Ngày biết mình mắc ung thư, Tuấn Khôi, 13 tuổi, ở huyện Cai Lậy, ôm mẹ khóc nức nở, nói mình có lỗi vì chưa kịp báo hiếu đã đổ bệnh.
“Mồ côi cha từ bé, nhà lại nghèo, thằng nhỏ luôn suy nghĩ như người lớn”, chị Thu Hằng, 37 tuổi, mẹ Khôi, nói.
Năm 2011, chồng chị Hằng qua đời vì tai nạn giao thông, để lại vợ cùng hai con, một bé 4 tuổi, một bé vừa chào đời được 20 ngày. Cú sốc tâm lý khiến chị mất sữa, phải gửi con cho bà ngoại chăm sóc.
Khi lấy lại tinh thần, chị bắt đầu đi làm thuê, làm mướn đủ nghề nuôi con. Người mẹ không còn nhiều thời gian vỗ về hai đứa trẻ thiếu hơi cha.
Cậu bé Khôi chưa bao giờ trách mẹ. ”Thấy mẹ vất vả vậy con thương mẹ nhiều hơn”, em nói. Mẹ cho tiền ăn sáng, hai chị em thường nhịn hoặc chiên cơm nguội với trứng ăn, để tiền mua sách vở, đóng học phí. Khi mẹ mở quán chè, Khôi cùng chị gái phụ bưng bê, làm việc vặt.
Tuấn Khôi luôn mơ ước trở thành bác sĩ vì nghĩ đây là nghề có thể giúp mẹ đỡ vất vả. Ở lớp, Khôi học giỏi, ngoan ngoãn, được thầy cô tin tưởng giao làm lớp phó học tập.
Hai đứa con ngoan, hiểu chuyện nên chị Hằng dần tìm lại niềm vui, bằng lòng với thực tại dù kinh tế gia đình vẫn rất eo hẹp.
Nhưng tháng 11/2024, Khôi bắt đầu bị đau chân, da xanh xao, mệt mỏi kéo dài. Sau nhiều lần thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán cậu bé mắc bệnh bạch cầu cấp dòng lympho, một dạng ung thư máu.
Khôi được chuyển lên bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP HCM) điều trị. Theo phác đồ, cậu bé sẽ phải hóa trị trong thời gian dự kiến hai năm.
Mẹ giấu bệnh, nói em bị thiếu máu. Nhưng thấy mẹ thường xuyên khóc khi nghe điện thoại, Khôi sinh nghi, đòi về nhà đi học. Cậu bé vùng vằng, không chịu hợp tác, bác sĩ đành nói sự thật.
Nghe tin, Tuấn Khôi lặng người, rồi òa khóc. Đứa trẻ ôm mẹ, nức nở: “Con đã nói sau này sẽ đi làm nuôi mẹ, mà giờ con không làm được rồi”.
Những ngày đầu điều trị, Khôi gần như không nói, chỉ nằm thu mình trên giường bệnh. Thời gian trôi, thấy nhiều bạn nhỏ cùng cảnh, em dần bình tĩnh hơn. Khôi chủ động tìm hiểu thông tin về căn bệnh, quan sát liều lượng thuốc bác sĩ sử dụng, dặn mẹ những thực phẩm không nên mua.
Trong đợt hóa trị đầu tiên, Khôi bị co giật, nôn ói liên tục. Em sút cân từ 46 kg xuống còn hơn 30 kg, không thể tự đi lại. Chị Hằng dỗ dành con ăn không được, nên than ”con không đi được làm mẹ mệt”. Từ đó, Khôi bắt đầu uống sữa. Dù nôn ra, em vẫn cố uống vì thương mẹ.
Bình tâm hơn nhưng cậu bé không tránh khỏi những phút yếu lòng. Thi thoảng em lại ôm lấy mẹ hôn, chị Thu Hằng bật cười, bảo “hun gì hun lắm”. “Tranh thủ hun được lúc nào thì hun lúc đó”, bé nói.
Cậu bé nhớ những buổi chiều khỏe mạnh, được ngồi trước hiên nhà đợi chị đi học về. ”Giá như được quay lại như xưa mẹ nhỉ”, Khôi nói.
Không ít lần, em dặn mẹ đừng dồn hết tiền cho việc điều trị. “Con không khỏi được đâu mẹ, mẹ dành tiền cho chị hai con học nữa”, Khôi nói. Ban đêm, cậu thường nằm cạnh mẹ, thủ thỉ: “Con bệnh con khổ rồi, lại làm mẹ cực thêm. Mẹ nuôi con chưa được gì. Con xin lỗi mẹ”.
Nghe con nói, chị Hằng chỉ biết ôm con bật khóc.
Nỗi đau lớn nhất của Khôi là không thể quay lại trường học và đối diện với bạn bè như xưa. Mẹ từng động viên em đến trường nhận quà hỗ trợ từ các thầy cô và mạnh thường quân. “Con thấy xấu hổ vì tóc con rụng, mặt con cũng khác nên không muốn gặp bạn”, cậu bé tâm sự.
Dù miễn cưỡng đồng ý đi cùng mẹ, nhưng khi vừa thấy các bạn ùa đến chào hỏi, Khôi quay mặt đi và chạy nhanh ra cổng. Tối hôm đó, em về nhà khóc rất nhiều, giận mẹ cả tuần.
Khôi khép mình hơn từ khi bị bệnh, nhưng hành trình chiến đấu với bệnh tật của em không đơn độc. Gia đình bên nội, các quỹ từ thiện, nhà trường… đều chung tay giúp đỡ. ”Nhưng ai cho mình được hoài, rồi cũng phải vay mượn”, chị nói.
Nhìn con đối diện với bệnh tật bằng sự kiên cường, chị Mến day dứt nghĩ lại những ngày con còn khỏe, chị vì mưu sinh mà có lúc bỏ bê con.
Bây giờ, con trai chị không còn ước mơ làm bác sĩ chỉ để kiếm tiền cho mẹ. ”Con muốn khỏe, để chữa bệnh cứu những bạn nhỏ bị giống con”, cậu bé nói.
Tên nhân vật trong bài đã đổi.
Phạm Nga
Quảng Nam – Quỹ Hy Vọng hỗ trợ sơn sửa lớp học, nhà vệ sinh và trao thư viện điện tử cho 5 trường ở vùng Gò Nổi, thị xã Điện Bàn, ngày 28/6. Trong đó, Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, Trường Mẫu giáo…
Hà Tĩnh – Cột kèo mối mọt, mái thủng, vách nứt khiến hai gia đình nghèo sống trong bất an suốt hàng chục năm, chỉ mong có nơi ở vững chãi để bám trụ và lo cho con cái. Giữa tháng 6, nắng chói chang,…
Tại nhiều điểm trường vùng cao, những công trình vệ sinh tạm bợ, xuống cấp và mất an toàn không còn là chuyện hiếm. Các em học sinh – những đứa trẻ đang trong độ tuổi phát triển thể chất và hình thành nhân cách…
Ngày 18/6, Trường Mẫu giáo Chánh Công khởi công hai công trình tại thôn 2 và thôn 5, do UNIQLO Việt Nam và Chứng khoán Nhất Việt tài trợ thông qua Quỹ Hy Vọng. Tại điểm trường thôn 5, Quỹ Hy Vọng lập dự án…
Đà Nẵng – Nhạc sĩ, ca sĩ Kai Đinh, nhà báo Đinh Đức Hoàng, BTV Đào Xuyên kể chuyện trải nghiệm chính đời mình để chuyền cảm hứng về tương lai. Cuối tuần vừa qua, nhạc sĩ, ca sĩ Kai Đinh có mặt tại Trường…
Đà Nẵng – Cầu thủ Nguyễn Xuân Son dự lễ trưởng thành của học sinh Trường Hy Vọng, ký tặng bóng và cùng các em ăn bữa cơm nội trú. Chiều 14/6, cầu thủ Nguyễn Xuân Son có mặt tại hội trường tòa nhà FPT…