GIA LAI – Hơn một năm sau đám cưới, Hreo chưa một ngày làm dâu bởi chồng cô đã quyết định ở rể trong mái ấm, cùng cô chăm sóc 130 trẻ mồ côi.
“Cuộc đời mình có hai lần may mắn”, Hreo, 22 tuổi, người Gia Rai nói. Lần đầu, cô được ông Đinh Minh Nhật cưu mang và đem về nuôi dưỡng. Lần tiếp theo là gặp được anh Trương Văn Lộc, quê Bà Rịa – Vũng Tàu, người chồng sẵn sàng bỏ nghề đi biển, ở lại mái ấm chăm sóc những đứa em mồ côi, hoàn thành tâm nguyện của vợ.
Hreo là trẻ mồ côi, suýt bị chôn sống theo tập tục của người Gia Rai bởi mẹ qua đời ngay sau khi sinh cô. Năm 2004, ba cô mất nên Hreo được ông Nhật đưa về mái ấm ở thôn 1, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê nuôi nấng. Ngày đó, Hreo đã 6 tuổi nhưng bị suy dinh dưỡng, người gầy tong.
Ở mái ấm, không chỉ có Hreo, ông Nhật nuôi những đứa trẻ mồ côi khác. Người cha già phải làm đủ nghề để có tiền mua sữa, thức ăn, quần áo cho đàn con. Hreo lớn dần, khỏe mạnh trong tình thương của người cha nuôi mà cô quen gọi là thầy. Khi đủ tuổi, cô được ông Nhật đặt tên, cho đi học.
Học hết lớp 12, Hreo xin đi học nghề ở tiệm tóc gần nhà. Giữa năm 2020, ông Nhật phát hiện bị u não, sức khỏe yếu dần, Hreo bỏ việc về mái ấm phụ thầy nuôi các em. “Nhìn thầy mỗi ngày cứ đau nhức, không ăn uống gì. Tôi nguyện với bản thân sẽ ở lại đây thay thầy lo cho các em”, Hreo nói.
Cuối năm đó, bà Trần Thị Hoa, 60 tuổi, ở Bà Rịa – Vũng Tàu theo đoàn từ thiện lên mái ấm để thăm và tặng quà. Thấy Hreo tốt tính, hiền lành, bà “chấm” cô cho người con trai út.
Giữa năm 2021, bà Hoa dẫn con trai trở lại mái ấm để gặp mặt Hreo. Dịch Covid-19 bùng phát, xe khách không thể ra ngoài tỉnh, hai mẹ con họ phải ở lại mái ấm 5 tháng.
Những ngày sống ở mái ấm, mọi công việc ông Nhật làm trước đây, nay anh Lộc tự tay cáng đáng. “Trước giờ tôi chỉ biết đi biển, đánh cá. Những việc như tắm heo, cắt cỏ cho bò, dọn phòng, nấu ăn… đều không biết làm, nay tập làm hết”, anh Trương Quang Lộc, 32 tuổi, tay đảo chảo thức ăn đang nấu dở, nói.
Chứng kiến những hành động của Lộc dành cho mình và mọi người ở mái ấm, Hreo từ chỗ không có cảm tình dần thương mến và đồng ý cưới. Hôn lễ của họ diễn ra vào cuối năm ngoái. “Anh không chỉ thương tôi mà còn thương thầy và các em trong gia đình. Điều đó làm lay động trái tim tôi”, cô nói.
Hreo nhớ lại ngày cưới, khi tiếng nhạc vừa cất lên, ông Đinh Minh Nhật từ bên trong nắm tay Hreo bước ra trao cho Lộc trước sự chứng kiến của các em út trong mái ấm và hàng xóm.
Trong bộ đồ vest giản dị, người đàn ông 59 tuổi xúc động không kìm được nước mắt, giọng lạc đi. “Hreo mồ côi ba mẹ từ nhỏ. Tôi coi như con ruột nuôi nấng và trưởng thành. Mong ước một ngày con tìm được một người tốt yêu thương con và cho con một gia đình từng bị thiếu hụt, nay đã thành sự thật”, ông Nhật nói. Ngay bên cạnh, bà Hoa không kìm được nước mắt, bật khóc.
“Hôm mình cưới ai cũng khóc. Đó là những giọt nước mắt hạnh phúc”, Hreo nhớ lại.
Bà Trần Thị Hoa, mẹ chồng Hreo chia sẻ, cưới xong, hai vợ chồng chủ động xin ở lại mái ấm chăm sóc ông Nhật và bọn trẻ ở đây. Thương hoàn cảnh người cha già bệnh tật, đang gồng mình nuôi 130 đứa con mồ côi, bà Hoa gật đầu đồng ý. “Mặc dù Hreo chưa làm dâu ngày nào, tôi rất thương con bé. Nó là đứa trẻ hiếu thảo. Không lý do gì mà tôi cấm cản”, bà nói.
Hai vợ chồng Hreo ở lại, xin một căn phòng nhỏ trong mái ấm để làm chỗ ở. Hàng ngày chàng rể Vũng Tàu nổi lửa nấu cơm phụ vợ để lo cho số trẻ đang được nuôi trong mái ấm. Khi có thời gian hai vợ chồng cùng dạy các em nhỏ học bài.
Mỗi buổi sáng, những đứa trẻ ở đây có thể ăn hết hai thùng mì tôm, mỗi tháng hết 8-9 tạ gạo, do đó gánh nặng kinh tế không hề nhỏ. Bệnh u não của ông Nhật ngày một nặng hơn, vài hôm lại lên cơn đau, nằm một chỗ. “Các bác sĩ nói nếu phẫu thuật thì hy vọng là 30% nhưng thầy không chịu vì nghĩ vừa tốn tiền mà hy vọng ít thì để tiền đó nuôi bọn trẻ”, Hreo kể.
Vì thế, anh Lộc cùng người anh cả tên Trung ở mái ấm gánh vác chuyện kinh tế. Hết phụ vợ nấu ăn, rảnh lúc nào chàng trai Vũng Tàu lại vào rẫy làm thuê. “Bò, dê, heo, gà một tay anh lo hết. Anh nói thương vợ 9 thì thương thầy 10. Tôi hạnh phúc vì chồng biết nghĩ cho gia đình lớn của mình”, Hreo nói.
Tháng 3 năm sau, mái ấm của ông Nhật sẽ đón thêm một thành viên mới. Đứa con trai đầu lòng của Hreo sẽ là mầm xanh hy vọng mới ở nơi đây, được sinh ra trong tình yêu của ba mẹ và hàng trăm người thân khác trong mái ấm.
“Tôi có được hạnh phúc như hôm nay tất cả là nhờ tấm lòng bao la của thầy và sự tử tế của mẹ chồng. Cầu mong chúa ban phép màu giúp thầy không còn đau và khỏe mạnh chứng kiến con trai tôi chào đời”, Hreo chia sẻ.
Để chia sẻ với trẻ mồ côi trong mái ấm của thầy Đinh Minh Nhật và mang đến các em những món quà Tết ấm áp, độc giả có thể ủng hộ thông qua Quỹ Hy vọng tại đây.
Minh Tâm
Quỹ Hy vọng trao 6 thư viện điện tử và bàn giao 6 điểm trường được sơn sửa cho học sinh huyện Sông Mã. Ngày 12/10, Quỹ Hy vọng cùng Tập đoàn FPT và công ty Vuihoc đã trao 6 thư viện điện tử cho…
Học sinh tại Mù Cang Chải vui mừng khi có khu nhà vệ sinh mới, đầy đủ đường nước vào trực tiếp, không còn phải xách từng xô nước mỗi khi sử dụng. Ngọc Ngọc
Nhiều trường học vùng cao gặp khó khi không có nhà vệ sinh, học sinh phải dùng lán tạm, sau khi được quỹ Hy Vọng và Opella tài trợ các em đã yên tâm hơn khi đến lớp. Dự án xây 20 cụm công trình…
Quỹ Hy vọng cùng các nhà tài trợ đồng hành khởi công ba công trình nhà tắm đầu tiên ở các tỉnh Bắc Kạn, Yên Bái, Sơn La giúp học sinh đảm bảo sức khỏe, cải thiện chất lượng học tập. Ngày 11/10, Quỹ Hy…
Suốt 9 năm qua, vì là người có sức khỏe tốt nhất nhà, Cải Thị Tình, 41 tuổi, lần lượt phải đưa bố, anh trai, chị gái, chồng và con đi viện. Đầu tháng 10, chị Tình đưa con trai Cải Thanh Hứu, 4 tuổi,…
Hai phòng học xây mới cùng công trình vệ sinh, sân chơi tại điểm trường Tiểu học Chà Lan, huyện biên giới Mường Lát vừa được Quỹ Hy vọng và FPT khánh thành, bàn giao cho địa phương sử dụng. Điểm trường Tiểu học Chà…