TP HCM- Những ngày “đánh thuốc” Trung Quân (7 tuổi) nằm mê man nhưng cứ tỉnh lại cậu bé lại hỏi mẹ: Con ốm thế này có làm được lính cứu hỏa không?
Từ khi còn bé xíu, ước mơ của cậu bé ở huyện Củ Chi là trở thành cảnh sát phòng cháy chữa cháy. Nghe con hỏi, chị Kim Loan, 45 tuổi, mẹ Quân, hít một hơi thật dài, dùng tay xoa lên chiếc đầu trọc lốc rồi đến đôi môi khô khốc của con trai, thì thầm: “Quân lại khỏe, sẽ làm cảnh sát khi lớn lên”.
Trần Đặng Trung Quân sinh ra trong một gia đình nghèo tại ấp Trạm Bơm, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP HCM. Bố cậu, anh Trần Văn Tâm, 47 tuổi bị bại liệt từ nhỏ, kiếm sống bằng nghề bán vé số dạo trên xe lăn, ngày nhiều nhất được hơn 100.000 đồng.
Từ tháng 4 Quân phát hiện bị ung thư máu, nằm điều trị tại bệnh viện Nhi Đồng 2, chị Loan phải nghỉ làm công nhân, toàn thời gian chăm sóc con. Người phụ nữ còn có hai con riêng với chồng trước, nhưng cả hai cũng bị bệnh. Đứa lớn bị viêm da, đứa sau nhiễm khuẩn xương khiến các khớp sưng tấy và đau nhức.
Hơn 40 năm sống trên đời, chị Loan chưa bao giờ thoát khỏi chữ nghèo. Năm 2009, chị rời Bình Thuận lên Sài Gòn làm công nhân, gặp anh Tâm khi đang bán vé số dạo. Đôi bên thương cảm, yêu nhau rồi đăng ký kết hôn nhưng đến giờ vẫn chưa thể tổ chức đám cưới bởi không có tiền.
Căn nhà cấp 4 rộng 50 m2 ở huyện Củ Chi, nắng thì nóng, mưa thì dột, là nơi Trung Quân ra đời năm 2016. Trước cậu còn một chị gái. Quân lớn lên khỏe mạnh, nhưng 6 tuổi phải gửi về cho bà ngoại ở Bình Thuận chăm giùm vì bố mẹ tối ngày đi làm.
Mấy tháng trước, trên tay cậu bé xuất hiện những vết bầm tím rồi lan rộng xuống chân. Ban đầu người bà tưởng cháu nghịch ngợm, mách mẹ thằng bé hiếu động, đánh nhau với bạn nên tay chân sứt sẹo. Nhưng rồi sức khỏe cậu ngày càng yếu, đi học về lại nằm vật ra nhà, thở hổn hển như kiệt sức. Thấy bất thường, người mẹ đưa con đi khám và được chẩn đoán mắc ung thư bạch cầu cấp dòng tủy. Đây là một dạng ung thư máu, có xu hướng diễn tiến nghiêm trọng trong thời gian ngắn nên phải điều trị sớm để giảm thiểu tốc độ đe dọa sự sống của người bệnh.
“Khi biết tin, tôi ngã quỵ”, chị Loan nhớ lại phản ứng đầu tiên của mình. Sự dày vò khiến người mẹ cảm thấy kiệt quệ cả thể xác lẫn tinh thần, muốn khóc mà không ra nước mắt.
Theo phác đồ, Quân điều trị trong 12 tháng. Nhưng ngay lần đầu hóa trị, có thời điểm bác sĩ khuyên gia đình nên chuẩn bị hậu sự, vì cậu quá yếu, sợ không qua khỏi. Thời điểm đó, Quân nôn khan cả ngày, cơ thể rũ như tàu lá. Bác sĩ chỉ định không được ăn uống bằng đường miệng vì sợ vỡ ruột.
Truyền thuốc kèm truyền dịch để duy trì sự sống, nhiều lúc người mẹ thấy con thoi thóp trên giường. Sợ con trai bất tỉnh, thỉnh thoảng chị Loan lại sờ vào mũi rồi lay mạnh người, đảm bảo cậu chỉ nằm ngủ.
Nhiều khi quá mệt, Quân mong muốn được gặp người thân, đặc biệt là bố. Theo thói quen, cậu thường xoa hai chiếc chân bé xỉu, thả lủng lẳng trên ghế của anh Tâm. “Nếu con không còn, lớn lên ai sẽ là người cõng bố đi chơi, đi bán vé số”, cậu ngước mắt hỏi. Buổi đầu thăm con sau khi cậu bé phát bệnh, anh Tâm thỉnh thoảng lén quay đi lau nước mắt.
Từ ngày con trai phát bệnh, cuộc sống vốn chật vật của gia đình lại thêm lo toan, khó khăn về bệnh tình và kinh phí điều trị. Để cứu con, những gì giá trị nhất trong nhà đã bán hết, số còn thiếu phải vay mượn người thân, bạn bè.
Chi phí nằm viện lớn, lại mất đi một trụ cột kinh tế giống như ngọn núi lớn đè lên ngực vợ chồng chị Loan, khiến nhiều lúc họ không thở nổi. Ngủ hành lang bệnh viện, ăn cơm từ thiện, có khi phải nhịn đói nhường đồ cho con là những gì người mẹ này có thể làm được.
“Sau này không vay được người thân nữa thì vay nặng lãi. Điều quan trọng là cứu sống được Quân”, anh Tâm khẳng định với vợ. Mỗi lần nhắc đến tiền, người đàn ông 47 tuổi dù cố tỏ ra mạnh mẽ nhưng vẫn cúi đầu thật thấp, trong khi vợ ngồi kế bên hai mắt đỏ hoe.
Ban đầu, Quân không biết sự thật bệnh tình của mình, chỉ muốn xuất viện về nhà. Nhưng hàng ngày đối mặt với những liều thuốc và mũi tiêm gối đầu nhau, sự sợ hãi bắt đầu nảy sinh.
Cậu bé 7 tuổi cảm thấy đau đớn mỗi khi hóa trị. Quân nghiến răng chịu đựng, trong tiềm thức liên tục lấy tay cào vào người mình, nghĩ rằng cơn đau ngoài da sẽ giúp giảm cơn đau bên trong cơ thể. Sau 3 tháng điều trị tích cực và sức khỏe khá lên, giờ cậu không còn thều thào vì hơi yếu nhưng vẫn ngại tiếp xúc với mọi người bởi cái đầu trọc do tác dụng phụ của thuốc.
Trái ngược với con, bệnh suy tim của chị Loan gần đây tái phát. Nhiều lúc vì quá mệt, người mẹ ngồi thở dốc, hai tay đấm thùm thụp vào ngực khiến con trai lo lắng. Có lần chị ngủ gục bên giường bệnh, Quân tỉnh dậy, cố gắng lấy tay cậy mắt mẹ, không cho nhắm vì sợ “nhỡ có ngày mẹ nhắm mắt luôn, con biết phải làm sao”.
Ông Nguyễn Lâm Giang, trưởng ấp Trạm Bơm, xã Tân Phú Trung chia sẻ, gia đình anh Tâm, chị Loan thuộc hộ nghèo đã nhiều năm. Giờ bé Quân lại mắc bệnh hiểm nghèo nên địa phương vận động mạnh thường quân giúp đỡ. “Người có ít cho gạo, dầu, mắm muối, người nhiều hơn ủng hộ chút tiền để gia đình vượt qua lúc khốn khó”, vị trưởng ấp nói.
Giờ, niềm hạnh phúc nhất của Trung Quân là xem những bộ phim hoạt hình về chữa cháy và cứu hộ. Nhiều lúc quá say mê, cậu tự đóng vai là lính cứu hỏa trên giường bệnh, dù bên cạnh nhằng nhịt dây dợ của những đợt truyền hóa chất.
Thấy vậy, người mẹ luôn động viên: “Con giống lính cứu hỏa bởi sự dũng cảm. Chỉ khác họ dập lửa, con dập bệnh. Nhưng cả hai nhất định sẽ chiến thắng”.
Hải Hiền
Điểm trường làng Hrách và Lơ Pơ, huyện Kông Chro được Quỹ Hy vọng và các đơn vị tài trợ xây mới thay thế cho những lớp học đã xuống cấp, thấm dột. Ngày 14/11, gần 100 học sinh, giáo viên Điểm trường Hrách thuộc…
Học sinh trường TH & THCS Quang Minh tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng và ăn liên hoan trong ngày hội do Quỹ Hy vọng và De Heus tổ chức. Ngày hội dinh dưỡng học đường chủ đề “Vững bụng đến trường” được tổ…
Jomoo Việt Nam và trường Hy Vọng đã ký biên bản tài trợ thiết bị trị giá 2 tỷ đồng cho 138 phòng vệ sinh trong ngôi trường mới dành cho 300 trẻ mồ côi vì Covid-19, chiều 14/11. Phát biểu tại buổi ký kết,…
Men vi sinh chứa các vi sinh vật có lợi, hỗ trợ cải thiện cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cải thiện sức khỏe cơ thể song cần tránh lạm dụng. Nội dung: Văn HàThiết kế: Ngân Hà
Dự án Vệ sinh học đường giúp sức khỏe của 98% học sinh được cải thiện nhờ thay đổi thói quen sinh hoạt như rửa tay thường xuyên, không phóng uế bừa bãi, dọn dẹp định kỳ. Đỗ Nam – Kim Anh
Công ty De Heus Việt Nam tài trợ 1,2 tỷ đồng cho dự án “Dinh dưỡng học đường” của Quỹ Hy vọng, cải thiện bữa ăn của học sinh ở ba trường ở Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An. Ba trường được dự án hỗ…