HÀ NỘI- Gần nửa năm truyền hóa chất điều trị ung thư xương giai đoạn hai, nhưng không lúc nào cậu bé Xuân Quý ngừng lo lắng cho người mẹ bị tâm thần ở quê.
Vừa tỉnh lại sau đợt truyền hóa chất hồi đầu tháng 7, Quý (15 tuổi) xin bác gái Nguyễn Thị Liên gọi điện thoại cho mẹ ở xã Yên Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An). “Em muốn nhắc mẹ ăn uống đầy đủ, nghe lời bà ngoại và không được tự ý ra khỏi nhà”, cậu bé 15 tuổi nói.
Bà Liên cho biết mẹ Quý là con thứ ba trong gia đình có bốn anh chị em, từ nhỏ trí não không bình thường, nay ngoài 50 tuổi nhưng nhận thức chỉ như học sinh tiểu học.
“Từ lúc lọt lòng đến nay Quý đều do một tay bà ngoại 87 tuổi và các bác chăm sóc. Biết hoàn cảnh gia đình, cháu hiểu chuyện lắm, từ bé đã quán xuyến việc nhà, thay bà chăm sóc mẹ và cố gắng học tập. Vậy mà tai ương lại ập đến”, người bác 63 tuổi nghẹn lời.
Đầu tháng 2 năm nay, Quý đột nhiên kêu đau nhức vùng đùi trái, đi lại khó khăn. Thoạt đầu mọi người trong nhà nghĩ cháu trai hiếu động, chạy nhảy nhiều nên va đập. Nhưng cơn đau kéo dài, bề mặt da không có vết bầm tím, bà Liên liền đưa xuống bệnh viện huyện, sau được chuyển qua bệnh viện chấn thương chỉnh hình tỉnh Nghệ An kiểm tra. Tại đây các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị có u ở đùi trái, chỉ định chuyển đến Bệnh viện Ung bướu Nghệ An mổ gấp.
Khối u được đưa đi xét nghiệm, xác định là u ác của xương và sụn khớp của các chi – là một dạng ung thư xương ở giai đoạn 2. Bác sĩ khuyên gia đình nên đưa bệnh nhi ra Hà Nội đều điều trị hóa chất, ngăn di căn. Còn tình trạng bệnh nặng hơn phải tính phương án cưa xương đùi.
Tin cậu bé 15 tuổi bị ung thư khiến người dân ở thôn Tân Trung Thịnh, xã Yên Sơn ai nấy đều xót xa. Ông Ngô Hợi, trưởng thôn cho biết ngay khi nghe tin Quý bị ung thư, người dân trong thôn cùng các đoàn thể cùng nhau gom góp, kêu gọi được gần 10 triệu đồng phụ thêm vào tiền viện phí.
Cuối tháng 2, Quý được đội xe cứu thương 0 đồng chở từ Nghệ An đến bệnh viện K cơ sở Tân Triều (Hà Nội) để hóa trị. Từ đây, bà Liên cùng người em út Nguyễn Thị Bình ở Lâm Đồng luân phiên nhau ra chăm sóc cháu.
Phát bệnh đúng thời điểm chuẩn bị thi vào lớp 10 khiến cậu bé Quý phải bỏ thi dù đã chuẩn bị rất kỹ. Bởi mong muốn lớn nhất của Quý là đỗ cấp 3, được học đại học, sau đi làm kiếm tiền nuôi bà ngoại gần 90 tuổi và người mẹ khờ.
“Nhưng giờ đây em chỉ mong sớm khỏi bệnh. Chỉ khi còn sống và khỏe mạnh em mới có cơ hội chăm lo những người thân trong gia đình”, cậu bé nói.
Từ ngày truyền hóa chất, Quý gầy tóp, da xanh xao, hễ ngửi mùi lạ, thậm chí nhấp ngụm nước là nôn trớ, còn cơ thể đau đớn như hàng trăm ngàn kim tiêm đâm vào xương tủy. Có đôi lần đau quá em bật khóc, liên tục nói xin lỗi bác Liên, dì Bình vì làm khổ mọi người.
Nhưng cậu bé 15 tuổi chưa từng có ý định bỏ cuộc. Đến bữa, thức ăn chưa đi qua cổ đã trực nôn ra nhưng em không cho phép bản thân dừng lại. Quý hiểu chỉ ăn mới có sức chống chọi với bệnh tật và sớm được về nhà.
Những ngày gần đây bác sĩ nói gia đình chuẩn bị làm phẫu thuật ghép xương đùi, chi phí đóng trước gần 300 triệu đồng. Còn nếu để lâu buộc phải tháo khớp đùi để tránh di căn.
Với gia đình cậu bé 300 triệu là số tiền lớn nhưng chị Bình nói cố xoay xở, còn không sẽ thế chấp căn nhà hai vợ chồng đang ở tại Lâm Đồng để chạy chữa cho cháu. “Số cháu tôi đã khổ cực quá rồi, nên bằng mọi cách phải chữa khỏi bệnh”, dì út của Quý tâm sự.
Còn giờ, trong thời gian chờ phẫu thuật vào cuối tháng 7, Quý nói sẽ tích cực ăn uống, điều trị để khỏi bệnh, sớm đi lại bình thường. Khi đó, em sẽ tiếp tục đến trường, sau tìm công việc ổn định để có tiền trả nợ cho dì, báo đáp công dưỡng dục của bà ngoại và chăm sóc người mẹ tâm thần.
“Có quá nhiều thứ cần em phải làm, em không thể từ bỏ”, cậu bé tâm sự.
Quỳnh Nguyễn
Điểm trường làng Hrách và Lơ Pơ, huyện Kông Chro được Quỹ Hy vọng và các đơn vị tài trợ xây mới thay thế cho những lớp học đã xuống cấp, thấm dột. Ngày 14/11, gần 100 học sinh, giáo viên Điểm trường Hrách thuộc…
Học sinh trường TH & THCS Quang Minh tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng và ăn liên hoan trong ngày hội do Quỹ Hy vọng và De Heus tổ chức. Ngày hội dinh dưỡng học đường chủ đề “Vững bụng đến trường” được tổ…
Jomoo Việt Nam và trường Hy Vọng đã ký biên bản tài trợ thiết bị trị giá 2 tỷ đồng cho 138 phòng vệ sinh trong ngôi trường mới dành cho 300 trẻ mồ côi vì Covid-19, chiều 14/11. Phát biểu tại buổi ký kết,…
Men vi sinh chứa các vi sinh vật có lợi, hỗ trợ cải thiện cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cải thiện sức khỏe cơ thể song cần tránh lạm dụng. Nội dung: Văn HàThiết kế: Ngân Hà
Dự án Vệ sinh học đường giúp sức khỏe của 98% học sinh được cải thiện nhờ thay đổi thói quen sinh hoạt như rửa tay thường xuyên, không phóng uế bừa bãi, dọn dẹp định kỳ. Đỗ Nam – Kim Anh
Công ty De Heus Việt Nam tài trợ 1,2 tỷ đồng cho dự án “Dinh dưỡng học đường” của Quỹ Hy vọng, cải thiện bữa ăn của học sinh ở ba trường ở Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An. Ba trường được dự án hỗ…