Đêm khuya về tới khách sạn, phát hiện tấm băng rôn với dòng chữ cảm ơn căng ngang cửa, đoàn y bác sĩ Quảng Ninh chợt cảm thấy “bao mệt mỏi của một ngày tan biến”.
Tấm băng rôn với nội dung: “Cảm ơn đoàn chuyên viên y tế Quảng Ninh giúp Bắc Giang chống dịch. Người dân Bắc Giang biết ơn các bạn”, được treo trước của khách sạn Hương Sơn, TP Bắc Giang.
“Đêm 16/5, khi xe về tới khách sạn thì một thành viên trong đoàn bỗng reo lên, chỉ về tấm băng rôn. Cả ngày đi làm thực sự rất mệt, nhưng nhận được món quà tinh thần đó, cả nhóm phấn khởi quên đi mọi nỗi vất vả”, nữ điều dưỡng Lưu Huệ Phương, một trong 200 nhân viên y tế của Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển (Uông Bí, Quảng Ninh) đang chi viện cho Bắc Giang, chia sẻ.
Bắc Giang đang là địa phương có nhiều ca dương tính nhất trong cả nước với hơn 500 ca. Các chuyên gia y tế nhận định, ổ dịch ở Bắc Giang rất phức tạp. Đoàn cán bộ y tế của Phương đến đây từ ngày 15/5, chia thành 10 nhóm, mỗi nhóm 20 người. Hôm đầu đoàn tập trung toàn bộ lực lượng lấy mẫu ở khu công nghiệp Quang Châu, được khoảng 10.000 mẫu. Những hôm sau họ được chia thành nhiều nhóm nhỏ, đến tận các khu dân cư, thôn, chùa… để lấy mẫu xét nghiệm. Vùng dịch này đang rất nóng nên cường độ làm việc cao, nhiều khi thất thường. Có hôm đang nghỉ trưa, trưởng nhóm nhắn tin “15 phút nữa tập hợp”, mọi người lập tức chuẩn bị xuất phát. Có hôm làm trời tối muộn, nhóm phải soi đèn pin để lấy mẫu.
Dù vất vả, nhưng “tinh thần của cả đoàn rất tràn đầy” bởi đi đến đâu cũng được người dân Bắc Giang tiếp đón nồng hậu. “Nhiều hôm lấy mẫu từ sáng sớm tới quá trưa, ai cũng đói, người dân địa phương mang nước chanh và đồ ăn tới ‘tiếp tế’ tại chỗ hoặc mời về nhà ăn cơm. Tại khách sạn, nước, sữa tươi, sữa chua, hoa quả luôn được chuẩn bị sẵn và đều miễn phí. Mỗi đêm đi lấy mẫu về, cả đoàn đều được phục vụ ăn đêm”, điều dưỡng Lưu Huệ Phương kể.
Anh Nguyễn Trọng Sơn, quản lý khách sạn Hương Sơn – nơi đoàn cán bộ y tế Quảng Ninh đang ở, cho biết, toàn bộ ý tưởng tiếp đón đều là của lãnh đạo tỉnh. “Riêng tấm băng rôn vì các bác chưa có thời gian thực hiện nên tôi đã đi in treo lên”, anh nói.
Là một người con của “Phủ Lạng Thương”, anh Sơn thấy mình có trách nhiệm phải góp sức mình vào cuộc chiến chống đại dịch. Dù vẫn nghiêm túc thực hiện 5K, gia đình anh tìm đủ mọi cách để tiếp đoàn tốt nhất có thể, như giặt phơi đồ, mua dầu gội đúng nhu cầu… Anh thường căn giờ đoàn về để bày sẵn hoa quả mát ở sảnh.
“Nhiều người dân biết chỗ của chúng tôi là nơi nghỉ của y bác sĩ từ tỉnh ngoài về đã đến ủng hộ. Có người nấu chè mang đến cho bác sĩ ăn đêm. Có người gửi tiền qua tài khoản, nhờ chúng tôi mua thêm đồ ăn, nước uống”, anh Sơn chia sẻ.
Chiều 18/5, trong một quán phở đóng cửa im lìm ở phường Ngô Quyền, TP Bắc Giang anh Nguyễn Văn Phúc, chủ quán đang say sưa đàn hát. Sân khấu, loa đài đã xong và Phúc đang ghép nhạc để chuẩn bị cho màn biểu diễn sáng 19.
“Các y bác sĩ chỉ ăn sáng 20 phút, nên tôi định hát 3 bài là Hạnh phúc nghề y; Một rừng cây, một đời người và Đoàn kết chống Corona“, anh Phúc, 30 tuổi, từng tốt nghiệp Học viện âm nhạc quốc gia, chia sẻ.
Quán của Phúc đóng cửa từ 5/5 để phòng dịch. Mấy ngày trước một khách sạn gần đây đề nghị phục vụ bữa sáng cho đoàn công tác của Bộ Y tế. “Tôi đang muốn góp sức cho quê hương nên xin được nấu bữa sáng miễn phí luôn”, anh Phúc nói.
Đang trong thời gian giãn cách nên nguồn thực phẩm hạn chế, chàng đầu bếp phải cố gắng đa dạng món ăn trong mức có thể. Mỗi bữa anh gửi thực đơn cho đoàn lựa chọn gồm các món bún và cháo. Nước dùng đã ninh từ đêm hôm trước. 4h30′ sáng, Phúc đi chợ mua đồ ăn tươi và tự tay vào bếp. Trước 7h đoàn đến, mọi thứ đã xong. Anh chủ quán trẻ tuổi cũng liên hệ được một quán cà phê tặng đồ uống cho đoàn.
Sẵn thế mạnh âm nhạc, chủ quán phở này đề xuất với một cán bộ trong đoàn được phép phục vụ ca nhạc trong giờ ăn. Để đảm bảo phòng dịch, chỉ có Phúc và một người bạn nữa biểu diễn.
“Các bác đi làm rất vất vả và không biết cuộc chiến còn kéo dài bao lâu. Tôi muốn trong khả năng mình đem các tô bún ngon, đem âm nhạc và tấm lòng để các y bác sĩ được thoải mái nhất trong những ngày giúp quê tôi”, Phúc nói.
Hiện anh cũng đang cùng bạn bè chuẩn bị nấu cháo từ thiện cho bệnh viện và khu cách ly.
Một lãnh đạo Sở y tế Bắc Giang cho biết, những ngày qua đã có nhiều đoàn y tế về giúp tỉnh chống dịch, gồm đoàn của Bộ Y tế; Sở y tế Hà Nội, Yên Bái, Thái Nguyên, Quảng Ninh; Bệnh viện đa khoa Thái Nguyên, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển, cùng Học viện Quân y, Đại học kỹ thuật y tế Hải Dương…
Tỉnh đã bố trí ăn ở, xe đưa đón. Thậm chí như đoàn của sở Y tế Thái Nguyên, còn có cảnh sát giao thông đón ở ranh giới hai tỉnh và đưa về tận nơi. Các lực lượng tuyến đầu đi tới đâu cũng được người dân tiếp sức bằng chai nước mát, cốc sinh tố, băng rôn cảm ơn… “Đang ở trong tâm dịch, chúng tôi vô cùng cảm kích khi được các tỉnh bạn chi viện”, ông nói.
Trên các nhóm mạng xã hội của Bắc Giang những ngày qua, hàng nghìn người dân cũng gửi lời cảm ơn tới các lực lượng tuyến đầu và các tỉnh thành đã san sẻ khó khăn với mình. Đâu đó trong những lời chúc ấy, có những người nói: “Hẹn khi chiến thắng dịch, mời anh em 63 tỉnh thành về Bắc Giang ăn vải Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, bánh đa Dĩnh Kế…”.
Các thành trì chống Covid-19 trở thành tâm dịch. Quỹ Hy vọng Báo VnExpress kết nối các cá nhân và doanh nghiệp cùng tiếp sức cho tuyến đầu. Xem chi tiết tại đây.
Phan Dương
Tính đến ngày 16/12/2024, sau 3 tháng phát động với sự hỗ trợ từ hàng chục ngàn mạnh thường quân, chiến dịch “Xây lớp học mới – Mở lối tương lai” đã chính thức cán mốc số tiền quyên góp ấn tượng 234 triệu đồng…
Sau 7 ngày liên tục truyền hóa chất, nói không thành tiếng, nôn liên tục nhưng Nguyễn Mạnh Dũng vẫn cố ăn để có sức chống chọi với ung thư. Cậu bé 15 tuổi ở huyện Phúc Yên cho biết từ đầu năm nay bệnh…
Sợ con trai không thể tỉnh lại sau hôn mê, chị Cẩm ngày nào cũng nắm tay trò chuyện, cố kéo con trai vượt cõi chết trở về. “Minh tỉnh dậy tập thở, khỏe rồi hai mẹ con mua bánh sinh nhật nha”, chị Nguyễn…
Mỗi runner đăng ký giải chạy “Tết Hy Vọng 2025” sẽ góp một viên gạch xây nhà tắm giúp mùa đông của học sinh vùng cao ấm áp hơn. Giải chạy do Quỹ Hy vọng và vRace phối hợp tổ chức, bắt đầu từ ngày…
Bốn tháng sau cuộc phẫu thuật hiến tặng gan, Huỳnh Thị Thu Tuyền trở lại công việc bán hàng, trong khi con gái chuẩn bị đi học mẫu giáo. “Đây là cuộc sống tôi mơ ước suốt ba năm qua”, Tuyền, 22 tuổi, ở xã…
Quỹ Hy vọng khánh thành 14 cầu bê tông mới, trong đó có ba công trình do Roche Việt Nam tài trợ ở huyện Lai Vung và Châu Thành, ngày 1/12. Ba công trình khánh thành đợt này gồm cầu Hy Vọng 382, 383, 384,…