Đà Nẵng_Chiều cuối tháng, anh Trần Thanh Thuấn chạy xe máy hơn 7 km từ bệnh viện về nhà thắp hương lên bàn thờ vợ như một thói quen gần năm qua.
Đang lâm cảnh khốn khó vì con gái bệnh nặng nhưng anh Thuấn không cầu khấn chị điều gì. “Ngày nào tôi cũng về thắp hương cho cô ấy vài lần, cái tình nghĩa vợ chồng thôi thúc thế”, người đàn ông 44 tuổi ở quận Sơn Trà nói.
Ngồi bên bàn thờ vợ cho đến khi nén nhang tàn, anh lại đến thăm con trai đang ở nhờ nhà em trai vợ, rồi quay vào viện với con gái. “Từ lúc cô ấy mất, tôi thấy mất cân bằng lắm”, anh nói rồi đưa tay gạt nước mắt.
Trước lúc mất, vợ anh làm nghề bán trái cây dạo. Hàng ngày chị ở nhà trông cậu con trai Thiện An, 10 tuổi, có vấn đề về thần kinh, không đi học được. Khi chồng đi thợ hồ về, chị giao con cho anh rồi đi bán hàng.
Ngày cuối năm ngoái, đang xếp hoa quả lên xe, chị đột nhiên ngã nhào xuống đất. Anh Thuấn bật dậy đỡ, nhưng vợ mất trên cánh tay anh, không lời trăn trối.
Hai đứa con đột ngột vắng mẹ cứ khóc suốt, đêm không ngủ. Để các con khuây khỏa, anh chở chúng đi vòng quanh xóm, mua kem, mua kẹo dỗ dành. Nhưng dỗ được lũ trẻ, đêm về anh lặng lẽ xem lại những bức ảnh ngày cả nhà còn đầy đủ. “Nhìn lại thấy buồn và thiếu vắng nên tôi xóa hết những bức hình có cô ấy”, anh kể.
Anh Thuấn nghĩ thời gian sẽ dần xoa dịu tổn thương. Anh tin chỉ cần chăm chỉ sẽ đủ khả năng nuôi hai con. Không còn vợ, hàng ngày, anh buộc phải nhốt Thiện An ở nhà một mình, đưa con gái Thiên Hương (7 tuổi) đi học rồi đến công trường làm việc.
Biết để con trai ở nhà với chiếc điện thoại sẽ càng khiến tình trạng con trầm trọng thêm nhưng anh Thuấn ”lực bất tòng tâm”. Mỗi trưa, đi làm cách nhà 25-30 km, anh vẫn chạy xe máy về nhà lo cơm nước cho con rồi lại đi. Người cha tự nhủ sẽ bù đắp cho các con bằng cách dẫn đi chơi mỗi tối. Nhưng đi làm về rồi cơm nước, anh thợ hồ mệt nhoài, không có thời gian chăm chút con như ngày còn vợ.
Tháng 5 năm nay, bé Thiên Hương đột nhiên mệt mỏi, sốt liên tục. Đến bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, bác sĩ kết luận bé bị ung thư máu.
“tôi cứ đi làm tối ngày, chở đi chơi rồi chở về, ít quan tâm đến con nên mới thế”, anh nói trong ân hận.
Bà Ngô Thị Hồng Phượng, tổ trưởng tổ 1, Tân Thuận, Mân Thái, Sơn Trà cho biết, anh Thuấn là người chăm chỉ, hết lòng chăm lo cho vợ con. ”Không ngờ chỉ trong hơn một năm, gia đình họ gặp cảnh khổ đến vậy. Bà con hàng xóm ai cũng thương anh Thuấn và mấy đứa nhỏ”, bà nói.
Anh Thuấn gửi con trai lớn nhờ em ruột của vợ chăm sóc để vào viện chăm con nhỏ. Tiền trong túi cạn, anh nhờ bên nội, bên ngoại, xóm giềng mỗi người hỗ trợ một chút. Ở bệnh viện, cha con anh gần như không tốn tiền ăn, nhờ những bữa cơm từ thiện. ”Nhưng đi viện đủ thứ chi phí, không đi làm, tôi không biết kiếm ở đâu”, anh nói.
Những đêm trắng trông con ở viện, anh xót đứa trẻ xinh xắn, bụ bẫm nay chịu đau đớn, chỉ còn da bọc xương. Anh Thuấn cũng thương đứa lớn ngờ nghệch thiếu hơi mẹ, nay lại không có ba ở bên săn sóc. Ở viện tối ngày, chân tay không được bận rộn, anh lại nghĩ đến người vợ nhiều hơn. ”Đến giờ tôi chỉ tiếc chưa được làm đám cưới với cô ấy”, anh nói.
Vợ chồng anh Thuấn đến với nhau 15 năm trước. Tình yêu của họ không được sự ủng hộ của họ hàng hai bên, nhưng thương nhau, hai người thuê trọ sống chung.
Năm 2014, bé Thiện An chào đời, nhưng ngờ nghệch nên vào lớp 1 được vài tháng phải nghỉ học. Chị đi bán hoa quả dạo buổi tối để có thời gian trông bé. Thương vợ, mỗi sáng, anh Thuấn thường lo chợ búa, nấu ăn sáng mới đi làm. “Nếu làm gần, trưa nào tôi cũng về ăn cơm với vợ”, anh nói.
Cuộc sống ở trọ còn bấp bênh, con nhỏ nên nhiều khoản chi. Họ ấp ủ khi khá hơn sẽ làm mấy mâm cơm mời họ hàng, bạn bè, như một đám cưới nho nhỏ để chị được là cô dâu. ”Thế mà cô ấy đột ngột đi không một lời dặn dò. Thế nên là vợ chồng, nếu muốn làm gì cho nhau, đừng chờ đợi”, anh nói.
Khi điều tiếc nuối với vợ không thể thực hiện, anh mong cho con gái Thiên Hương sớm khỏe. Bé em được ra viện, anh sẽ đón Thiện An về lại nhà trọ.
Dù có thể vẫn sẽ phải để con trong nhà đóng cửa đi làm, người cha tin, những đứa trẻ được ba mẹ chăm lo vẫn tốt hơn.
Phạm Nga
Điểm trường làng Hrách và Lơ Pơ, huyện Kông Chro được Quỹ Hy vọng và các đơn vị tài trợ xây mới thay thế cho những lớp học đã xuống cấp, thấm dột. Ngày 14/11, gần 100 học sinh, giáo viên Điểm trường Hrách thuộc…
Học sinh trường TH & THCS Quang Minh tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng và ăn liên hoan trong ngày hội do Quỹ Hy vọng và De Heus tổ chức. Ngày hội dinh dưỡng học đường chủ đề “Vững bụng đến trường” được tổ…
Jomoo Việt Nam và trường Hy Vọng đã ký biên bản tài trợ thiết bị trị giá 2 tỷ đồng cho 138 phòng vệ sinh trong ngôi trường mới dành cho 300 trẻ mồ côi vì Covid-19, chiều 14/11. Phát biểu tại buổi ký kết,…
Men vi sinh chứa các vi sinh vật có lợi, hỗ trợ cải thiện cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cải thiện sức khỏe cơ thể song cần tránh lạm dụng. Nội dung: Văn HàThiết kế: Ngân Hà
Dự án Vệ sinh học đường giúp sức khỏe của 98% học sinh được cải thiện nhờ thay đổi thói quen sinh hoạt như rửa tay thường xuyên, không phóng uế bừa bãi, dọn dẹp định kỳ. Đỗ Nam – Kim Anh
Công ty De Heus Việt Nam tài trợ 1,2 tỷ đồng cho dự án “Dinh dưỡng học đường” của Quỹ Hy vọng, cải thiện bữa ăn của học sinh ở ba trường ở Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An. Ba trường được dự án hỗ…