Gần tháng nay, Nguyễn Văn Vinh đều đặn chạy xe từ Cồn Roàng xuống viện Đồng Hới để chăm cha, ông Nguyễn Diệu – người cứu anh thoát cảnh bị chôn sống 28 năm trước.
Mùa đông năm 1996, Y Soang – người phụ nữ đơn thân ở bản Cồn Roàng, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, sinh con xong bị băng huyết qua đời. Trong tập tục của người Ma Coong ở bản, một đứa trẻ chỉ thực sự thuộc về trần gian khi đã qua ba tháng tuổi, biết ăn cơm và được đặt tên. Trước đó, đứa trẻ không tên được xem vẫn thuộc về Giàng.
Chính vì thế, đứa con của Y Soang cũng sẽ phải chôn theo mẹ.
Trong khi bản làng đang chuẩn bị đưa hai mẹ con “về với Giàng”, ông Nguyễn Diệu, một người Kinh làm rể trong bản biết tin, chạy đến đồn biên phòng cầu cứu. Đêm hôm đó, ông cùng bộ đội băng suối, băng rừng tức tốc trở về.
“Khi tôi quay lại bản, đứa bé đã nằm dưới chân người mẹ, sắp sửa bị chôn cùng. Tôi không nghĩ nhiều, ôm con chạy thẳng vào rừng”, ông Diệu, 62 tuổi, nhớ lại.
Bộ đội biên phòng đã ngăn cản dân bản đuổi theo ông Diệu. Họ tuyên truyền và khuyên nhủ để người dân hiểu đứa trẻ sẽ sống nếu được chăm sóc tốt dù không còn mẹ và dân làng sẽ không bị phạt vạ.
Nể bộ đội nên già làng và dân bản miễn cưỡng để ông Diệu và vợ là bà Y Nhong nhận nuôi đứa trẻ cùng cam kết: Sẽ phải chịu phạt vạ, nộp hiện vật để cúng Giàng, nếu đứa trẻ chết.
Không sữa mẹ, không nguồn thực phẩm nuôi dưỡng khác, đứa trẻ vừa chào đời khó có cơ hội sống sót. Nhưng những người lính biên phòng Cồn Roàng đã gùi sữa, đường, gạo từ tiêu chuẩn của chính họ về bản cho ông Diệu nuôi đứa bé. Qua từng ngày, bằng sự chăm sóc của vợ chồng ông và nguồn thực phẩm từ bộ đội, cậu bé hồng hào trở lại.
Sau ba tháng, vợ chồng ông Diệu làm lễ đặt tên cho con là Nguyễn Văn Vinh, tên thường gọi Đinh Đường theo họ Đinh của đàn ông Ma Coong và Đường để ghi nhớ “đường sữa bộ đội” đã nuôi lớn em.
Người Ma Coong khắp bản kéo đến uống rượu và chứng kiến sự kiện chưa từng có: Một đứa “con của Giàng” đã sống sót mà bản không gặp tai họa nào.
Cậu bé Đinh Đường trở thành người Ma Coong đầu tiên có họ người Kinh ở đất này.
Ông Diệu vốn là người Huế, những năm 1990 ông lên Cồn Roàng làm nghề buôn bán lâm sản. Trong một lần đi rừng ông bị rắn độc cắn, may mắn được cha con cô Y Nhong cứu sống. Để báo ơn, ông Diệu cưới Y Nhong, người phụ nữ đã có hai con. Sau khi có thêm Vinh, ông thống nhất với vợ không sinh thêm nữa, tập trung nuôi ba con khôn lớn.
Để tồn tại ở vùng biên viễn đất đai hạn chế, vợ chồng ông Diệu và các con làm mọi công việc. Ông định hướng gia đình trồng keo, cây lương thực kết hợp chăn nuôi. Nhờ vậy, gia đình ít bị đói hơn những hộ khác trong bản.
Những ngọn lửa tri thức bắt đầu le lói ở Cồn Roàng khi ông Diệu quyết tâm cho con đi học đến nơi đến chốn. Chị gái Vinh học lên cao đẳng và hiện là cán bộ thôn. Vinh cùng anh trai tên Minh trở thành hai thầy giáo đầu tiên của người Ma Coong.
Những năm tháng học xa nhà, Vinh trở thành cầu nối giữa bản làng heo hút và thế giới rộng lớn bên ngoài. Do đường xá đi lại khó khăn, mỗi lần trở về ngôi nhà của họ lại rộn tiếng cười nói của người già, trẻ nhỏ trong bản đến nghe Vinh kể chuyện đồng bằng. Anh còn đi sâu vào vùng xa xôi, nói cho đồng bào nghe về lợi ích việc đi học, cũng như xóa bỏ các hủ tục như tảo hôn, nối dây, chữa bệnh bằng cúng bái.
Năm 2018, Vinh tốt nghiệp và được phân công giảng dạy tại điểm trường bản Nồng, thuộc Trường Tiểu học số 2 Thượng Trạch. Với ngôn ngữ quen thuộc và sự thấu hiểu tâm tư, Vinh dễ dàng kết nối với học trò và phụ huynh, được dân bản yêu mến.
“Đi đến đâu tôi cũng được dân bản yêu quý, bảo rằng thằng bé suýt bị chôn theo mẹ mà giờ trở thành thầy giáo”, Vinh chia sẻ.
Câu chuyện về Vinh không dừng lại ở sự hồi sinh kỳ diệu, còn trở thành bài học sống động cho những đứa trẻ Ma Coong.
Ba năm trước, khi một sản phụ không may qua đời sau sinh, hủ tục xưa cũ tưởng như tái hiện trong một xóm làng heo hút. May mắn cán bộ Hội phụ nữ xã đã kịp thời xuất hiện. Họ đã khuyên nhủ gia đình họ hàng nhận nuôi đứa trẻ. Thầy giáo Vinh được mời đến như một minh chứng sống động – đứa trẻ từng bị định đoạt bởi hủ tục nhưng đã vượt qua để trưởng thành và thành công.
Sau đó, hội Phụ nữ hỗ trợ bỉm sữa, nhu yếu phẩm để giúp gia đình nuôi dưỡng đứa bé.
Ông Đinh Cu, Chủ tịch xã Thượng Trạch cho biết xã có khoảng 3.000 nhân khẩu, trong đó 90% là người Ma Coong, còn lại là người Sách, Mường và Kinh. Đời sống nhân dân còn khó khăn do ở trong vùng lõi rừng quốc gia, giáp biên giới nên đất đai canh tác bị hạn chế. Gia đình ông Diệu với ba người con là hiếm hoi trên địa bàn được đi học và có nghề nghiệp ổn định.
“Thầy giáo Vinh là đứa trẻ đầu tiên thoát khỏi tục chôn theo mẹ. Từ sau trường hợp của Vinh năm 1995, tục chôn con theo mẹ ở Thượng Trạch đã bị xóa bỏ hoàn toàn”, ông nói.
Tiếp thêm động lực cho trẻ em ở vùng cao có cơ hội cải thiện cuộc sống, Quỹ Hy vọng – báo VnExpress tiếp tục nhận quyên góp trong chương trình Ánh sáng học đường. Mỗi sự chung tay của quý độc giả là thêm một tia sáng gửi thế hệ tương lai. Quý độc giả có thể xem thông tin về chương trình tại đây
Phan Dương
Sáu tháng đầu năm, Quỹ Hy Vọng đã khởi công thêm 12 cây cầu bê tông và khánh thành bàn giao 25 cầu tại Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang, Sóc Trăng và Sơn La. Ngày 27/6, Cầu Hy Vọng 412 (cầu Rạch Sung) được…
Vào kỳ nghỉ hè, hàng loạt dự án xây phòng lớp học, nhà bếp, vệ sinh… do Quỹ Hy vọng và các đơn vị tài trợ, cấp tập xây dựng để kịp hoàn thành trước năm học mới. Điểm trường Aky, Trường Tiểu học số…
Quảng Nam – Quỹ Hy Vọng hỗ trợ sơn sửa lớp học, nhà vệ sinh và trao thư viện điện tử cho 5 trường ở vùng Gò Nổi, thị xã Điện Bàn, ngày 28/6. Trong đó, Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, Trường Mẫu giáo…
Hà Tĩnh – Cột kèo mối mọt, mái thủng, vách nứt khiến hai gia đình nghèo sống trong bất an suốt hàng chục năm, chỉ mong có nơi ở vững chãi để bám trụ và lo cho con cái. Giữa tháng 6, nắng chói chang,…
Tại nhiều điểm trường vùng cao, những công trình vệ sinh tạm bợ, xuống cấp và mất an toàn không còn là chuyện hiếm. Các em học sinh – những đứa trẻ đang trong độ tuổi phát triển thể chất và hình thành nhân cách…
Ngày 18/6, Trường Mẫu giáo Chánh Công khởi công hai công trình tại thôn 2 và thôn 5, do UNIQLO Việt Nam và Chứng khoán Nhất Việt tài trợ thông qua Quỹ Hy Vọng. Tại điểm trường thôn 5, Quỹ Hy Vọng lập dự án…