Giữa những tháng ngày bình yên nơi vùng biển Hải Khê, biến cố bất ngờ ập xuống gia đình anh Đức Phương khi con trai bị chẩn đoán ung thư.
Một tối cuối năm 2022, khi tắm cho bé Thiên Ân, anh Phương giật mình chạm phải một khối u tròn như quả trứng dưới tai. Cậu bé 6 tuổi vẫn ăn chơi bình thường, nhưng linh cảm chẳng lành, vội đưa con đến Bệnh viện trung ương Huế kiểm tra.
Lúc này, chị Mỹ Phương vừa sinh con thứ hai, bé Thiên Bảo, được ba tháng. Nhìn chồng cõng con đi mà lòng chị như lửa đốt. “Từ lúc đó, gia đình tôi bước vào một chặng đường đầy nước mắt”, chị Mỹ Phương, 31 tuổi ở Hải Khê, Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị nói.
Ở viện, một mình anh Phương xoay xở vừa ôm con đi xét nghiệm, vừa gồng mình chăm sóc khi bé lên cơn sốt, co giật triền miên. Ba tháng sau, kết quả khiến cả gia đình gục ngã. Thiên Ân mắc u trung thất ác tính.
“Khoảnh khắc đó giống như nỗ lực chèo kéo chống lại cơn bão biển nhưng cuối cùng vẫn bị đánh tan tác”, anh Đức Phương, một ngư dân 41 tuổi nói.
Ngày nhận kết quả cũng là lúc chị Phương hạ quyết tâm đồng hành cùng chồng để cứu con. Người mẹ thắt lòng khi phải đổ bỏ dòng sữa của mình, tập cho cậu bé Thiên Bảo nhỏ bú bình để chuẩn bị xa con. Sau vài ngày làm quen, cậu bé được gửi lại cho bà nội.
Suốt chặng đường đến viện, nước mắt chị không ngừng rơi. Thương con thứ hai còn quá bé đã phải xa hơi ấm mẹ cha, xót con lớn mắc bệnh hiểm nghèo và lo lắng về hành trình gian nan phía trước.
“Vợ chồng tôi bảo nhau chỉ cần còn một tia hy vọng cũng sẽ làm tất cả để cứu con”, chị Phương nói.
Bé Thiên Ân bắt đầu phác đồ truyền hóa chất. Mỗi lần vào thuốc là một trận chiến. Tất cả chỉ số về 0. Cứ mỗi vòng truyền thuốc, em lại gặp tác dụng phụ, có khi phải gián đoạn cả tháng. Tổng cộng đã 6 lần con phải vào phòng cấp cứu.
Cặp vợ chồng cắt cử nhau, người ở trong chăm con, thay thuốc, người bên ngoài lo thủ tục, đảm bảo những bữa cơm sạch sẽ, đủ chất. Hơn nửa năm đầu, anh Phương không có một giấc ngủ trọn vẹn. Mỗi ngày bé Thiên Ân phải truyền 15 chai thuốc. Chỉ khi thay chai cuối cùng lúc 4h sáng, anh mới gọi vợ thay ca.
Nhưng những đêm mất ngủ ấy không thấm vào đâu với nỗi kinh hoàng trong lần cấp cứu tháng 7/2023. Hôm đó, vừa vào thuốc chưa lâu, người cậu bé rực lên bỏng rát, ánh mắt trân trân nhìn lên trần nhà, miệng lẩm bẩm những câu mê sảng, gọi cũng không phản ứng.
Thiên Ân lập tức được đưa vào cấp cứu. Mỗi ngày, cặp vợ chồng chầu chực bên ngoài, chỉ chờ được vào gặp bác sĩ 15 phút để hỏi han tình hình con, chứ không được tiếp cận phòng bé. Nhìn họ thất thần, bác sĩ đành quay cho một video Thiên Ân nằm trong căn phòng vô khuẩn, với dây dợ kín người. Đoạn video ấy, họ xem đi xem lại hàng chục lần, cố tìm dấu hiệu bình phục.
“Mọi người đều nói con khó qua khỏi. Đã có lúc, chúng tôi cũng không dám tin vào phép màu”, anh Phương nghẹn lại.
Đến ngày thứ 7, bác sĩ thông báo bé đã có phản ứng trở lại và sẽ được đưa trở về phòng bệnh tiếp tục hóa trị. Giây phút đó, nước mắt hòa cùng nụ cười. Đôi bàn tay chồng – vợ siết chặt nhau, dặn lòng tiếp tục chiến đấu vì con.
Do Thiên Ân nằm trên giường bệnh suốt 5 tháng, hai chân yếu không đi lại được. Không có tiền đưa con đi phục hồi chức năng, anh Phương và vợ thay nhau dìu con tập đi. Ban đầu là những bước đi men theo thành giường, dần thành chập chững dọc hành lang tầng 5, Khoa Nhi Ung bướu.
Cậu bé bắt đầu có nụ cười trở lại. Đôi lúc, con ngước lên hỏi “Ba ơi, bao giờ con lành bệnh?”, “Sao con đi viện mãi vậy mẹ ơi?”. Những câu hỏi ngây thơ như nhát dao cứa vào lòng, đôi lần khiến anh Phương phải chạy ra ngoài nén cơn cay mắt.
Khi đi được nửa chặng đường hóa trị, bác sĩ khuyên đưa cậu bé ra Hà Nội chụp PET/CT để xác định lại phác đồ. Nghe số tiền 25 triệu đồng, chị Phương lo lắng gọi về cho chồng. Thời điểm này anh Phương đã về nhà đi làm. Nhận thông báo từ vợ, anh cũng lo nhưng trấn an “Là 25 triệu chứ 250 triệu cũng phải làm”.
Lòng họ như bầu trời trong vắt sau mưa khi kết quả chụp cho thấy phác đồ đúng hướng, khối u tan gần hết.
Nhưng thực tế khắc nghiệt lại kéo họ trở về. Hơn một năm ròng rã ở viện đã vắt kiệt tài chính gia đình. Số nợ lên tới hơn 300 triệu đồng. Anh Phương không thể tiếp tục bám biển vì bệnh của con vẫn thất thường, đành chuyển sang phụ hồ với thu nhập 300.000 đồng một ngày.
Đến tháng 8/2024, Thiên Ân vượt qua được phác đồ điều trị, từ đó chỉ cần tái khám hàng tháng. Bác sĩ điều trị của bé cho biết bệnh đã kiểm soát được 80%, nhưng phải vượt qua ba năm nữa mới thực sự yên tâm.
Sau gần hai năm ly tán, gia đình được đoàn tụ. Cậu bé trở về với mái nhà thân quen. Em trai Thiên Bảo đã biết bi bô gọi mẹ, gọi anh. Nhìn hai đứa nhỏ gặp nhau lạ lẫm, vợ chồng anh Phương không dám tin đã vượt qua được chặng đường khó khăn nhất.
“Đi qua những ngày khó khăn, vợ chồng tôi nhận ra không có hạnh phúc nào trong đời lớn bằng sức khỏe của con”, anh Phương chia sẻ.
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn, Quỹ Hy vọng kết hợp với Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Độc giả có thể đồng hành cùng chương trình tại đây:
Ngân hàng Agribank
Số tài khoản:1500201104186
Nội dung:Ten cua ban – Ten cua ban – Mat troi Hy vong
Chủ tài khoản:Quỹ Hy Vọng
Chi nhánh:Hà Nội
Phan Dương
Đã hơn 20 năm đứng lớp mầm non nhưng hình ảnh thầy Lê Công Nguyên dạy múa, hát, tết tóc cho học trò mỗi sáng vẫn lạ lẫm với nhiều phụ huynh ở bản. “Sáng nào cũng có một số người nán lại xem tôi…
Quỹ Hy Vọng cùng Opella Việt Nam, nhãn hàng Enterogermina xây 20 nhà vệ sinh, một nhà tắm đạt chuẩn cho học sinh tại huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Lễ ký kết thỏa thuận tài trợ giữa Quỹ Hy Vọng và Opella Việt Nam –…
Quỹ Hy Vọng phối hợp cùng Công ty Cổ phần Giao Hàng Tiết Kiệm vừa khởi công xây dựng ba cầu bê tông, góp phần cải thiện hạ tầng giao thông nông thôn. Ngày 14/3, người dân xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân và xã…
Huyện Yên Sơn vừa được bàn giao các cụm công trình vệ sinh học đường mới do Quỹ Hy Vọng phối hợp cùng Tập đoàn FPT và Roche Việt Nam tài trợ. Dự án xây 17 cụm công trình vệ sinh học đường tại huyện…
Trên những ngọn núi thuộc Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, cứ cách vài km lại có xuất hiện những cái chòi và nhà trong hang đá. Đó không phải là vết tích về cuộc sống nguyên thủy của người Arem thuở trước, mà là…
Cách biên giới Lào gần một giờ đi bộ, bản A Ky, xã Thượng Trạch dường như bị lãng quên trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại. Khi chiếc ôtô đỗ đầu bản Aky, lũ trẻ đang nô đùa bỗng chạy tán loạn. Từ…