Sau một tháng phát động chiến dịch hỗ trợ đồng bào bão lũ, nhóm Chung tay vì Việt Nam đã gây quỹ được hơn hai tỷ đồng với sự góp sức của hàng trăm Việt kiều.
Số tiền này được các thành viên trong nhóm gửi đến các quỹ từ thiện, đội cứu trợ ở Việt Nam để kịp thời giúp người dân khắc phục hậu quả sau bão Yagi.
“Nhìn cảnh nhà cửa, trường học chìm trong biển nước gây thiệt hại về người và của, những người con xa quê như chúng tôi càng muốn một phần sức giúp bà con tái thiết cuộc sống”, chị Vũ Ngọc Diễm Hằng, đại diện nhóm Chung tay vì Việt Nam chia sẻ.
Những thành viên trong nhóm Chung tay vì Việt Nam phát động chiến dịch giúp đồng bào Việt Nam khắc phục sau bão Yagi. Ảnh: D.H
Ba ngày sau bão Yagi đổ bộ, nhiều tỉnh phía Bắc chìm trong biển nước, không ít khu vực bị cô lập. Chị Hằng cho biết các thành viên trong nhóm ai nấy đều lo lắng, tổ chức họp gấp để lên kế hoạch hỗ trợ đồng bào từ xa. Tất cả thành viên đều ở Mỹ nhưng cách xa hàng trăm km nên phải bàn kế hoạch trực tuyến.
Chưa đầy 24 tiếng chia sẻ chiến dịch trên mạng xã hội, nhóm nhận được hơn 200 triệu đồng quyên góp. Số người ủng hộ ngày càng nhiều buộc nhóm phải ngày đêm liên hệ với người thân, các đội cứu trợ ở Việt Nam để nắm bắt tình hình, lập danh sách những địa phương thiệt hại, từ đó đưa phương án hỗ trợ. Việc khảo sát mất nhiều thời gian do chênh lệch múi giờ.
Hy vọng giúp đỡ được nhiều người, nhóm đã kết hợp với hơn 40 chuyên gia ở Mỹ và Việt Nam để tổ chức các buổi chia sẻ, tư vấn online với nhiều lĩnh vực khác nhau như: tài chính, kế toán, giáo dục, làm đẹp… Trong khi đó, các gia đình Việt ở Mỹ cũng muốn góp sức. Người lớn mở các sạp bán quần áo, bún ốc, nông sản Việt cho bạn bè người nước ngoài. Trẻ nhỏ tham gia thể hiện tài năng như: múa, kể chuyện, đọc thơ, vẽ tranh, chơi nhạc cụ… trong các buổi livestream gây quỹ.
Toàn bộ học phí thu được từ khóa học online, lợi nhuận từ bán hàng, quà tặng qua các buổi phát sóng được góp vào chiến dịch của nhóm Chung tay vì Việt Nam.
“Chúng tôi rất xúc động khi thấy tinh thần tương thân tương ái của những người con xa xứ”, chị Hằng nói.
Các gia đình Việt ở Mỹ nấu bún ốc gây quỹ hỗ trợ đồng bào lũ lụt, tháng 9/2024. Ảnh: D.H
Sau một tháng phát động chiến dịch, nhóm đã nhận được hơn 2 tỷ đồng tiền ủng hộ. Số tiền được trao tới các điểm trường bị ngập lụt ở Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai,… hỗ trợ hàng trăm người dân ở các tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ, Lào Cai khắc phục sao bão lũ. Ngoài ra nhóm cũng trích 300 triệu đồng để nhận nuôi 5 em nhỏ mồ côi sau bão Yagi ở Yên Bái và Cao Bằng.
Dự án lần này nhận được sự ủng hộ của hơn 500 mạnh thường quân là người Việt ở nước ngoài.
Bà Tô Diệu Liên, Chủ tịch Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Mỹ đã đại diện hội, góp 3.200 USD vào quỹ của nhóm Chung tay vì Việt Nam. Bà Liên cho biết số tiền góp được từ việc đấu giá trang phục áo dài tại Mỹ.
“Tôi mong muốn những hoạt động này sẽ được lan tỏa, truyền cảm hứng cho người Việt trẻ ở nước ngoài đóng góp nhiều hơn cho quê hương”, bà Liên nói.
Không chỉ cộng đồng người Việt, nhiều người nước ngoài cũng chung tay cùng chiến dịch hỗ trợ đồng bào vượt lũ. GS.TS Rachel, Đại học William & Mary, Thành phố Williamsburg, tiểu bang Virginia, Mỹ là một trong số đó.
Bà từng có ba năm giảng dạy chuyên ngành Khoa học Máy tính tại Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội. Trở về nước năm 2022, người phụ nữ này vẫn luôn ấn tượng bởi sự gần gũi, thân thiện của người dân nơi đây.
“Khi biết người Việt thiệt hại nặng nề vì bão lũ, tôi cũng muốn góp chút sức để giúp đỡ họ”, bà Rachel, người đã tham gia hoạt động tư vấn, chia sẻ kiến thức về AI nhằm gây quỹ thiện nguyện cho biết.
Quỹ Hy vọng trao 250 triệu đồng, khoản tiền mà nhóm Chung tay vì Việt Nam tài trợ cho trường THCS số 1 Phố Ràng, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai tái thiết sau bão Yagi, ngày 23/10/2024. Ảnh: Quỳnh Anh
Nhận được khoản ủng hộ 250 triệu đồng từ nhóm Chung tay vì Việt Nam, đại diện Quỹ Hy vọng cho biết số tiền này kịp thời giúp trường THCS số 1 Phố Ràng, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai sớm được tái thiết, sửa chữa sau khi bị hỏng hóc do bão lũ.
Vừa qua, Quỹ cũng tiếp nhận hơn 250 triệu đồng ủng hộ chiến dịch “Cùng đồng bào vượt lũ” từ vợ chồng bà Trầm Ái Phương, định cư hơn 20 năm ở Mỹ.
“Không chỉ Việt kiều Mỹ, chiến dịch hỗ trợ đồng bào bão lũ của Quỹ còn nhận được sự ủng hộ của người Việt ở nhiều nước trên thế giới như Australia, Đức, Thuỵ Sĩ, Nhật Bản, Malaysia… Nguồn tài trợ này có ý nghĩa cả về tài chính và động viên tinh thần rất lớn, tiếp sức cho bà con trong nước đang gặp khó khăn”, đại diện Quỹ cho biết.
Bảy năm xa quê định cư ở Mỹ, chị Hằng cho biết đây không phải lần đầu hỗ trợ đồng bào. Năm 2020, chị Hằng cùng 5-6 người bạn đã thành lập nhóm “Chung tay vì Việt Nam” với những hoạt động hướng về quê hương như: gửi tặng hàng trăm nghìn vắc-xin, khẩu trang cho các bệnh viện ở Việt Nam trong đợt dịch Covid-19. Tổ chức các chương trình thiện nguyện giúp đỡ có hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ người dân miền Trung khắc phục sau bão lũ.
Bên cạnh đó, nhóm cũng triển khai những dự án mang tính bền vững về các vấn đề y tế, giáo dục, nước sạch cho người dân, xây nhà chống lũ,…
“Dù ở đâu thì tôi và cộng đồng người Việt ở nước ngoài vẫn luôn hướng về quê hương”, chị Hằng nói.
Tính đến ngày 22/10, chiến dịch “Cùng đồng bào vượt lũ” do Quỹ Hy vọng – Báo VnExpress khởi xướng đã nhận được hơn 10 tỷ đồng.
Trước đó, Quỹ đã trao gần 1 tỷ đồng cho 9 điểm trường ở huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn và 1,5 tỷ đồng cho 7 trường ở Yên Bái, gần 2 tỷ đồng cho 8 trường ở Lào Cai. Sắp tới, Quỹ tiếp tục phối hợp cùng các địa phương để khảo sát, đánh giá thiệt hại và lên phương án xây mới các điểm trường có nguy mất an toàn do nứt vỡ, phải di dời sau bão lũ.
Độc giả có thể ủng hộ chiến dịch tại đây.
Thanh Nga
Giống nhiều đứa trẻ 7 tuổi, Tâm thích đến trường để có bạn nhưng bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) thể nặng khiến hành trình của cậu bé bị ngắt quãng. Mỗi tháng một lần, Trần Lê Đức Tâm sống tại thôn Bảng Sơn, xã…
Công ty De Heus Việt Nam tài trợ 1,2 tỷ đồng cho dự án “Dinh dưỡng học đường” của Quỹ Hy vọng, cải thiện bữa ăn của học sinh ở ba trường ở Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An. Ba trường được dự án hỗ…
Năm 2017, Súa theo bố mẹ từ Sơn La vào Bình Dương mưu sinh. Bố mẹ cậu – anh Sồng A Chua (29 tuổi) và chị Giàng Thị Xông (30 tuổi) – là công nhân tại TP Tân Uyên. Họ thường làm việc từ sáng…
Điểm trường mầm non Bản Nghịu ở xã Pá Khoang có tổng kinh phí đầu tư hơn một tỷ đồng được Quỹ Hy vọng xây mới với sự chung tay của FPT Polytechnic. Khởi công xây dựng ngày 6/11, điểm trường nằm trên khu đất…
Trong căn nhà gỗ lọt thỏm sau tán tre bương trên bản Mông (xã biên giới Mường Cai, huyện Sông Mã, Sơn La), thứ tài sản giá trị nhất là chiếc tủ lạnh đã rút ổ cắm, rỗng không. Tường nhà nham nhở những miếng…
6h một buổi sáng đầu tháng 9, tranh thủ trước giờ lên nhà máy, vợ chồng Dê chụm đầu vào màn hình điện thoại trong cuộc gọi chớp nhoáng về quê nhà Sơn La – cách đó 1.800 km. Đầu dây bên kia, ba đứa…