Một năm cùng con trai ra Huế ghép tủy là từng ấy thời gian anh Tính nhận nhiệm vụ nấu ăn ngày ba bữa cho tất cả bệnh nhi cùng phòng.
5 giờ sáng, trong Nhà Hy Vọng cạnh bệnh viện Trung ương Huế, anh Nguyễn Trung Tính thức dậy và bước ngay vào bếp, mở tủ lạnh lấy nguyên liệu đã chuẩn bị từ đêm, nấu bữa sáng cho con trai và ba đứa trẻ khác. Tất cả đều là bệnh nhi ghép tủy để chữa ung thư.
Anh Tính, 32 tuổi, ở quận 12, TP HCM ra Huế cùng con trai chiến đấu với bệnh u nguyên bào thần kinh từ tháng 3/2021.
Sài Gòn bùng phát đợt dịch thứ 4, anh Tính vốn là tài xế, không có việc nên ở lại viện cùng con. Những ngày trong viện, thấy nhiều phụ huynh cầm cặp lồng đem những món ăn nóng hổi đến phòng, anh hỏi địa chỉ để mua thì được biết tất cả đều được nấu ở Nhà Hy Vọng.
Anh Tính cũng đăng ký, ban đầu chỉ định nấu cho con mình, nhưng thấy các bé trong phòng sau khi vào thuốc thường rất yếu, ba mẹ phải ở bên chăm sóc nên anh nấu luôn cho cả phòng. Công việc của anh lặp đi lặp lại như thế gần một năm nay.
Bà Trương Kim Yến, Điều dưỡng trưởng khoa Nhi Ung bướu, đang quản lý Nhà Hy Vọng cho biết, mô hình này hoạt động từ năm 2015 nhằm giúp phụ huynh có con điều trị ung thư làm nơi nấu ăn, giặt giũ. Bà Yến huy động kinh phí từ nhà hảo tâm, thuê tầng trệt của một ngôi nhà hai tầng để làm bếp nấu ăn. Phía trên, anh Tính thuê một phòng nhỏ của chủ nhà để ở.
“Nhà có sẵn bếp gas, tủ lạnh, máy giặt và dụng cụ nấu ăn cho bố mẹ dùng miễn phí. Chi phí thuê nhà, điện nước mỗi tháng khoảng 7 triệu đồng”, bà Yến nói.
Chuyện vào bếp không khó với anh Nguyễn Trung Tính. Khó khăn nhất là tìm được nơi bán thức ăn tươi ngon mà giá phải chăng.
Những ngày đầu, anh mượn chiếc xe máy, mỗi ngày đến một chợ khác nhau và mua ở nhiều sạp để khảo giá. Sợ mình nói tiếng Sài Gòn bị tiểu thương bán đắt, câu cửa miệng của anh lúc nào cũng là: “Em ra đây chữa bệnh cho con, các cô xem bán đúng giá cho con với nha”.
Tháng đầu chưa quen, anh Tính thường mua dư nguyên liệu nhưng sau đó mọi việc ổn hơn khi đã có kinh nghiệm. “Chợ Hai Bà Trưng ngay trung tâm nên giá cao. Chợ Bến Ngự nằm ngay khu nhiều sinh viên sống nên giá rẻ hơn. Chợ An Cựu thì có chỗ bán thịt gà, chim bồ câu tươi ngon…”, anh Tính rút ra sau gần một năm ở Huế.
Mỗi ngày, anh thường nấu ba bữa, phòng ghép tủy thường có khoảng 4-5 bé. Có thời điểm bệnh nhi đông lên 8 bé, anh Tính cũng không ngại nấu. Anh nghĩ, nấu cho một mình con cũng một lần đi chợ, nấu nhiều bé sẽ dễ tính toán mua nguyên liệu hơn. Nhà Hy Vọng thường được nhà hảo tâm tặng gạo và rau củ, anh thường đi chợ mua thêm thịt cá. Ngoài thức ăn cho các bé, anh Tính cũng thường nấu thêm cơm để phụ huynh khỏi mua bên ngoài.
“Phòng bệnh có một nhóm chat, hôm nào các con muốn ăn gì thì phụ huynh sẽ báo. Hôm nào các con khỏe thì nấu cơm, mới truyền thuốc thì nấu cháo, có hôm lại muốn ăn phở, bún thì tôi đi mua giúp”, anh Tính chia sẻ.
Ngày nấu ba bữa suốt gần một năm nên nhiều lúc anh Tính cũng rơi vào tình cảnh “không biết hôm nay ăn gì”, có lần còn cãi nhau với vợ chuyện lên thực đơn. Khi bắt đầu công việc này, anh Tính tự dặn lòng sẽ nấu cho đến khi nào con trai rời viện thì thôi. Thế nhưng, những hôm nhìn các bé ăn vào là ói sạch vì vừa truyền hóa chất, anh Tính lại xuống tinh thần, muốn bỏ cuộc.
Chị Mai Trang, 34 tuổi, quê Hà Tĩnh có con điều trị chung phòng cho biết, nấu cho các bé xong, anh Tính sẽ mang hết vào phòng bệnh. Nếu đồ ăn thừa, anh Tính sẽ ăn phần đó. Hôm nào các con ăn hết thì anh ăn mì gói.
“Có hôm anh ấy chạy từ sáng đến khuya, không chỉ nấu ăn mà ai nhờ gì anh ấy đều giúp đỡ. Tôi không biết anh ấy lấy sức lực và tinh thần đâu ra để lo lắng và yêu thương tất cả các bé như con trai mình”, chị Trang chia sẻ.
Tiếp xúc với nhiều bệnh nhi và phụ huynh, anh Tính lúc nào cũng tỏ thái độ lạc quan. Ngoài thời gian chăm sóc con trai, anh Tính xem công việc này giúp mình bớt nghĩ đến những chuyện tiêu cực.
Thi thoảng đang đi chợ, tôi bất chợt nhận được điện thoại của một bé trong phòng gọi điện cám ơn. “Đó là động lực để tôi tiếp tục nấu ăn. Lúc các con khỏe, ăn hết phần tôi mừng lắm”, anh Tính tâm sự.
Dù thế, cứ mỗi lần ghé chợ An Cựu để mua thịt gà, một tiểu thương hay đùa rằng: “Chu cha, răng ở đây lâu quá mà chưa chịu về Sài Gòn nữa”. Câu nói khiến anh rơi nước mắt, không thể trả lời.
Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hoa, Phó Trưởng Khoa Nhi Ung Bướu, bệnh viện Trung ương Huế cho biết: “Hiện tại Duy đã ghép tủy thành công, các bác sĩ cho cháu về nhà ăn Tết, đợi hai tuần xem lại công thức máu mới quyết định quá trình điều trị tiếp. Khi các quá trình phục hổi ổn định sẽ tiến hành xạ trị”, bác sĩ Hoa cho hay.
Trong quá trình điều trị cho con, vợ chồng anh Tính xoay xở mọi cách, thậm chí vay nóng 200 triệu đồng với mức lãi 5 triệu đồng mỗi tháng để có tiền mua thuốc. “Hôm đó bọn em hết cách rồi. Tìm mọi cách để có tiền lấy thuốc cho con đã, chuyện gì tính sau”, chị Kiều bộc bạch.
Sau này nhờ vào sự giúp đỡ của Chương trình Mặt trời Hy vọng – Quỹ Hy vọng, vợ chồng anh Tính được hỗ trợ một phần kinh phí. Số tiền này cùng với việc vay mượn những nơi khác chị Kiều đem trả bớt ở chỗ vay nóng để giảm tiền lãi. “Nếu không có sự giúp đỡ từ quỹ Hy vọng, thực tình hai vợ chồng em cũng không biết xoay xở như thế nào nữa”, anh Tính chia sẻ.
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của quý vị là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Mời xem thông tin về chương trình tại đây.
Đắc Thành – Diệp Phan
Ba phòng học xây mới, ba thư viện điện tử được Quỹ Hy vọng và các đơn vị đồng hành bàn giao cho 4 trường ở huyện Quế Phong. Ba phòng học mới thuộc điểm trường Mường Piệt, trường Tiểu học Thông Thụ 1, xã…
Quỹ Hy vọng và Tập đoàn FPT tài trợ 225 triệu đồng thực hiện dự án “Trường em thay áo mới” sơn sửa 5 trường học ở huyện Bố Trạch. Ngày 24/12, các công trình sửa chữa, sơn mới đã hoàn thiện sau hơn một…
Tính đến ngày 16/12/2024, sau 3 tháng phát động với sự hỗ trợ từ hàng chục ngàn mạnh thường quân, chiến dịch “Xây lớp học mới – Mở lối tương lai” đã chính thức cán mốc số tiền quyên góp ấn tượng 234 triệu đồng…
Mỗi runner đăng ký giải chạy “Tết Hy Vọng 2025” sẽ góp một viên gạch xây nhà tắm giúp mùa đông của học sinh vùng cao ấm áp hơn. Giải chạy do Quỹ Hy vọng và vRace phối hợp tổ chức, bắt đầu từ ngày…
Quỹ Hy vọng khánh thành 14 cầu bê tông mới, trong đó có ba công trình do Roche Việt Nam tài trợ ở huyện Lai Vung và Châu Thành, ngày 1/12. Ba công trình khánh thành đợt này gồm cầu Hy Vọng 382, 383, 384,…
Sau 2 tháng, dự án gây quỹ xây mới phòng học do Đông Tây Barbershop phối hợp cùng MoMo và Quỹ Hy vọng thực hiện đã cán mốc 100 triệu đồng. Từ ngày 16/9, Đông Tây Barbershop trích 5.000 đồng với mỗi giao dịch thanh…