Quỹ Hy vọng - Hope Foundation

  • Giới thiệu
    • Tổng quan
    • Mục tiêu
    • Hội đồng quản lý
    • Ban cố vấn
    • Quyết định
    • Báo cáo kiểm toán
  • Chương trình
    • Ánh sáng học đường
    • Nâng bước em tới trường
    • Vệ sinh học đường
    • Mặt trời Hy vọng
    • Thư viện điện tử
    • Cùng đồng bào vượt lũ
    • Tết hy vọng
  • Danh sách đóng góp
  • Tin tức
  • Trang chủ
  • Hoạt động
  • Mặt trời Hy vọng
  • Tin tức
Thứ hai, 17/4/2023 | 10:28 GMT+7

Cuộc chiến với ung thư của mẹ con cô bé người Thái

SƠN LA – Phát hiện con gái mắc ung thư đúng giai đoạn Covid bùng phát dữ dội, hành trình chữa trị cho con của chị Lò Thị Huân vốn gian nan càng khó khăn hơn.

“Đời tôi chẳng thể nào quên được”, Lò Thị Huân ở bản Ỏ, Mường Sai, Sông Mã, nói về những ngày đầu phát hiện con gái Lò Thị Chi (7 tuổi) mắc ung thư.

Trước đó một năm, chị Huân thấy lưng bé Chi xuất hiện hạch to bằng ngón tay cái. Linh cảm của người mẹ thúc giục chị đưa con đi hơn 100 km xuống bệnh viện tỉnh Sơn La khám. Các bác sĩ kết luận bé bị u lành tính, chỉ cần phẫu thuật là ổn. Sau một tháng điều trị, Chi được về nhà, đến trường như bao đứa trẻ ở bản Ỏ.

Nhưng một năm sau, hạch lại mọc lên, lần này to như ngón chân cái, đẻ thêm một cái bên cạnh. “Con đau lưng, khó thở và sụt cân”, chị nhớ lại. Vợ chồng chị Huân lại đưa con đến viện. Lần này bác sĩ kết luận hạch ở lưng là khối u ác, khuyên chị nên cho bé xuống Hà Nội điều trị.

Nghe đến ung thư, vợ chồng Huân điếng người, tê dại. Suốt hai tháng liền, người mẹ cứ khóc cười lẫn lộn. Dân trong bản nói chị bị ma nhập, phải làm lễ cúng. “Nhưng có phải đâu, vì tôi sợ quá, thương con quá”, người mẹ sống bằng nghề trồng ngô, nói.

Chồng Huân không biết chữ, chị ý thức được mình phải là người đồng hành cùng con những ngày sắp tới ở thủ đô, nên cố trấn tĩnh. Covid-19 khiến những chuyến xe khách xuôi về Hà Nội không còn, Huân thuê xe riêng đưa con xuống viện. Mỗi chuyến cả đi cả về tốn 7 triệu đồng.

Mẹ con chị Huân trước nhà sản ở bản Ỏ, xã Mường Sai, hôm 14/4. Ảnh nhân vật cung cấp
Mẹ con chị Huân trước nhà sản ở bản Ỏ, xã Mường Sai, hôm 14/4. Ảnh nhân vật cung cấp

Người mẹ chuẩn bị ít thịt sấy khô, chăn gối và 20 triệu đồng cho chuyến đầu về thủ đô. “Đi 6 lần đều phải quay về vì dịch, bệnh viện không nhận. Đến lần thứ 7 được nhập viện nhưng không đúng tuyến, mẹ con lại quay về xin lại giấy tờ”, chị kể. Hành trình đi về không chỉ khiến họ kiệt sức mà còn sạch tiền tiết kiệm vì chỉ di chuyển đã mất 50 triệu đồng.

Tháng 3/2022, bé Chi nhập viện, điều trị tại khoa Nhi, bệnh viện K Tân Triều, Hà Nội. Ở đây, bé Lò Thị Chi được kết luận mắc u xương giai đoạn 4. Bệnh của Chi thuộc nhóm rất hiếm, một triệu trẻ mới có khoảng 1,7 trẻ mắc bệnh.

Người mẹ dân tộc Thái vừa hoảng vừa bối rối với lần đầu ở bệnh viện lớn, lại nhiều thủ tục vì Covid. Chị tự nhận mình ngu ngơ.

Có lần vào viện, điều dưỡng đưa con gái chị lên trước, dặn lưu số điện thoại, khi nào được gọi thì báo bảo vệ để cho lên với con. Nhưng Huân lưu nhầm số, bảo vệ không cho lên, chị chỉ biết ngồi khóc từ 14h-17h, khi điều dưỡng xuống trách ”sao không lên với con”, chị mới tất tả đi theo.

Con gái chị Huân trải qua 13 đợt truyền hóa chất, 25 mũi xạ trị, từ 24 kg con sụt còn 19 kg. Những đợt truyền hóa chất khiến bé nôn ói, đau nhức đến mất ngủ. Đó là những đêm trắng triền miên của người mẹ. “Tôi cho con nhấp từng ngụm sữa một vì chẳng ăn được gì”, chị nói.

Huân kể, đầu năm ngoái, bệnh nhân trong viện lần lượt mắc Covid, mẹ con chị được bác sĩ cho ra ngoài thuê trọ để tránh lây nhiễm. Nhưng ra được một hôm thì con test nhanh hai vạch, sang ngày hôm sau đến lượt mẹ. ”Không ai tiếp tế, tôi cố ra ngoài mới mua được chút thức ăn. Hai mẹ con ăn rồi ôm nhau khóc vì con Covid hành hạ”, chị kể.

Một tuần sau, khi sức khỏe ổn định, chị mới dám gọi cho chồng xuống đưa hai mẹ con về quê. Hết Covid, bác sĩ gọi, họ trở lại Hà thành.

Bé Chi khi điều trị tại bệnh viện K, Tân Triều. Ảnh nhân vật cung cấp
Bé Chi khi điều trị tại bệnh viện K, Tân Triều. Ảnh nhân vật cung cấp

Tháng 10 năm ngoái, bé Chi được chuyển sang bệnh viện Việt Đức phẫu thuật lần hai. Hiện tại, sức khỏe bé ổn định chỉ cần tái khám định kỳ và uống thuốc theo chỉ dẫn, tuy nhiên nguy cơ tái phát rất cao.

Để đồng hành cùng con đến viện, vợ chồng Huân đã dốc cạn tiền tiết kiệm, trong nhà cũng trống hoắc vì thứ gì có giá trị đều bán hết. “Nhà tôi bán 6 con bò, 7 con dê, một con lợn, tổng hơn 60 triệu đồng. Đấy là những thứ giá trị nhất, nhưng tôi vẫn còn nợ anh em họ hàng, lối xóm hơn 20 triệu nữa”, chị nói.

Ông Lò Văn Sướng, trưởng bản Ỏ cho biết, nếu các con khỏe mạnh, chăm chỉ như vợ chồng chị Huân chắc chắn sẽ không phải lo lắng kinh tế. Nhưng từ ngày con ốm, lên nương không đều, cuộc sống của họ chật vật hơn hẳn. Tới đây, ông Sướng sẽ đề xuất ưu tiên hộ chị Huân gia nhập 21 hộ nghèo, trong tổng 210 hộ, đều là người Thái của bản.

Chị Huân cho biết, vì vợ chồng mình thất học nên luôn ước muốn con được đến trường. Con gái ham học là động lực để chị cố gắng đồng hành cùng con mỗi ngày. Chi chăm ngoan, được thầy Hoàng Văn Chiến, chủ nhiệm lớp 4A, trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và trung học cơ sở Mường Phai nhận xét là học sinh giỏi thứ hai của lớp. ”Em ấy đi viện nhưng về lại đòi đến lớp, học đứt quãng nhưng không thua bạn bè”, thầy giáo nói.

“Với căn bệnh của con, sẽ còn nhiều hành trình bất ngờ, gian nan hơn nữa, nhưng chỉ cần con ở cạnh mình, vợ chồng tôi tự hứa sẽ còn cố gắng”, chị Huân nói.

Phạm Nga

Chia sẻ Copy link thành công

Danh mục

  • Ánh sáng học đường
  • Nâng bước em tới trường
  • Mặt trời hy vọng
  • Tết Hy vọng
  • Vệ sinh học đường
  • Thư viện điện tử
  • Tiếp sức cho tâm dịch
  • Chung tay vì miền Trung
  • Cùng đồng bào vượt lũ
  • Trường Hy Vọng

Tin liên quan

Ước mơ sum vầy của nữ sinh không nhà

Ánh sáng học đường

Ước mơ sum vầy của nữ sinh không nhà

Đồng Tháp – 18 năm qua, Phan Ngô Diễm Phượng phải tá túc hết nhà ngoại đến nhà mợ bởi gia đình cô không có nổi căn nhà riêng. Mẹ Phượng – bà Phan Thị Thu Tâm, dang dở hôn nhân khi con chưa chào…

UNIQLO tài trợ 1,5 tỷ đồng xây hai trường vùng cao

Ánh sáng học đường

UNIQLO tài trợ 1,5 tỷ đồng xây hai trường vùng cao

Với nguồn tài trợ từ UNIQLO Việt Nam, Quỹ Hy vọng xây thêm hai điểm trường mới tại Đà Nẵng và Quảng Trị, dự kiến khánh thành vào năm học tới. Kinh phí tài trợ xây dựng hai điểm trường tại miền Trung được UNIQLO…

Xây mới 12 cầu Hy Vọng

Nâng bước em tới trường

Xây mới 12 cầu Hy Vọng

Sáu tháng đầu năm, Quỹ Hy Vọng đã khởi công thêm 12 cây cầu bê tông và khánh thành bàn giao 25 cầu tại Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang, Sóc Trăng và Sơn La. Ngày 27/6, Cầu Hy Vọng 412 (cầu Rạch Sung) được…

Quỹ Hy vọng xây mới 40 công trình trường học vùng cao

Ánh sáng học đường

Quỹ Hy vọng xây mới 40 công trình trường học vùng cao

Vào kỳ nghỉ hè, hàng loạt dự án xây phòng lớp học, nhà bếp, vệ sinh… do Quỹ Hy vọng và các đơn vị tài trợ, cấp tập xây dựng để kịp hoàn thành trước năm học mới. Điểm trường Aky, Trường Tiểu học số…

5 trường học ở Gò Nổi được sơn sửa, tặng thư viện điện tử

Ánh sáng học đường

5 trường học ở Gò Nổi được sơn sửa, tặng thư viện điện tử

Quảng Nam – Quỹ Hy Vọng hỗ trợ sơn sửa lớp học, nhà vệ sinh và trao thư viện điện tử cho 5 trường ở vùng Gò Nổi, thị xã Điện Bàn, ngày 28/6. Trong đó, Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, Trường Mẫu giáo…

Hy vọng mong manh trong những căn nhà dọa sập

Ánh sáng học đường

Hy vọng mong manh trong những căn nhà dọa sập

Hà Tĩnh – Cột kèo mối mọt, mái thủng, vách nứt khiến hai gia đình nghèo sống trong bất an suốt hàng chục năm, chỉ mong có nơi ở vững chãi để bám trụ và lo cho con cái. Giữa tháng 6, nắng chói chang,…

Địa chỉ liên hệ

Trụ sở: Tầng 9, Toà nhà FPT, số 10 Phạm Văn Bạch, Cầu Giấy, Hà Nội

Hotline:
0972 776 776
Email:
hope@quyhyvong.com
Facebook:
Được vận hành bởi
VnExpress FPT Online
Hoạt động theo quyết định số
883/QĐ-BNV
Báo cáo tài chính được kiểm toán bởi
© 2018-2024. Toàn bộ bản quyền thuộc Quỹ Hy vọng.
Chính sách bảo mật