Trước làn sóng hồi hương của hàng nghìn lao động về từ Lào và Thái Lan, những trung tâm cách ly cấp xã được khẩn cấp thành lập để chống quá tải ở tuyến trên. Bắt đầu từ ngày 22/3, trường mầm non xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh đón hàng trăm người hồi hương.
Ông Nguyễn Thế Nghĩa, trạm trưởng y tế Mỹ Lộc bắt đầu khám cho những người trở về khi còn chưa có đủ găng tay. Khẩu trang vừa mua bằng tiền túi. Họ cũng chỉ có vài bộ đồ bảo hộ. “Tôi khám mà tay run, sau đó cố lấy lại bình tĩnh, trấn an bản thân cố gắng vì việc chung”, ông Nghĩa nhớ lại.
Cũng buổi sáng 22/3, cách nơi ông Nghĩa đang đón người hơn 400 km, tại Đà Nẵng, một cô gái 24 tuổi được xác định dương tính với nCoV – trở thành bệnh nhân 122. Trần Thị Oanh làm phục vụ trong một quán bar tại Bangkok. Ba ngày trước khi về nước, Oanh đến gặp một bạn đồng nghiệp quê ở Nghi Lộc, Nghệ An để chia tay. Người này về nước qua cửa khẩu Cầu Treo, và sau này trở thành bệnh nhân 146.
Cô bạn Nghệ An còn một đồng nghiệp khác, cùng ăn ở làm việc tại quán bar bên Bangkok. Đó là một người quê ở Mỹ Lộc. Trong buổi sáng ấy, những thành viên tổ y tế Mỹ Lộc, chỉ mới ba tuần trước còn đang sống đời viên chức làng quê, lương tháng có vài triệu, không biết rằng họ chuẩn bị đón con virus đáng sợ nhất hành tinh lúc này.
Trong “tổng hành dinh” của trung tâm cách ly xã Mỹ Lộc. Ảnh: Đức Hùng. |
Trung tâm cách ly xã Mỹ Lộc ra đời chỉ sau 24 tiếng đồng hồ. Bảy giờ sáng ngày 20/3, ban chỉ đạo Covid-19 của xã Mỹ Lộc nhận lệnh từ huyện về việc đón 202 người dân từ Thái Lan và Lào về cách ly. Bốn mươi cán bộ xã họp khẩn cấp trong buổi sáng, chia ra 4 nhóm: ban chỉ đạo chung, tổ y tế, bảo vệ và hậu cần.
Ông Nguyễn Thế Nghĩa làm tổ trưởng y tế. Ba mươi năm làm nghề, chưa bao giờ ông đối mặt với một nhiệm vụ trọng yếu của quốc gia như lần này. Nhiệm vụ chính của một trạm y tế cấp xã chỉ là các công tác y tế dự phòng, công việc không quá bận, ông Nghĩa ngày thường còn có thời gian giúp vợ trồng rau, nuôi gà. Giờ họ chỉ có khoảng hơn một ngày để thành lập một “trung tâm cách ly” dành cho nhóm người có nguy cơ cao nhất: những lao động Việt Nam về từ nước ngoài.
Ở Hà Tĩnh, việc sang Lào hay Thái Lan kiếm sống từ lâu đã trở thành một lựa chọn phổ biến cho người dân những xã thuần nông như Mỹ Lộc. Địa hình trung du, năng suất lúa thấp, khắp Mỹ Lộc là những mảnh ruộng bỏ không, người trong xã đã tha hương tìm sinh kế.
Đa phần sử dụng chính sách miễn visa du lịch của nội khối ASEAN để ở lại nước bạn, lao động phổ thông hoặc bán hàng. Theo ông Nguyễn Sĩ Lương, chủ tịch xã, người Mỹ Lộc chủ yếu rủ nhau đi Thái Lan. Tại đó, trên những con phố sầm uất của Bangkok, không khó tìm thấy một người Hà Tĩnh đang bán hàng rong hay làm phục vụ.
Những làn sóng hồi hương bắt đầu dồn dập từ giữa tháng Ba, với hàng trăm người Việt Nam nhập cảnh mỗi ngày qua cửa khẩu Cầu Treo. Các khu cách ly cấp huyện, xã được gấp rút thành lập.
“Trung tâm cách ly Mỹ Lộc” thực chất là ngôi trường mẫu giáo được trưng dụng. Trường là công trình cách xa khu dân cư, trước và sau đều là đất ruộng. Một giờ chiều ngày 20/3, các thành viên ban chỉ đạo Covid-19 của Mỹ Lộc tới trường mầm non. Ba dãy nhà với gần 30 phòng, trong đó có hai dãy nhà cấp bốn, một dãy nhà hai tầng mới xây. Bên trong, bàn ghế, đồ chơi của học sinh sắp xếp lộn xộn, ngổn ngang, nhiều mảng tường ẩm thấp, nước thấm.
Trưởng trạm y tế Mỹ Lộc, ông Nguyễn Thế Nghĩa. Ảnh: Đức Hùng. |