Vợ chồng chia tay, anh Lê Văn Tám một mình nuôi con và tưởng đó là nỗi đau lớn nhất đời, cho đến khi con gái phát hiện ung thư giữa năm nay.
Dạo đó, mỗi tối, trong căn phòng trọ nhỏ ở quận Tân Bình, TP HCM, con gái anh Tám là Lê Nguyễn Đan Thư, 11 tuổi, thường xuyên kêu đau đầu, bỏ ăn, nôn ra máu. Nhìn tay chân con, ông bố 34 tuổi thấy nhiều vết bầm tím lạ, dù chẳng va đập.
Một ngày, anh phải đưa con đến bệnh viện Nhi đồng Thành phố cấp cứu. Nguyên nửa tháng trời, anh Tám thức trông con. Chiếc xe ba gác dùng làm kế sinh nhai đành bỏ xó. “Chăm con không khó gì vì từ khi con còn nhỏ, tôi đã chăm sóc bé rồi. Chỉ là tôi buồn quá”, người đàn ông đơn thân, nói.
Các bác sĩ kết luận bé Đan Thư mắc bệnh bạch cầu cấp dòng tủy M2, một dạng ung thư. Bạch cầu cấp dòng tủy bắt đầu trong tủy xương (phần mềm bên trong xương, nơi tạo ra các tế bào máu mới), và trong hầu hết các trường hợp, các tế bào ung thư nhanh chóng đi ra máu tuần hoàn. Đôi khi, các tế bào ung thư có thể lan ra một số cơ quan khác trong cơ thể như gan, lách, hạch, hệ thần kinh trung ương…
Dặn mình phải mạnh mẽ, nhưng suốt giai đoạn đầu con điều trị, đêm nào anh Tám cũng khóc. “Tôi cứ nghĩ cuộc sống của mình trước giờ bất hạnh lắm rồi, nhưng không phải”, anh nói.
Ba năm trước, vợ anh Tám đưa đơn ra tòa đề nghị ly hôn sau những bất đồng không thể hòa giải. Nghe vợ nói mình được quyền nuôi con, anh đồng ý ký để cô tìm hạnh phúc mới. Với chiếc xe ba gác, Tám một mình rong ruổi đất Sài thành nuôi con ăn học. Đan Thư từ đó trầm lặng hẳn, chẳng bao giờ hỏi bố lý do mẹ sống riêng, dù ông bố nghĩ con hiểu chuyện. Anh biết ơn con vì lẽ đó.
Hôn nhân kết thúc gây chấn động tâm lý lớn với anh Tám. ”Người khác giải tỏa bằng rượu, nhưng tui không biết uống”, anh nói. Anh gói ghém đồ đạc rời TP HCM, cùng con gái về quê ở Nông Sơn, Quảng Nam, sống bên ba mẹ để tạm quên buồn phiền.
Khi cân bằng được tâm lý, Tám trở lại TP HCM làm việc, nhưng Covid ập đến, hai cha con lại về quê. Hai năm dịch bệnh, số tiền tích cóp chẳng còn. Đầu năm nay, khi dịch bệnh lắng xuống, cha con anh hăm hở trở lại Sài thành bắt đầu lại. Hàng ngày, anh Tám đi làm tối muộn mới về, cô bé 11 tuổi nấu ăn đợi ba.
Có bữa hai ba con ăn quán. Có bữa, cô bé như reo khi nhìn thấy ba treo trên xe lủng lẳng túi chân gà, bò xào phô mai,… những món yêu thích của mình. Khi hai cha con dần tìm thấy niềm vui thì bé Đan Thư phát hiện bị ung thư.
Người đàn ông sinh ra trong gia đình nông dân có 8 anh chị em phải nhờ sự trợ giúp của người thân để con tiền chữa trị cho con. Bé Đan Thư lấy máu, truyền hóa chất nên nôn ói, xanh xao, sốt, lên cơn co giật. Anh Tám khổ tâm nhất là nhìn thấy đấy mà chẳng làm gì được để con bớt đau đớn.
”Tôi ước giá như mình có thể chịu đau thay con một lúc thôi cũng đỡ”, anh nói. Truyền hóa chất nhiều khiến mái tóc dày, đen mượt, là niềm tự hào của Đan Thư cứ rụng hoài.
Tóc rơi từng mảng xuống sàn nhà nên cô y tá phải cắt, cạo trọc. Bé ngồi khóc cả buổi chiều, làm nước mắt người cha chảy theo. “Mai này khỏe tóc con sẽ mọc lại thôi”, anh ôm lấy con an ủi.
Hai tháng ở TP HCM chỉ có chi, không thu, anh Tám biết nếu tiếp tục cuộc sống như vậy, cơ hội sống của con anh càng mong manh. Vì vậy, giữa tháng 9, anh chuyển bé về bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng điều trị, nhờ mẹ đã ngoài 70 tuổi đến bệnh viện trông cháu. Tám quay lại TP HCM chạy xe ba gác kiếm tiền điều trị cho con.
Thay vì làm đủ ăn, nay anh chạy xe đến đêm muộn mới về. Ai thuê gì làm được anh cũng nhận lời, “miễn sao không sai trái và có thêm tiền”. ”Mỗi tháng hắn gửi cho tui 5-7 triệu, nhưng tháng nào hết tháng đó. Giờ tui với ba nó già rồi, chỉ có công chăm cháu, chẳng có tiền giúp”, bà Nguyễn Thị Lẫm, 69 tuổi, mẹ anh Tám, nói.
Bà Lẫm bị đau lưng, sức yếu, nhưng có lần cháu sốt cả tuần, bà thức trắng đêm lau người, cho uống thuốc. Khi thấy sức khỏe không thể ở thêm trong bệnh viện, bà nhờ người nhà ở Quảng Nam ra thay ca.
”Giờ nội con bé cũng già rồi. Tôi sợ nhất là bà không trụ được, chẳng ai chăm con cho tôi đi làm kiếm tiền chữa trị cho bé nữa”, anh Tám tâm sự.
Tháng trước, tình trạng của Đan Thư trở nặng, anh Tám nhận điện, tim đập chân run, đặt vé máy bay về gấp. Chăm con suốt một tuần, qua cơn nguy kịch, ông bố lại trở lại TP HCM. ”Mẹ bé đã lập gia đình rồi nên không thể chăm con bé được, cũng không có điều kiện chu cấp kinh tế”, anh Tám nói.
Anh Lê Văn Thành, 27 tuổi, một đồng hương của bố con bé Đan Thư đang sống ở TP HCM cho biết, anh Tám vốn hiền lành, sống nặng tình nên khi con bị bệnh, anh gầy rộc vì suy sụp tinh thần và lao lực kiếm tiền. “Con bé cũng yêu ba, cần ba nên có bữa nó truyền hóa chất mệt, hối ba về với con. Xót con, anh Tám vừa vào TP HCM được một tuần, lại bay về. Chạy đi chạy về miết nên thu nhập cũng chẳng được bao nhiêu”, anh Thành kể.
Tối tối, sau một ngày làm việc, điều anh Tám mong chờ nhất là cuộc gọi với con gái. Những câu hỏi của anh lặp lại mỗi ngày, đầy sốt sắng. “Con khỏe rồi. Ba ráng khỏe, đi làm kiếm tiền rồi về thăm con nha”, bé Đan Thư đáp lời và động viên bố. Lòng người cha như dịu lại, trầm ngâm ngắm con qua màn hình.
Khi cuộc điện thoại kết thúc, Tám quay về nghe tiếng thở dài của mình trong phòng trọ nhỏ. Anh xem hết những bức ảnh hai cha con, những video bé Đan Thư gửi cho, rơi nước mắt lúc nào không hay.
“Tôi ước gì có một công việc thu nhập tốt hơn ở Đà Nẵng để có thể vừa đi làm, vừa ở bên con, bảo bọc con mỗi ngày. Tôi rất sợ điều không may đến, tôi chẳng còn cơ hội bên con”, người cha giọng nghẹn lại.
Phạm Nga
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Độc giả có thể xem thông tin chương trình tại đây.
Sau 2 tháng, dự án gây quỹ xây mới phòng học do Đông Tây Barbershop phối hợp cùng MoMo và Quỹ Hy vọng thực hiện đã cán mốc 100 triệu đồng. Từ ngày 16/9, Đông Tây Barbershop trích 5.000 đồng với mỗi giao dịch thanh…
Điểm trường làng Hrách và Lơ Pơ, huyện Kông Chro được Quỹ Hy vọng và các đơn vị tài trợ xây mới thay thế cho những lớp học đã xuống cấp, thấm dột. Ngày 14/11, gần 100 học sinh, giáo viên Điểm trường Hrách thuộc…
Học sinh trường TH & THCS Quang Minh tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng và ăn liên hoan trong ngày hội do Quỹ Hy vọng và De Heus tổ chức. Ngày hội dinh dưỡng học đường chủ đề “Vững bụng đến trường” được tổ…
Jomoo Việt Nam và trường Hy Vọng đã ký biên bản tài trợ thiết bị trị giá 2 tỷ đồng cho 138 phòng vệ sinh trong ngôi trường mới dành cho 300 trẻ mồ côi vì Covid-19, chiều 14/11. Phát biểu tại buổi ký kết,…
Men vi sinh chứa các vi sinh vật có lợi, hỗ trợ cải thiện cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cải thiện sức khỏe cơ thể song cần tránh lạm dụng. Nội dung: Văn HàThiết kế: Ngân Hà
Dự án Vệ sinh học đường giúp sức khỏe của 98% học sinh được cải thiện nhờ thay đổi thói quen sinh hoạt như rửa tay thường xuyên, không phóng uế bừa bãi, dọn dẹp định kỳ. Đỗ Nam – Kim Anh