KIÊN GIANG- Thấy bố và bác ngày nào cũng ăn cơm từ thiện, Nhật chỉ mong khỏi bệnh để trở thành mạnh thường quân, giúp đỡ những người yếu thế như mình.
Trước khi nhập viện tháng 3/2023, cậu bé 11 tuổi Lê Ngô Khánh Nhật vẫn nghĩ mình chỉ có một vết sưng trên đầu. Em chưa bao giờ nghe tới từ “u não”, chỉ biết bệnh viện khi đến thăm một người bạn mổ ruột thừa vài năm trước.
Đến khi được các bác sĩ chỉ định mổ, Nhật mới hỏi bố, anh Lê Công Dững “Ca phẫu thuật của con giống mổ cắt ruột thừa không?”. Người cha an ủi bệnh của con chỉ cần tạo một lỗ nhỏ ở sau đầu rồi hút vết sưng ra, mọi việc sẽ ổn sau một giấc ngủ.
Nhưng ca phẫu thuật của Nhật kéo dài gấp đôi thời gian bốn tiếng mà bác sĩ nói với anh Dững. Sau khi tỉnh lại và nhìn vào đồng hồ, cậu bé nói với bố “Con nghĩ bệnh của con lớn hơn mổ ruột thừa nhiều lắm”.
Sau lần phẫu thuật ngày 17/9/2023, 80% khối u được cắt bỏ, trường hợp của Khánh Nhật được bác sĩ chỉ định tiếp tục xạ trị. Trước đó cậu bé nhà ở ấp Cây Thông Ngoài, xã Cửa Dương, Phú Quốc đã trải qua bốn đợt hóa trị, sụt 10 kg cùng những cơn đau chết đi sống lại bởi tác dụng phụ của hóa chất.
Hơn một năm trước, Khánh Nhật bắt đầu có triệu chứng của bệnh khi thường xuyên đau đầu, mắt chuyển đỏ, cả ngày tay chân rã rời, mệt mỏi và không ngủ được. Cứ nhắm mắt là cơn đau đầu lại kéo tới, phải dùng thuốc mới thuyên giảm. Thời gian sau, cả đêm Nhật chỉ thức để uống nước và đi tiểu, mỗi tiếng 6-7 lần. Người mẹ thấy vậy dẫn con trai đi khám nhiều nơi, nhưng đều được chẩn đoán là bệnh thông thường, không phải lo lắng.
Căn bệnh trở nặng khi mí mắt phải của cậu bé sụp hẳn, không còn nhìn thấy gì. Khi đưa lên Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM, các bác sĩ phát hiện khối u ẩn sâu trong não và chuyển sang Bệnh viện ung bướu để điều trị và phẫu thuật.
Đúng thời điểm đó, ông nội Nhật cũng phải nhập viện do ung thư gan giai đoạn cuối. Ông tầng dưới, cháu tầng trên nên phải huy động hết nguồn lực gia đình chăm sóc và cứu chữa. Áp lực kép về tài chính và tinh thần đã đẩy gia đình này vào giai đoạn khó khăn nhất.
Để trang trải chi phí chữa bệnh cho người thân, anh Dững đã vay nợ từ họ hàng, bạn bè cho tới làng xóm. Không thể một lúc chăm hai người bệnh, chị gái anh phải nghỉ làm công nhân, thay phiên cùng em trai chăm bố và cháu. Nuôi người bệnh ung thư như “rót tiền vào cái hố không đáy”, đã có lúc bí bách, người đàn ông 41 tuổi phải chấp nhận vay nóng với lãi suất cao. Đến giờ khoản nợ của gia đình đã lên tới vài trăm triệu đồng.
Anh Dững quê ở An Giang, chục năm trước chuyển cả gia đình vào Phú Quốc bán thuê vật liệu xây dựng. Không có chỗ ở cố định, vợ chồng con cái được ông chủ cho ở nhờ trong nhà xưởng. Nhưng từ khi con trai phát bệnh, anh Dững nghỉ việc lên bệnh viện chăm sóc, người vợ bán cà phê dạo cùng cô con gái không còn được ở lại nhà xưởng. Thuê ngoài không đủ kinh phí, hai mẹ con phải xin tá túc nhà người thân, cố kiếm đồng ra đồng vào lo miệng ăn bốn người cũng như tiền thuốc thang cho Nhật.
Tháng 7/2023, bố anh Dững qua đời. Thời gian này, vợ chồng mỗi khi nhìn thấy nhau qua điện thoại lại khóc nấc. Thấy Nhật hàng ngày vẫn cố gắng vật lộn chống chọi với bệnh tật, họ quyết không bỏ cuộc. Cái chết của người cha dù để lại nhiều đau đớn nhưng càng củng cố quyết tâm phải cứu chữa cho con trai.
“Tôi nằm lòng một câu nói không phải vì nhìn thấy hy vọng mới cố gắng mà bởi cố gắng, nên mới nhìn thấy hy vọng”, anh nói và khẳng định nỗi đau của mình chưa thấm tháp vào đâu so với điều con trai phải chịu đựng mỗi ngày.
Hóa chất truyền vào người giống như một loại axit gặm nhấm nội tạng, khiến Nhật mệt lả, thậm chí không còn đủ sức để khóc. Ở những đợt hóa trị đầu tiên, cậu bé liên tục sốt, dứt cơn là ngứa ngáy khắp người, lòng bàn tay bàn chân phồng rộp những vết như bỏng nước. Tiếp đó là những cơn đau thắt dữ dội khiến Nhật phải quỳ rạp xuống sàn nhà, nằm mãi không thể nhấc người lên. Dù vậy, cậu vẫn phải ăn kể cả khi buồn nôn, thậm chí bịt mũi vừa ăn vừa khóc để có sức.
Sau các đợt hóa trị, tóc Nhật rụng dần. Bắt đầu từ vài sợi nhỏ dính trên gối, rồi chúng rụng mọi lúc mọi nơi, vo lại đầy một nắm tay. Người bố động viên con trai cắt tóc, cắt cùng con.
Ở viện dài ngày, để tiết kiệm, anh Dững cùng chị gái thường xuyên xin cơm từ thiện, còn tiền sữa và đồ ăn của Nhật đều trích từ tiền đi vay cũng như của các mạnh thường quân ủng hộ trước đó.
Biết gia đình được nhiều người giúp đỡ, Nhật nói với bố và bác gái mong muốn sau khi khỏi bệnh sẽ phụ giúp mẹ bán hàng, gom góp tiền quay lại bệnh viện ủng hộ các bạn nhỏ giống mình.
Để đạt được mong ước, trong những lần về nhà sau mỗi đợt hóa trị, cậu bé đều xin ra làm việc bên chiếc xe đẩy bán cà phê của mẹ, tay thoăn thoắt lấy nước cho khách. “Mỗi ngày con tiết kiệm 10.000 đồng, khi nào đầy lợn sẽ quay lại viện làm mạnh thường quân”, Nhật vẽ kế hoạch trong tương lai. Nhưng chưa đạt được cậu đã phải nằm viện dài ngày sau đợt phẫu thuật não.
Dù vậy, mỗi khi ai đó nhắc tới ba chữ “mạnh thường quân”, con mắt còn lại của cậu bé 11 tuổi bỗng bừng sáng. Mỗi lúc như vậy, anh Dững lại cười xoa nhẹ lên đầu con trai, nơi có một vết sẹo chạy dài sau cuộc đại phẫu.
“Bố tin chắc có ngày con sẽ làm được”, người cha nói.
Hải Hiền
Điểm trường làng Hrách và Lơ Pơ, huyện Kông Chro được Quỹ Hy vọng và các đơn vị tài trợ xây mới thay thế cho những lớp học đã xuống cấp, thấm dột. Ngày 14/11, gần 100 học sinh, giáo viên Điểm trường Hrách thuộc…
Học sinh trường TH & THCS Quang Minh tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng và ăn liên hoan trong ngày hội do Quỹ Hy vọng và De Heus tổ chức. Ngày hội dinh dưỡng học đường chủ đề “Vững bụng đến trường” được tổ…
Jomoo Việt Nam và trường Hy Vọng đã ký biên bản tài trợ thiết bị trị giá 2 tỷ đồng cho 138 phòng vệ sinh trong ngôi trường mới dành cho 300 trẻ mồ côi vì Covid-19, chiều 14/11. Phát biểu tại buổi ký kết,…
Men vi sinh chứa các vi sinh vật có lợi, hỗ trợ cải thiện cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cải thiện sức khỏe cơ thể song cần tránh lạm dụng. Nội dung: Văn HàThiết kế: Ngân Hà
Dự án Vệ sinh học đường giúp sức khỏe của 98% học sinh được cải thiện nhờ thay đổi thói quen sinh hoạt như rửa tay thường xuyên, không phóng uế bừa bãi, dọn dẹp định kỳ. Đỗ Nam – Kim Anh
Công ty De Heus Việt Nam tài trợ 1,2 tỷ đồng cho dự án “Dinh dưỡng học đường” của Quỹ Hy vọng, cải thiện bữa ăn của học sinh ở ba trường ở Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An. Ba trường được dự án hỗ…