Đường quê Đồng Tháp, Bạc Liêu thêm những cây cầu Hy vọng bằng bê-tông, giúp người dân đi lại, sản xuất thuận lợi, các em nhỏ đến trường an toàn.
Vừa qua, tại Đồng Tháp ba cầu Hy vọng được khánh thành bên cạnh một cây khác khởi công trong niềm vui của người dân và chính quyền địa phương.
Từ sáng, cơn mưa lất phất không ngăn được bước chân của người dân ấp Hòa Hưng và Hòa An, xã Hòa Tân, huyện Châu Thành tham dự lễ khởi công cầu Hy vọng 263. Cầu bắc qua kênh 19/5, tuyến lưu thông chính của hơn 200 hộ dân. Tại đây, nông dân chuyên canh tác khoai lang, vườn cây ăn trái, lúa, nhu cầu vận chuyển vật tư nông nghiệp, nông sản lớn.
Ông Nguyễn Châu Duyên, Chủ tịch UBND xã Hòa Tân, cho biết cầu cũ xây hơn 20 năm trước mặt cầu hẹp, không lan can vốn là nỗi ám ảnh của người dân mỗi lần lưu thông. Bởi thế, thông tin quỹ Hy vọng tài trợ một phần để xây cầu mới dài 18 m, rộng 3,7 m, chính quyền địa phương và đông đảo người dân rất phấn khởi. Niềm vui càng nhân thêm khi tuyến đường dẫn lên cầu vừa hoàn thành việc nâng cấp, mặt đường rộng 3,5 m.
Sáng cùng ngày, tại xã An Khánh, huyện Châu Thành diễn ra đồng thời lễ khánh thành cầu Hy vọng 267 và khởi công cầu Hy vọng 325. Trong đó cầu Hy vọng 325 bắc qua kênh Mương Dâu, tuyến lưu thông của hàng trăm người dân xã An Khánh và xã lân cận Phú Hựu. Ông Nguyễn Thành Dũng – Trưởng ấp An Ninh, xã An Khánh, cho biết mặt cầu cũ bằng sắt, sau nhiều năm vá víu thành như hai lớp cầu, thêm nữa thường xuyên rung lắc mỗi khi có xe đi qua. Để chuyên chở nông sản, người dân phải đi bằng xe máy hoặc ba gác nhỏ, song rất lo lắng mỗi khi lưu thông. “Có cầu mới dân ở đây mừng dữ lắm”, ông Dũng chia sẻ.
Tại huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu, sau hơn 2 tháng khởi công, quỹ Hy Vọng cùng nhà tài trợ Công ty Cổ phần Giao Hàng Tiết Kiệm và chính quyền địa phương vừa khánh thành cầu Hy Vọng 288 (cầu Bà Mận) tại thị trấn Châu Hưng với chiều dài gần 32 m, rộng 3,8 m; cầu Hy Vọng 289 (cầu Huỳnh Na Si) ở xã Hưng Hội dài 34,7 m, rộng 3,8 m. Công trình đưa vào sử dụng, tạo điều kiện cho người dân địa phương đi lại, vận chuyển hàng hóa, học sinh đến trường an toàn.
Hai công trình có tổng vốn đầu tư gần một tỷ đồng. Trong đó, thông qua quỹ Hy vọng, Công ty Cổ phần Giao Hàng Tiết Kiệm tài trợ 200 triệu đồng. Phần còn lại do ngân sách địa phương, các mạnh thường quân đóng hỗ trợ, người dân địa phương góp công xây dựng.
Dù trời mưa gió, nhiều bà con địa phương đến tham gia, mừng ngày cầu chính thức đưa vào sử dụng. Ông Nguyễn Văn Hậu, ở ấp Nhà Thờ, thị trấn Châu Hưng cho biết đã sống ở đây gần 60 năm, từ lúc chưa có cây cầu nào để di chuyển, ghe là phương tiện đi lại duy nhất. Sau này, người dân trong xóm gom góp cùng chính quyền địa phương tạo nên cây cầu cũ trước kia, sử dụng khoảng 20 năm đã cũ và sập.
“Rất vui mừng khi quỹ Hy vọng cùng các mạnh thường quân tài trợ cầu Hy Vọng 288 kiên cố để cho con cháu chúng tôi di chuyển thuận tiện, an toàn”, ông Hậu nói và cho biết điều mà người dân vùng sâu mơ ước mấy chục năm qua đã thành hiện thực.
Bà Hàn Thị Thủy – Phó Giám đốc Truyền thông Đối ngoại, Công ty Cổ phần Giao Hàng Tiết Kiệm cho biết, với mạng lưới rộng khắp 63 tỉnh thành và 11.000 huyện xã, đi tới những vùng cao, miền xa nhất, Giao Hàng Tiết Kiệm luôn mong muốn phát triển song hành cùng kinh tế địa phương.
“Đồng hành cùng quỹ Hy vọng trong chương trình ‘Nâng bước em đến trường’ triển khai xây dựng những cây cầu là cơ hội để chúng tôi kết nối và chung tay cùng cộng đồng xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu để có thể hỗ trợ trực tiếp tới từng địa phương. Mong rằng những cây cầu mới này giúp việc đi lại của người dân địa phương sẽ dễ dàng hơn, các em học sinh sẽ an toàn hơn khi đến trường và tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc vận chuyển hàng hóa, phát triển kinh tế nông thôn”, bà Thủy chia sẻ.
Anh Nguyễn Tiến Danh, phụ trách chương trình ‘Nâng bước em đến trường’ – quỹ Hy vọng, cho biết huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu là một trong những địa phương đi đầu trong dự án khi đẩy nhanh tiến độ. Sự phối hợp trực tiếp từ UBND huyện, phòng kinh tế hạ tầng được triển khai đồng bộ xuống các xã có nhu cầu xây dựng cầu. “Với các kế hoạch và dự toán kinh phí, chúng tôi được tham mưu, đối ứng kịp thời từ các cấp, chính quyền địa phương và có sự đồng thuận của người dân đóng góp, hiến đất và ngày công lao động.
Chương trình “Nâng bước em đến trường” đặt mục tiêu đến trước tháng 4/2024 sẽ hoàn thành 300 cầu tặng cho bà con nông thôn miền Tây. Để cùng quỹ Hy vọng nâng bước em tới trường, nâng cao chất lượng sống cho người dân đồng bằng Sông Cửu Long, độc giả có thể xem thêm thông tin và đồng hành tại đây.
Ngọc Tài – An Bình
Đồng Nai – Nửa năm sau khi vợ bỏ đi, anh Đinh Duy Lương, 51 tuổi, như gục ngã lần nữa khi hay tin con bị ung thư máu. “Lòng tôi quặn thắt mỗi lần nhìn con khóc ngằn ngặt”, anh nói. Anh Lương làm…
Đồng Tháp – 18 năm qua, Phan Ngô Diễm Phượng phải tá túc hết nhà ngoại đến nhà mợ bởi gia đình cô không có nổi căn nhà riêng. Mẹ Phượng – bà Phan Thị Thu Tâm, dang dở hôn nhân khi con chưa chào…
Với nguồn tài trợ từ UNIQLO Việt Nam, Quỹ Hy vọng xây thêm hai điểm trường mới tại Đà Nẵng và Quảng Trị, dự kiến khánh thành vào năm học tới. Kinh phí tài trợ xây dựng hai điểm trường tại miền Trung được UNIQLO…
Nghệ An – Nguyễn Đình Thưởng, 14 tuổi, ung thư thận, tưởng chừng bỏ cuộc mặc cho số phận bởi gia cảnh khó khăn thì được chương trình Mặt trời Hy vọng (Quỹ Hy vọng – VnExpress) hỗ trợ chi phí điều trị phục hồi…
Đăk Lăk – Ba năm trước, anh Hùng, trụ cột duy nhất của gia đình, đột ngột bị tai biến liệt nửa người. Chiều cuối tháng 6, trong căn nhà tạm lợp tôn ở tổ 30, khu phố Bạch Đằng, anh Hùng lóng ngóng bê…
Hà Nội – Với nhiều người tuổi thơ là miền ký ức đẹp còn với anh Quang – người đứng sau 13 khách sạn trải khắp Việt Nam – đó là năm tháng tủi cực nhất cuộc đời. Chợ Châu Long, Hà Nội đầu những…