Đêm 21/11, gala ‘Vì một Việt Nam tất thắng’ tại Hà Nội khép lại hành trình gần 3 tháng chương trình đồng hành cùng trẻ nhỏ yếu thế thông qua cuộc thi vẽ tranh, sáng tác văn học.
Các em nhỏ gặp nhau tại chương trình có hoàn cảnh khác nhau, nhưng đã luôn chọn lựa vượt lên nghịch cảnh để nuôi dưỡng ước mơ. Có em mong trở thành bác sĩ, thầy giáo dạy thể dục hay đơn giản mong mỏi những người mẹ mới sẽ sớm đến làng trẻ mồ côi thay cho các mẹ đã có tuổi sớm được nghỉ ngơi.
Sùng A Hảng đến từ Làng trẻ SOS Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, lần thứ hai về Hà Nội. Thích bóng đá, Hảng mong sẽ đậu vào Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh. Tranh của Hảng là bức duy nhất mang thông điệp bảo vệ môi trường, mang tên “Đừng vứt khẩu trang bừa bãi”. Trong tranh, một nửa thế giới đầy bia mộ, có cả tấm ghi tên Sùng A Hảng và những người quan trọng với cuộc đời em.
“Nếu mọi người không có ý thức bảo vệ mình, bảo vệ môi trường, để lan dịch bệnh thì người nằm dưới bia mộ kia có thể là người thân, người quan trọng với mình”, Hảng giải thích.
Nguyễn Thị Hoàng Oanh, cô bé mồ côi đến từ TP HCM, kể mẹ bị bệnh nặng đã qua đời cuối năm 2011. Chưa kịp lành vết thương lòng, vài tháng sau, tai nạn giao thông lấy đi một chân của Hoàng Oanh. Cô bé đi bán vé số phụ giúp họ hàng. Qua báo chí, ông Nguyễn Xuân Phúc khi ấy là Thủ tướng, đã gửi thư động viên Hoàng Oanh.
3 năm qua mỗi lúc vui, buồn, mất phương hướng, Hoàng Oanh đều lấy thư ra đọc để làm động lực trong cuộc sống. Nhờ tham gia cuộc thi, Oanh lần đầu được ra thủ đô và được hội ngộ Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chiều 19/11.
Chu Ánh Tuyết – tác giả đạt giải ba cuộc thi, nói sẽ dùng tiền thưởng 10 triệu đồng để bố mẹ có thêm tiền chữa bệnh và mua thiết bị học online. Cô bé quê Hưng Yên vẽ tranh trong nhà trọ, bệnh viện, bất cứ đâu có thể ngồi. Ở nhà trọ không có dụng cụ vẽ, em đã ngồi trên sàn nhà để vẽ dù chân tay nhức mỏi.
Đỗ Thị Phương Anh, 18 tuổi, sống tại Làng trẻ SOS Hải Phòng, đã viết thư gửi những người mẹ tương lai. Cô bé được các mẹ ở làng trẻ nuôi dưỡng từ bé và nhận ra “khi mình đã lớn thì các mẹ cũng già”. Dẫu đến tuổi về hưu, các mẹ vẫn chưa được nghỉ, phờ phạc sau mỗi đêm chăm các em nhỏ đau ốm hay quấy khóc. Phương Anh mong làng trẻ sẽ có những người mẹ mới sớm đến để những người mẹ đã có tuổi được nghỉ ngơi.
Chia sẻ của các em khiến hội trường lặng đi. Ca sĩ Hà Anh Tuấn nói đã nhìn thấy rất nhiều “mặt trời hy vọng”. Biết Hoàng Oanh mong trở thành bác sĩ, chữa bệnh cho người khó khăn, ca sĩ nói trên chặng đường phấn đấu, nếu có khó khăn thì hãy lên tiếng, anh sẵn sàng đồng hành hỗ trợ. Ca sĩ xúc động, xin phép ôm những bệnh nhi ung thư, mồ côi ngồi trên sân khấu.
Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn đã gọi những em nhỏ tham gia Vì một Việt Nam tất thắng là “chiến binh nhí, siêu nhân, những tác giả tuyệt vời”. Cuộc thi là nơi để các em thể hiện tình yêu cuộc sống, truyền cảm hứng với y bác sĩ tuyến đầu, nhắc nhở xã hội về tài năng, khao khát sống mãnh liệt của các em.
“Hãy để các em nói theo cách thức và ngôn ngữ mạnh mẽ nhất của mình. Các em không phải là áp lực trên vai gia đình hay gánh nặng xã hội mà là niềm cảm hứng lớn lao về một Việt Nam luôn lạc quan, mơ ước”, ông Thuấn nói và nhấn mạnh cuộc thi càng ý nghĩa hơn khi diễn ra trong bối cảnh Covid-19. Trong đó, nhiều em là bệnh nhi, đến từ các tỉnh thành xa xôi như Điện Biên, Lai Châu. Bản thân ông và hàng chục nghìn cán bộ y tế đang căng mình chống dịch rất xúc động khi nhận được tranh vẽ, thư cổ vũ cho y bác sĩ tuyến đầu.
Việt Nam mỗi năm có 182.000 ca mắc ung thư, trong đó 1-1,5% là trẻ em. Bản thân ông Thuấn là bác sĩ chuyên ngành này, nhưng vẫn vô cùng đau xót khi nhiều em phải rời xa bạn bè, không thể tiếp tục chạy chữa vì khó khăn. Trong hoàn cảnh đó, nhân viên y tế đã kêu gọi quyên góp nhưng vẫn không thấm vào đâu. Ông mong muốn toàn xã hội giúp đỡ nhiều hơn cho nhóm trẻ yếu thế, cũng như đóng góp để giúp những bệnh nhi có thêm cơ hội chạy chữa.
Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, trẻ em, học sinh là nhóm chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực nhất do đại dịch. Trẻ bình thường học tốt trong bối cảnh hiện tại đã khó, các em yếu thế lại khó bội phần. Nhưng các em đã thể hiện bản lĩnh vượt lên số phận. Hơn 2.300 tác phẩm tham gia cuộc thi thể hiện sự trong trẻo, chứa đựng bầu trời hy vọng, khát vọng chiến thắng nghịch cảnh, cũng là khát vọng chung của dân tộc trong cuộc chiến chống Covid-19.
Bộ trưởng nhấn mạnh, giáo dục cho trẻ em yếu thế không phải là ưu tiên hay chiếu cố mà là thước đo tính nhân văn của nền giáo dục, là phép thử với nhân tâm toàn xã hội. “Các em giúp cho đời, chứ không phải đời giúp các em”, ông cảm ơn và bày tỏ sự khâm phục với những đứa trẻ vượt lên nghịch cảnh.
Đại diện Ban tổ chức chương trình – ông Minh Nhân, nói phần lớn những đứa trẻ chào đời lành lặn, nhưng nhiều em không may mắn, mắc bệnh nan y, hoàn cảnh cơ cực. Tạo hóa có thể không công bằng với các em ngay từ đầu, nhưng cũng không lấy đi toàn bộ hy vọng.
Các tác phẩm dự thi cho thấy nhiều tài năng, sự bền bỉ nội tâm của các bé. Nhiều em thể hiện tài năng hội họa, năng khiếu toán học qua những bức tranh đầy màu sắc, hay vẽ về Hoàng Sa, Trường Sa – cho thấy chủ quyền biển đảo, dân tộc nằm sâu trong tiềm thức của cả những đứa trẻ thiếu may mắn. Ông mong xã hội xóa bỏ sự kỳ thị với các em, coi đây là nguồn nhân lực đặc biệt của đất nước.
Hồng Chiêu
Tính đến ngày 16/12/2024, sau 3 tháng phát động với sự hỗ trợ từ hàng chục ngàn mạnh thường quân, chiến dịch “Xây lớp học mới – Mở lối tương lai” đã chính thức cán mốc số tiền quyên góp ấn tượng 234 triệu đồng…
Mỗi runner đăng ký giải chạy “Tết Hy Vọng 2025” sẽ góp một viên gạch xây nhà tắm giúp mùa đông của học sinh vùng cao ấm áp hơn. Giải chạy do Quỹ Hy vọng và vRace phối hợp tổ chức, bắt đầu từ ngày…
Quỹ Hy vọng khánh thành 14 cầu bê tông mới, trong đó có ba công trình do Roche Việt Nam tài trợ ở huyện Lai Vung và Châu Thành, ngày 1/12. Ba công trình khánh thành đợt này gồm cầu Hy Vọng 382, 383, 384,…
Sau 2 tháng, dự án gây quỹ xây mới phòng học do Đông Tây Barbershop phối hợp cùng MoMo và Quỹ Hy vọng thực hiện đã cán mốc 100 triệu đồng. Từ ngày 16/9, Đông Tây Barbershop trích 5.000 đồng với mỗi giao dịch thanh…
Điểm trường làng Hrách và Lơ Pơ, huyện Kông Chro được Quỹ Hy vọng và các đơn vị tài trợ xây mới thay thế cho những lớp học đã xuống cấp, thấm dột. Ngày 14/11, gần 100 học sinh, giáo viên Điểm trường Hrách thuộc…
Học sinh trường TH & THCS Quang Minh tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng và ăn liên hoan trong ngày hội do Quỹ Hy vọng và De Heus tổ chức. Ngày hội dinh dưỡng học đường chủ đề “Vững bụng đến trường” được tổ…