ĐĂK LĂK- Chồng mất gần hai năm, con trai đầu đang điều trị viêm màng não, chị Thanh Tâm ngã quỵ khi nhận tin con trai thứ tư bị ung thư máu.
15 năm trước, chị Tâm (34 tuổi) kết hôn với anh Nguyễn Văn Trung ở thôn Ea Ruế, xã Đliê Ya, huyện Krông Năng. Mấy năm đầu, anh Trung vào Bình Dương làm công nhân, vợ ở nhà chăm sóc con, làm ruộng và buôn bán nhỏ. Thu nhập không cao nhưng đủ chi trả phí sinh hoạt. Riêng lương của chồng lo học phí cho các con và tích góp tiền xây nhà.
Sau vài năm, vợ chồng chị dựng được căn nhà cấp 4 rộng 24 m2 trên mảnh đất ông bà ngoại để lại, để có chỗ trú mưa, nắng.
“Tôi cứ ngỡ cuộc sống đã trọn vẹn, vợ chồng cố gắng đi làm lo cho con cái, thì anh không may qua đời sau cơn đột quỵ năm 2021”, chị Tâm kể.
Ngày làm đám tang cho chồng, chị Tâm đang mang thai con út. Hai con trai lớn hiểu chuyện, chỉ ôm mẹ khóc. Đứa thứ 3 và thứ 4 đang học mẫu giáo liên tục chỉ lên di ảnh của bố đòi bế, khiến người dân ở thôn Ea Ruế không khỏi xót xa.
Cũng từ ấy, người phụ nữ 34 tuổi bươn chải đủ nghề, từ làm nông, buôn bán ngoài chợ đến đi làm thuê. Thu nhập giảm 7-8 lần so với trước nhưng được bố mẹ hai bên hỗ trợ, gom góp cũng đủ tiền sữa và học phí cho 5 con.
Đầu năm nay, con trai lớn là Nguyễn Bá Quỳnh (13 tuổi) đột nhiên lên cơn đau đầu. Gia đình đưa xuống Bệnh viện huyện Krông Năng khám nhưng không rõ nguyên nhân. Cậu bé tiếp tục được chuyển đến bệnh viện tỉnh và được chẩn đoán bị viêm màng não nhiễm ký sinh trùng.
Thời gian đầu chị Tâm ở viện chăm con. Khi thấy sức khỏe chuyển biến tốt, chị nhờ bố mẹ hai bên vào viện chăm cháu còn mình về đi làm để trang trải viện phí. “Tôi cũng muốn ở cạnh con nhưng 4 đứa trẻ ở nhà không ai lo. Nghỉ làm nhiều ngày lại mất thu nhập nên động viên con cố gắng, đến cuối tuần mẹ tranh thủ xuống thăm”, bà mẹ 5 con giải thích.
Sau hơn một tháng điều trị ở tỉnh, gia đình tiếp tục đưa Quỳnh xuống Bệnh viện Nhiệt đới trung ương (TP HCM) thăm khám và lấy thuốc. Đến đầu tháng 5, cậu bé xuất viện về nhà và bắt đầu đi học.
Gia đình đoàn tụ chưa bao lâu, em trai thứ tư là Nguyễn Bá Bảo An (4 tuổi), kêu đau nhức chân, sốt cao nhiều ngày. Đưa con đến phòng khám đa khoa gần nhà, Bảo An được xác định sốt siêu vi và thiếu máu.
Uống thuốc ba ngày không đỡ, chị lại bế con xuống bệnh viện tỉnh. Qua xét nghiệm máu, bác sĩ cho biết các chỉ số bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu trong máu sụt giảm, khuyên gia đình đến Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM) kiểm tra.
Vét cạn số tiền trong nhà còn vỏn vẹn bốn triệu, chị Tâm cùng mẹ chồng đưa con trai từ Đăk Lăk vào TP HCM. Nghĩ chỉ xuống thành phố lấy thuốc bổ, nhưng kết quả xét nghiệm thông báo cậu bé bị ung thư máu, cần vào khoa Ung bướu – Huyết học điều trị gấp.
Hai chữ “ung thư” khiến người phụ nữ 5 con đứng không vững. Chị bật khóc giữa hành lang bệnh viện. “Chồng mất, con trai lớn chưa hồi phục thì đứa thứ 4 lại mắc bệnh, giờ tôi biết sống sao”, chị Tâm nói.
Từ ngày Bảo An nhập viện, chị gửi bốn con nhờ ông bà nội, ngoại chăm sóc. Công việc buôn bán phải tạm dừng, toàn bộ viện phí phụ thuộc họ hàng hai bên. Mảnh đất với căn nhà gạch chưa trát cũng phải thế chấp để vay tiền ngân hàng tìm cách cứu con.
Thời gian đầu vào thuốc, bảo An mệt mỏi, hễ ăn là nôn trớ. Kèm theo một số biến chứng như đau bụng, đi ngoài, sau lại viêm họng, ho, sốt buộc phải theo dõi sát. Những giấc ngủ suốt 4 tháng nay của chị cũng vì thế mà chập chờn, người gầy rộc đi bởi suy nghĩ nhiều.
“Chồng mất rồi, tôi buộc phải mạnh mẽ hơn để làm chỗ dựa cho các con. Mệt mỏi, yếu đuối cũng chỉ hết hôm nay để ngày mai lại bước tiếp”, chị nói.
Những ngày cuối tháng 10, Bảo An bước vào đợt hóa trị thứ 4. Chị Tâm nói con may mắn hợp thuốc, sức khỏe cơ bản ổn định, ăn uống ngủ nghỉ cũng tốt hơn.
An tâm chưa được bao lâu chị lại nhận tin con trai lớn vừa điều trị viêm màng não nay xuất hiện các cơn đau đầu kéo dài, bác sĩ chẩn đoán bị rối loạn tiền đình, cần uống thuốc và theo dõi. Trong khi con gái út lại bị bệnh tay chân miệng, vừa được ông bà nội đưa vào bệnh viện huyện theo dõi, khiến lòng người mẹ nóng như lửa đốt.
Giờ đây, điều chị Tâm mong muốn lớn nhất là các con khỏe mạnh, để sáu mẹ con sớm đoàn tụ, không còn cảnh tan tác mỗi người một viện. “Đất đã cầm cố, tài sản chẳng còn gì, nhưng tôi sẽ tìm mọi cách để cứu con, để chúng được đi học, sau có công việc ổn định theo đúng di nguyện của chồng”, người phụ nữ 34 tuổi nói.
Quỳnh Nguyễn
Điểm trường làng Hrách và Lơ Pơ, huyện Kông Chro được Quỹ Hy vọng và các đơn vị tài trợ xây mới thay thế cho những lớp học đã xuống cấp, thấm dột. Ngày 14/11, gần 100 học sinh, giáo viên Điểm trường Hrách thuộc…
Học sinh trường TH & THCS Quang Minh tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng và ăn liên hoan trong ngày hội do Quỹ Hy vọng và De Heus tổ chức. Ngày hội dinh dưỡng học đường chủ đề “Vững bụng đến trường” được tổ…
Jomoo Việt Nam và trường Hy Vọng đã ký biên bản tài trợ thiết bị trị giá 2 tỷ đồng cho 138 phòng vệ sinh trong ngôi trường mới dành cho 300 trẻ mồ côi vì Covid-19, chiều 14/11. Phát biểu tại buổi ký kết,…
Men vi sinh chứa các vi sinh vật có lợi, hỗ trợ cải thiện cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cải thiện sức khỏe cơ thể song cần tránh lạm dụng. Nội dung: Văn HàThiết kế: Ngân Hà
Dự án Vệ sinh học đường giúp sức khỏe của 98% học sinh được cải thiện nhờ thay đổi thói quen sinh hoạt như rửa tay thường xuyên, không phóng uế bừa bãi, dọn dẹp định kỳ. Đỗ Nam – Kim Anh
Công ty De Heus Việt Nam tài trợ 1,2 tỷ đồng cho dự án “Dinh dưỡng học đường” của Quỹ Hy vọng, cải thiện bữa ăn của học sinh ở ba trường ở Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An. Ba trường được dự án hỗ…