Chạy lụt như cơm bữa mỗi mùa mưa bão, các em nhỏ ở Lệ Thuỷ, Quảng Bình đã quen với những lớp học bong sơn, tróc vữa, đượm mùi ẩm mốc.
Huyện Lệ Thủy là vựa lúa nằm phía nam tỉnh Quảng Bình, có con sông Kiến Giang chảy qua. Do địa hình thấp trũng, cửa sông đổ ra biển khá xa nên năm nào, Lệ Thuỷ cũng lâm vào cảnh lũ lụt, ngập úng. Dạy học ở vùng thấp trũng, thầy cô nào cũng luôn sẵn sàng tâm lý “chạy lụt” mỗi khi có dự báo mưa to.
Trường THCS Phong Thủy nằm ở trung tâm huyện, có mặt tiền là sông Kiến Giang thường là nơi chịu lụt sớm nhất, nước sông dâng tác động ngay đến các lớp học. Thầy Hiệu trưởng Lê Đình Lý cho hay, hàng năm thường có hai đến ba trận lụt ảnh hưởng đến trường, ngập sâu từ 50 đến 100 cm.
Một ngày tháng 10/2020, lũ lại về. Thầy Lý nhớ lại, buổi sáng, nước ngấp nghé ngoài sân rồi tràn vào các phòng học. Nhà trường huy động các thầy giáo trực 24/24 canh con nước, chuyển, kê đồ theo nước lên. Nhưng khác mọi năm, nước liên tục dâng, một mét rồi hai mét và không có dấu hiệu dừng lại.
Hai giờ sáng nước dâng cao 3 mét, các giáo viên phải dùng thuyền đi lại trong sân trường, tìm cách di chuyển những hồ sơ, tài sản thiết yếu. Dãy phòng học hai tầng là vị trí duy nhất còn có thể kê dọn đồ đạc. “Cùng lúc, trường cũng đón nhiều người dân tìm đến tránh lũ trên dãy phòng học tầng hai, do nhà cửa đã chìm dưới biển nước”, thầy Lý kể.
Vài ngày sau, lũ rút đi để lại một lớp phù sa hàng chục cm bao phủ khắp trường. Bàn ghế, tủ, đồ dùng học tập… hư hỏng nằm ngổn ngang. Nhà trường phải kêu gọi thêm các lực lượng địa phương, phụ huynh và học sinh đến phụ dọn dẹp. Mất nửa tháng, ngôi trường mới có thể trở lại hoạt động.
Cứ mỗi trận lũ, việc học của cả trăm em nhỏ lại gián đoạn, sách vở, đồ dùng học tập bị cuốn trôi, phụ huynh mất tài sản. Con đường trở lại trường của các em thêm nhiều chướng ngại.
Còn các thầy cô không chỉ lo chạy bù chương trình, mua sắm lại học cụ mà liên tục phải trùng tu các lớp học xuống cấp. Ngâm trong nước lụt lâu ngày, toàn bộ tường của 16 phòng học tầng một trường THCS Lệ Thuỷ hằn những vệt ngang, vôi vữa bong tróc, loang lổ.
Thầy Hiệu trưởng Lê Đình Lý cho hay, khả năng tài chính có hạn nên dù muốn trường cũng không thể thường xuyên sửa chữa trường. Các em buộc phải ngồi trong những lớp học ẩm thấp, mốc meo.
Tương tự, trường mầm non Thanh Thủy ở sát quốc lộ 1A, cách xa sông nhưng sân trường thấp trũng nên năm nào cũng ngập lụt. Cô Hiệu trưởng Phạm Thị Tằm cho hay, trận lũ lịch sử năm 2020 khiến dãy nhà cấp 4 bị ngập đến mái, sâu khoảng 4 mét, trong khi dãy hai tầng ngập 1,8 đến hai mét ở tầng một. “Năm đó mưa lũ hai trận liên tiếp, khiến nhà trường phải dừng học kéo dài hơn một tháng”, cô Tằm nói.
Ứng phó với các trận lũ, từ năm học 2010-2011, trường mầm non Thanh Thủy xã hội hóa, xin UBND xã đầu tư một số khung giàn giáo bằng sắt để kê dọn đồ dùng dạy học mỗi khi lũ về. Giàn giáo cao hơn ba mét, lắp ghép rộng bằng một phòng học nhưng nhiều khi kê không hết đồ dùng. Đặc thù giáo viên mầm non toàn là nữ, mỗi khi nghe dự báo mưa to, cô hiệu trưởng lại phải liên hệ đoàn viên xã và hội phụ huynh hỗ trợ dọn đồ. “Nghe mưa to thì chuyển lên, có khi ngày mai không lụt ngày mốt chuyển xuống để dạy. Dạy vài ngày lại chuyển lên nếu trời đổ mưa to”, cô Tằm thông tin.
Ở đây, mọi người đã quen chạy lũ bất kể giờ giấc, “vì chỉ chậm một chút là nước lên cao, nguy hiểm đến học trò và cả cô giáo”, nữ hiệu trưởng bộc bạch.
Sau lụt, bùn đất, rác rưởi tràn vào có thể dọn sạch, nhưng các vết ố vàng, ẩm thấp, xói lở trên tường thì các cô không thể khắc phục. Nhà trường chỉ biết xịt nước sạch sẽ, sấy khô rồi dán giấy, tranh xốp… che đi những “vết sẹo” trên tường. “Nhiều chỗ tường bong sơn cả mảng. Đầu mỗi năm học, giáo viên dùng vôi ve quét tạm nhưng vẫn rất mất thẩm mỹ, môi trường học tập của các bé bị ảnh hưởng”, cô Tằm cho hay.
Trưởng phòng Giáo dục Đào tạo Lệ Thủy Nguyễn Văn Vững cho hay toàn huyện có 85 đơn vị trường học. Trận lũ lịch sử năm 2020 khiến 70% trong số đó bị ngập, ảnh hưởng cơ sở vật chất, tiến độ chương trình. “Sau mỗi trận lũ, tường ẩm, trang trí không đẹp, khiến môi trường, cảnh quan sư phạm xấu đi”, thầy Vững nói.
Hai năm sau trận lũ lịch sử đó, nhiều ngôi trường vẫn còn thương tích. Theo thống kê, toàn huyện có 33 trường học, với hơn 320 phòng học cần sơn sửa. Với nguồn thu ngân sách toàn huyện 380 tỷ đồng năm ngoái, “việc dành kinh phí sơn sửa lại các trường học với chúng tôi là khá khó khăn”, ông Vững nói.
“Mong muốn các con được học tập trong môi trường sạch sẽ, không ẩm mốc tưởng chừng đơn giản nhưng không dễ để thực hiện với chúng tôi”, thầy hiệu trưởng Lê Đình Lý bày tỏ.
Để các em học sinh Lệ Thủy, Quảng Bình đón năm học mới trong những ngôi trường không còn ẩm mốc, rêu phong, Quỹ Hy Vọng triển khai chương trình “Trường em thay áo mới” với mục tiêu sơn sửa ít nhất 35 ngôi trường đã xuống cấp. Để đồng hành cùng quỹ, độc giả xem chi tiết tại đây.
Hoàng Táo
Sợ con trai không thể tỉnh lại sau hôn mê, chị Cẩm ngày nào cũng nắm tay trò chuyện, cố kéo con trai vượt cõi chết trở về. “Minh tỉnh dậy tập thở, khỏe rồi hai mẹ con mua bánh sinh nhật nha”, chị Nguyễn…
Bốn tháng sau cuộc phẫu thuật hiến tặng gan, Huỳnh Thị Thu Tuyền trở lại công việc bán hàng, trong khi con gái chuẩn bị đi học mẫu giáo. “Đây là cuộc sống tôi mơ ước suốt ba năm qua”, Tuyền, 22 tuổi, ở xã…
Quỹ Hy vọng khánh thành 14 cầu bê tông mới, trong đó có ba công trình do Roche Việt Nam tài trợ ở huyện Lai Vung và Châu Thành, ngày 1/12. Ba công trình khánh thành đợt này gồm cầu Hy Vọng 382, 383, 384,…
Ở bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, bác sĩ, người nhà bệnh nhi lúc nào cũng thấy ông Chung cười đùa với đám trẻ, dù ông là người lớn tuổi nhất chăm trẻ ung thư. Chiều cuối tháng 11, sau một ngày trôngcháu…
Nam Định_Bé Cao Văn Bắc 3 tuổi xơ gan giai đoạn cuối nguy cơ tử vong, được bố hiến gan và chương trình Mặt trời Hy vọng của VnExpress hỗ trợ chi phí ghép gan thành công. Ba tháng sau ca phẫu thuật ghép gan,…
TP HCM_Sau hơn một tháng xạ trị, mắt phải bị liệt, sức khỏe yếu dần nhưng Nguyễn Trần Phú Danh chưa một lần khóc, thậm chí còn động viên mẹ đừng buồn. Chiều cuối tháng 11, từ huyện Cái Nước, Cà Mau, Phú Danh cùng…