh nhật nha”, chị Nguyễn…
Bốn tháng sau cuộc phẫu thuật hiến tặng gan, Huỳnh Thị Thu Tuyền trở lại công việc bán hàng, trong khi con gái chuẩn bị đi học mẫu giáo. “Đây là cuộc sống tôi mơ ước suốt ba năm qua”, Tuyền, 22 tuổi, ở xã…
Quỹ Hy vọng khánh thành 14 cầu bê tông mới, trong đó có ba công trình do Roche Việt Nam tài trợ ở huyện Lai Vung và Châu Thành, ngày 1/12. Ba công trình khánh thành đợt này gồm cầu Hy Vọng 382, 383, 384,…
Ở bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, bác sĩ, người nhà bệnh nhi lúc nào cũng thấy ông Chung cười đùa với đám trẻ, dù ông là người lớn tuổi nhất chăm trẻ ung thư. Chiều cuối tháng 11, sau một ngày trôngcháu…
Nam Định_Bé Cao Văn Bắc 3 tuổi xơ gan giai đoạn cuối nguy cơ tử vong, được bố hiến gan và chương trình Mặt trời Hy vọng của VnExpress hỗ trợ chi phí ghép gan thành công. Ba tháng sau ca phẫu thuật ghép gan,…