TP HCM- 320 bức tranh mang điều ước về thế giới hòa bình hay được sống đúng với bản thân của trẻ em yếu thế đang trưng bày tại chùa Giác Ngộ.
Đây là một trong chuỗi hoạt động của chương trình “Việt Nam ước mong” năm 2023. Chương trình diễn ra từ ngày 27/5 đến 24/6 với hai hoạt động chính là triển lãm “Hòa bình trong mắt em” và talkshow chủ đề “Giúp trẻ có hoàn cảnh khó khăn hòa nhập và phát triển”.
Bức tranh “Muôn hoa đua sắc” của em Nguyễn Ngọc Diệp đến từ Câu lạc bộ mỹ thuật phát triển trí tuệ Kim Thùy, Thái Bình.
Điểm mới so với chương trình năm ngoái là sử dụng chất liệu tranh canvas, cũng vì thế thu hút được đông đảo trẻ em tham gia.
Hầu hết tác giả là bệnh nhi, trẻ tự kỷ, khuyết tật, trẻ mồ côi. Cũng có nhiều họa sĩ nhí không phải trẻ yếu thế nhưng tham gia để ủng hộ, giúp đỡ các bạn đồng trang lứa kém may mắn hơn mình.
Bức tranh “Nhành lê trắng” của bé Minh Hải, 11 tuổi ở Hà Nội ủng hộ các bạn kém may mắn. Qua tranh em muốn thể hiện vẻ đẹp của sự thuần khiết, trong sáng.
320 bức tranh được lựa chọn từ cả nghìn bức, tập trung vào 7 chủ đề gồm: chiến tranh, hạnh phúc, hòa bình, hòa bình nội tại, hòa nhập, sum họp và thanh bình.
Đây là tranh của em Lê Văn Lý, 17 tuổi, ở làng trẻ SOS Quy Nhơn, với chủ đề bảo vệ môi trường biển.
Với bức tranh “Hạnh phúc giản đơn“, em Nguyễn Xuân Trường, 17 tuổi, đến từ Trường Giáo dưỡng số 2 (Ninh Bình) thể hiện mong ước về những điều hạnh phúc bình dị trong cuộc sống.
Tranh của của cô bé Nhã Phương, 11 tuổi ở Làng trẻ SOS Đà Lạt thể hiện một không gian hạnh phúc của gia đình. “Một sân vườn nhỏ, cây xanh và những loài hoa là không gian nghỉ ngơi lý tưởng và trò chuyện cùng với mọi người trong gia đình”, em nói.
Đây là bức tranh của em Nguyễn Hoài An, 10 tuổi, ở Hà Nội. Qua tranh em muốn thể hiện đất nước Việt Nam với vô vàn cảnh đẹp.
An đã đặt chân tới nhiều nơi, nhưng ấn tượng nhất với vườn mận Mộc Châu. Hình ảnh những chùm hoa mận nở trắng xoá ẩn sau là những dãy núi xanh biếc như một bức tranh hài hoà màu sắc.
Khi con người cảm thấy ngột ngạt bộn bề cao ốc, khói bụi xe cộ, trong sâu thẳm tâm hồn đều mong muốn được về với thiên nhiên.
“Nơi đây không có khói bụi, ồn ào mà chỉ có ánh nắng ban mai rọi xuống chồi non đang hé mở, giọt sương đêm còn đọng lại trên mặt lá long lanh, gió vi vu thổi nhẹ trong lành, khiến tâm hồn ta như được buông bỏ muộn phiền, đem đến cảm giác bình yên đến lạ”, em Lê Thị Trang, 17 tuổi, Làng trẻ SOS Vinh nói về tranh của mình.
Ngoài thể hiện tình yêu, sự lạc quan vào cuộc sống, nhiều bức tranh cũng gửi gắm những thông điệp, mà hàng ngày đang tồn tại ở trường lớp, gia đình, chúng bạn.
Với bức tranh này, em Chu Ánh Tuyết, Hưng Yên muốn gióng lên thông điệp về bạo lực học đường. “Chúng ta hãy cùng nhau lan tỏa những câu chuyện về ‘bóng tối’ bởi bất kỳ ai đều có thể từng là nạn nhân, hay từng chứng kiến cảnh ‘bắt nạt hội đồng’ đau lòng như thế”, cô bé nói.
Tranh của em Nguyễn Thị Phượng, 18 tuổi lại thể hiện sự áp đặt quá đáng của cha mẹ chính là hòn đá cản đường tai hại đối với sự phát triển của con trẻ.
“Cách suy nghĩ và sở thích mỗi người mỗi khác. Đừng biến bản thân mình hay bất cứ ai trở thành nạn nhân của định kiến”, Phượng nói.
Bức tranh của em Hạo Nam, 13 tuổi, ở Làng trẻ SOS HCM mang tên Khát vọng. Tác phẩm mô tả về chính con người của em đang rất đau khổ khi mỗi ngày phải đấu tranh với chính mình. Một mặt vì sợ kỳ thị của mọi người nên em cố giấu con người mình. Mặt khác, khát khao được sống đúng với con người nên em làm những lúc đêm khuya khi mọi người đang say giấc hoặc có cũng chỉ là trong giấc mơ.
“Em ước mong mình lớn thật nhanh để có đủ dũng khí sống thật với chính mình”, Hạo Nam chia sẻ.
Chương trình “Việt Nam ước mong” do ông Minh Nhân sáng lập phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trường Đại học Ngoại thương, quỹ Hy vọng, Truyền hình Quốc hội tổ chức.
Thông qua các hoạt động như triển lãm, talkshow chương trình mong muốn chia sẻ những câu chuyện ý nghĩa, giàu nhân bản và lạc quan về trẻ em yếu thế, từ đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ và chăm sóc trẻ em.
Được tổ chức lần đầu tiên năm 2022, chương trình Việt Nam ước mong thu hút sự tham gia của gần 20.000 người ở cả hoạt động triển lãm tranh của trẻ yếu thế cùng chuỗi talkshow. Số tiền gây quỹ từ hoạt động bán tranh của các họa sĩ nổi tiếng và đóng góp của các nhà hảo tâm, đơn vị trong chương trình được dùng để hỗ trợ bệnh nhi ung thư, trẻ mồ côi, cơ nhỡ hoặc mắc bệnh hiểm nghèo.
Phan Dương
Mỗi runner đăng ký giải chạy “Tết Hy Vọng 2025” sẽ góp một viên gạch xây nhà tắm giúp mùa đông của học sinh vùng cao ấm áp hơn. Giải chạy do Quỹ Hy vọng và vRace phối hợp tổ chức, bắt đầu từ ngày…
Quỹ Hy vọng khánh thành 14 cầu bê tông mới, trong đó có ba công trình do Roche Việt Nam tài trợ ở huyện Lai Vung và Châu Thành, ngày 1/12. Ba công trình khánh thành đợt này gồm cầu Hy Vọng 382, 383, 384,…
Sau 2 tháng, dự án gây quỹ xây mới phòng học do Đông Tây Barbershop phối hợp cùng MoMo và Quỹ Hy vọng thực hiện đã cán mốc 100 triệu đồng. Từ ngày 16/9, Đông Tây Barbershop trích 5.000 đồng với mỗi giao dịch thanh…
Điểm trường làng Hrách và Lơ Pơ, huyện Kông Chro được Quỹ Hy vọng và các đơn vị tài trợ xây mới thay thế cho những lớp học đã xuống cấp, thấm dột. Ngày 14/11, gần 100 học sinh, giáo viên Điểm trường Hrách thuộc…
Học sinh trường TH & THCS Quang Minh tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng và ăn liên hoan trong ngày hội do Quỹ Hy vọng và De Heus tổ chức. Ngày hội dinh dưỡng học đường chủ đề “Vững bụng đến trường” được tổ…
Jomoo Việt Nam và trường Hy Vọng đã ký biên bản tài trợ thiết bị trị giá 2 tỷ đồng cho 138 phòng vệ sinh trong ngôi trường mới dành cho 300 trẻ mồ côi vì Covid-19, chiều 14/11. Phát biểu tại buổi ký kết,…