GIA LAI- Đinh Thị Lơnh mồ côi cả cha mẹ khi mới lên 8, không một ngày được đi học, cả thanh xuân sống bình yên bên người chồng đồng cảnh, cho đến khi con trai bệnh nặng.
Lơnh (26 tuổi) ở làng Kte – Kchăng, xã Đắk Song, huyện Kông Chro (Gia Lai) mãi chẳng thể quên tháng 10/2021, khi bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 thông báo con trai Đinh Văn Nguyên (5 tuổi) mắc căn bệnh “nếu không điều trị có thể không sống được”.
“Về sau nghe bác sĩ, y tá nói nhiều em mới biết tên bệnh là u nguyên bào thần kinh, một dạng ung thư”, Lơnh kể bằng tiếng Kinh không sõi. Trước đó, con trai cô đột nhiên kêu đau chân, chẳng thể đứng. Đứa trẻ được bố mẹ chuyển từ bệnh viện huyện đến tỉnh, rồi vào TP HCM.
Biết con bệnh nặng, hai vợ chồng không khóc, lập tức trở lại Gia Lai nhờ người quen trong làng làm thủ tục vay ngân hàng được 15 triệu đồng để đi viện. Năm ngoái, họ chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế. Hành trình khó khăn hơn khi cả Lơnh và chồng Đinh Honh (27 tuổi) đều không biết chữ.
Chị Huỳnh Hoa, 34 tuổi, một người nhà bệnh nhân cùng phòng của Lơnh cho biết mỗi khi cần làm thủ tục gì các y tá hoặc người nhà bệnh nhân cùng phòng cũng phải giúp. “Nói chung nhà em ấy vừa không có tiền, vừa không có chữ, khó khăn nhất phòng”, chị nói.
Con trai duy nhất bị ung thư không phải biến cố đầu tiên trong đời Đinh Thị Lơnh. Cô mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sống với chị gái và anh rể. Không đi học, nhỏ xíu Lơnh đã biết làm việc vặt trong nhà, 14 tuổi theo chị vào rẫy cuốc đất, trồng lúa, trồng khoai lấy cái ăn.
Ở tuổi 19, sau vài mâm cỗ, Lơnh theo Honh về làm vợ, dù chẳng được mặc váy cô dâu. Hai vợ chồng có hai sào đất đỏ để trồng lúa, trồng khoai. Họ đi làm thuê mỗi người được hơn 100 nghìn đồng một ngày. Công việc không đều đặn, có bữa cả nhà chỉ có cơm với rau rừng nhưng vui vẻ.
Từ ngày con bệnh, hai vợ chồng bỏ rẫy ra Huế, Lơnh “thấy mình như trượt chân từ đỉnh núi xuống”. “Em không cha mẹ, không biết chữ, giờ không đi làm nên không có một đồng luôn”, Lơnh kể.
Anh Đinh Văn Ếch, trưởng làng Kte – Kchăng cho biết, trước khi con bệnh, vợ chồng Lơnh đã nằm trong danh sách 57 hộ nghèo, trong tổng 120 hộ ở làng. Trong nhà sàn của vợ chồng Lơnh không xe đạp, không TV, tủ lạnh. Mái tôn thủng lỗ chỗ nên chỉ ngon giấc vào mùa khô.
Ban đầu, người làng chỉ biết con Lơnh nằm viện, không rõ bệnh nặng nhẹ thế nào. Cán bộ trong làng trích quỹ một triệu đồng phụ giúp đôi vợ chồng trẻ. Về sau nghe tin bé Nguyên mắc bệnh hiểm nghèo, cả làng gom người vài nghìn đến vài chục nghìn ủng hộ.
“Bà con đều nghèo nên muốn cũng không có nhiều để giúp. Chính quyền xã thì hỗ trợ được vài triệu đồng, dành các suất quà cho họ nếu có”, anh Ếch nói. Vì hai bên cha mẹ đều không còn, anh em nghèo khó nên họ chẳng thể dựa vào người thân.
Một năm qua, vợ chồng Lơnh sống nhờ tình thương của dân làng, các mạnh thường quân đến thăm, của các bác sĩ và người nhà bệnh nhân bệnh viện Trung ương Huế. Thỉnh thoảng có mạnh thường quân đến cho tiền, cô lấy mua đồ ăn, mua thêm tôm, cá để bổ sung dinh dưỡng cho con.
Vài tháng gần đây, ở quê không có việc, chồng Lơnh bắt xe ra Huế với vợ con. Người vợ và con trai nằm giường, chồng nằm sàn bệnh viện. Họ mua đồ ăn nấu chung với người nhà bệnh nhân ở cùng phòng tại nhà Hy Vọng – nơi phụ huynh có con điều trị ung thư nấu ăn, giặt giũ.
Lơnh ra Huế như bước đến một thế giới khác. Cô học được nhiều cái hay, biết nhiều người, khác hẳn với cuộc sống ở vùng đất đỏ. Không chỉ nhìn thấy đường sá, xe cộ, nhà cửa rộng rãi, Lơnh được các chị cùng phòng hướng dẫn nấu tôm, mực, cá cho con sau ghép tủy. “Ở quê tôi chỉ ăn rau rừng với thỉnh thoảng có thịt, không ăn hải sản bao giờ”, cô kể.
Theo bệnh án của bệnh viện Trung ương Huế, Đinh Văn Nguyên phải hóa trị, phẫu thuật, ghép tủy, xạ trị, trong thời gian một năm, với chi phí 150 triệu đồng. Toàn bộ chi phí gia đình cho biết không có khả năng lo, đều nhờ bệnh viện kêu gọi các cá nhân, tổ chức hỗ trợ.
Hiện tại, bé Nguyên đã ghép tủy, đỡ quấy khóc, ăn được mỗi bữa gần bát cháo. Những bữa ăn của gia đình ba người đơn giản hay đủ chất vẫn dựa vào những tấm lòng hảo tâm.
Lơnh mong con sớm khỏe để cả nhà về quê, cùng đi rẫy, làm thuê, sống cuộc đời bình yên như trước.
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước.
Phạm Nga
Sau 2 tháng, dự án gây quỹ xây mới phòng học do Đông Tây Barbershop phối hợp cùng MoMo và Quỹ Hy vọng thực hiện đã cán mốc 100 triệu đồng. Từ ngày 16/9, Đông Tây Barbershop trích 5.000 đồng với mỗi giao dịch thanh…
Điểm trường làng Hrách và Lơ Pơ, huyện Kông Chro được Quỹ Hy vọng và các đơn vị tài trợ xây mới thay thế cho những lớp học đã xuống cấp, thấm dột. Ngày 14/11, gần 100 học sinh, giáo viên Điểm trường Hrách thuộc…
Học sinh trường TH & THCS Quang Minh tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng và ăn liên hoan trong ngày hội do Quỹ Hy vọng và De Heus tổ chức. Ngày hội dinh dưỡng học đường chủ đề “Vững bụng đến trường” được tổ…
Jomoo Việt Nam và trường Hy Vọng đã ký biên bản tài trợ thiết bị trị giá 2 tỷ đồng cho 138 phòng vệ sinh trong ngôi trường mới dành cho 300 trẻ mồ côi vì Covid-19, chiều 14/11. Phát biểu tại buổi ký kết,…
Men vi sinh chứa các vi sinh vật có lợi, hỗ trợ cải thiện cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cải thiện sức khỏe cơ thể song cần tránh lạm dụng. Nội dung: Văn HàThiết kế: Ngân Hà
Dự án Vệ sinh học đường giúp sức khỏe của 98% học sinh được cải thiện nhờ thay đổi thói quen sinh hoạt như rửa tay thường xuyên, không phóng uế bừa bãi, dọn dẹp định kỳ. Đỗ Nam – Kim Anh