HÀ NỘI | Thái Viết Minh Đức, 8 tuổi, ung thư nguyên bào thần kinh giai đoạn 4 di căn, từng tưởng hết hy vọng, nay hồi phục sau ca ghép tế bào gốc.
Ngày 5/6, tại phòng bệnh Trung tâm Ung Bướu, Bệnh viện Nhi Trung ương, bé Đức đã khỏe khoắn, vui vẻ hơn sau ca ghép tế bào gốc và mổ lấy khối u. Chị Bùi Thị Hoa, mẹ bé, lấy tay xoa đầu trọc của con, động viên con ăn uống tốt để mau khỏe. Cậu bé nép vào lòng mẹ, thủ thỉ: “Sau này lớn lên con muốn chế tạo thuốc sống lâu trăm tuổi để mẹ uống đầu tiên. Con muốn mẹ sống thật lâu để chăm con”.
Người mẹ xúc động, len lén quay mặt đi. 9 tháng con nằm viện, chị Hoa trải qua nhiều lần bi quan, đến nay nhìn con dần hồi phục mới có hy vọng vào tương lai.
Tháng 9/2023, bé Đức bỗng biếng ăn, sút cân, bác sĩ ở Nghệ An cho thuốc uống chữa chứng đầy bụng nhưng không bớt. Con ngày càng gầy, chị Hoa đưa đến bệnh viện tỉnh, kết quả chụp chiếu phát hiện mắc u nguyên bào thần kinh, giai đoạn 4, di căn, tiên lượng xấu.
U nguyên bào thần kinh thường gặp ở trẻ sơ sinh và dưới 5 tuổi, bởi có thể hình thành trước khi trẻ sinh ra. Đây là một khối u đặc trong các tế bào thần kinh bên ngoài não, mô thần kinh gần cột sống cổ, ngực, bụng hoặc xương chậu, thường gặp ở tuyến thượng thận (nằm trên đỉnh cả hai quả thận). Áp lực từ u gây các triệu chứng đau nhức xương, khó thở, sốt, thiếu máu. Bệnh thường được phát hiện khi đã di căn sang các bộ phận khác của cơ thể như hạch bạch huyết (cơ quan nhỏ hình hạt đậu, giúp chống nhiễm trùng), gan, phổi, xương và tủy xương (mô xốp, đỏ, ở bên trong những xương lớn).
“Tôi mất ăn, mất ngủ, luôn suy nghĩ tiêu cực và không muốn giao tiếp với ai, giống như người bị trầm cảm vậy”, người mẹ nhớ cảm xúc khi nhận tin dữ về con.
Đức được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ lên phác đồ điều trị kết hợp nhiều biện pháp gồm phẫu thuật, truyền hóa chất liều cao, ghép tế bào gốc, sau đó xạ trị. Chị Hoa giấu bệnh, không nói cho con biết. Cậu bé nhạy cảm, hay hỏi mẹ “Bệnh của con có sống được không?”, mẹ an ủi “Con bị u, cắt đi là sẽ khỏi”.
Đợt hóa trị đầu tiên, tóc Đức rụng, được các cô y tá cạo trọc đầu hẳn. Em buồn bã, khóc đòi về nhà, trong khi nôn ói, mệt mỏi, kém ăn do vào hóa chất.
Bác sĩ tư vấn gia đình cho Đức ghép tế bào gốc – biện pháp cuối cùng giúp bé sống sót, bởi nếu chỉ chăm sóc giảm nhẹ thời gian sống ngắn ngủi. Phương pháp này giúp tiêu diệt triệt để tế bào ung thư, tái tạo tế bào khỏe mạnh, trẻ lui bệnh và giảm nguy cơ tái phát. Tuy nhiên, chi phí một lần ghép tế bào gốc khá cao, khoảng 300-500 triệu đồng, trong khi tiền nằm phòng cách ly, vô khuẩn không được bảo hiểm y tế chi trả. Đây là rào cản chữa bệnh của các gia đình khó khăn nói chung và vợ chồng chị Hoa nói riêng.
Chị Hoa mất hy vọng chữa cho con khi nghĩ đến chi phí. Từ ngày Đức bệnh, mẹ bỏ công việc lên Hà Nội thuê trọ chăm con, mọi chi tiêu đều phụ thuộc vào thu nhập làm nông 3-4 triệu đồng của người bố. Trong nhà còn ông bà già yếu và hai con trai lớn phải ăn học.
May mắn, bé Đức được Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) hỗ trợ một phần chi phí truyền tế bào gốc, chặn ung thư di căn xa, thông qua chương trình Mặt trời Hy vọng (Quỹ Hy vọng – VnExpress). Tháng 4, ca ghép tế bào gốc được tiến hành. Hiện, sức khỏe của em vẫn yếu, đau nhức toàn thân. Người mẹ cố gắng chăm chút bữa ăn, giấc ngủ, chơi đùa và kể chuyện để con quên đi nỗi đau. Khi trẻ khỏe lại, em sẽ xạ trị tiếp tục.
Theo bác sĩ, ghép tế bào gốc thường là giai đoạn khó khăn nhất đối với các bệnh nhi. Các em cần truyền hóa chất mạnh, nằm phòng cách ly đặc biệt, người nhà phải đảm bảo vô khuẩn, tránh lây nhiễm từ bên ngoài. Bé được bổ sung dinh dưỡng do mệt mỏi tăng, chán ăn, đi ngoài, suy dinh dưỡng, sụt cân.
Gần hai tháng sau ghép, hiện Đức đã vui vẻ, trò chuyện với mẹ nhiều hơn. Giọng nói lém lỉnh, ngây thơ của em khiến các cô y tá bật cười. Ở viện còn rất nhiều bé mắc bệnh nặng phải điều trị hằng năm, chị Hoa cảm thấy gia đình mình vẫn còn may mắn.
“Tôi sẽ làm mọi cách để con khỏe mạnh, dù phải hy sinh thế nào đi nữa”, chị nói.
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Độc giả có thể xem thông tin chương trình tại đây. |
Thúy Quỳnh
Điểm trường làng Hrách và Lơ Pơ, huyện Kông Chro được Quỹ Hy vọng và các đơn vị tài trợ xây mới thay thế cho những lớp học đã xuống cấp, thấm dột. Ngày 14/11, gần 100 học sinh, giáo viên Điểm trường Hrách thuộc…
Học sinh trường TH & THCS Quang Minh tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng và ăn liên hoan trong ngày hội do Quỹ Hy vọng và De Heus tổ chức. Ngày hội dinh dưỡng học đường chủ đề “Vững bụng đến trường” được tổ…
Jomoo Việt Nam và trường Hy Vọng đã ký biên bản tài trợ thiết bị trị giá 2 tỷ đồng cho 138 phòng vệ sinh trong ngôi trường mới dành cho 300 trẻ mồ côi vì Covid-19, chiều 14/11. Phát biểu tại buổi ký kết,…
Men vi sinh chứa các vi sinh vật có lợi, hỗ trợ cải thiện cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cải thiện sức khỏe cơ thể song cần tránh lạm dụng. Nội dung: Văn HàThiết kế: Ngân Hà
Dự án Vệ sinh học đường giúp sức khỏe của 98% học sinh được cải thiện nhờ thay đổi thói quen sinh hoạt như rửa tay thường xuyên, không phóng uế bừa bãi, dọn dẹp định kỳ. Đỗ Nam – Kim Anh
Công ty De Heus Việt Nam tài trợ 1,2 tỷ đồng cho dự án “Dinh dưỡng học đường” của Quỹ Hy vọng, cải thiện bữa ăn của học sinh ở ba trường ở Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An. Ba trường được dự án hỗ…