TP HCM- Giữa lúc con gái bệnh nặng, chị Trần Thị Thương (53 tuổi, ở TP HCM) biết chồng không còn muốn đồng hành cùng ba mẹ con mình.
Chị Thương quê gốc Ninh Hòa, Nha Trang kết hôn rồi theo chồng về Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Cuộc sống nơi quê nhà khó khăn, không đủ nuôi hai con ăn học, họ khăn gói đưa nhau xuống TP HCM thuê trọ mưu sinh. Người phụ nữ buôn bán nhỏ ở chợ, chồng chị chạy xe khách thuê cho chủ.
“Anh rất thương con. Hai đứa nhỏ cũng ngoan, chịu khó học hành”, chị kể. Nhờ chịu khó làm ăn, họ cất được ngôi nhà nhỏ ở quê chồng để đi về mỗi dịp quan trọng.
Đầu năm 2018, đột nhiên bé Lê Trần Thanh Nhã, 10 tuổi, kêu nhức chân, chân bầm tím dù chẳng vấp té ở đâu. Một hôm, đang đi làm, chị Thương nhận được tin báo con ngất xỉu ở lớp. Đây là mở đầu cho chuỗi bi kịch của gia đình.
Qua ba bệnh viện từ tuyến quận đến trung ương, họ dừng chân ở bệnh viện Huyết học – Truyền máu TP HCM. Bác sĩ kết luận con gái chị bị bệnh ung thư máu, phải điều trị lâu dài, sẽ tốn hàng trăm triệu đồng.
“Giữa lúc tui chơi vơi nhất thì ba bé bỏ đi. Tôi năn nỉ anh ở lại đi làm kiếm tiền nuôi con để tui ở viện trông bé mà anh không chịu”, chị Thương kể.
Từ một người đàn ông yêu thương con, chị thấy anh lạnh lùng khó hiểu. “Anh cho tui chọn hoặc lấy 200 triệu bán nhà để chữa bệnh cho con để li dị hoặc không có gì cả. Lạy lục không được, giữa lúc cần tiền gấp, tui chọn lấy tiền đưa con đi viện”, chị nói.
Chỉ trong một tháng, không còn chồng, nhà bán, con bệnh nặng, chị Thương sụt 6kg khiến nhiều người quen không nhận ra.
Suốt hơn một năm, bé Thanh Nhã phải nằm viện điều trị, trải qua 5 đợt truyền hóa chất. Phần vì phiền muộn, phần vì thương con mỗi lần truyền thuốc là nôn ói, ăn không được, người mẹ cứ thức triền miên. Không đi làm được, lại phải nuôi con trai lớn đi học, số tiền 200 triệu dần vơi.
Khó khăn nhất với mẹ con chị Thương là giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát. Hồi đó, TP HCM là tâm dịch, nhà chị Thương không có gạo ăn. Bé Thanh Nhã đột nhiên đau đầu, ói liên miên. “Ba mẹ con ôm nhau khóc vì không có tiền đến bệnh viện”, chị kể.
Người mẹ đánh liều nhắn tin nhờ bà tổ phó tổ dân phố kêu gọi người dân trong tổ hỗ trợ. Lần đó, mẹ con chị Thương được giúp 12 triệu đồng. Năn nỉ mãi, chị cũng thuê được một taxi đưa con đến bệnh viện điều trị. Nằm trong viện, người mẹ lại lo con trai một mình không biết xoay xở ra sao.
“Dịch bệnh, người lao động bình thường đã khổ, chị còn một mình nuôi con bệnh nặng thì còn khổ hơn”, bà Trần Trần Bích Thảo, tổ phó tổ dân phố số 4, phường 14, quận 5, nơi chị Thương thuê trọ, kể. Nhà có gì bà Thảo lại mang qua cho mẹ con chị. Ở tổ dân phố, ở phường có quà bà luôn ưu tiên dành cho mẹ con chị Thương một suất. Trời thương nên sau hơn một năm, sức khỏe con ổn định hơn, cứ một tháng, sau đó ba tháng mới phải tái khám một lần.
Lê Trí Vỹ, 16 tuổi, con trai chị Thương thấy mẹ khó khăn nên đòi nghỉ học để đi làm phụ nuôi em. Cậu cũng nói nguyện vọng với bà Thảo, nhưng cả mẹ và bà tổ phó khuyên Vỹ tiếp tục việc học. “Con ráng lên, ít nhất cũng có cái bằng cấp ba chứ không khổ lắm”, bà Thảo động viên. Để có tiền ăn học, cậu thiếu niên đi bưng bê ở quán ăn từ 17h đến 22h, mỗi giờ 30.000 đồng.
Dịch bệnh lắng xuống, chị Thương mua trái cây về bán. Biết chị khó khăn, bà con trong tổ dân phố số 4 đều mua ủng hộ. Một thời gian sau, Thương theo bạn về Nha Trang làm môi giới bất động sản, kiếm tiền gửi về cho hai đứa con đang tự chăm nhau.
Nhưng thu nhập không như mong đợi, chỉ thời gian ngắn, chị lại về lại TP HCM bán hàng online, bán trái cây rong quanh phố.
Đầu năm nay, bé Thanh Nhã đột nhiên nhức mỏi, mặt mày xanh xao. Bác sĩ tuyến quận bảo cô bé bị sốt xuất huyết, người mẹ mừng thầm. Nhưng tới bệnh viện Nhiệt đới TP HCM, bác sĩ khuyên nên đưa con về lại bệnh viện Huyết học – Truyền máu. Bệnh ung thư thêm lần nữa tái phát, đeo bám cô bé.
Biết tình cảnh của chị, bà Thảo gợi ý chị nên lên nhóm của khu dân cư xin giúp đỡ, bà sẽ đỡ lời thêm. Lần đó, nhờ lòng hảo tâm, chị Thương có thêm 5 triệu đồng đưa con nhập viện.
Hiện tại, vì phải chăm con, chị Thương không đi làm nên chẳng có thu nhập. Theo phác đồ, con gái chị phải điều trị 7 đợt, giờ còn 4 đợt nữa.
“Phòng trọ đang ở người ta cũng sắp lấy lại. Tôi không biết phải làm sao nữa, khi khó khăn cứ chồng lên nhau”, người mẹ nói, tay xoa lên mái tóc con gái đang mê mệt, vừa nhập viện vì sốt cao.
Phạm Nga
Sau 2 tháng, dự án gây quỹ xây mới phòng học do Đông Tây Barbershop phối hợp cùng MoMo và Quỹ Hy vọng thực hiện đã cán mốc 100 triệu đồng. Từ ngày 16/9, Đông Tây Barbershop trích 5.000 đồng với mỗi giao dịch thanh…
Điểm trường làng Hrách và Lơ Pơ, huyện Kông Chro được Quỹ Hy vọng và các đơn vị tài trợ xây mới thay thế cho những lớp học đã xuống cấp, thấm dột. Ngày 14/11, gần 100 học sinh, giáo viên Điểm trường Hrách thuộc…
Học sinh trường TH & THCS Quang Minh tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng và ăn liên hoan trong ngày hội do Quỹ Hy vọng và De Heus tổ chức. Ngày hội dinh dưỡng học đường chủ đề “Vững bụng đến trường” được tổ…
Jomoo Việt Nam và trường Hy Vọng đã ký biên bản tài trợ thiết bị trị giá 2 tỷ đồng cho 138 phòng vệ sinh trong ngôi trường mới dành cho 300 trẻ mồ côi vì Covid-19, chiều 14/11. Phát biểu tại buổi ký kết,…
Men vi sinh chứa các vi sinh vật có lợi, hỗ trợ cải thiện cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cải thiện sức khỏe cơ thể song cần tránh lạm dụng. Nội dung: Văn HàThiết kế: Ngân Hà
Dự án Vệ sinh học đường giúp sức khỏe của 98% học sinh được cải thiện nhờ thay đổi thói quen sinh hoạt như rửa tay thường xuyên, không phóng uế bừa bãi, dọn dẹp định kỳ. Đỗ Nam – Kim Anh