HÀ NỘI- Mới lọt lòng bé Dũng đã hỏng một mắt và phải chiến đấu bảo vệ mắt còn lại nhưng 14 năm sau, em lại bước vào cuộc chiến mới để giữ lại đôi chân.
Khi mới chào đời năm 2008, cậu bé Hoàng Tuấn Dũng, con đầu lòng của vợ chồng chị Kim Tuyến và anh Hoàng Văn Tuấn (ở Lạng Giang, Bắc Giang) nặng 3,9 kg, bụ bẫm, kháu khỉnh, ai nhìn cũng thích.
Lúc con ba tháng tuổi, chị Tuyến chột dạ khi thấy mắt con sáng như mắt mèo trong đêm. Đưa con đi khám, đôi vợ chồng gục ngã trước kết luận Dũng bị ung thư võng mạc, mắt trái hỏng hoàn toàn, mắt phải hỏng 50%.
Cậu bé sơ sinh phải bước vào ca đại phẫu loại bỏ mắt trái nhằm ngăn tế bào ung thư lan rộng. Ngay sau đó con sang Bệnh viện K cơ sở 2 Tam Hiệp (Hà Nội), bước vào lộ trình hóa trị để giữ một bên mắt còn lại.
Chị Tuyến kể, chăm một đứa trẻ sơ sinh bình thường đã khó, đằng này con suốt ngày bị chọc ven, chọc tủy, lấy máu. Hóa chất vào người, cơ thể non nớt của con đau đớn, nhưng chỉ biết bộc lộ qua tiếng khóc.
Những ngày đầu đi chữa trị càng thêm gian nan vì đúng trận lụt lịch sử ở Hà Nội. Đường tới bệnh viện suốt từ Giải Phóng, Linh Đàm đến Tân Triều mênh mông biển nước. Cặp vợ chồng người ôm con, người ôm đồ, ngồi trên chiếc thuyền tôn di chuyển mất nửa ngày mới tới được bệnh viện. Trời thì mưa, con thì khóc.
Hai năm đầu ở viện đằng đẵng, cuối cùng bé Dũng cũng kết thúc đợt điều trị, từ đó chỉ duy trì khám định kỳ. Tuy nhiên vì chỉ còn một bên mắt, nên học lực Dũng không được như các bạn. Những ngày đầu mới đến trường con hay tủi thân. Có những ngày tan học về nhà là nhào vào lòng bố mẹ khóc, kể có bạn này trêu, bạn kia chọc.
Anh Tuấn cho biết tính con lạc quan, lại rất ngoan hiền. Gia đình trọ ở quận Đống Đa (Hà Nội). Mẹ làm công nhân nhà máy, bố làm thợ cơ khí gần nhà. Trưa nào Dũng cũng nấu cơm sẵn chờ bố về cùng ăn. Cậu bé đưa đón hai em đi học, nhiều hôm còn tắm rửa cho các em để bố mẹ yên tâm đi làm.
Một ngày tháng 4/2021, đứa trẻ ngoan ấy bảo bị đau xương khi ngã trên trường. Ban đầu bác sĩ khám chỉ bảo đau phần mềm, cho thuốc uống không đỡ. Sau đi chỗ khác kiểm tra bác sĩ thấy có đọng máu nên hút ra, đắp thuốc. Nhưng về con đau đớn suốt hai ngày không chịu nổi, buộc phải vào viện.
Bác sĩ nói cần phải phẫu thuật làm sinh thiết. Nghe từ “sinh thiết”, ký ức kinh hoàng hơn chục năm trước dội về. Lòng anh Tuấn, chị Tuyến bất an, lo sợ. Linh cảm về một chuyện xấu đã xảy ra: Tuấn Dũng bị ung thư xương.
“Vợ tôi sốc nặng. Từ năm con bị ung thư võng mạc, thần kinh cô ấy đã quá tải, người lúc nào cũng lo nghĩ thất thần. Lại thêm tai nạn bỏng phải điều trị hai năm, khiến sức khỏe cô ấy không còn như trước”, anh Tuấn chia sẻ.
Tỷ lệ một người mắc hai bệnh ung thư khác nhau rất thấp, nhưng điều đó lại xảy đến với cậu bé. Lần này, bác sĩ tiên lượng bệnh tình xấu hơn rất nhiều, khả năng cao sẽ phải phẫu thuật cắt chân. Nghe hai từ đó Dũng òa khóc, cầu xin bố mẹ, bác sĩ giữ chân cho mình. “Không có chân con không dám đi học, không dám ra đường gặp ai nữa đâu”, cậu bé nói.
Tuấn Dũng hạ quyết tâm sẽ cố gắng giữ bằng được chân, dù có phải chịu bao đau đớn. Vợ chồng anh Tuấn thương con nên chạy vạy vay mượn, quyết tâm ghép cho con loại xương tốt nhất, với chi phí chỉ riêng một lần phẫu thuật đã tới 700 triệu đồng.
Trước ca phẫu thuật tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Dũng trải qua ba đợt truyền hóa chất. Đặc điểm của thuốc trị tế bào ung thư là theo cân nặng, Dũng nặng tới hơn 70 kg, mỗi lần phải truyền song song ba loại hóa chất. Xung quanh giường bệnh của con treo 5 loại máy tiêm truyền khác nhau. Nhiều loại thuốc của con phải mua ngoài, có những tuần chi phí thuốc lên tới 40-50 triệu đồng.
Hóa chất vào khiến con lở loét khắp người. Những vết loét to như cái bát, khiến con như phải chịu cực hình từng giây từng phút. “Vợ chồng tôi chẳng biết làm gì cả, ngoài xoa bóp cho con suốt ngày đêm”, người cha kể.
Vào những lúc đau đớn không chịu nổi, Dũng luồn dây quanh người buộc mình lại như buộc con cua co quắp. Có lần con đi vệ sinh, choáng quá ngã trong nhà tắm, gãy luôn hai răng cửa.
Tháng 12/2021, Tuấn Dũng bước vào ca ghép xương kéo dài suốt 12 tiếng. Ca mổ thành công và con đã đi lại được, vẫn đến trường đi học cùng được với bạn bè.
Tuy nhiên chỉ được nửa năm, con lại phải mổ bỏ xương sau một cú va chạm làm chân sưng lên, có vết bầm. Trong thời gian đó, chân của Dũng buộc phải đặt thép vào, nẹp lại. Cũng vì thế mà chân không thể co, lúc nào cũng thẳng tắp. Cậu bé chẳng biết làm gì khác ngoài duỗi ngang duỗi dọc. Nhiều khi mỏi quá con giơ chân thẳng lên trời.
Nỗi đau những lần phẫu thuật tưởng chết đi sống lại, cộng với những khiến cậu bé bắt đầu lung lay quyết tâm giữ chân. Trước ca mổ thay xương lần hai, cậu bé 15 tuổi bỗng thay đổi quyết định nói: “Thôi cắt chân con đi”.
Anh Tuấn, chị Tuyến không thể quên ngày định mệnh tháng 10/2022, trời mưa tầm tã suốt cả ngày. Tuấn Dũng vào phòng mổ Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn lúc 14h. Tới gần 17h bác sĩ báo ra bệnh viện thiếu máu và yêu cầu gia đình tự đi đến Viện Huyết học truyền máu trung ương lấy về vì đang giờ cao điểm tắc đường, xe bệnh viện sẽ vận chuyển chậm hơn.
Anh Tuấn lao ra đường bắt xe ôm. Trên đường đi có những đoạn tắc đường chỉ muốn nhảy xuống xe chạy bộ cho nhanh. Ôm thùng máu mà lòng anh nóng như lửa đốt, chỉ sợ không về kịp lúc con cần máu. Sau 12 tiếng, ca mổ của Tuấn Dũng mới kết thúc.
Khi tỉnh lại, cậu bé không kêu đau mà hỏi: “Con mất chân rồi ạ?”. Anh Tuấn nhìn con, không nói chỉ gật. Cậu bé ngoảnh mặt đi khóc nức nở.
Những ngày đầu không còn chân rồi cũng thành quen, Tuấn Dũng học cách dùng chân giả để đi lại. Con vẫn tiếp tục lộ truyền hóa chất hết lộ trình.
Bao nhiêu năm con đi viện, vợ chồng anh Tuấn cố gắng quá sức mình để lo tiền bạc chạy chữa, chỉ mong giữ sự sống cho con. Hôm 20/5, Tuấn Dũng tái khám định kỳ, nhưng phát hiện đã di căn phổi. Lần thứ ba trong đời cậu bé lại bắt đầu một lộ trình truyền hóa chất mới.
“Tôi biết ung thư là trường kỳ, nhưng không biết cuối con đường của nhà mình có ánh sáng không nữa”, người cha nghẹn ngào.
Phan Dương
Điểm trường làng Hrách và Lơ Pơ, huyện Kông Chro được Quỹ Hy vọng và các đơn vị tài trợ xây mới thay thế cho những lớp học đã xuống cấp, thấm dột. Ngày 14/11, gần 100 học sinh, giáo viên Điểm trường Hrách thuộc…
Học sinh trường TH & THCS Quang Minh tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng và ăn liên hoan trong ngày hội do Quỹ Hy vọng và De Heus tổ chức. Ngày hội dinh dưỡng học đường chủ đề “Vững bụng đến trường” được tổ…
Jomoo Việt Nam và trường Hy Vọng đã ký biên bản tài trợ thiết bị trị giá 2 tỷ đồng cho 138 phòng vệ sinh trong ngôi trường mới dành cho 300 trẻ mồ côi vì Covid-19, chiều 14/11. Phát biểu tại buổi ký kết,…
Men vi sinh chứa các vi sinh vật có lợi, hỗ trợ cải thiện cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cải thiện sức khỏe cơ thể song cần tránh lạm dụng. Nội dung: Văn HàThiết kế: Ngân Hà
Dự án Vệ sinh học đường giúp sức khỏe của 98% học sinh được cải thiện nhờ thay đổi thói quen sinh hoạt như rửa tay thường xuyên, không phóng uế bừa bãi, dọn dẹp định kỳ. Đỗ Nam – Kim Anh
Công ty De Heus Việt Nam tài trợ 1,2 tỷ đồng cho dự án “Dinh dưỡng học đường” của Quỹ Hy vọng, cải thiện bữa ăn của học sinh ở ba trường ở Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An. Ba trường được dự án hỗ…