TP HCM- Bốn tháng kể từ khi con trai Minh Hải mắc ung thư máu, Thu Hòa không có một đêm tròn giấc, luôn sống trong phập phồng bởi nỗi sợ mất con.
Cô gái 27 tuổi quê Ninh Thuận rời khỏi cuộc hôn nhân cuối 2021, mang theo hai con trai vào Bình Dương sinh sống. Khi ấy, Minh Hải mới ba tháng tuổi. Hòa nuôi con bằng việc kế toán ở nhà hàng và bán rau củ.
Hòa làm việc hơn 12 tiếng mỗi ngày nên khi con cứng cáp, cô gửi về nhờ nhà ngoại chăm sóc. Giữa 2023, bà ngoại thấy Hải biếng ăn, bụng trướng nên được đưa đi khám. Cậu bé được chẩn đoán gan và lách phình to nên cần chuyển viện gấp. Hòa đón xe về trong đêm để đưa con đến Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM.
“Đó là cuộc chiến đầu tiên”, Hòa nhớ lại. Cậu bé được đến khoa tiêu hóa rồi chuyển sang khoa huyết học. Lượng bạch cầu tăng đột ngột, Hải được tiên lượng khả năng đột tử cao.
Hòa cảm nhận được sự nghiêm trọng về bệnh tình của con trai. Tay chân cô bủn rủn, bước đi không vững nhưng vẫn gượng dậy ký vào các loại giấy tờ. Người mẹ đơn thân vét hết tiền tích lũy, mượn thêm bạn bè để đóng viện phí cho con.
Ở phòng hồi sức tích cực, bác sĩ đưa kim tiêm đến Hải khóc thét, cậu bé kêu lớn “Mẹ ơi cứu con, con đau quá” khiến trái tim Hòa như vỡ vụn.
Cậu bé hai tuổi chưa biết cách giữ ven nên khoảng hai tiếng, ven lại vỡ. Suốt một tuần ở phòng hồi sức, Hòa nhẩm tính con đã làm bể 21 ven. “Nhìn cơ thể bé nhỏ chi chít dây ven, tôi khóc cạn nước mắt”, Hòa kể. “Nó còn quá bé để hiểu chuyện gì đang xảy ra”.
Mỗi ngày, Hòa cầu bình an cho con để đổi lại cô nguyện hiến tóc. Đến tháng 11/2023, bệnh tình của Hải chuyển biến tích cực, cậu bé dần hồi phục.
Tuy nhiên, niềm vui của Hòa chỉ kéo dài ba ngày. Một buổi chiều ở cửa phòng xét nghiệm khoa nhi, Hòa gục xuống khóc nức nở bởi nhận được kết quả chẩn đoán con mắc ung thư máu.
Chi phí điều trị theo phác đồ tốn khoảng một tỷ đồng, số tiền mà Hòa nghĩ cả đời này cô không bao giờ kiếm được. Suốt đêm đó, Hòa ôm con không rời, cô ngồi thật lâu ở hành lang rồi quyết định nhấc máy gọi cho chị gái. Họ dùng hết mối quan hệ để vay mượn 400 triệu đồng, bắt đầu hành trình chiến đấu ung thư cùng con.
“Tôi nghĩ còn nước thì còn tát nên dù có 1% hy vọng tôi cũng sẽ không bỏ cuộc”, Hòa kể.
Trong đợt hóa trị đầu tiên, Hải nặng khoảng 8 kg nhưng bụng bắt đầu phình to. Cậu mắc biến chứng men tụy – loại biến chứng nguy hiểm trong quá trình điều trị ung thư.
Hòa như rơi xuống vực thẳm lần nữa bởi biết sự sống con rất mong manh. Cậu bé được đưa ống truyền đạm vào cơ thể và không được nuốt nước bọt. Giường của Hải có tấm màn trắng vắt ngang, để con không thấy thức ăn hoặc ngửi mùi thức ăn, gây tiết nước bọt. Tay hết ven, Hải được cắm xuống cả chân.
Hòa ở bên giường bệnh 24/24. Cô thường chụp lại các khoảnh khắc con ngủ, con cười, con chuyển mình. Người mẹ nhận ra, giữa lằn ranh sinh tử, Hải luôn là cậu bé rất hiểu chuyện và trưởng thành. Cậu chủ động nhổ nước bọt, biết mô tả triệu chứng đau cho bác sĩ.
“Tôi thấy con còn mạnh mẽ hơn mình nhiều lần”, Hòa nói. Đó là động lực để cô vượt qua khó khăn.
Hôm bác sĩ thông báo Hải qua giai đoạn nguy hiểm và có thể bắt đầu ăn cháo loãng. Lúc lấy bí trong tủ chuẩn bị nấu cháo, Hòa xoay sang thấy con ôm mình, mỉm cười. Trái tim cô như được xoa dịu.
Hải hiện tại nặng 12 kg. Cuộc sống của hai mẹ con chỉ quẩn quanh phòng bệnh. Cậu bé kết bạn với những đứa trẻ quanh mình còn Hòa cố gắng bán trái cây online.
Giữa trưa, cô tranh thủ nhờ các phụ huynh cùng phòng trông con một, hai tiếng để giao hàng. Thu nhập khoảng hai triệu đồng mỗi tuần, Hòa dành trang trải tiền ăn uống của hai mẹ con.
Tuần trước, bác sĩ thay ven truyền dịch khiến Hải tưởng mình được về nhà. Cậu bé vỗ tay đòi mẹ xếp quần áo vào túi. Tuy nhiên, khi ven được cắm trở lại, Hải buồn hỏi mẹ bao giờ mình mới được rời khỏi đây. Trước câu hỏi của con, Hòa không biết trả lời thế nào nên đành im lặng.
Chiều cuối tháng 2 ở Bệnh viện Truyền máu Huyết học 2, huyện Bình Chánh (TP HCM), Minh Hải tay còn cắm ven, đẩy cây truyền dịch chạy đến chơi cùng hai đứa trẻ cùng phòng.
Thu Hòa bỗng dưng ứa nước mắt, cô nói mọi đứa trẻ trong căn phòng này đều xinh đẹp như thiên thần. “Tôi chỉ mong có thể ở bên cạnh con lâu nhất có thể”, cô nói.
Ngọc Ngân
Điểm trường làng Hrách và Lơ Pơ, huyện Kông Chro được Quỹ Hy vọng và các đơn vị tài trợ xây mới thay thế cho những lớp học đã xuống cấp, thấm dột. Ngày 14/11, gần 100 học sinh, giáo viên Điểm trường Hrách thuộc…
Học sinh trường TH & THCS Quang Minh tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng và ăn liên hoan trong ngày hội do Quỹ Hy vọng và De Heus tổ chức. Ngày hội dinh dưỡng học đường chủ đề “Vững bụng đến trường” được tổ…
Jomoo Việt Nam và trường Hy Vọng đã ký biên bản tài trợ thiết bị trị giá 2 tỷ đồng cho 138 phòng vệ sinh trong ngôi trường mới dành cho 300 trẻ mồ côi vì Covid-19, chiều 14/11. Phát biểu tại buổi ký kết,…
Men vi sinh chứa các vi sinh vật có lợi, hỗ trợ cải thiện cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cải thiện sức khỏe cơ thể song cần tránh lạm dụng. Nội dung: Văn HàThiết kế: Ngân Hà
Dự án Vệ sinh học đường giúp sức khỏe của 98% học sinh được cải thiện nhờ thay đổi thói quen sinh hoạt như rửa tay thường xuyên, không phóng uế bừa bãi, dọn dẹp định kỳ. Đỗ Nam – Kim Anh
Công ty De Heus Việt Nam tài trợ 1,2 tỷ đồng cho dự án “Dinh dưỡng học đường” của Quỹ Hy vọng, cải thiện bữa ăn của học sinh ở ba trường ở Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An. Ba trường được dự án hỗ…