Quỹ Hy vọng - Hope Foundation

  • Giới thiệu
    • Tổng quan
    • Mục tiêu
    • Hội đồng quản lý
    • Ban cố vấn
    • Quyết định
    • Báo cáo kiểm toán
  • Chương trình
    • Ánh sáng học đường
    • Nâng bước em tới trường
    • Vệ sinh học đường
    • Mặt trời Hy vọng
    • Thư viện điện tử
    • Cùng đồng bào vượt lũ
    • Tết hy vọng
  • Danh sách đóng góp
  • Tin tức
  • Trang chủ
  • Hoạt động
  • Mặt trời Hy vọng
  • Tin tức
Thứ ba, 2/1/2024 | 09:45 GMT+7

Lần đầu ra khỏi bản của gia đình người Mông

ĐĂK NÔNG- Sinh sống trong một xã vùng sâu chưa có điện của huyện Đăk Glong, vợ chồng Thào Thị Sau lần đầu rời bản vì đứa con trai bụng to như trống.

Tháng 4/2023, cậu bé Ma Seo Minh gần ba tuổi bị những cơn đau bụng không rõ nguyên nhân. Vợ chồng Thào Thị Sau, 30 tuổi và Ma A Của, 37 tuổi ở cụm Suối Phèn, thôn 12 Quảng Hòa, huyện Đắk Glong cho con đi trung tâm xã siêu âm, được chẩn đoán bị viêm ruột rồi kê cho vài loại thuốc về uống.

Nhưng càng ngày bụng của Seo Minh càng to. Cặp vợ chồng người Mông không biết phải làm sao. Một người họ hàng nhờ được một mục sư ở tỉnh Long An nhận đưa gia đình xuống đó khám.

Thào Thị Sau chỉ nhớ vào đầu mùa mưa, cô ôm con trai ngồi sau chồng rời khỏi con đường đất, rời khỏi cánh rừng ra chợ để đón xe. Nằm trên chuyến xe đêm, cặp vợ chồng thao thức không ngủ nổi.

“Đó là lần đầu tiên chúng tôi ra đi xa đến vậy”, Sau nói.

6 đứa con của Thào Thị Sau trong ngôi nhà của họ, tại
Những đứa con của Thào Thị Sau trong ngôi nhà của họ dịp Tết 2023, tại thôn 12, xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong, Đắk Nông. Ảnh: Gia đình cung cấp

Tại Bệnh viện Long An, đứa con trai duy nhất của họ nghi ngờ bị u gan, yêu cầu chuyển tuyến luôn xuống Bệnh viện Nhi đồng 2, TP HCM. Cặp vợ chồng hoang mang. Họ có hai triệu đồng giắt lưng, chi phí chiếu chụp đã gần hết, quần áo cũng không mang theo.

Xuống đến Nhi đồng 2, Ma Seo Minh được xác định bị bệnh Non hodgkin’s lymphoma, một loại ung thư bắt nguồn từ các tế bào của hệ thống miễn dịch và bạch huyết. Lúc bác sĩ nói bệnh con, cả Của lẫn Sau không hiểu là gì, cho đến khi nghe được hai từ “ung thư“.

A Của học tới lớp 3, nói tiếng Kinh không sõi. Vợ anh học được hết cấp hai, nhưng cũng chỉ nghe được giọng Bắc. Họ kể rằng suốt vài tháng đầu thường xuyên khó khăn khi giao tiếp với người xung quanh. Sau phải nhờ mọi người nói chậm, giờ quen mới hiểu được phần nào.

Không có tiền mua thức ăn, hai vợ chồng chỉ ăn một bữa mỗi ngày. Tận khi nhận thức được người xung quanh đi lấy cơm từ thiện, họ mới lóng ngóng học theo cách người ta xếp hàng nhận cơm.

Ở viện 10 ngày, gia đình được cho về, hẹn ngày xuống mổ. Chuyến đi lần hai, họ gom góp được 5 triệu đồng, mỗi người nhét thêm đôi bộ quần áo. Trước ngày đi, năm đứa con gái (lớn nhất 10 tuổi, bé nhất 1 tuổi) được chia ra gửi ở các nhà họ hàng.

Seo Minh và mẹ.
Seo Minh và mẹ Thào Thị Sau. Ảnh: Gia đình cung cấp

Giữa tháng 7, Ma Seo Minh bước vào ca mổ. Được đúng một tuần cậu bé bị thủng ruột, buộc phải phẫu thuật lần hai, từ đó phải dùng hậu môn nhân tạo. Suốt gần ba tháng con nằm trong phòng cấp cứu, cặp vợ chồng nghèo thay nhau người túc trực bên trong, người bên ngoài lo xin cơm, xin nước.

Đầu tháng 10, Seo Minh bước vào đợt truyền hóa chất đầu tiên. Sức khỏe con yếu nên quá trình vào thuốc thường hay bị đứt quãng. Gần cuối toa một, Minh bị nhiễm trùng vết mổ, gần một tuần sốt cao không dứt. Con khó thở, tính mạng bị đe dọa.

Đó là những ngày hoang mang nhất cuộc đời cặp vợ chồng người Mông. Bác sĩ gọi lại cho biết đã thử nhiều loại thuốc mà không thể hạ sốt, nên giờ phải dùng đến loại kháng sinh ngoài bảo hiểm 30 triệu đồng một mũi mỗi ngày, cần truyền trong vài ngày.

Khi hỏi về khả năng chi trả của gia đình, chị Sau chỉ đưa ra được vài tờ phiếu tạm ứng tiền của những mạnh thường quân, chứ không có một đồng nào. 5 triệu đồng mang theo đã dùng hết cho ca mổ đầu tiên, từ đó đến vài tháng tiếp theo viện phí toàn từ nguồn bệnh viện kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ.

“Chúng tôi không có tiền, chẳng biết phải làm sao, chỉ khóc và cầu nguyện thôi”, Sau nói.

Điều kỳ diệu xảy ra, ngày hôm sau Minh cắt sốt nên không cần phải dùng đến loại thuốc đó nữa. Những ngày tiếp theo sức khỏe con dần ổn định. Bác sĩ cho ra ngoài nhà thiện nguyện chơi một ngày, rồi lại về tiếp tục truyền hết toa một.

Ngày vợ chồng đưa con đi viện, rẫy cà phê mới đậu trái, ngày về quả đã bắt đầu chín. Đứa con gái út của Sau cao lớn lên trông thấy. Con bé đã biết đi, biết nói, nhưng quên mặt mẹ, cha nhưng lại nhớ anh trai mình. Đứa trẻ 17 tháng tiến lại phía anh dùng đôi bàn tay lem luốc sờ cái đầu không còn tóc của anh, cất tiếng gọi: “Minh ơi”. Nhìn hai đứa con bé bỏng, vợ chồng Sau nhạt nhòa nước mắt.

Hồi chưa phải đi viện, hai anh em nó quấn nhau như hình với bóng. Cha mẹ lên rẫy, chúng cũng phải đi theo, tự trông nhau. Đêm hai đứa ôm nhau ngủ. Bởi thế ngày đầu tiên anh về, con bé Nhi một mực leo lên giường đòi ngủ với anh. Nhưng sợ ảnh hưởng vết mổ, Sau buộc phải tách chúng ra.

Nghỉ ngơi một tuần, vợ chồng Sau lại tiếp tục đưa con xuống viện. Lần này 5 đứa lại chia các ngả như trước. Ở viện, cặp vợ chồng cũng không yên lòng với đàn con ở nhà, mỗi lúc nghe đứa này ốm, đứa kia đau. Nhưng vì lạ nước lạ cái ở thành phố lớn vẫn cần hai vợ chồng, còn các con đành nương nhờ anh em, xóm giềng.

Hiện cậu bé người Mông đang bước vào đợt truyền hóa chất thứ tư. Từ hai đợt gần đây chỉ còn mẹ theo em đi viện. Đang mùa thu hoạch cà phê nhưng A Của cũng buộc phải thuê người hái bởi mất 6 bận đi lại mỗi ngày qua con đường đất đỏ lầy lội để đưa đón các con đến trường.

Anh Giàng A Lìn, cụm trưởng cụm Suối Phèn, thôn 12 Quảng Hòa, huyện Đắk Glong cho biết Suối Phèn nằm biệt lập, không có điện, hiện mới được đầu tư trường mẫu giáo. Vì cách trung tâm xã Quảng Hòa rất xa, nên trẻ con đi học phải sang xã bên cạnh, trường cấp một cách 8 km, cấp hai cách hơn 20 km.

Con đường đất ngày mưa trơn trượt, ngày nắng bụi mù. Để kiếm được con chữ cho con, các gia đình phải đưa đón vất vả, ảnh hưởng rất lớn đến việc làm kinh tế. “Một gia đình đông con như nhà Của – Sau, nay con còn mắc bệnh hiểm nghèo nữa càng khó khăn vô cùng”, anh Lìn cho hay.

Seo Minh cùng cha mẹ nên nương đốt rẫy đầu năm 2023. Ảnh: Gia đình cung cấp
Seo Minh theo cha mẹ nên nương đốt rẫy đầu năm 2023. Ảnh: Gia đình cung cấp

Seo Minh còn nhỏ nhưng rất hiểu chuyện, bảo ăn là ăn, uống thuốc là uống. Lúc tiêm đau, con bụm miệng lại chứ không khóc lớn. Mỗi lần được về nhà, con thường nói muốn ăn đầu heo hầm, mẹ sẽ mua một cái cho con ăn thỏa thích.

Niềm vui nhất trong ngày của thằng bé là được gọi về nói chuyện với em gái nó. Những ngày khỏe, nó ríu rít cả ngày, khiến mẹ trả lời đến phát mệt. Mấy nay Minh cứ nói tiếc không được về lên rẫy hái cà phê. Thời điểm này năm ngoái, bố mẹ thu hoạch đằng xa, còn nó trông đứa em mới trên tấm bạt đầy ắp quả cà phê.

Năm nay, nó lỡ hẹn mùa cà phê chín đỏ.

Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Hiện chương trình nhận được sự ủng hộ của Câu lạc bộ thiện nguyện Ấm tình yêu thương.

Phan Dương

Chia sẻ Copy link thành công

Danh mục

  • Ánh sáng học đường
  • Nâng bước em tới trường
  • Mặt trời hy vọng
  • Tết Hy vọng
  • Vệ sinh học đường
  • Thư viện điện tử
  • Tiếp sức cho tâm dịch
  • Chung tay vì miền Trung
  • Cùng đồng bào vượt lũ
  • Trường Hy Vọng

Tin liên quan

Giấc mơ về những mái nhà lành lặn

Ánh sáng học đường

Giấc mơ về những mái nhà lành lặn

Nhiều năm qua, người lính già 98 tuổi và cặp vợ chồng câm điếc ở huyện Hương Khê luôn mơ về một ngôi nhà kiên cố, nhưng chưa bao giờ được như ý. Ở thôn 3, xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, căn nhà ba…

Xây 37 ‘nhà Hy Vọng’ ở Hà Tĩnh

Ánh sáng học đường

Xây 37 ‘nhà Hy Vọng’ ở Hà Tĩnh

Quỹ Hy vọng sẽ xây 37 căn nhà kiên cố cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn ở huyện miền núi Hương Khê, với sự chung tay của Agribank. Những hộ dân được tài trợ xây nhà thuộc địa bàn 17 xã, thị…

Cô trò Y Tý nhận trường lớp mới sau bão Yagi

Ánh sáng học đường

Cô trò Y Tý nhận trường lớp mới sau bão Yagi

Ngày 14/4, cô trò điểm trường Lao Chải 3, trường Mầm non Y Tý, xã Y Tý, huyện Bát Xát nhận bàn giao trường lớp sau gần hai tháng thi công sửa chữa. Trường còn tiếp nhận thiết bị học tập, sinh hoạt gồm tivi,…

Quỹ Hy vọng khánh thành điểm trường vùng biên

Ánh sáng học đường

Quỹ Hy vọng khánh thành điểm trường vùng biên

Hai phòng học xây mới cùng nhà vệ sinh, công trình sân chơi tại điểm trường Huồi Cam, huyện Quế Phong, vừa được Quỹ Hy vọng và FPT bàn giao cho địa phương sử dụng. Dân bản chủ yếu là đồng bào Thái, Mông, Khơ-Mú,…

Phát động giải chạy gây quỹ xóa nhà tạm, dột nát

Ánh sáng học đường

Phát động giải chạy gây quỹ xóa nhà tạm, dột nát

Ngày 6/4, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) phối hợp Quỹ Hy vọng tổ chức Lễ phát động Giải chạy trực tuyến, gây quỹ dự án “Nhà Hy vọng”. Giải được tổ chức online ghi nhận thành tích trong…

Khánh thành ‘Nhà tắm Hy vọng’ đầu tiên tại Bắc Kạn

Ánh sáng học đường

Khánh thành ‘Nhà tắm Hy vọng’ đầu tiên tại Bắc Kạn

Công trình nhà tắm dành cho gần 200 học sinh, giáo viên Trường PTDTBT TH & THCS Kim Hỷ, huyện Na Rì với diện tích 42 m2, gồm 6 khoang đã chính thức đi vào sử dụng ngày 3/4. Công trình có tổng giá trị…

Địa chỉ liên hệ

Trụ sở: Tầng 9, Toà nhà FPT, số 10 Phạm Văn Bạch, Cầu Giấy, Hà Nội

Hotline:
0972 776 776
Email:
hope@quyhyvong.com
Facebook:
Được vận hành bởi
VnExpress FPT Online
Hoạt động theo quyết định số
883/QĐ-BNV
Báo cáo tài chính được kiểm toán bởi
© 2018-2024. Toàn bộ bản quyền thuộc Quỹ Hy vọng.
Chính sách bảo mật