BÌNH DƯƠNG | Bốn năm, chị Biên cố giữ cuộc hôn nhân không hạnh phúc để hai con không thiếu thốn tình yêu cha mẹ nhưng cuối cùng ba mẹ con vẫn phải dọn ra sống riêng.
Chị Hồ Thị Biên, 38 tuổi, quê Nghệ An vào Bình Dương làm công nhân, lấy chồng cùng công ty, năm 2012. Năm 2019, anh đề nghị ly hôn vợ vì không còn tình cảm. Muốn giữ ba mẹ đầy đủ cho hai đứa con, chị chấp nhận ly thân, nhưng vẫn chung một nhà.
Người vợ nhiều lần muốn vun vén lại, thay đổi cho phù hợp với chồng nhưng không thể. Giữa năm 2023, vợ chồng chị ký đơn ly hôn với thỏa thuận ”không được để con thiếu vắng tình cảm của ba”.
Chị dẫn hai con Trần Gia Hân 12 tuổi và Phúc Thịnh 8 tuổi, dọn ra chỗ trọ mới. Mới đầu, người mẹ không cho các con biết ba mẹ ly hôn. Chị viện lý do chồng đi làm xa nên mẹ con chuyển đến nơi ở mới gần trường học, lại tiết kiệm chi phí hơn.
Nhưng Gia Hân sớm biết chuyện gì xảy ra. Khi nghe chuyện, Gia Hân buồn nhưng chỉ nói đây là chuyện riêng của ba mẹ nên không can thiệp. ”Không biết mai này thế nào, nhưng giờ con chọn ở với mẹ”, cô bé nói với hai người lớn.
Trở thành một phụ nữ đơn thân, đôi vai của chị Biên thêm nặng. Thay vì hết giờ sẽ về nhà như trước đây, tan tầm, ai thuê gì chị làm đấy để có tiền trang trải. Mỗi tháng thu nhập hơn 9 triệu đồng giúp chị có niềm tin có thể nuôi được con.
Cuối năm 2023, bé Gia Hân đột nhiên sốt cao rồi hạ, chị đồng ý cho con cùng ba về nội ăn Tết. Nhưng mới mùng 4 bé đã gọi cho mẹ báo mệt trong người. Chị Biên giục chồng cũ đưa con về lại Bình Dương đi khám.
Mùng 7 Tết, các bác sĩ ở Bình Dương chuyển bé Gia Hân về bệnh viện Nhi đồng 2, TP HCM. Kết quả xét nghiệm cho thấy đứa trẻ bị ung thư máu. Nghe bác sĩ thông báo kết quả xét nghiệm của con, chị Biên như chết lặng. ”Tôi thương thân thì ít, thương con thì nhiều”, chị nói.
Cả đêm trong bệnh viện người mẹ không thể ngủ, tưởng tượng đến những điều tồi tệ. Những ngày con truyền hóa chất nôn ói, mệt lả, chị cũng mất ngủ cả đêm. Lúc chân tay con yếu, chị Biên dìu khó, bế cũng không xong. Nhìn hai mẹ con héo mòn trông nhau, người nhà bệnh nhân khác thương, xúm vào hỗ trợ.
Nhưng bất chấp những gì đang trải qua. Cứ hễ con được bác sĩ điều trị cho về sau mỗi ca điều trị, chị lại quay lại công ty làm việc, tiếp tục tăng ca. Mỗi sáng, chị dậy sớm chợ búa, nấu cơm để sẵn cho hai con rồi đi làm. Chiều người mẹ lại tạt về nhà cơm nước thêm bận nữa, rồi làm thêm đến tối mới về.
Anh Võ Khương, chủ xưởng may hơn 20 công nhân, nơi chị Biên làm việc kể, cuộc sống của chị Biên bình thường đã vất vả, nay chất chồng khó khăn. Thương hoàn cảnh chị, các chị em công nhân gom góp thêm vài suất cơm cho hai mẹ con. Anh Khương hỗ trợ bằng cách để chị có thể làm ngắt quãng trong thời gian con được rời viện sau mỗi đợt truyền hóa chất.
“Nếu là người khác, tôi không tạo điều kiện đến vậy, nhưng trước giờ chị ấy vẫn rất nghị lực, chịu thương chịu khó. Khi con ốm như vậy, mọi người càng thương thêm”, anh Khương kể.
Chị Biên có động lực làm việc hơn khi bác sĩ, người nhà các bệnh nhân khác động viên mỗi ngày. Chị cũng hiểu ung thư không phải cửa tử. Nếu hợp phác đồ điều trị, con chị có thể đến trường trở lại.
Hiện tại, bé Gia Hân đã trải qua đợt điều trị thứ ba, trong tổng 6 đợt, dự kiến kéo dài trong 36 tháng với chi phí 30 triệu đồng.
Trước nay tự lực cánh sinh, nhưng con nhập viện, chị Biên phải về quê mẹ ở xã Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An xin xác nhận hoàn cảnh gia đình khó khăn, để Gia Hân được hỗ trợ viện phí.
“Những lúc bí quá tôi nói ba bé phụ đóng viện phí, nhưng còn tiền ăn, tiền sinh hoạt của ba mẹ con thì không đi làm không lấy đâu ra”, chị nói. Người phụ nữ đơn thân đã phải vay mượn của họ hàng, người thân hơn 40 triệu đồng, chưa biết khi nào có thể trả.
Mùa hè này, do chị gái nằm viện nên cậu em được gửi về quê ngoại. Chị Biên mong con sớm khỏe để tối tối ba mẹ con được nằm cạnh nhau, sau một ngày mệt nhoài ở xưởng may. “Khó khăn cỡ nào, nhà trọ có chật cỡ nào, có các con ở bên cũng là hạnh phúc”, chị nói.
Phạm Nga
Nhằm hỗ trợ bệnh nhi ung thư (trong đó có bé Gia Hân, Nghệ An), Quỹ Hy vọng phối hợp với nền tảng vRace triển khai giải chạy bộ và đạp xe gây quỹ. 100% phí đăng giải sẽ được ủng hộ để tài trợ viện phí cho các em. Giải chạy đặt mục tiêu thu hút 3.000 runner tham gia và gây quỹ 300 triệu đồng.
Độc giả tìm hiểu thông tin tại đây.
Điểm trường làng Hrách và Lơ Pơ, huyện Kông Chro được Quỹ Hy vọng và các đơn vị tài trợ xây mới thay thế cho những lớp học đã xuống cấp, thấm dột. Ngày 14/11, gần 100 học sinh, giáo viên Điểm trường Hrách thuộc…
Học sinh trường TH & THCS Quang Minh tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng và ăn liên hoan trong ngày hội do Quỹ Hy vọng và De Heus tổ chức. Ngày hội dinh dưỡng học đường chủ đề “Vững bụng đến trường” được tổ…
Jomoo Việt Nam và trường Hy Vọng đã ký biên bản tài trợ thiết bị trị giá 2 tỷ đồng cho 138 phòng vệ sinh trong ngôi trường mới dành cho 300 trẻ mồ côi vì Covid-19, chiều 14/11. Phát biểu tại buổi ký kết,…
Men vi sinh chứa các vi sinh vật có lợi, hỗ trợ cải thiện cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cải thiện sức khỏe cơ thể song cần tránh lạm dụng. Nội dung: Văn HàThiết kế: Ngân Hà
Dự án Vệ sinh học đường giúp sức khỏe của 98% học sinh được cải thiện nhờ thay đổi thói quen sinh hoạt như rửa tay thường xuyên, không phóng uế bừa bãi, dọn dẹp định kỳ. Đỗ Nam – Kim Anh
Công ty De Heus Việt Nam tài trợ 1,2 tỷ đồng cho dự án “Dinh dưỡng học đường” của Quỹ Hy vọng, cải thiện bữa ăn của học sinh ở ba trường ở Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An. Ba trường được dự án hỗ…