Ngày mưa đầu tháng 9, đèo con đến bệnh viện chụp CT mà nước mắt chị Ngọc Thuy hòa với nước mưa.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Thuy, 33 tuổi, ở phường 11, quận Gò Vấp là con của một người mẹ đơn thân, dưới còn một em trai. Đời cô cũng lặp lại cảnh nghèo khổ, ít học và đơn thân như mẹ mình. Trước lúc sinh bé Hoàng Anh, cô không biết làm lụng việc gì. Nhưng khi chồng bỏ đi, một nách hai con, trong đó con trai lớn bị chậm phát triển, buộc cô phải đứng dậy.
Thuy tập tành buôn bán, ban đầu là vé số, ngô nướng, hột vịt, làm quản gia, trông trẻ, ủi đồ. Sau thấy người ta thu mua quần áo cũ cô cũng đi theo. Nhà ở sau chợ Hạnh Thông Tây, ba tiếng buổi sáng cô mang đồ ra chợ bán, đến chiều lại đạp xe khắp Gò Vấp, Hóc Môn, quận 12, Phú Nhuận thu mua.
Ba năm trước, mẹ Thuy bị suy thận. Cô phải chạy đôn đáo làm lụng và vay mượn để mổ cho mẹ. Mỗi tháng còn phải cố lo thêm ít nhất 5 triệu đồng cho bà chạy thận nên tối ngày cô chỉ còn biết lao đầu vào buôn bán.
Bao nhiêu khó nhọc và đau khổ của cuộc đời, Thuy cho biết chỉ cần mỗi ngày được nhìn thấy con gái là như tan biến hết. Bé Hoàng Anh xinh xắn và thông minh, học giỏi.
“Con như ánh sáng cuộc đời, giúp tôi trưởng thành thực sự”, người mẹ nói. “Tôi đã rất hy vọng con sẽ có một tương lai sáng sủa hơn bà, mẹ, cậu và anh trai của cháu”.
Nhưng, đầu năm 2022 bé Hoàng Anh xuất hiện một hạch ở đùi trái, không đau. Đi khám ở ba bệnh viện đều được kết luận “u mỡ lành, không sao”. Tuy nhiên khối u ngày càng to, kích thước lên tới 5 cm, bất an quá người mẹ lại tiếp tục đưa con đi Bệnh viện Nhi đồng 1. Tại đây bé vẫn được xác định là bướu lành và tiến hành mổ, đồng thời làm thêm sinh thiết.
“Hai ngày chờ mổ, một mình cõng con tới lui chăm sóc cực lắm, nhưng nghĩ cực sao cũng được, miễn con khỏe”, cô chia sẻ.
Mổ xong hai mẹ con được cho về luôn nên người mẹ nhẹ cả người. Nhưng mới qua hai đêm, bác sĩ gọi thông báo phải đưa Hoàng Anh qua bệnh viện Ung bướu gấp vì bị Sarcoma mô mềm. Tìm hiểu, cô bàng hoàng khi đọc được đây là một bệnh “ung thư hiếm gặp”.
“Bác sĩ nói con bị một dạng bệnh hiếm trong bệnh hiếm Sarcoma mô mềm, có thể sẽ phải cưa chân để giữ tính mạng. Tôi sửng sốt, khóc nhiều lắm, nhưng nhanh chóng nhận ra dù cưa chân mà giữ được tính mạng con cũng được”, cô cho hay.
Đó là những tháng ngày chiến đấu không mệt mỏi. Cứ 2-3 tuần đi viện trở về là cô lao ra chợ bán hàng. Nghề bán quần áo cũ sau dịch trở nên ế ẩm, cô chuyển sang bán thêm hoa quả. Ngoài ngồi chợ, cô bán online. Nhờ vậy, khi chăm con ở viện vẫn đăng bài bán hàng đều đặn, kiếm được vài chục đến một trăm nghìn mỗi ngày cũng quý.
Gia đình được hưởng bảo hiểm 80%, song 20% chi trả vẫn là một con số quá lớn. Người mẹ lúc nào cũng căng như dây đàn để lo tiền mỗi lần đi viện. Tổng chi phí chạy chữa cho bé hơn hai năm qua đã lên tới 200 triệu đồng.
Sau 7 tháng truyền hóa chất, kết quả kiểm tra cho thấy bệnh đã “di căn phổi, chỉ còn 15% cơ hội sống”. “Bác sĩ nói rằng giờ con thích làm gì, thích ăn gì, chơi gì thì đáp ứng con. Tôi nghe mà chao đảo, đầu muốn nổ tung”, người mẹ nghẹn ngào nói.
Lần này, cô suy sụp không gượng dậy được. Bao nhiêu hy vọng vào con như tan thành bong bóng. “Cứ nghĩ con chỉ có thể sống bên mình 1-2 năm nữa là tôi chỉ muốn chết cùng. Nhưng rồi còn con trai khờ dại, còn mẹ già yếu bệnh ai chăm?”, cô nói.
Đau khổ mãi rồi cũng buộc phải đứng dậy. Lần này Thuy không hy vọng nữa, chỉ có một mục tiêu là cho con nhiều niềm vui nhất trong những ngày còn lại. Ngoài đi viện định kỳ, người mẹ đã dẫn con đi chơi, dành dụm mua cho con bộ tóc giả đẹp và những chiếc đầm công chúa. Vốn dĩ con thích chụp hình và có ước mơ làm mẫu ảnh, nên cô thường lưu lại ảnh đẹp cho con.
Tư tưởng có thể chuyển biến nhưng thực tại muốn xoay chuyển không dễ dàng, bởi chi phí đi viện cho mẹ, cho con gái và nuôi con trai ăn học vẫn quá sức với người phụ nữ nghèo. Gần đây nhận được sự hỗ trợ viện phí của một tổ chức từ thiện, Ngọc Thuy cho biết như trút được một phần gánh nặng.
“Bớt lo nghĩ đi, tôi có thêm thời gian chăm sóc con gái và quan tâm con trai đang tuổi thiếu niên để tránh con sa ngã”, cô chia sẻ.
Còn đúng nửa tháng là tới sinh nhật, bé Hoàng Anh háo hức lắm và người mẹ cũng mong chờ trong nhói lòng. Bây giờ con gái vẫn ăn uống, vui chơi được, nhưng ung thư một khi phát ra sẽ chỉ còn là cơn đau hành hạ.
Gạt phăng những lo lắng, chị cho biết sẽ tổ chức một sinh nhật 9 tuổi đáng nhớ hơn cho con.
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng, với sự đồng hành của FPT Long Châu.
Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Độc giả có thể xem thông tin về chương trình tại đây.
Phan Dương
Quỹ Hy vọng trao 6 thư viện điện tử và bàn giao 6 điểm trường được sơn sửa cho học sinh huyện Sông Mã. Ngày 12/10, Quỹ Hy vọng cùng Tập đoàn FPT và công ty Vuihoc đã trao 6 thư viện điện tử cho…
Học sinh tại Mù Cang Chải vui mừng khi có khu nhà vệ sinh mới, đầy đủ đường nước vào trực tiếp, không còn phải xách từng xô nước mỗi khi sử dụng. Ngọc Ngọc
Nhiều trường học vùng cao gặp khó khi không có nhà vệ sinh, học sinh phải dùng lán tạm, sau khi được quỹ Hy Vọng và Opella tài trợ các em đã yên tâm hơn khi đến lớp. Dự án xây 20 cụm công trình…
Quỹ Hy vọng cùng các nhà tài trợ đồng hành khởi công ba công trình nhà tắm đầu tiên ở các tỉnh Bắc Kạn, Yên Bái, Sơn La giúp học sinh đảm bảo sức khỏe, cải thiện chất lượng học tập. Ngày 11/10, Quỹ Hy…
Hai phòng học xây mới cùng công trình vệ sinh, sân chơi tại điểm trường Tiểu học Chà Lan, huyện biên giới Mường Lát vừa được Quỹ Hy vọng và FPT khánh thành, bàn giao cho địa phương sử dụng. Điểm trường Tiểu học Chà…
Thông qua Quỹ Hy vọng, Công ty TNHH Lixil Việt Nam tài trợ cho 4 trường chịu nhiều thiệt hại do bão Yagi thuộc huyện Văn Yên và Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Trong hai ngày 24-25/9, Công ty TNHH Lixil Việt Nam đã trao…