Nhiều điểm trường lẻ ở huyện Chi Lăng cách trường trung tâm hàng chục km, đường đi trắc trở, phòng học tạm bợ, không thể tổ chức ăn bán trú.
Mùa mưa lũ, con đường đến trường của học sinh ở điểm trường Tiểu học & THCS Liên Sơn, xã Liên Sơn, huyện Chi Lăng trở nên gian nan và hiểm trở. Vượt qua những cung đường sình lầy, xe cộ từ trung tâm thị trấn Đồng Mỏ đi vào trường bê bết bùn đất. Ba thôn của xã Liên Sơn hiện bê tông hóa 70%, nhưng vào mùa mưa, sạt lở đất, học sinh đa phần phải đi bộ khoảng 5-6 km đến trường, thay vì đạp xe như mùa khô.
Cách thị trấn Đồng Mỏ 50 km, điểm trường lẻ của trường Mầm non xã Vân An nằm sâu trong cung đường đèo núi nhỏ hẹp quanh co, ôtô không thể vào tận nơi
Cô Vi Thị Ít – Hiệu trưởng nhà trường cho hay, nhà của mỗi em học sinh ở đây nằm ở một quả đồi. Đa phần các em được bố mẹ đưa đến lớp, mỗi ngày đi bộ mất khoảng 4-5 tiếng. Đường vào trường dốc đứng, trời mưa còn lầy lội, sạt lở khiến cả người lớn cũng “hụt hơi”.
“Sáng đưa đến trường, trưa đón về ăn cơm, chiều lại đón về, rất vất vả cho phụ huynh, trẻ cũng không có thời gian nghỉ trưa. Nhà trường, phụ huynh mong mỏi trẻ được ăn bán trú nhưng điểm trường chưa đủ điều kiện tổ chức”, cô Ít chia sẻ. Trường hiện chưa có nước, thầy cô phải dùng nhờ nhà dân. Ngoài ra, tường rào chưa có, sân chơi chưa đổ bê tông, vệ sinh chưa khép kín.
Tình trạng trên cũng tương tự tại trường THCS Liên Sơn. Thầy Phạm Mạnh Hùng – hiệu phó – cho biết khu nhà vệ sinh ở đây từ lâu đã xuống cấp. Toàn bộ phòng học khoác một màu cũ kỹ, dưới sự tác động của thời tiết và thời gian.
Các hạng mục khác như tường bao, nhà để xe, phòng để thiết bị, sân bãi tập, hệ thống sân khấu… cho học sinh gần như không có. “Phòng hiệu trưởng và hiệu phó cũng chưa có, chúng tôi tận dụng hai phòng học làm nơi làm việc”, Hiệu phó cho biết.
Về công tác tại trường Mầm non Bắc Thuỷ 2 năm, cô giáo Lý Thị Vân được phân công dạy lớp 3 tuổi. Cô Vân tâm sự, lo lắng nhất của cô là lớp học chưa được đảm bảo an toàn. Mái phòng học xuống cấp đã lâu nên khi có gió bão các cô rất lo.
Cô Ninh Thanh Hoà – Hiệu trưởng Mầm non Bắc Thuỷ – đã khắc phục tình hình bằng cách mua bạt che ở dưới mái, để mưa gió không rơi xuống trẻ. Nền nhà ẩm ướt cũng được trang bị lớp lót sàn bằng cao su. “Chúng tôi đều mong mỏi có ngôi trường khang trang đảm bảo an toàn cho trẻ đến lớp, khỏi nơm nớp lo vào mùa mưa bão”, cô Hoà nói.
Để chuẩn bị cho năm học mới 2022-2023, trong thời gian hè, cô Hòa cũng như thầy cô ở các điểm trường vận động phụ huynh, các nhà hảo tâm ở trong và ngoài xã góp công, góp sức khắc phục, cải tạo, xây mới một số hạng mục, nhằm đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất tối thiểu cho việc giảng dạy.
Bên cạnh điều kiện lớp học thiếu thốn, việc vận động phụ huynh đưa trẻ 3-5 tuổi đến trường cũng không dễ dàng. Cô Lý Thị Toán – Hiệu phó trường Mầm non xã Vân An cho biết, phụ huynh ở đây đa phần là người Nùng, nhận thức giáo dục chưa cao, điều kiện kinh tế khó khăn. Phụ huynh bận lên nương để kiếm sống nên không có thời gian quan tâm con, ngại mất thời gian đưa con đi học.
“Bình thường các cô phải đến gõ cửa từng nhà. Phụ huynh thường đi vắng cả ngày nên đi một lần khó lòng mà gặp được”, cô Toán chia sẻ.
Bà Vi Thị Thu Hường – Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chi Lăng cho hay, huyện có 62 đơn vị trường thuộc 3 cấp học Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở với 85 điểm trường lẻ. Trong đó, một số phòng học đã xuống cấp không đảm bảo an toàn, học sinh phải đi học nhờ ở một số nhà văn hoá thôn.
“Toàn huyện có 25 trường đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Nguồn ngân sách địa phương còn nhiều khó khăn, hạn hẹp; mức thu nhập của người dân còn thấp nên chưa thể đầu tư một lúc được nhiều điểm trường. Về tổ chức ăn bán trú, đường đi lại khó khăn nên không thể đưa cơm được trong ngày và nấu ăn tại trường”, bà Hường nói.
Lệ Thu
Huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn là điểm đến tiếp theo trong Chương trình Ánh sáng học đường do Quỹ Hy vọng – báo VnExpress thực hiện, với mong muốn thay thế những phòng học tạm, thiếu an toàn cho thầy cô, học sinh nơi đây. Sự đóng góp của độc giả sẽ tiếp thêm động lực và tạo điều kiện cho thầy trò có điều kiện dạy, học tốt hơn. Độc giả có thể đồng hành cùng chương trình tại đây.
50 học sinh trường Mầm non Hạnh Dịch, huyện Quế Phong cùng nhau gói bánh chưng, múa hát, nhận quà Tết từ VnExpress, FPT Online và Quỹ Hy vọng. Ngày 11/1, tại điểm trường Long Thắng, trường Mầm non Hạnh Dịch, xã Hạnh Dịch, huyện…
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cùng đại điện Quỹ Hy vọng vừa trao hai thư viện điện tử cho hai trường học ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. Trường THCS và THPT Thới Thạnh cùng Trường Tiểu học Thới…
200 suất quà Tết vừa được Quỹ Hy vọng và Lalamove ửi đến các bệnh nhi ung thư khó khăn của Bệnh viện Nhi Đồng 2. Tết Nguyên đán luôn là dịp đặc biệt trong năm, nhất là đối với trẻ em. Giữa không khí…
Anh Lê Văn Duẫn vừa khóc, vừa nắm chặt tay người vợ sắp qua đời, hứa tiếp tục cùng con chiến đấu chống lại bệnh ung thư. Đó là buổi chiều mưa giữa tháng 5, vợ anh trút hơi thở cuối cùng sau thời gian…
Năm 2024, gần 700 bệnh nhi được Quỹ hỗ trợ điều trị, trong có 50 ca ghép tạng, ghép tủy, mang đến cơ hội sống khỏe cho nhiều trẻ em khó khăn. Em Phạm Lê Hoàng Vương, 8 tuổi, Đà Nẵng được chẩn đoán tan…
Tiến Cường, 13 tuổi, hồi sinh nhờ ghép quả thận từ người đàn ông chết não hiến tạng, mong đi học trở lại sau này kiếm tiền mở quán chay từ thiện. “Con hay đọc kinh Phật, ước mơ khỏe mạnh để mở quán chay…