HẢI PHÒNG- 5 tháng từ khi phát hiện ung thư xương, bé Xuân Giang đi từ viện này qua viện khác trên tay bà ngoại và họ hàng trong khi bố mẹ đều đang mắc kẹt ở Hong Kong.
Người đầu tiên ở cùng bé trong những ngày đầu tiên ở viện là bà Lưu Thị Hon (60 tuổi, chị gái của bố em) ở thôn Đông Môn, xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên. Bà Hon kể, hồi tháng 2 khi thấy cháu ngồi khóc bên cửa sổ nên hỏi han. Kéo ống quần cháu lên, bà thấy chân phải tấy đỏ. Hóa ra cháu đau cả năm nay nhưng chỉ khóc một mình, không dám nói với ai.
Đưa Giang đi bệnh viện huyện, các bác sĩ xác định “có một khối u như bông hoa đang nở” trong xương chân phải, chỉ định chuyển lên Bệnh viện Nhi trung ương (Hà Nội) gấp.
Tại đây sau ca mổ lấy khối u, cô bé được xác định bị Osteo sacoma xương chày phải giai đoạn ba. Đây là một dạng ung thư xương ở trẻ em. “Bác sĩ nói sẽ điều trị hóa chất. Nếu không đáp ứng thuốc, cháu sẽ phải cưa chân, dùng chân giả cả đời”, bà Hon kể.
Tin cô bé bị ung thư xôn xao cả làng quê nghèo. Hai bên gia đình nội ngoại ai nấy không còn hồn vía. Bố mẹ của Giang đang ở Hong Kong cũng ngất xỉu.
Ở vùng duyên hải Bắc Bộ này, cuộc sống của đa phần người dân chỉ quanh quẩn ruộng đồng. Từ lúc lên hai tuổi, bé Giang đã phải ở nhà với bà nội và các bác, vì bố mẹ sang Hong Kong lao động mong thoát cái nghèo. Sang đó chưa được bao lâu, cả hai bị bắt nhốt hơn một năm vì vượt biên trái phép. Những bất ổn chính trị và Covid-19 những năm tiếp theo nên gần như họ không làm ăn được gì. Nghe tin con bị bệnh họ cũng chưa thể về do vướng mắc thủ tục giấy tờ, càng không dám trốn vì sợ bị bắt tù lần nữa.
Bà Hon kể đã đi làm xác nhận bệnh của cháu gửi lên đại sứ quán, mong xét duyệt cho các em sớm được về nước. “Hai em mong ngóng về với con lắm, mà lực bất tòng tâm”, bà Hon chia sẻ.
Do bố mẹ vắng nhà, gia đình nội ngoại gom góp từng đồng mỗi đợt Giang đi viện. Tới nay số tiền vay mượn đã lên hơn 100 triệu đồng.
Không chỉ khó khăn về tiền bạc, người chăm bé mỗi lần đi viện cũng là vấn đề nan giải. Ban đầu bà Hon nhận trách nhiệm việc này nhưng bệnh xương khớp và các bệnh tuổi già khác khiến bà không thể gắng gượng được trước tình trạng phải thức đêm triền miên, tuần nào cũng phải đi lại say xe.
“Cháu truyền hóa chất vào là nôn trớ, co giật, ngất xỉu. Tôi bế cháu chạy đi gọi bác sĩ, rồi lại đứng chờ cấp cứu. Mỗi lúc như vậy tim tôi như rụng xuống”, bà kể.
Được gần hai tháng bà Hon bệnh không dậy được. Chồng ở quê bị đột quỵ nên bà phải về. Bác dâu của Giang, bà Nguyễn Thị Len lên chăm thay. Có bệnh tiền đình nên bà cũng phải gắng gượng với tình trạng thức đêm triền miên. Cùng lúc đó con trai bà bị tai nạn phải cưa chân, điều trị ở Bệnh viện Việt Đức.
“Thời điểm đó chồng tôi chăm con, tôi chăm cháu”, bà Len, 54 tuổi, kể. Bệnh của con trai nặng, chồng sức khỏe yếu, nên được một thời gian ở với cháu, bà lại phải sang Việt Đức chăm con.
Người bác còn lại của Giang đang điều trị ung thư, trong khi bà nội năm nay đã 85 tuổi sức yếu. Từ lúc đó, bà ngoại Nguyễn Thị Được, 76 tuổi, đồng hành cùng Xuân Giang đi chữa bệnh.
Bà Được cho biết tuổi già đi chăm người bệnh rất cực. Cháu truyền hóa chất, cứ 20 phút lại đi tiểu tiện một lần, kéo dài như thế suốt đêm. Hơn nữa bé ăn vào nôn mửa, tiêu chảy, miệng phồng rộp, người như con mèo hen, chân không đi lại được nên đi đâu bà phải bế ẵm. “Tuần đầu tiên, đầu tôi đau nhức nhưng không nói với ai, lén mua thuốc uống”, bà cho hay.
Cũng may những người xung quanh biết hoàn cảnh gia đình đều thương. Những người nhà bệnh nhân cùng phòng đi ăn, đi mua gì đều hỗ trợ. Có những đêm họ thức chăm con, nhận trông luôn Giang cho bà Được chợp mắt.
Đầu tháng 6, Xuân Giang được chuyển từ Viện Nhi sang Xanh Pôn chuẩn bị cho ca đại phẫu. Bà Được nhớ mãi hôm hội chẩn với kíp mổ trong đó có hai bác sĩ người Pháp, ai cũng lặng người đi khi thấy bà già cõng đứa cháu gầy nhom đi vào. Y bác sĩ quan tâm, dặn dò bà cố gắng chăm cháu hai ngày tới để có sức khỏe và tinh thần tốt nhất cho ca đại phẫu. Hai hôm đó, bà Được và y bác sĩ nói chuyện với Giang nhiều để tâm tình của bé tốt hơn.
“Có lẽ vì xa bố mẹ từ nhỏ nên cháu ít nói, ai hỏi gì cũng chỉ gục mặt xuống chảy nước mắt. Bác sĩ phải dọa, cháu mới nói vài câu”, bà Được kể.
8h sáng ngày 12/6, cô bé được đưa vào phòng mổ. Bà Được và hai bác Hon, Len túc trực bên ngoài. Cứ chốc chốc bà Len lại hé cửa nhìn vào trong. 20h hôm đó Xuân Giang mới được đưa ra khỏi phòng mổ. Lúc này chỉ còn mình bà Được ở lại với cháu. “Đó là đêm kinh hoàng nhất. Vào đúng 12h đêm hết thuốc giảm đau, cháu đau đớn la khóc như chết đi sống lại”, bà kể.
Bà không biết làm gì cả, vì bác sĩ đã tiêm tất cả các loại thuốc có thể, cần có thời gian để ngấm. Giang khóc, bà cũng ôm con bé khóc theo. Hơn một tiếng sau thuốc ngấm, bé mệt ngủ thiếp đi.
Từ đó đến nay, hai bà cháu đi lại giữa hai bệnh viện và quê. Giang vẫn tiếp tục phác đồ truyền hóa chất ở Viện Nhi và định kỳ qua Xanh Pôn thay băng, kiểm tra vết mổ và vật lý trị liệu tập đi.
Tuần trước hai bà cháu được cho về nghỉ vài hôm trước khi vào đợt truyền hóa chất mới. Nhưng về nhà được vài hôm, Giang bị sùi bọt mép, chân tay co quắp. Bà Được hoảng quá gọi cho bác sĩ điều trị của bé, được hướng dẫn đưa vào viện gần nhất truyền thuốc vì bé đang bị thiếu chất. Hiện hai bà cháu đang ở Bệnh viện Nhi Hải Phòng, tình trạng của Giang vẫn chưa cải thiện.
“Bố mẹ cháu đi lao động bị bắt nhốt bên nước ngoài không về được, hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn. Nay cháu Giang lại bị bệnh nặng, xóm giềng càng thêm thương xót”, ông Đỗ Văn Kỳ, trưởng thôn Đông Môn cho biết.
Phan Dương
Điểm trường làng Hrách và Lơ Pơ, huyện Kông Chro được Quỹ Hy vọng và các đơn vị tài trợ xây mới thay thế cho những lớp học đã xuống cấp, thấm dột. Ngày 14/11, gần 100 học sinh, giáo viên Điểm trường Hrách thuộc…
Học sinh trường TH & THCS Quang Minh tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng và ăn liên hoan trong ngày hội do Quỹ Hy vọng và De Heus tổ chức. Ngày hội dinh dưỡng học đường chủ đề “Vững bụng đến trường” được tổ…
Jomoo Việt Nam và trường Hy Vọng đã ký biên bản tài trợ thiết bị trị giá 2 tỷ đồng cho 138 phòng vệ sinh trong ngôi trường mới dành cho 300 trẻ mồ côi vì Covid-19, chiều 14/11. Phát biểu tại buổi ký kết,…
Men vi sinh chứa các vi sinh vật có lợi, hỗ trợ cải thiện cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cải thiện sức khỏe cơ thể song cần tránh lạm dụng. Nội dung: Văn HàThiết kế: Ngân Hà
Dự án Vệ sinh học đường giúp sức khỏe của 98% học sinh được cải thiện nhờ thay đổi thói quen sinh hoạt như rửa tay thường xuyên, không phóng uế bừa bãi, dọn dẹp định kỳ. Đỗ Nam – Kim Anh
Công ty De Heus Việt Nam tài trợ 1,2 tỷ đồng cho dự án “Dinh dưỡng học đường” của Quỹ Hy vọng, cải thiện bữa ăn của học sinh ở ba trường ở Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An. Ba trường được dự án hỗ…