Tám năm cảm mến cô nữ sinh có đôi mắt biết cười, thầy Minh (hiện ở Sơn La) chỉ dám viết thư nhắc nhở việc học, khi Dương thành đồng nghiệp cô là người nói lời yêu trước.
Thầy Nguyễn Thanh Minh (46 tuổi) kể, những sự kiện đặc biệt trong đời mình hình như đều xảy ra vào ngày mưa lớn. Hai mươi mốt năm trước, trong một ngày mưa tháng 11, chàng sinh viên vừa tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm Hà Tây lần đầu đặt chân đến Vân Hồ. Yêu núi rừng từ những trang sách của Tô Hoài, Ma Văn Kháng từ ngày còn đi học, chàng trai 25 tuổi chưa một lần rời quê hương, xin được phân công giảng dạy “ở đâu cũng được”, miễn là nơi vùng sâu, vùng xa, càng hẻo lánh, khó khăn càng tốt. Vân Hồ đã cho anh những trải nghiệm vượt ngoài mong đợi.
Chiếc xe khách dừng ở thị trấn Mộc Châu, trời lạnh như dao cắt, thầy Minh tìm mãi được một chiếc xe ôm, thuê chở vào Song Khủa, liền bị mắng té tát: “Mưa gió thế này, núi lở chặn hết đường, muốn chết không mà vào”. Đến gần trưa khi mưa ngớt, bác tài mới chịu rong xe vào bản. Con đường 50 km từ phố vào bản nhão như ruộng cày, ngồi được vài cây số, thầy giáo trẻ lại phải xuống đẩy xe, đi bộ, mất 6 giờ mới tới nơi. Anh móc 150 nghìn đồng ra trả tiền xe ôm, bằng đúng một phần ba chỉ vàng thời bấy giờ.
Song Khủa tối ấy chỉ có tiếng dế kêu vang rừng. Ngày mưa, bốn bề mù mịt, điện vẫn chưa về bản. Toàn thân rã rời lấm lem bùn đất sau hành trình đầu tiên của cuộc đời, thầy giáo trẻ đã bắt đầu lung lạc “sao nó không có gì giống như mộng mơ của mình”.
Bữa cơm đầu tiên ở nhà thầy hiệu trưởng người bản địa, chỉ có lạc rang, trứng rán và ít rau rừng muối, hai người ngồi đến đêm, tâm sự về trường, về bản: “Đất này khổ, nhưng rất nghĩa tình. Rồi có khi nó níu chân thầy không về được, thầy Minh hãy cứ đợi xem”.
Thầy Minh đã không phải đợi lâu để thấy cả sự khổ sở và nghĩa tình của người Sơn La như lời hiệu trưởng nói. Nhà công vụ của giáo viên khi đó là phòng hội đồng ngăn làm tư bằng một tấm bạt, chỉ kê vừa cái bàn con và chiếc giường đơn từ một tấm phản gỗ.
Đồng nghiệp dặn thầy giáo mới lên, kiếm cái chai sành mua dầu để sẵn góc nhà để đêm đến còn soạn bài, sinh hoạt. Nhưng bốn bề chỉ có xanh rừng, xám đất, đến một góc chợ cũng không có, thầy Minh một năm về nhà hai lần, đến tuýp kem đánh răng hay bánh xà phòng cũng phải địu từ dưới xuôi lên dùng dần. Nỗi nhớ nhà chỉ biết gửi qua thư. Nhìn các đồng nghiệp ở thị trấn cuối tuần nào cũng ríu rít rủ nhau về nhà, thầy giáo trẻ “buồn ghê gớm”.
Năm đó, thầy Minh về nhà ăn cái Tết đầu tiên sau ba tháng lên rừng dạy học với lủng liểng những măng khô, hạt bí, gói trong những tờ báo nhàu nhĩ mà người Song Khủa gửi làm quà. Thấy con trai gầy sọp, món gì cũng thèm, nhưng dạn dĩ, vui vẻ, người mẹ xót ruột ướm hỏi con trai “có nghĩ lại không?”, thầy Minh chỉ tủm tỉm cười đáp: “Ăn Tết xong, con lên lại”.
“Ở Song Khủa khi đó có ai đang đợi hay sao mà anh vội lên đến thế?”, thầy Minh nghe câu hỏi quay sang vợ, cười tủm tỉm. Chị Dương ngồi cạnh phá lên cười, bông đùa: “Để chị kể cho nhanh nhé, anh ấy hay mắc bệnh e thẹn”.
Dương sinh năm 1983 trong một gia đình người Mường có 9 anh chị em, đi học muộn 4 năm. Trong lứa học sinh lớp 9 đầu tiên được thầy Minh dạy môn Lịch sử Dương đã là một thiếu nữ 18 tuổi lớn nổi bật giữa đám bạn cùng lớp với mái tóc dài và nụ cười tươi tắn, nhí nhảnh, nhưng vẫn sợ sệt mỗi lần thầy đến nhà thăm cha mẹ, hỏi han tình hình học tập. Thấy bóng thầy từ xa là chị chạy biến ra sau nhà, nhưng kỳ lạ, thầy Minh có thể ở lại ăn cơm nhà rất nhiều học trò, chỉ trừ nhà chị Dương thì không. Cô nữ sinh lại càng lo lắng, bồn chồn.
Nỗi lo lắng tăng gấp đôi khi vài tuần sau, thầy Minh nhờ bạn học đưa cho chị một lá thư tay, dặn dò cố gắng học tập. “Mình là học sinh vùng ba, điều kiện khó khăn, em cố gắng chăm học, sau này kiếm nghề nghiệp ổn định, đỡ vất vả”, chị Dương bảo nhắm mắt lại vẫn thuộc lòng những lời chồng mình viết trong lá thư đầu tiên, cách nay đã 21 năm.
Những lá thư tay tiếp tục dày lên. Dương mỗi tuần đều đặn hai lần nhận thư của thầy, trong lòng tự thắc mắc: “Lớp có tới 30 người, mỗi tuần thầy viết tới 60 lá thư kia ư?”. Cô nữ sinh dò hỏi bạn bè và nhanh chóng nhận ra, mình là người duy nhất được nhận thư. Cô thiếu nữ mơ hồ nhận ra cảm tình thầy giáo trẻ dành cho mình, nhưng chưa bao giờ dám hỏi thẳng. Anh Minh chưa bao giờ nói, còn chị Dương cũng chưa từng viết một dòng hồi đáp.
Tháng 9 năm sau, chị Dương lên thị trấn Mộc Châu học tiếp cấp 3. Tưởng rằng tình cảm này sẽ vì khoảng cách mà đứt gãy, nhưng chỉ vài ngày sau khi nhập học, lá thư của anh Minh đã đến tay chị. Trong lúc chị đi học xa, anh Minh vẫn tiếp tục đến nhà thăm hỏi, đỡ đần cha mẹ chị, lúc nào cũng lặng lẽ, tủm tỉm, nhưng việc gì cũng lăn vào giúp. Tất cả những chuyện này đều được người nhà kể lại.
Món quà đầu tiên anh dành cho chị là dịp 8/3, khi chị 20 tuổi. Anh Minh bắt xe vượt 60 km từ Song Khủa ra Mộc Châu tìm chị, nhưng đến cổng trường lại ngần ngại không dám vào. Anh nhờ một học sinh cũ mang hộp quà vào bảo đưa cho chị, rồi mình lại lặng lẽ bắt xe về về. Trong phòng nội trú của ký túc xá, vài phút sau, có cô thiếu nữ sửng sốt, vui mừng vì lần đầu tiên trong đời được nhận quà “lại còn đẹp ơi là đẹp”.
Dương nhớ rõ, khi đó ngoài một hộp dầu gội đầu, một chiếc áo rét và bộ quần áo dài tay, còn có thêm một bông hồng kèm lá thư không đề người gửi “đúng phong cách mọi khi”, nên chị biết ngay, người gửi là anh.
Trong suốt những năm cấp 3 và cả sau này khi chị lên thành phố Sơn La học Sư phạm mầm non, cũng chỉ có những lá thư tay của anh Minh kiên trì đi theo sợi dây tình cảm của hai người. Nội dung cả trăm lá thư đều tương tự, anh chỉ động viên chị học hành, kể những chuyện làng bản trường lớp, vẫn giữ nguyên lối xưng hô thầy – trò.
“Anh chẳng có gì, chỉ có sự chân thành, nên Dương chọn anh, chắc bảy phần vì thương”, thầy giáo Minh bảo.
Năm 2007, hoàn thành chương trình Trung cấp, về Song Khủa công tác, cô học trò năm xưa giờ đã thành cô giáo Dương, đồng nghiệp của anh. Thấy hai người gặp nhau vẫn ngại ngùng gọi thầy, xưng trò, gia đình chị Dương trêu “giờ còn thầy trò gì nữa, anh em đi thôi”. “Chú đã đợi lâu rồi, cô cũng quyết định đi đừng để chú ấy đợi nữa”, anh trai chị Dương nhắc em gái.
Anh Minh tự thú nhận trong mối tình này, mình là người chủ động theo đuổi, nhưng vợ mới là người tỏ tình trước. Dịp quốc khánh năm 2008, hai người có cuộc hẹn hò đầu tiên, cũng chính là về Thanh Oai (Hà Nội) ra mắt gia đình anh.
Nhưng hành trình về quê của anh Minh cũng là một câu chuyện dài. Khi đó cả bản còn chưa có lấy một chiếc xe đạp, nên thường khi anh Minh về nhà, sẽ phải đi bộ 8 giờ ra bến Khủa trên sông Đà, ngủ lại một đêm. Thường 10 ngày sẽ có phiên chợ một lần, nên anh Minh phải căn đúng ngày về trùng lịch phiên chợ, để sáng hôm sau đi nhờ thuyền của dân buôn bán, xuôi 6 giờ theo dòng Đà Giang đến bến Hòa Bình, bắt xe ôm ra bến xe khách để về quê.
Nhìn lại hành trình xa xôi, chính anh trai chị Dương lại can em, “xa xôi quá hay cô nghĩ lại cho chú ấy lấy vợ miền xuôi cho chú đỡ vất vả”. Chị Dương bảo, khi ấy suy nghĩ nhiều, nhưng cuối cùng “cứ kệ, lấy là lấy”.
Tháng 11/2009, hai người chính thức thành vợ chồng sau mối tình lặng lẽ kéo dài 8 năm.
Những chiếc áo quần được tặng trong ngày 8/3 năm đó, chị Dương bảo chẳng mấy khi nỡ bỏ ra dùng, đến giờ vẫn giữ lại gần như mới, cùng hơn 100 lá thư tay anh viết suốt 9 năm.
“Sau này khi con gái lớn hơn chút, hai mẹ con sẽ cùng đọc để con biết, ngày xưa, bố mẹ đã yêu nhau như thế nào”, chị nói.
Quỹ Hy Vọng mong muốn xây những ngôi trường mới tại huyện Vân Hồ – nơi thầy Minh cô Dương đang làm việc, nhằm cải thiện cơ sở vật chất giáo dục tại khu vực khó khăn của tỉnh Sơn La, đồng thời tiếp thêm niềm tin, động lực cho các thầy cô trên hành trình trồng người đầy gian nan ở vùng cao. Để đồng hành cùng quỹ, độc giả xem hướng dẫn chi tiết tại đây.
Hải Thư
Quỹ Hy vọng trao 6 thư viện điện tử và bàn giao 6 điểm trường được sơn sửa cho học sinh huyện Sông Mã. Ngày 12/10, Quỹ Hy vọng cùng Tập đoàn FPT và công ty Vuihoc đã trao 6 thư viện điện tử cho…
Học sinh tại Mù Cang Chải vui mừng khi có khu nhà vệ sinh mới, đầy đủ đường nước vào trực tiếp, không còn phải xách từng xô nước mỗi khi sử dụng. Ngọc Ngọc
Nhiều trường học vùng cao gặp khó khi không có nhà vệ sinh, học sinh phải dùng lán tạm, sau khi được quỹ Hy Vọng và Opella tài trợ các em đã yên tâm hơn khi đến lớp. Dự án xây 20 cụm công trình…
Suốt 9 năm qua, vì là người có sức khỏe tốt nhất nhà, Cải Thị Tình, 41 tuổi, lần lượt phải đưa bố, anh trai, chị gái, chồng và con đi viện. Đầu tháng 10, chị Tình đưa con trai Cải Thanh Hứu, 4 tuổi,…
Thông qua Quỹ Hy vọng, Công ty TNHH Lixil Việt Nam tài trợ cho 4 trường chịu nhiều thiệt hại do bão Yagi thuộc huyện Văn Yên và Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Trong hai ngày 24-25/9, Công ty TNHH Lixil Việt Nam đã trao…
Mỗi lần bệnh nhi cùng phòng bị trả về, mẹ lại dẫn An ra ngoài dù cô bé thắc mắc khi nào đến lượt mình. Khánh An, 4 tuổi nghĩ các bạn về nhà là do khỏi bệnh, được đi học. Nhìn thấy đôi mắt…