LONG AN- Hơn một năm nay, khoảnh khắc hạnh phúc nhất của chị Phạm Thị Tiền là có một bữa cơm bình dị với chồng và con trai khi cả hai không phải nằm viện.
Chị Tiền (32 tuổi) cùng chồng, anh Bùi Văn Sang từng có cuộc sống bình lặng nhưng yên ấm ở ấp Trung Chánh, xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng. Chị học xong cấp ba thì lấy chồng, hai nhà cách nhau 300 mét. Đôi vợ chồng trẻ hạnh phúc hơn khi con trai Gia Huy chào đời.
Vài năm trước, cặp vợ chồng vốn chỉ làm thuê, cuốc mướn tưởng như sẽ được “đổi đời” sau khi sắm được cái máy cày hơn 90 triệu đồng để cày thuê khắp xã. Nhưng không lâu sau, anh Sang thấy chân tay phù, cơ thể mệt mỏi. Đến bệnh viện, anh biết mình bị suy thận giai đoạn cuối, phải lọc máu cấp cứu. Kể từ đó, tuần ba lần, hai vợ chồng bắt xe khách từ Long An lên TP HCM chạy thận. Mỗi lần, tiền xe khách một người, cả hai lượt là 300 nghìn đồng, thêm 120 nghìn đồng xe ôm.
Suy thận kéo theo hàng loạt biến chứng gây suy tim, hở van tim, giãn tĩnh mạch khiến anh Sang không thể đi làm. Chị Tiền vì theo chồng đi chạy thận nên chỉ ra đồng được tuần bốn ngày. “Tiền vợ chồng tiết kiệm cứ thế cạn, phải vay mượn thêm họ hàng”, chị kể.
Cái máy cày cần câu cơm của gia đình từ ngày đó cũng để chơ vơ trong vườn. Hai vợ chồng gọi người đến bán, bằng nửa giá lúc họ mua để thêm tiền cho anh Sang trị bệnh. Họ đi về giữa Long An và TP HCM nhiều đến mức quen mặt trên các chuyến xe khách, chủ xe thương, thường chỉ tính hai người một suất rưỡi.
Khi đôi vợ chồng trẻ dần lấy lại được cân bằng thì tháng 9 năm ngoái, con trai Bùi Gia Huy, 11 tuổi, đột nhiên mệt mỏi, méo mồm, méo miệng. Chị Tiền đưa con từ bệnh viện Nhi đồng 2 rồi sang bệnh viện Huyết học làm hàng loạt xét nghiệm mới phát hiện con bị ung thư máu.
“Đời tôi chỉ có hai người quan trọng nhất là chồng và con trai giờ cả hai đều ở cửa tử. Tôi không thiết sống nữa”, người phụ nữ 32 tuổi nói.
Anh Sang cũng muốn kết thúc cuộc đời, khi thấy thêm một gánh nặng nữa đè lên vai vợ. “Anh là chồng nhưng không sản sẻ được cho em lại còn làm em khổ thêm”, anh bảo với vợ. Nhìn chồng, nhìn con, Tiền biết lúc này chị phải mạnh mẽ hơn nữa, phải sống để đồng hành với những người quan trọng nhất đời mình.
Thay vì cùng chồng đi chạy thận, chị nhờ người nhà hỗ trợ còn mình toàn tâm đi điều trị cùng con trai. Gia Huy bước vào các đợt hóa trị, cứ sau một đợt lại được về nhà một tuần. Những ngày đó, chị lại gửi con cho ông bà nội và bà ngoại còn mình tiếp tục cùng chồng đến viện. Về quê, gà chưa gáy chị lại đội nón ra đồng làm thuê, kiếm thêm đồng chi phí. Thi thoảng, chị nhờ em chồng chăm con để đồng hành cùng chồng, động viên tinh thần anh.
Căng thẳng nhất với chị Tiền là những lúc ở bệnh viện Nhi đồng 2 chăm con thì nhận được tin chồng đang chạy thận ở bệnh viện Đa khoa Tâm trí phải cấp cứu. Những lúc đó chị cũng không biết làm thế nào, bỏ con không đành, để chồng một mình không nỡ. “Thế nên mỗi lần con được về, chồng không phải đi chạy thận, cả nhà có bữa cơm chung, cơm rau thôi cũng thấy thật may mắn”, chị nói.
Người thân, hàng xóm đều khó khăn nên dẫu thương cũng chỉ hỗ trợ được phần nhỏ, như muối bỏ biển. Bố mẹ chồng chị đã lớn tuổi nhưng vẫn phải đi làm phụ các con có thêm chi phí. “Giờ nhà tui nợ tùm lum, phải hơn trăm triệu. Tui có mảnh đất vườn đang rao bán mà chưa có người mua”, bà Âu Thị Chung, 68 tuổi, mẹ chồng Tiền tâm sự. Bà cho biết con dâu vẻ ngoài to khỏe nhưng mang nhiều bệnh trong người và chồng bà cũng phải điều trị bệnh phổi, vừa được ra viện tuần trước.
Ông Văn Đông, trưởng ấp Trung Chánh, xã Thái Bình Trung cho biết, khi anh Sang và con trai chưa mắc bạo bệnh, gia đình chị Tiền vẫn là một trong những hộ khá ở ấp nhờ chăm chỉ, chịu khó. Nhưng từ năm 2021 trở đi, bệnh tình liên tục ập đến, họ gia nhập vào nhóm 11 hộ cận nghèo, bên cạnh bốn hộ nghèo khác, trong tổng số 165 hộ dân thuộc ấp này.
Dẫu không thể đoán trước tương lai, chị Tiền mong trời thương, cho mình sức khỏe để là điểm tựa cho chồng và con trai dựa vào. Chị không hy vọng bệnh tình của anh Sang hay Gia Huy khỏi hẳn bệnh, nhưng cầu hai người quan trọng nhất đời mình vẫn ở đó, để thi thoảng cả nhà có bữa cơm chung, chị có động lực thức dậy mỗi sớm mai.
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước.
Phạm Nga
Sau 2 tháng, dự án gây quỹ xây mới phòng học do Đông Tây Barbershop phối hợp cùng MoMo và Quỹ Hy vọng thực hiện đã cán mốc 100 triệu đồng. Từ ngày 16/9, Đông Tây Barbershop trích 5.000 đồng với mỗi giao dịch thanh…
Điểm trường làng Hrách và Lơ Pơ, huyện Kông Chro được Quỹ Hy vọng và các đơn vị tài trợ xây mới thay thế cho những lớp học đã xuống cấp, thấm dột. Ngày 14/11, gần 100 học sinh, giáo viên Điểm trường Hrách thuộc…
Học sinh trường TH & THCS Quang Minh tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng và ăn liên hoan trong ngày hội do Quỹ Hy vọng và De Heus tổ chức. Ngày hội dinh dưỡng học đường chủ đề “Vững bụng đến trường” được tổ…
Jomoo Việt Nam và trường Hy Vọng đã ký biên bản tài trợ thiết bị trị giá 2 tỷ đồng cho 138 phòng vệ sinh trong ngôi trường mới dành cho 300 trẻ mồ côi vì Covid-19, chiều 14/11. Phát biểu tại buổi ký kết,…
Men vi sinh chứa các vi sinh vật có lợi, hỗ trợ cải thiện cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cải thiện sức khỏe cơ thể song cần tránh lạm dụng. Nội dung: Văn HàThiết kế: Ngân Hà
Dự án Vệ sinh học đường giúp sức khỏe của 98% học sinh được cải thiện nhờ thay đổi thói quen sinh hoạt như rửa tay thường xuyên, không phóng uế bừa bãi, dọn dẹp định kỳ. Đỗ Nam – Kim Anh