Trưa ngày 6/4, chuyến xe hàng đầu tiên từ Quỹ Hy vọng – báo VnExpress đã đến cửa khẩu Cầu Treo – bắt đầu hành trình trao tặng trang bị y tế, sữa và nước cho các “điểm nóng” dọc tuyến biên giới Lào.
“Nếu giữ được 10 người, nhưng lọt một người vượt biên trong thời điểm này thì đổ bể, xã hội sẽ đối mặt với nguy hiểm lây lan dịch bệnh”, trung tá Hoàng Xuân Kỳ, cán bộ trinh sát của bộ đội biên phòng Hà Tĩnh khái quát về áp lực nơi đường biên.
Độc giả của VnExpress, thông qua Quỹ Hy vọng, đã tặng cho lực lượng biên phòng Hà Tĩnh và Quảng Trị hơn 4.000 bộ đồ bảo hộ, hơn 3.000 khẩu trang vải chống giọt bắn, hơn 200 lít nước rửa tay và hàng trăm mũ cá nhân chống giọt bắn. Ngoài ra, là hơn 10 tấn sữa và nước các loại từ các nhà tài trợ URC, Cô gái Hà Lan và Suntory Pepsico được quỹ vận chuyển tới biên giới.
Bắt đầu từ giữa tháng Ba, hàng chục nghìn lao động Việt Nam đổ về nước qua các cửa khẩu đường bộ phía Tây. Tại nhiều xã nghèo dọc miền Trung, việc xuất cư đi làm lao động thời vụ tại Lào hoặc Thái Lan đã trở thành thông lệ. Diến biến dịch đột ngột căng thẳng, chính sách kiểm soát biên giới của nhiều quốc gia được thắt chặt, thông tin “Lào sắp đóng cửa biên giới” lan ra khiến cho nhiều người vội vã hồi hương.
Chỉ tính riêng tại cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh), từ ngày 18/3 đến nay đã có 7.500 người về nước. Cá biệt có ngày 31/3, tới 1.300 người nhập cảnh.
Bộ đội biên phòng trở thành một trong những nhóm chịu nhiều nguy cơ nhất, khi tiếp xúc trực tiếp với dòng người từ nước ngoài. Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu có trách nhiệm phân luồng, đóng hộ chiếu, phối hợp với lực lượng y tế đo thân nhiệt, phun tiêu độc khử trùng hành lý, hướng dẫn làm tờ khai y tế. Sau đó, biên phòng bộ phân loại người nhập cảnh đưa đi cách ly.
Ngoài nhiệm vụ tại các cửa khẩu, biên phòng Việt Nam còn căng mình suốt dọc tuyến biên giới, dựng lán trấn giữ các đường mòn. Tại đây, các tổ trinh sát tuần tra liên tục 24/24 để phát hiện người vượt biên trái phép.
Áp lực cũng đè lên các trung tâm cách ly địa phương. Bất chấp nỗ lực của các cán bộ cấp huyện, xã, việc thành lập khẩn cấp các trung tâm cách ly khi không hề có kinh nghiệm khiến họ phải đối mặt với nhiều hoàn cảnh ngặt nghèo. Tại trung tâm cách ly xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, các cán bộ y tế xã – với sự thiếu thốn đủ đường về cơ sở vật chất – đã tiếp xúc gần và chăm sóc bệnh nhân 210 trong suốt 8 ngày trước khi phát hiện bệnh.
Chuyến hàng của Quỹ Hy vọng cũng đã trao gần 1.000 bộ đồ bảo hộ và 1.000 khẩu trang vải chống giọt bắn cho khu cách ly ở các huyện Đăk Rông (Quảng Trị) và Can Lộc (Hà Tĩnh). Hàng tấn sữa và nước cũng được vận chuyển đến 2 địa phương này.
Chương trình Chung tay cho Tuyến đầu chống dịch sẽ tiếp tục ngay trong tuần thứ 2 của tháng 4/2020, với các chuyến trang thiết bị cho những lực lượng ở biên giới phía Bắc. Chương trình tiếp tục mong nhận được đóng góp của độc giả, tiếp thêm nguồn lực vật chất và tinh thần cho tuyến đầu bảo vệ đất nước.