PHÚ YÊN- Thông qua những bức tranh, các em ở trường mầm non ở huyện Sơn Hòa thể hiện ước mơ có trường mới đẹp và nhiều đồ chơi, không phải chạy trú mỗi mùa mưa bão.
Tác giả của những bức tranh là các bé mẫu giáo 5 và 6 tuổi của Trường mầm non Sơn Nguyên, xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Điểm lẻ Nguyên Xuân của Trường mầm non Sơn Nguyên là nơi khó khăn nhất huyện.
Nền nhà sụt lún, đòn tay mục nát, tường phòng học nứt nẻ. “Có lần giáo viên và học sinh đang ngủ trưa thì mái phòng học sụp xuống. Từ lúc đó cô trò phải chuyển sang dạy nhờ ở nhà văn hóa thôn”, cô Võ Thị Nguyệt Thu, hiệu trưởng trường mầm non Sơn Nguyên cho biết.
Đây là tranh của em Huỳnh Ngọc Phương Trinh, với mong muốn về một ngôi trường mới hạnh phúc, là nơi học tập vui chơi mỗi ngày cùng bạn và cô.
Điểm lẻ này là có 31 học sinh dân tộc Chăm, Hroi và Kinh. Phần lớn gia đình các em đều khó khăn, nhiều khi không có tiền đóng học phí nên giáo viên phải trích tiền lương ra đóng trước. “Có hai trường hợp đặc biệt khó khăn nên nhà trường không thu tiền”, cô Thu cho biết.
Đây là ước mơ về trường mới của em Lê Ngọc Nhã Phương, 6 tuổi, nơi đó có xích đu, ghế đá và khu vườn thật nhiều hoa.
Tháng 9/2022, chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí 17 triệu đồng để sửa lại điểm trường. Tuy nhiên theo ông Hoàng Vũ Anh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Hoà, nguồn ngân sách của địa phương ít nên chưa thể đầu tư một cách toàn diện, trường hiện nay vẫn tạm bợ và thiếu an toàn.
Ngôi trường trong mơ của bé Nguyễn Ngọc Nhã Đan, 6 tuổi, rất rộng lớn, nhiều phòng học. “Em muốn sân rộng, cây xanh phủ bóng mát và nhiều đồ chơi ngoài trời. Ở đó em đang đọc sách truyện cùng các bạn mỗi giờ hoạt động ngoài chơi”, Nhã Đan nói.
Cậu bé Huỳnh Thiên Phúc, 5 tuổi muốn thể hiện qua tranh uớc mơ có một trường thật to như các bạn thành phố, có tầng lầu, sân trường rợp bóng mát và nhiều đồ chơi.
“Niềm vui nhất mỗi ngày đến trường của em là được ngồi trên xích đu chơi, hai bạn Nhi và Minh ngồi đọc sách, bạn Vy tưới hoa ở góc thiên nhiên, hai bạn Đan và Vân đang chơi nhảy dây”, em Phúc nói.
Bé Nguyễn Trần Hà Phương, 5 tuổi thích vẽ và có năng khiếu hội họa. Trong 9 ngày, em thực hiện hai tác phẩm thể hiện ngôi trường trong mơ. Ở tác phẩm này, em ước có một ngôi trường rộng lớn có đầy đủ phòng học, phòng ăn, phòng ngủ, phòng nghệ thuật, phòng phát triển thể chất để em và các bạn thỏa sức trải nghiệm và học tập.
“Em vui khi mỗi ngày được mẹ dắt tay đến lớp. Cô giáo Lại Bình ra đón chào. Bạn thân cùng bàn Hồng Vân đang đã chờ sẵn cùng em đi chơi”, bé Hà Phương nói.
Ở bức thứ hai, Hà Phương dùng nguyên vật liệu bằng lá cây, vỏ hạt, hoa, cành cây để gần gũi với thiên nhiên. “Em uớc mơ có một ngôi trường xinh đẹp trong một môi trương xanh, đầy hoa thơm và ong bướm, chim chóc bay về làm tổ”, cô bé chia sẻ.
Cậu bé Đặng Quang Vinh ước có ngôi trường mầm non thật to như trường THCS gần nhà Vinh. Vì thế em đã vẽ trường tương lai của mình có nhiều thảm cỏ xanh, có cô giáo mỗi buổi sáng hân hoan chào đón các bạn nhỏ đến lớp. “Em vẽ cột cờ đỏ sao vàng để hàng ngày được nhìn ngắm để thêm yêu tổ quốc”, cậu bé 5 tuổi chia sẻ.
Tranh của em Nguyễn Hà Anh, 6 tuổi thể hiện ngôi trường có nhiều đồ chơi và các bạn cùng chơi. “Em thích nhất chơi cầu trượt, nên muốn trường mới sẽ có cầu trượt đặt dưới những tán cây xanh để được chơi với các bạn”, Hà Anh chia sẻ.
Cô bé Y Dương Ngọc Bảo Anh, 6 tuổi đã vẽ một ngôi trường rất rộng đẹp, có núi non, chim chóc, có tường bao, nhiều loại cây và hoa.
Em Nguyễn Diệp Ty Na, 5 tuổi đã dành 8 ngày để hoàn thành bức tranh rất nên thơ về trường mới. Như mọi đứa trẻ khác, em ước mơ có cây xanh, trường kiên cố để được học và chơi mỗi ngày.
Suốt mấy năm đi học đầu đời, em Phạm Trịnh Ngọc Diệp đã phải học trong phòng xuống cấp, bị sập mái khi đang ngủ trưa và sau này phải đi học nhờ. Em ước ngôi trường mới có vườn hoa hai bên đường nở rộ mỗi sớm mai, để chào đón em và các bạn của mình.
Ước mơ của Ngọc Diệp và các bạn sẽ được Quỹ Hy Vọng – báo VnExpress thực hiện trong năm nay. Dự kiến điểm trường mới sẽ có một phòng học chính và một phòng đa chức năng. Tổng giá trị dự án khoảng 900 triệu đồng.
Phan Dương
50 học sinh trường Mầm non Hạnh Dịch, huyện Quế Phong cùng nhau gói bánh chưng, múa hát, nhận quà Tết từ VnExpress, FPT Online và Quỹ Hy vọng. Ngày 11/1, tại điểm trường Long Thắng, trường Mầm non Hạnh Dịch, xã Hạnh Dịch, huyện…
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cùng đại điện Quỹ Hy vọng vừa trao hai thư viện điện tử cho hai trường học ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. Trường THCS và THPT Thới Thạnh cùng Trường Tiểu học Thới…
200 suất quà Tết vừa được Quỹ Hy vọng và Lalamove ửi đến các bệnh nhi ung thư khó khăn của Bệnh viện Nhi Đồng 2. Tết Nguyên đán luôn là dịp đặc biệt trong năm, nhất là đối với trẻ em. Giữa không khí…
Anh Lê Văn Duẫn vừa khóc, vừa nắm chặt tay người vợ sắp qua đời, hứa tiếp tục cùng con chiến đấu chống lại bệnh ung thư. Đó là buổi chiều mưa giữa tháng 5, vợ anh trút hơi thở cuối cùng sau thời gian…
Năm 2024, gần 700 bệnh nhi được Quỹ hỗ trợ điều trị, trong có 50 ca ghép tạng, ghép tủy, mang đến cơ hội sống khỏe cho nhiều trẻ em khó khăn. Em Phạm Lê Hoàng Vương, 8 tuổi, Đà Nẵng được chẩn đoán tan…
Tiến Cường, 13 tuổi, hồi sinh nhờ ghép quả thận từ người đàn ông chết não hiến tạng, mong đi học trở lại sau này kiếm tiền mở quán chay từ thiện. “Con hay đọc kinh Phật, ước mơ khỏe mạnh để mở quán chay…