Cứ buổi chiều, thằng bé Bảo (Long An) nằm dài trên võng, ngóng ra vườn sau nhà. Ở đó có mộ mẹ, người đã mất khi con chưa đầy 7 tháng tuổi.
“Dạo trước thằng nhỏ hay ra mộ mẹ nó ngồi từ trưa tới chiều muộn mới chịu vào. Tui xót cháu, không cho ra ngoài đó nữa thì nó lại nằm võng ngóng ra”, bà Trần Thị Hồng Hạnh (bà ngoại cu Bảo), 54 tuổi, ở xã Lương Hòa, Bến Lức, kể.
Mẹ bé Huỳnh Nguyễn Quốc Bảo, chị Như Quỳnh là con gái út của vợ chồng bà Hạnh. Năm 2014, khi vừa tròn 18 tuổi, Quỳnh về Hậu Giang làm dâu. Đến khi mang bầu, sức khỏe con gái yếu, con rể đi làm vài tháng mới về một lần nên bà Hạnh xin thông gia đón Quỳnh về chăm sóc.
Năm 2015, bé Quốc Bảo chào đời khỏe mạnh, nhưng Như Quỳnh bị biến chứng tiểu đường, phải nằm viện điều trị. Một buổi chiều cuối năm, Quỳnh yếu ớt gọi mẹ, nhờ bế con trai vừa sinh lên để gặp mặt. “Nhưng lúc đó chiều muộn rồi nên tui kêu để mai, ai ngờ đêm đó nó đi”, bà Hạnh kể.
Ba Quốc Bảo về chịu tang vợ một ngày rồi đi. Thôi nôi thằng bé, anh về với con nửa giờ đồng hồ, từ đó không quay lại. Vợ chồng bà Hồng Hạnh từ đó đóng luôn hai vai, vừa là ngoại vừa là ba mẹ của Bảo. Ông bà làm công nhân, tổng lương hơn 10 triệu đồng nên tin có thể cho cháu cuộc sống đủ đầy về vật chất, nhưng dù cố, họ thừa nhận không thể lấp đầy khoảng thiếu hụt tình cảm trong lòng đứa cháu nhỏ.
Càng lớn, Quốc Bảo càng hiểu rõ hoàn cảnh mình so với bạn bè. Có người bạn thân của chị Như Quỳnh hay qua chơi, xưng mẹ – con với thằng bé. “Ngày cô ấy đi lấy chồng, qua chào tạm biệt, thằng nhỏ thắc mắc ‘mẹ gì sao cứ đi hoài?’. Tôi bảo nó ‘thi thoảng mẹ về thăm’, rồi kêu nó đi đốt nhang cho mẹ nó, nó lại thắc mắc ‘mẹ đó rồi sao phải đi đốt nhang chi ngoại?'”, bà Hồng Hạnh kể. Lúc này, bà mới nói với cháu về khái niệm mẹ đẻ, mẹ nuôi, chỉ ra ngôi mộ sau vườn để cháu biết nơi mẹ nằm.
Từ đó, ngày nào Quốc Bảo cũng ra vườn “chơi với mẹ”. “Mẹ con nằm mình ngoài đó buồn thiu à ngoại?”, thằng bé nói.
Đi học, bạn bè có ba mẹ đưa đón, Bảo chỉ có ông ngoại. Nhiều bữa, Quốc Bảo về kể với ngoại “hôm nay con không thuộc bài”. Ngoại hỏi lý do, nó bảo “các bạn có mẹ ôm ngủ nên mới thuộc bài, con không có mẹ ôm”.
“Ngủ với tui nhưng tối nào nó cũng ôm con gấu bông má nó để lại. Nó kêu má con biến thành con gấu, ôm con ngủ”, bà ngoại Quốc Bảo kể.
Nhưng số phận vẫn chưa buông tha thằng bé. Cuối năm ngoái, cháu ngoại bà Hạnh đột nhiên đau nhức xương, chân tay bầm tím dù không có va đập. Ông Thắng chở cháu đi khắp các phòng khám, bệnh viện chụp chiếu nhưng bác sĩ đều kết luận xương khớp không vấn đề gì. Linh cảm có điều chẳng lành, ông bà chạy xe từ Bến Lức về bệnh viện Nhi Đồng TP HCM khám.
Nghe bác sĩ thông báo cháu ngoại bị ung thư máu (bệnh bạch cầu cấp dòng lympho B), hai hàng nước mắt thi nhau giàn hàng trên mặt bà Hồng Hạnh. “Nỗi đau con gái duy nhất mất chưa nguôi, nay cháu ngoại lại ung thư. Tôi tưởng như mình sụp đổ”, bà nói. Một tuần đầu, bà không ăn, mất ngủ, sụt cân vì sợ mất cháu.
Ông Thắng vốn lúc nào cũng tỏ ra mạnh mẽ, nay như người mất hồn. “Tui có làm điều gì ác đâu mà sao ông trời đối xử tệ vậy?”, giọng ông nghẹn lại.
Nhưng nhìn đứa cháu ngây ngô, ông bà động viên nhau trấn tĩnh. Nhờ họ hàng, người thân và các mạnh thường quân hỗ trợ, cho vay, ông bà có tiền cùng cháu bước vào giai đoạn điều trị.
Những người nhà bệnh nhân khác thay phiên nhau đến viện, bà Hạnh chỉ có một mình. Giai đoạn đầu, cháu ở cả tháng, bà mất ngủ triền miên. “Nhìn thằng nhỏ đau, quằn quại không ngủ, tui làm sao chợp mắt. Nuôi nó từ lúc lọt lòng, cháu mà cũng là con”, bà nói.
Ông Thắng ở nhà đi làm, mức lương hơn 5 triệu đồng, chỉ dám ăn đạm bạc qua ngày, cố dành dụm tiền gửi lên cho hai bà cháu chi tiêu trên thành phố. Ngoài mẹ Quốc Bảo, ông bà có hai con trai, nhưng đều cùng cảnh công nhân, một người đã có gia đình, không phụ giúp được gì nhiều.
Gần đây, Quốc Bảo chỉ phải điều trị theo tuần hoặc ba ngày sẽ được về quê đi học. Ông Thắng làm đơn nộp lên công ty, nhờ xin cho vợ được đi làm ngắt quãng khi cháu được ra viện.
Ông Thắng cho biết, từ khi cháu bị bệnh, ông bà đã vay mượn khoảng 200 triệu đồng chữa trị, ăn uống. Số tiền mượn của người thân, bạn bè nên được trả dần, không phải lo trả lãi. “Ơn trên thương, bác sĩ nói cháu tui phát hiện bệnh sớm nên cơ hội sống cao. Có sức khỏe, cả nhà bình an, cùng làm kiểu gì cũng trả dược nợ”, ông Thắng nói.
Hơn hai tháng nay, Quốc Bảo đã có thể trở lại với trường lớp. Cậu bé nghỉ học một thời gian dài nên vẫn đang học lớp 1.
Cô Lê Thị Thu Thủy, giáo viên chủ nhiệm của bé Quốc Bảo, trường Tiểu học xã Lương Hòa, cho biết, hơn 20 năm làm giáo viên, cô chưa từng gặp hoàn cảnh nào đặc biệt khó khăn như của cậu bé, không cha mẹ, ở với ông bà đã già lại mắc bệnh hiểm nghèo.
“Nếu khỏe mạnh, Bảo sẽ là một học sinh học tốt, nhưng vì sức khỏe con quá yếu, tháng đến lớp chỉ được ít ngày nên tôi chỉ dạy những kiến thức cơ bản để con tiếp thu được”, cô Thu Thủy nói.
Vì hoàn cảnh gia đình Quốc Bảo, cô giáo đề xuất nhà trường miễn hoàn toàn các khoản đóng góp, tiền bán trú, ăn trưa của bé. “Chúng tôi mong phần nào san sẻ khó khăn mà bé và gia đình đang phải gồng gánh”, cô giáo chia sẻ.
Hôm 10/11, Quốc Bảo về nhà sau đợt điều trị ở bệnh viện. Bà Hồng Hạnh cùng chồng đứa cháu đến trường rồi cùng đến công ty làm việc để tăng thêm thu nhập. Cuối tuần, nghỉ học ở nhà, Quốc Bảo vẫn giữ thói quen nằm trên chiếc võng ở hiên nhà, mắt ngóng ra sau vườn, nơi có mộ mẹ.
Phạm Nga
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Độc giả có thể xem thông tin chương trình tại đây.
Sau 2 tháng, dự án gây quỹ xây mới phòng học do Đông Tây Barbershop phối hợp cùng MoMo và Quỹ Hy vọng thực hiện đã cán mốc 100 triệu đồng. Từ ngày 16/9, Đông Tây Barbershop trích 5.000 đồng với mỗi giao dịch thanh…
Điểm trường làng Hrách và Lơ Pơ, huyện Kông Chro được Quỹ Hy vọng và các đơn vị tài trợ xây mới thay thế cho những lớp học đã xuống cấp, thấm dột. Ngày 14/11, gần 100 học sinh, giáo viên Điểm trường Hrách thuộc…
Học sinh trường TH & THCS Quang Minh tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng và ăn liên hoan trong ngày hội do Quỹ Hy vọng và De Heus tổ chức. Ngày hội dinh dưỡng học đường chủ đề “Vững bụng đến trường” được tổ…
Jomoo Việt Nam và trường Hy Vọng đã ký biên bản tài trợ thiết bị trị giá 2 tỷ đồng cho 138 phòng vệ sinh trong ngôi trường mới dành cho 300 trẻ mồ côi vì Covid-19, chiều 14/11. Phát biểu tại buổi ký kết,…
Men vi sinh chứa các vi sinh vật có lợi, hỗ trợ cải thiện cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cải thiện sức khỏe cơ thể song cần tránh lạm dụng. Nội dung: Văn HàThiết kế: Ngân Hà
Dự án Vệ sinh học đường giúp sức khỏe của 98% học sinh được cải thiện nhờ thay đổi thói quen sinh hoạt như rửa tay thường xuyên, không phóng uế bừa bãi, dọn dẹp định kỳ. Đỗ Nam – Kim Anh