CÀ MAU- Nhận tin con gái Thiên Ân tái phát ung thư gan đã di căn lên phổi đầu năm 2023, chị Hạnh dừng điều trị ung thư tuyến giáp để dồn tiền cứu con.
5 năm qua, chị Trần Thị Mỹ Hạnh (43 tuổi), ở ấp 2, xã Trí Phải, huyện Thới Bình, đã nghĩ cuộc sống của mình sẽ trở lại bình thường khi căn bệnh ung thư gan của con gái Nguyễn Thiên Ân (13 tuổi) được khống chế.
Mẹ chồng nằm liệt nhiều năm buộc chị phải ở nhà chăm sóc. Kinh tế gia đình trông chờ vào 6 triệu đồng từ nghề phụ hồ của chồng, không dư dả nhưng chị nói nếu tích góp cũng đủ trả nợ và cho con ăn học.
Tháng 9/2022, thấy cơ thể mệt mỏi, ăn uống khó chị Hạnh đến bệnh viện khám. Kết quả xét nghiệm phát hiện chị bị ung thư tuyến giáp và có u nang buồng trứng cần điều trị gấp.
Mong bệnh tình thuyên giảm, sớm về chăm sóc gia đình, chị vay mượn tiền rồi vào bệnh viện Ung Bướu TP HCM phẫu thuật. Bác sĩ hẹn sau vài tháng quay lại để hóa trị.
Nhưng bệnh của mẹ chưa kịp chữa, gần Tết 2023, bé Thiên Ân kêu đau tức ổ bụng, ăn uống không ngon. Mới đầu chị Hạnh nghĩ do con ăn phải đồ lạ nhưng đi khám mới biết bệnh ung thư gan 8 năm trước của con tái phát, đã di căn lên phổi. Cầm kết quả xét nghiệm trên tay, người phụ nữ 43 tuổi đứng không vững, cảm giác đau đớn, tuyệt vọng giống hệt lần đầu nhận tin con gái mắc bệnh.
“5 năm nay sức khỏe của con bé hồi phục rất tốt sao giờ lại di căn?”, chị đặt câu hỏi. Trước đó, bé Nguyễn Thiên Ân đã trải qua 10 lần hóa trị và cắt bỏ 1/3 lá gan.
Biết không đủ khả năng lo tiền chữa bệnh cho hai mẹ con, chị Hạnh giấu chồng không đi hóa trị nữa, chỉ uống thuốc duy trì để tập trung chạy chữa cho con.
Ròng rã 5 tháng ở TP HCM điều trị, chị Hạnh kể cứ sau đợt hóa trị 21 ngày, hai mẹ con lại ra nhà trọ 0 đồng gần bệnh viện ở nhờ. Cơm ngày hai bữa xin từ các đoàn từ thiện. Toàn bộ số tiền chồng gửi lên chị gom lại mua thuốc, vài lốc sữa hay quả cam bồi bổ cho con.
Thời gian đầu mới vào thuốc, Thiên Ân nằm li bì cả ngày, cứ ăn là nôn khiến người gầy tọp, cơ thể xanh xao, vàng vọt. Bệnh cũng di căn lên phổi khiến cô bé liên tục chịu đựng cơn đau tức toàn thân, phải ngủ ngồi cho dễ thở. “Nhìn con gái cả đêm ngồi thở hồng hộc mà tôi xót xa, cứ đợi con ngủ thiếp đi để trốn ra ngoài lén khóc”, người mẹ kể.
Là con một nhưng Thiên Ân rất hiểu chuyện. Trừ những lúc cơ thể mệt mỏi, đau đớn khi bị bệnh tật hành hạ, mỗi lần tỉnh táo cô bé 13 tuổi đều cố gắng phụ giúp việc nhà, sau lại nhắc mẹ uống thuốc, nghỉ ngơi điều độ.
“Mẹ khỏe thì con mới khỏe”, giọng nói thều thào, yếu ớt của con gái nhỏ khiến chị Hạnh ứa nước mắt.
Những ngày cuối tháng 5, mẹ con chị Hạnh được bác sĩ cho xuất viện sau bốn lần vào thuốc.
Về phần mình, chị Hạnh nói sức khỏe giảm sút nhiều, người hay đau nhức, mệt mỏi nhưng quyết không điều trị tiếp bởi còn nhiều thứ phải lo. Mỗi lần phát bệnh, chị lại tự nhủ “nỗi đau đó không là gì so với những gì gái đang chịu đựng”.
“Nếu tôi cũng điều trị thì tiền đâu mà chi trả, chỉ có nợ chồng nợ. Vợ chồng tôi có một đứa con nên có phải bán nhà hay bằng giá nào cũng phải cứu con. Chỉ mong phép màu sẽ xảy ra như 8 năm trước khi bệnh của con gái được đẩy lùi”, người mẹ nói.
Ông Trần Văn Tuấn, trưởng ấp 2, xã Trí Phải, huyện Thới Bình cho biết gia đình chị Mỹ Hạnh là một trong những hộ đặc biệt khó khăn của ấp. “Đầu năm nay chúng tôi cũng xem xét đưa gia đình chị vào hộ nghèo để hưởng các chính sách hỗ trợ, mong giảm bớt gánh nặng kinh tế”, vị trưởng ấp nói.
Quỳnh Nguyễn
Điểm trường làng Hrách và Lơ Pơ, huyện Kông Chro được Quỹ Hy vọng và các đơn vị tài trợ xây mới thay thế cho những lớp học đã xuống cấp, thấm dột. Ngày 14/11, gần 100 học sinh, giáo viên Điểm trường Hrách thuộc…
Học sinh trường TH & THCS Quang Minh tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng và ăn liên hoan trong ngày hội do Quỹ Hy vọng và De Heus tổ chức. Ngày hội dinh dưỡng học đường chủ đề “Vững bụng đến trường” được tổ…
Jomoo Việt Nam và trường Hy Vọng đã ký biên bản tài trợ thiết bị trị giá 2 tỷ đồng cho 138 phòng vệ sinh trong ngôi trường mới dành cho 300 trẻ mồ côi vì Covid-19, chiều 14/11. Phát biểu tại buổi ký kết,…
Men vi sinh chứa các vi sinh vật có lợi, hỗ trợ cải thiện cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cải thiện sức khỏe cơ thể song cần tránh lạm dụng. Nội dung: Văn HàThiết kế: Ngân Hà
Dự án Vệ sinh học đường giúp sức khỏe của 98% học sinh được cải thiện nhờ thay đổi thói quen sinh hoạt như rửa tay thường xuyên, không phóng uế bừa bãi, dọn dẹp định kỳ. Đỗ Nam – Kim Anh
Công ty De Heus Việt Nam tài trợ 1,2 tỷ đồng cho dự án “Dinh dưỡng học đường” của Quỹ Hy vọng, cải thiện bữa ăn của học sinh ở ba trường ở Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An. Ba trường được dự án hỗ…