SƠN LA- Một tay chăm cháu ngoại từ ngày còn đỏ hỏn, nay thằng bé bị bệnh chảy máu cam không dừng, đi khám khắp nơi không ra bệnh, chị Thâm không chấp nhận nổi.
Bé Phan Định Giang ở với ông bà ngoại từ lúc hai tháng tuổi vì bố mẹ ly hôn rồi cùng lập gia đình mới, gia cảnh đều nghèo khó.
Chị Lò Thị Thâm, 47 tuổi, ở thôn Ruộng, xã Tường Phù, huyện Phù Yên cho biết con gái làm mẹ lúc mới 17 tuổi nên chưa biết làm ăn, suy nghĩ. Khi vợ chồng bỏ nhau, đứa cháu ngoại hai tháng được gửi về cho chị nuôi. Chị phải thuyết phục mãi người mẹ mới cho bé Giang bú được tới năm tháng tuổi thì bỏ lại, nói là đi làm ăn. Hơn 13 năm qua, chị Thâm trở thành mẹ của cậu bé.
Từ cuối năm học lớp 7, sức khỏe của Giang bỗng yếu hẳn. Nhiều hôm đi học về em kêu đau đầu rồi ngủ thiếp đi trước bữa cơm. Cậu bé bắt đầu bị chảy máu cam ngày một nhiều.
Chưa từng gặp qua trường hợp này nên chị Thâm không biết làm gì ngoài mấy mẹo dân gian. Tới lúc cậu của Giang về thăm nhà mới phát hiện cháu bất thường cho đi viện.
Giang nằm ở bệnh viện huyện Phù Yên một tuần mà bác sĩ không tìm ra nguyên nhân. Để giảm chảy máu cam, bé được nhét bông vào hai mũi, nhưng cũng vì thế máu lại tràn ra đường miệng. “Có những lúc cháu ọc ra cả bát to, ướt đầm người hai bà cháu. Tôi hoảng lắm, chỉ sợ mất cháu thôi”, bà Thâm chia sẻ.
Sau đó cậu bé được chuyển xuống Hà Nội, cấp cứu ở Bệnh viện Việt Đức. Khi được can thiệp, tình trạng chảy máu cam đỡ được sau rồi lại như cũ. Bị mất nhiều máu người Giang trắng bệch, ven lấy không nổi. Cậu bé lớp 8 nay còn nặng chừng 25 kg.
Nằm viện hai tuần, chụp chiếu, xét nghiệm đủ kiểu, cũng không xác định được bệnh. Chị Thâm lại cõng cháu sang một số bệnh viện khác nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu của bác sĩ.
“Bác sĩ nói ‘chưa thấy bệnh này bao giờ’ hoặc ‘ở đây không làm được đâu’. Một tay tôi nuôi cháu 13 năm. Nay mà không cứu được cháu, tôi không cam lòng”, chị bộc bạch.
Cuối cùng chị được hướng dẫn đưa bé xuống Bệnh viện K3 Tân Triều. Ban đầu vào đây Định Giang được truyền giảm đau. Các bác sĩ phát hiện một khối u chân bướm hàm, đã tiến hành mổ nội soi; song song làm các loại xét nghiệm, hẹn bốn tuần sau trả kết quả.
Sau ca mổ, tình trạng chảy máu cam đỡ. Nhưng khi về nhà, Giang đau nhức toàn thân, máu tiếp tục chảy. Không ăn được, cơ thể cậu bé chỉ còn da bọc xương. “Những ngày đó như địa ngục. Tôi chỉ ước sao đau đớn của cháu chuyển sang hết mình”, bà ngoại nói. Sau khi làm các xét nghiệm, cậu bé được xác định bị ung thư vòm mũi họng xâm lấn não.
Lộ trình điều trị của Giang là ba đợt truyền hóa chất và 33 mũi xạ, thời gian dự kiến khoảng 6 tháng, chi phí dự kiến 30 triệu đồng.
Nhưng suốt ba tháng đi “vái tứ phương” tìm bệnh cho cháu và quá trình điều trị trước đó ông bà ngoại Giang đã vay mượn cả trăm triệu đồng. Bao nhiêu năm nay gia đình sống dựa vào hai sào ruộng và chăn nuôi nhỏ. Lúc cháu đi viện, họ có duy nhất một con me (bò) bán được 6 triệu đồng.
Đầu tuần rồi, bác sĩ gọi bảo xuống chuẩn bị cho đợt mới, nhưng chị Thâm đi vay mượn mấy nơi không được, đành phải chờ thêm hai ngày cho người thân xoay xở và con trai nhận lương, tổng cộng gom được 10 triệu đồng.
Toàn bộ số tiền đóng hết cho đợt xạ trị mới, trong túi chị Thâm còn 200.000 đồng, trong khi bốn ngày nữa mới tới lịch nhập viện nên phải đi ở trọ. Cùng lúc bác sĩ yêu cầu chuẩn bị mặt nạ cho xạ trị. Người bà đang chưa biết phải làm cách nào có tiền.
May thay có hai đoàn hảo tâm đến tặng cho bé 2,5 triệu đồng. Chị Thâm dẫn cháu đi mua ngay mặt nạ mất 1,5 triệu đồng, số còn lại có đồng ra vào thi thoảng đổi bữa cho cháu bát phở và hoa quả, còn mình ngày nào cũng xếp hàng nhận cơm từ thiện.
Chị Lê Thị Thu Hương, giáo viên chủ nhiệm của Định Giang cho biết cậu bé lớp 8 nhưng bé nhỏ hơn các bạn. Bố mẹ bỏ nhau nên em sống dựa vào cậu mợ và ông bà ngoại. “Hoàn cảnh em như vậy nên đến khi bị bệnh hiểm nghèo nữa mọi người càng thương. Nhà trường đã vận động được một đợt quyên góp cho em lấy tiền đi viện, nhưng thật sự cũng chỉ giúp được một phần nhỏ”, cô Hương chia sẻ.
Ngoài kinh phí, dạo mới đi viện thực sự khó khăn với chị Thâm, một người chưa từng xuống Hà Nội và không biết chữ. Chị bảo nhiều lúc không biết đường đi lối lại; không đọc được khoa phòng hay biết cách làm thủ tục nhập viện, ra viện. Nên có thời điểm chị đã năn nỉ bố của Giang “không có tiền thì góp sức”. Người con rể cũ xuống phụ chị được ba ngày.
Trưa 24/11, trong căn phòng trọ rộng cỡ 5 m2, hai bà cháu mỗi người ăn một suất cơm từ thiện. Trên giường là một túi quần áo cũ mới được cho để có thêm cái mặc cho những ngày lạnh tới.
“Từ lúc tìm được ra bệnh, truyền hóa chất vào, cháu không còn chảy máu cam nữa. Tôi đã trút được nỗi lo”, khuôn mặt bà ngoại giãn ra.
Phan Dương
Điểm trường làng Hrách và Lơ Pơ, huyện Kông Chro được Quỹ Hy vọng và các đơn vị tài trợ xây mới thay thế cho những lớp học đã xuống cấp, thấm dột. Ngày 14/11, gần 100 học sinh, giáo viên Điểm trường Hrách thuộc…
Học sinh trường TH & THCS Quang Minh tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng và ăn liên hoan trong ngày hội do Quỹ Hy vọng và De Heus tổ chức. Ngày hội dinh dưỡng học đường chủ đề “Vững bụng đến trường” được tổ…
Jomoo Việt Nam và trường Hy Vọng đã ký biên bản tài trợ thiết bị trị giá 2 tỷ đồng cho 138 phòng vệ sinh trong ngôi trường mới dành cho 300 trẻ mồ côi vì Covid-19, chiều 14/11. Phát biểu tại buổi ký kết,…
Men vi sinh chứa các vi sinh vật có lợi, hỗ trợ cải thiện cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cải thiện sức khỏe cơ thể song cần tránh lạm dụng. Nội dung: Văn HàThiết kế: Ngân Hà
Dự án Vệ sinh học đường giúp sức khỏe của 98% học sinh được cải thiện nhờ thay đổi thói quen sinh hoạt như rửa tay thường xuyên, không phóng uế bừa bãi, dọn dẹp định kỳ. Đỗ Nam – Kim Anh
Công ty De Heus Việt Nam tài trợ 1,2 tỷ đồng cho dự án “Dinh dưỡng học đường” của Quỹ Hy vọng, cải thiện bữa ăn của học sinh ở ba trường ở Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An. Ba trường được dự án hỗ…