SƠN LA – Phát hiện con gái mắc ung thư đúng giai đoạn Covid bùng phát dữ dội, hành trình chữa trị cho con của chị Lò Thị Huân vốn gian nan càng khó khăn hơn.
“Đời tôi chẳng thể nào quên được”, Lò Thị Huân ở bản Ỏ, Mường Sai, Sông Mã, nói về những ngày đầu phát hiện con gái Lò Thị Chi (7 tuổi) mắc ung thư.
Trước đó một năm, chị Huân thấy lưng bé Chi xuất hiện hạch to bằng ngón tay cái. Linh cảm của người mẹ thúc giục chị đưa con đi hơn 100 km xuống bệnh viện tỉnh Sơn La khám. Các bác sĩ kết luận bé bị u lành tính, chỉ cần phẫu thuật là ổn. Sau một tháng điều trị, Chi được về nhà, đến trường như bao đứa trẻ ở bản Ỏ.
Nhưng một năm sau, hạch lại mọc lên, lần này to như ngón chân cái, đẻ thêm một cái bên cạnh. “Con đau lưng, khó thở và sụt cân”, chị nhớ lại. Vợ chồng chị Huân lại đưa con đến viện. Lần này bác sĩ kết luận hạch ở lưng là khối u ác, khuyên chị nên cho bé xuống Hà Nội điều trị.
Nghe đến ung thư, vợ chồng Huân điếng người, tê dại. Suốt hai tháng liền, người mẹ cứ khóc cười lẫn lộn. Dân trong bản nói chị bị ma nhập, phải làm lễ cúng. “Nhưng có phải đâu, vì tôi sợ quá, thương con quá”, người mẹ sống bằng nghề trồng ngô, nói.
Chồng Huân không biết chữ, chị ý thức được mình phải là người đồng hành cùng con những ngày sắp tới ở thủ đô, nên cố trấn tĩnh. Covid-19 khiến những chuyến xe khách xuôi về Hà Nội không còn, Huân thuê xe riêng đưa con xuống viện. Mỗi chuyến cả đi cả về tốn 7 triệu đồng.
Người mẹ chuẩn bị ít thịt sấy khô, chăn gối và 20 triệu đồng cho chuyến đầu về thủ đô. “Đi 6 lần đều phải quay về vì dịch, bệnh viện không nhận. Đến lần thứ 7 được nhập viện nhưng không đúng tuyến, mẹ con lại quay về xin lại giấy tờ”, chị kể. Hành trình đi về không chỉ khiến họ kiệt sức mà còn sạch tiền tiết kiệm vì chỉ di chuyển đã mất 50 triệu đồng.
Tháng 3/2022, bé Chi nhập viện, điều trị tại khoa Nhi, bệnh viện K Tân Triều, Hà Nội. Ở đây, bé Lò Thị Chi được kết luận mắc u xương giai đoạn 4. Bệnh của Chi thuộc nhóm rất hiếm, một triệu trẻ mới có khoảng 1,7 trẻ mắc bệnh.
Người mẹ dân tộc Thái vừa hoảng vừa bối rối với lần đầu ở bệnh viện lớn, lại nhiều thủ tục vì Covid. Chị tự nhận mình ngu ngơ.
Có lần vào viện, điều dưỡng đưa con gái chị lên trước, dặn lưu số điện thoại, khi nào được gọi thì báo bảo vệ để cho lên với con. Nhưng Huân lưu nhầm số, bảo vệ không cho lên, chị chỉ biết ngồi khóc từ 14h-17h, khi điều dưỡng xuống trách ”sao không lên với con”, chị mới tất tả đi theo.
Con gái chị Huân trải qua 13 đợt truyền hóa chất, 25 mũi xạ trị, từ 24 kg con sụt còn 19 kg. Những đợt truyền hóa chất khiến bé nôn ói, đau nhức đến mất ngủ. Đó là những đêm trắng triền miên của người mẹ. “Tôi cho con nhấp từng ngụm sữa một vì chẳng ăn được gì”, chị nói.
Huân kể, đầu năm ngoái, bệnh nhân trong viện lần lượt mắc Covid, mẹ con chị được bác sĩ cho ra ngoài thuê trọ để tránh lây nhiễm. Nhưng ra được một hôm thì con test nhanh hai vạch, sang ngày hôm sau đến lượt mẹ. ”Không ai tiếp tế, tôi cố ra ngoài mới mua được chút thức ăn. Hai mẹ con ăn rồi ôm nhau khóc vì con Covid hành hạ”, chị kể.
Một tuần sau, khi sức khỏe ổn định, chị mới dám gọi cho chồng xuống đưa hai mẹ con về quê. Hết Covid, bác sĩ gọi, họ trở lại Hà thành.
Tháng 10 năm ngoái, bé Chi được chuyển sang bệnh viện Việt Đức phẫu thuật lần hai. Hiện tại, sức khỏe bé ổn định chỉ cần tái khám định kỳ và uống thuốc theo chỉ dẫn, tuy nhiên nguy cơ tái phát rất cao.
Để đồng hành cùng con đến viện, vợ chồng Huân đã dốc cạn tiền tiết kiệm, trong nhà cũng trống hoắc vì thứ gì có giá trị đều bán hết. “Nhà tôi bán 6 con bò, 7 con dê, một con lợn, tổng hơn 60 triệu đồng. Đấy là những thứ giá trị nhất, nhưng tôi vẫn còn nợ anh em họ hàng, lối xóm hơn 20 triệu nữa”, chị nói.
Ông Lò Văn Sướng, trưởng bản Ỏ cho biết, nếu các con khỏe mạnh, chăm chỉ như vợ chồng chị Huân chắc chắn sẽ không phải lo lắng kinh tế. Nhưng từ ngày con ốm, lên nương không đều, cuộc sống của họ chật vật hơn hẳn. Tới đây, ông Sướng sẽ đề xuất ưu tiên hộ chị Huân gia nhập 21 hộ nghèo, trong tổng 210 hộ, đều là người Thái của bản.
Chị Huân cho biết, vì vợ chồng mình thất học nên luôn ước muốn con được đến trường. Con gái ham học là động lực để chị cố gắng đồng hành cùng con mỗi ngày. Chi chăm ngoan, được thầy Hoàng Văn Chiến, chủ nhiệm lớp 4A, trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và trung học cơ sở Mường Phai nhận xét là học sinh giỏi thứ hai của lớp. ”Em ấy đi viện nhưng về lại đòi đến lớp, học đứt quãng nhưng không thua bạn bè”, thầy giáo nói.
“Với căn bệnh của con, sẽ còn nhiều hành trình bất ngờ, gian nan hơn nữa, nhưng chỉ cần con ở cạnh mình, vợ chồng tôi tự hứa sẽ còn cố gắng”, chị Huân nói.
Phạm Nga
Sau 2 tháng, dự án gây quỹ xây mới phòng học do Đông Tây Barbershop phối hợp cùng MoMo và Quỹ Hy vọng thực hiện đã cán mốc 100 triệu đồng. Từ ngày 16/9, Đông Tây Barbershop trích 5.000 đồng với mỗi giao dịch thanh…
Điểm trường làng Hrách và Lơ Pơ, huyện Kông Chro được Quỹ Hy vọng và các đơn vị tài trợ xây mới thay thế cho những lớp học đã xuống cấp, thấm dột. Ngày 14/11, gần 100 học sinh, giáo viên Điểm trường Hrách thuộc…
Học sinh trường TH & THCS Quang Minh tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng và ăn liên hoan trong ngày hội do Quỹ Hy vọng và De Heus tổ chức. Ngày hội dinh dưỡng học đường chủ đề “Vững bụng đến trường” được tổ…
Jomoo Việt Nam và trường Hy Vọng đã ký biên bản tài trợ thiết bị trị giá 2 tỷ đồng cho 138 phòng vệ sinh trong ngôi trường mới dành cho 300 trẻ mồ côi vì Covid-19, chiều 14/11. Phát biểu tại buổi ký kết,…
Men vi sinh chứa các vi sinh vật có lợi, hỗ trợ cải thiện cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cải thiện sức khỏe cơ thể song cần tránh lạm dụng. Nội dung: Văn HàThiết kế: Ngân Hà
Dự án Vệ sinh học đường giúp sức khỏe của 98% học sinh được cải thiện nhờ thay đổi thói quen sinh hoạt như rửa tay thường xuyên, không phóng uế bừa bãi, dọn dẹp định kỳ. Đỗ Nam – Kim Anh