Sáng 11/4, hai cầu Hy Vọng 5 và Hy Vọng 6 khánh thành ở xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. Chị Trương Thanh Thanh, Chủ tịch Quỹ Hy vọng, cho biết hai cây cầu mới ở xã Trung Hưng nằm trong dự án xây 100 cầu của quỹ dành cho người dân Cần Thơ. “Chúng tôi hy vọng sớm hoàn thành ước nguyện xây hàng trăm cây cầu cho bà con Đồng bằng sông Cửu Long, tạo điều kiện phát triển kinh tế và giúp các em nhỏ đến trường thuận tiện hơn”, chị Thanh chia sẻ thêm.
Cây cầu Hy vọng 5 thay thế cầu Tám Lê cũ có kết cấu bê tông cốt thép với chiều dài 27 mét, rộng 4 mét, độ thông thuyền 9 mét, độ cao 3,2 mét đảm bảo cho tàu thuyền qua lại. Trong khi đó, cầu Hy vọng 6 thay cho cầu Tiền Văn Tỏ có chiều dài 23 mét. Trước kia hai cây cầu đều làm bằng ván gỗ và thường xuyên hư hỏng, bà con phải thay mới sau mỗi 3 – 4 năm sử dụng. Từ khi bắt tay vào làm hai cây cầu Hy vọng, anh em nhân công trong xã quyết tâm cùng ăn chay cho đến hết ngày khánh thành cầu với mong muốn hoàn thiện công trình thuận lợi.
Kể về lịch sử cầu Tám Lê và Tiền Văn Tỏ (giờ là cầu Hy Vọng 5 và Hy Vọng 6), bác Sáu Khi, người dân xã Trung Hưng, nhớ lại: “Cây cầu gỗ này đã có rất lâu, từ những năm 1990, cứ 4 – 5 năm mọi người phải dựng lại một lần. Ngày xưa cứ mỗi lần cầu hư hỏng, chúng tôi phải đi xin gỗ khắp nơi để về vá vào sữa chữa rất vất vả, nhưng cầu lại không bền. Ước mơ của bà con nơi đây suốt hơn gần 30 năm qua là có cây cầu bê tông cho cuộc sống bớt khó khăn, nhất là sau mỗi mùa lũ”.
Biết đến chương trình xây cầu cho bà con miền Tây sông nước, gia đình anh Nghiêm Trọng Tuấn (phải) tài trợ kinh phí xây hai cây cầu tại xã Trung Hưng với mong ước báo hiếu cha mẹ. Bố của vợ chồng anh Tuấn lần lượt là cụ Trần Quang Hưng và Nghiêm Trọng Tặng. “Những gì vợ chồng tôi đóng góp cũng như hạt cát góp vào sa mạc và nếu có thể, chúng tôi hy vọng mình sẽ tiếp tục đồng hành cũng Quỹ để giúp bà con địa phương bớt khó khăn trong đi lại”, anh Tuấn chia sẻ.
Đi trên cây cầu Hy vọng 6 (cầu Tiền Văn Tỏ), bác Lê Văn Bửng nhớ lại cây cầu đầu tiên dựng qua con kênh từ năm 1994. “Tôi là người dựng cây cầu cũ từ những ngày đầu đến đây lập nghiệp. Quê tôi ở huyện Thốt Nốt, sau đó xuống huyện Cờ Đỏ làm ruộng, sinh sống. Cuộc đời tôi có thể không còn đi trên cây cầu mới này bao năm nữa nhưng nó là tài sản lâu dài về sau cho con cháu”.
Giờ đây bà con xã Trung Hưng đã không còn phải đi trên cây cầu gỗ hay phải chèo ghe thuyền qua kênh. Ông Nguyễn Văn Phát, Chủ tịch UBND xã Trung Hưng (huyện Cờ Đỏ), bày tỏ: “Điều kiện kinh tế của bà con không đủ để xây dựng một cây cầu bê tông khang trang, phục vụ đi lại. Được sự quan tâm, hỗ trợ của quỹ Hy vọng, xã có thể cải thiện đời sống. Hiện tại tuyến đường này vẫn cần một cây cầu lớn nữa, hy vọng các nhà hảo tâm có thể vận động giúp bà còn hoàn thiện trục đường liên xã, nối liền huyện Cờ Đỏ và huyện Thốt Nốt để góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương”.
Trần Vũ
Nghệ An – Nguyễn Đình Thưởng, 14 tuổi, ung thư thận, tưởng chừng bỏ cuộc mặc cho số phận bởi gia cảnh khó khăn thì được chương trình Mặt trời Hy vọng (Quỹ Hy vọng – VnExpress) hỗ trợ chi phí điều trị phục hồi…
Đăk Lăk – Ba năm trước, anh Hùng, trụ cột duy nhất của gia đình, đột ngột bị tai biến liệt nửa người. Chiều cuối tháng 6, trong căn nhà tạm lợp tôn ở tổ 30, khu phố Bạch Đằng, anh Hùng lóng ngóng bê…
Hà Nội – Với nhiều người tuổi thơ là miền ký ức đẹp còn với anh Quang – người đứng sau 13 khách sạn trải khắp Việt Nam – đó là năm tháng tủi cực nhất cuộc đời. Chợ Châu Long, Hà Nội đầu những…
Vào kỳ nghỉ hè, hàng loạt dự án xây phòng lớp học, nhà bếp, vệ sinh… do Quỹ Hy vọng và các đơn vị tài trợ, cấp tập xây dựng để kịp hoàn thành trước năm học mới. Điểm trường Aky, Trường Tiểu học số…
Nửa đầu năm, Quỹ Hy vọng đã hỗ trợ hơn 6,5 tỷ đồng chi phí điều trị cho các bệnh nhi khó khăn mắc bệnh hiểm nghèo. Một trong số đó là bé Nguyễn Chánh Gia Bảo, 11 tuổi, mắc bệnh tan máu bẩm sinh từ…
Hà Nội – Dù đang điều trị ung thư, Trần Đức Vĩnh, 10 tuổi ngày ngày phụ mẹ làm bánh đa nem, thi thoảng lật trang sách Phật với ước nguyện đi tu để hóa độ cho những người mình yêu thương. Mai Anh