Cô giáo Linh dặn hơn 9 giờ tới trường Thiên Ân, nhưng bà ngồi đợi ngoài cổng trường từ hơn 8 giờ sáng. Tối qua, bà Năm đã lẩm nhẩm mấy câu để cảm ơn các cô chú hảo tâm. Nhưng đến khi cô Thảo hiệu trưởng mời bà lên phát biểu cảm ơn bà Trương Thanh Thanh – Chủ tịch Quỹ Hy Vọng – thì bà Năm lại nói sai hết “kịch bản”.
“Hôm nay tôi đến đây. Tôi cám ơn các cô các chú đã giúp đỡ hai bà cháu tôi”, thế rồi bà khóc to thành tiếng. Bài phát biểu kết thúc ở đó.
Bà Năm bên cháu gái Ngọc Nga phát biểu tại Trường tình thương Thiên Ân vào sáng 9/1. Ảnh: Thanh Trần |
Bà Năm không biết đọc báo, nhưng mấy hôm nay người ta nói với bà “nhìn hai bà cháu trên báo thấy thương quá”, rồi người ta hỏi thăm, cho Ngọc Nga sữa. Sáng tuần trước bà đi bán vé số như mọi ngày, tính không ăn, nhưng cô bán bún bảo “bà ơi ăn bún riêu đi”. “Thôi cô ơi tui ăn bậy bạ gì cũng được”, bà từ chối. “Bà ơi ăn đi có sức mà đi”, cô nài. “Ông trời thương cô ơi. Tui ốm mua viên thuốc uống là phẻ” (khỏe), bà bảo. Nhưng cô thuyết phục bà. Tô bún riêu giá 20 ngàn, cô chỉ lấy 10 ngàn. Thế là từ hai tuần nay, ngày nào bà cũng ăn bún riêu.
Một ngày bán vé số được 120 ngàn. Tiền tô bún 10 ngàn, tiền ăn sáng của Ngọc Nga 10 ngàn, tan học chiều cho Ngọc Nga ăn quà thêm 10 ngàn, 10 ngàn mua thức ăn tối. Còn đâu bà Năm để dành trả tiền nhà và điện nước. Hôm nọ có người tới tặng hai bà cháu chút tiền, bà đã đăng ký cho Ngọc Nga học thêm và viết chữ đẹp. “Nó mà viết chữ đẹp, sau này đi làm việc người ta thấy nó có giáo dục đàng hoàng”, bà nói.
542 phần quà Tết, mỗi phần gồm thực phẩm và tiền mặt trị giá 500 ngàn đến một triệu đồng đã được đại diện Quỹ Hy Vọng và Công ty xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) trao tận tay các em học sinh và cha mẹ các em, cùng các thầy cô giáo hai ngôi trường tình thương đang nuôi dạy trẻ nhập cư, trẻ mồ côi và có hoàn cảnh khó khăn Thiên Ân tại Bình Tân và Bình An, quận 8, TP HCM.
Ông Ngô Ngọc Ân, đại diện Vietlott (trái) trao quà Tết cho các em học sinh tại Trường tình thương Thiên Ân. Ảnh: Thanh Trần |
“Suốt 19 năm nay chúng tôi vẫn bé nhỏ âm thầm. Và mọi người đã đến, đem niềm vui cho các bé, các thầy cô”, cô Thảo nói, “hình ảnh hai bà cháu mỗi ngày dong xe đi về đã trở nên thân thương với ngôi trường, nhưng còn có nhiều bà Năm và bé Ngọc Nga khác ở đây”.
Ở trường tình thương Bình An, Ngọc Châu không còn sợ Tết về. Em đã được tặng thuốc gội đầu và cắt tóc để diệt chấy. Bốn chị em đã có thức ăn, em còn được tặng một chiếc xe đạp cũ và sách. Em vui lắm, mở sách ra đọc ngay giữa trời nắng, trong lúc xếp hàng chờ nhận quà Tết. “Con định học hết lớp bốn sẽ nghỉ nhưng giờ con sẽ không bỏ học nữa”, em hứa.
Bạn cùng lớp với Châu, Tiến, hôm nay đến trường với bà. Bà Sang, 59 tuổi, làm nghề ve chai chiều 9/1 mang xe đạp tới trường Bình An “thồ” quà Tết về nhà trước. Quà nặng quá. Bà sẽ quay lại lần hai đón cháu. Bố mẹ em nghiện ngập, bỏ đi đâu không rõ, để lại cháu cho bà. Mỗi ngày bà Sang đi mua ve chai được 50 đến 60 ngàn đồng. Ba bà cháu ăn hết 20 ngàn, còn đâu dành trả tiền thuê nhà. Mọi năm, bà đợi đến chiều 30 Tết mới ra chợ, mua thịt về nấu một nồi thịt kho hột vịt. Nồi thịt kho thắp hương đêm Giao thừa xong sẽ là thực phẩm ba ngày Tết của họ. Năm nay bà Sang vui lắm. “Chưa bao giờ có nhiều quà thế này. Tôi cám ơn các cô chú, thầy cô thương mấy đứa con nít”, bà nói.
“Đây là cái tết to nhất của các em ở trường và gia đình các em từ trước tới nay”, cô Thu Hạnh cho biết. Ông Ngô Ngọc Ân bày tỏ: “chỉ mong các cháu lớn lên thành người có ích”.
Phụ huynh và học sinh tại Trung tâm Phát huy Bình An rạng rỡ trong ngày nhận quà Tết. Ảnh: Thanh Trần |
Các cô giáo cho biết họ rất vui vì đã có người tới thăm, nhận trả tiền điện nước hàng tháng cho trường – việc các cô phải luôn chân chạy để lo mỗi tháng. Vì phụ huynh của chúng quá nghèo nên chỉ mải lo miếng ăn trước mắt. Các cô muốn giữ chân bọn trẻ lại trường để chúng có tuổi thơ bình thường. Và nhiều bé tới trường để nhận luôn cả tình thương em thiếu từ cha mẹ. “Nhờ sự động viên của độc giả, chúng tôi có thêm động lực để cùng giúp các em đổi thay tương lai”, cô Thảo nói.
Bà Trương Thanh Thanh mong các thầy cô luôn “chân cứng đá mềm”. “Với tấm lòng nhân ái của hơn 3.000 độc giả, chúng tôi chỉ mong góp phần lan truyền sự sẻ chia, điều tốt đẹp cho xã hội”, bà nói.
>> Xem thêm: Những học trò ước mong lớn lên bán vé số
Quỹ Hy vọng